Người gieo “mầm” Vovinam tại Đài Loan
THỨ 2, 09/02/2015 04:14:05 (GMT+7)
TT - Từ chỗ chỉ có 12 học sinh theo học Vovinam vào năm 2012, phong trào Vovinam tại Đài Loan giờ tăng hơn gấp 20 lần như hiện nay nhờ người gieo “mầm” Peng Shu-Chun (Bành Thục Quân).
Hôm 15-1 vừa qua tại TP.HCM là một ngày đặc biệt với Bành Thục Quân bởi trong lần thứ hai trở lại đất tổ Vovinam, HLV 31 tuổi này đã được Chánh chưởng quản môn phái Nguyễn Văn Chiếu trực tiếp trao và thắt Hoàng đai nhị cho mình trong lễ khai mạc Giải Vovinam học sinh TP.HCM 2015 diễn ra tại Trung tâm thể thao quận 8.
Thay vì phải học khá lâu để đủ điều kiện lên đai, Bành Thục Quân được đặc cách học cấp tốc trong thời gian ngắn khi sang VN lần này nhờ những đóng góp của anh trong việc phát triển phong trào Vovinam tại Đài Loan gần ba năm qua cũng như do đang là chủ tịch Hiệp hội Vovinam Đài Loan.
Tín hiệu vui cho Vovinam
Nói về đóng góp của Bành Thục Quân, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã dành rất nhiều sự khen ngợi. Ông Chiếu nói : “Khác với châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, phong trào Vovinam ở châu Á trước giờ không mạnh. Nhưng từ khi Bành Thục Quân phát triển phong trào Vovinam tại Đài Loan, tại đây đã có vài trăm võ sinh theo học. Không thể phủ nhận việc phải tự bỏ tiền túi mua vé máy bay sang VN học (Liên đoàn Vovinam lo chỗ ăn ở) khiến các võ sinh nước ngoài tận dụng tất cả thời gian để học hỏi. Nhưng Bành Thục Quân khi sang VN năm 2013, cho thấy sự yêu thích Vovinam và chịu khó học hỏi kỹ thuật đặc trưng của môn phái. Như khi chúng tôi quyết định đặc cách cho Quân học cấp tốc để lên Hoàng đai nhị cũng cho thấy Quân có khả năng”.
Nói thêm về phong trào Vovinam tại Đài Loan, ông Chiếu không khỏi tự hào: “Cùng với việc đã phát triển Vovinam tại Nhật Bản (từ năm 2007) và giờ là Đài Loan, đây là một tín hiệu đáng mừng cho võ học nước nhà bởi Nhật Bản và Đài Loan có nền tảng võ thuật mạnh và chỉ xuất khẩu võ thuật thôi chứ không hề nhập khẩu võ nước ngoài nên dễ gì cho võ Việt chen chân vào. Vì vậy, Vovinam có thể ngày càng phát triển tại đây là điều rất mừng và đáng tự hào”.
Mê mẩn với Vovinam
Trước khi đến với Vovinam, Bành Thục Quân từng theo tập và làm HLV trong một thời gian dài các môn võ karatedo, taekwondo, hồng gia quyền (Trung Quốc)... Nhưng kể từ khi biết đến Vovinam qua một đoạn clip tình cờ xem được trên Internet vào năm 2011, Bành Thục Quân bỗng chốc bị võ Việt làm cho mê mẩn. Kể lại thời gian đầu đến với Vovinam, Thục Quân - từng tốt nghiệp đại học văn hóa Trung Hoa ngành võ thuật này kể: “Chứng kiến những đòn thế đẹp mắt của Vovinam trên mạng, tôi lập tức tìm thêm các đoạn clip khác dạy về kỹ thuật để học theo. Không chỉ vậy, tôi cố liên lạc với những người đưa đoạn clip đó lên để có thể tìm hiểu kỹ hơn. Thật may là cuối năm 2012 tôi liên lạc được với võ sinh vovinam quê Thái Bình đang làm việc ở Đài Loan là Phạm Văn Tuấn để có thể học hỏi trực tiếp”.
Do làm việc ở tỉnh Cao Hùng nên mỗi chủ nhật, Tuấn lại đón tàu lửa đi Đài Nam để dạy kỹ thuật Vovinam cho Quân. Với vốn kỹ thuật căn bản khá vững vàng do đã tập luyện nhiều môn võ khác nhau, Bành Thục Quân đã lĩnh hội Vovinam một cách nhanh chóng. Không chỉ học, anh còn mạnh dạn đề xuất lên lãnh đạo trường học mà mình đang đứng lớp giáo dục thể chất để có thể dạy thêm Vovinam. Màu áo xanh đặc trưng của Vovinam cứ thế ngày một xanh hơn ở Đài Loan qua thời gian.
Về cội nguồn để tìm hướng đi
Không phải việc truyền dạy Vovinam của Bành Thục Quân lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2013, phong trào tại đây có dấu hiệu đi xuống do Quân, rồi Tuấn và những người có tâm huyết khác gặp khó khăn trong việc tìm ra đường lối hoạt động sau khi Hội Vovinam tại Đài Loan ra đời. Điều đó đã thôi thúc Quân phải tìm về VN, tìm về với cội nguồn Vovinam để nghiên cứu kỹ hơn môn võ cũng như có thể tìm được lời khuyên từ những bậc tiền bối trong môn phái. Kết quả là tháng 8-2013, sau khi dành dụm tiền mua vé máy bay, Bành Thục Quân bay đến TP.HCM. Một tháng trời ăn học tại đây không chỉ giúp kỹ thuật của anh được nâng lên nhiều mà còn mở ra hướng đi mới để phát triển Vovinam tại Đài Loan.
Nhận được giấy chứng nhận hoàng đai nhị, trong niềm vui, Bành Thục Quân chia sẻ: “Tôi thích Vovinam vì nó tập hợp hầu như tất cả kỹ thuật của các môn võ khác. Kỹ năng chiến đấu của Vovinam không chỉ đẹp mắt mà cũng rất thực dụng. Nhận được hoàng đai nhị trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, và tôi sẽ cố gắng phát triển phong trào tại Đài Loan hơn nữa”.
NGUYÊN KHÔI
* Nguồn : http://thethao.tuoitre.vn/tin/2015/02/09/cac-mon-khac/nguoi-gieo-mam-vovinam-tai-dai-loan/62706.html