Vào những ngày đầu xuân Giáp Thìn năm 2024, một tin buồn từ trời Âu bất ngờ bay về đất Việt: trụ cột phong trào Vovinam Việt Võ Đạo miền Tây trước năm 1975 - võ sư Nguyễn Văn Nhàn (pháp danh: Huệ Minh Nhựt, môn hiệu: Trung Đạo, bút hiệu: Toàn Trung và Quang Nam) đã theo chân Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng về cõi vĩnh hằng vào lúc 14 giờ 6 phút ngày 25/02/2024 (nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại bệnh viện Universitatsklinikum Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức sau một thời gian dài lâm bệnh, hưởng thọ 75 tuổi. Lễ an táng võ sư Nguyễn Văn Nhàn sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 11/3/2024 tại Darmsdadt, Cộng hòa Liên bang Liên bang Đức.
Ảnh: VS.Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn (13-7-1950 & 25-2-2024).
Võ sư Nguyễn Văn Nhàn sinh ngày 13/7/1950 tại Chợ Lớn. Bắt đầu tập luyện Vovinam vào khoảng cuối năm 1964 tại Trung tâm Huấn luyện Võ thuật Vovinam (số 61 đường Vĩnh Viễn, Quận 10, Sài Gòn) do Chưởng môn Lê Sáng trực tiếp hướng dẫn, võ sư Nguyễn Văn Nhàn từng tham gia huấn luyện tại võ đường 61 Vĩnh Viễn, võ đường Hùng Vương (số 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, nay là Tổ đường) và vài võ đường khác ở Sài Gòn… Môn sinh thường xuyên đánh cặp với võ sư Nguyễn Văn Nhàn và biểu diễn bài Song luyện kiếm là võ sư Trần Ngọc Trình, hiện đang dưỡng bệnh ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Khoảng cuối năm 1969, võ sư Nguyễn Văn Nhàn đã được Chưởng môn Lê Sáng thăng cấp Chuẩn hồng đai và phân công đi xây dựng phong trào Vovinam miền Tây (các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Với nhiệt tình và nghị lực của tuổi trẻ, võ sư đã cùng các võ sư Phạm Văn Sinh (Hoàng Minh Cường), Dương Minh Nhơn, Nguyễn Tôn Khoa, Nguyễn Văn Sen, HLV Nguyễn Bá Thuận, Trần Văn Thái, Huỳnh Vị Tiền Tiếp, Dương Minh Hải cùng các môn sinh được đào tạo tại chỗ và nhiều nguồn đào tạo khác đã xây dựng và quảng bá Vovinam ở nhiều tỉnh miền Tây như: Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Châu Đốc, Bạc Liêu, Định Tường, An Xuyên, Kiến Phong, Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Phong Dinh (nay là thành phố Cần Thơ), Chương Thiện (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), Gò Công, Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre), Long An, Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh)... Phong trào từng bước lớn mạnh, chỉ 3 năm sau thời kỳ manh nha, từ ngày 24 đến 26/11/1972, Lễ khai phá đệ tam chu niên (lần thứ 3) và Lễ mang đai khóa VIII Việt Võ Đạo Miền Tây đã được tổ chức tại khu kỹ nghệ Tây Đô, Trà Nóc, tỉnh Phong Dinh, thu hút khoảng 2.000 môn sinh các tỉnh Miền Tây về cắm trại, dự lễ và đón tiếp Chưởng môn Lê Sáng.
Ảnh: Các môn sinh Tổng cục Huấn luyện (Sài Gòn) biểu diễn trong Lễ khai phá Miền Tây tại Long Xuyên, tháng 10-1969 – Ảnh do HLV Nguyễn Thị Nga (bìa phải) cung cấp.
Trong tập thơ Nhớ nguồn, Chưởng môn Lê Sáng (bút danh Quang Vũ) đã dành cho Vovinam Việt Võ Đạo miền Tây lời khen ngợi qua bài thơ Miền Tây xiển đạo:
Miền Tây luyện thép dựng trường thành,
Việt Võ vươn mình trên lúa xanh,
Vùng đất sản sinh vùng quảng phát,
Niềm tin dẫn đạo cuộc tung hoành.
Khí thiêng sông núi thân nhân kiệt,
Mạch sống quê hương đắc địa linh,
Tâm đạo hòa theo dòng đạo vị,
Bốn năm dựng nghiệp chí bình sinh.
1973
Ảnh: Chưởng môn Lê Sáng dự Lễ truyền thống lần thứ 24 Vovinam Miền Tây & Kỳ thi Trung đẳng khóa II-1993 tại Cần Thơ.
Với công lao xây dựng và phát triển phong trào Vovinam Việt Võ Đạo nơi vùng đất mới, võ sư Nguyễn Văn Nhàn được Chưởng môn Lê Sáng bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo miền Tây. Đến Mùa tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc năm 1973, võ sư Nguyễn Văn Nhàn đã được Chưởng môn Lê Sáng vinh thăng Hồng đai. Cùng vinh thăng đợt này có 2 đàn anh của võ sư Nguyễn Văn Nhàn là võ sư Ngô Kim Tuyền (1947-2019, Cục trưởng Cục Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo Tây Bắc) và Trần Tấn Vũ (Trần Vui, một võ sư có nhiều công lao phát triển Vovinam Việt Võ Đạo ở một số tỉnh miền Trung, hiện đang sinh sống tại thành phố Kon Tum).
Ảnh: VS.Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn.
Trong những ngày vui này, Chưởng môn Lê Sáng đã viết tặng cho 3 môn sinh ưu tú bài thơ Vượt vũ môn (cũng in trong tập thơ Nhớ nguồn "http://vovinam.phutho.vn/TIN-TUC/2432637/105567/VUOT-VU-MON-TUYEN-TAP-THO-NHO-NGUON-QUANG-VU-NHAC-VSCAO-VAN-CAT-SURMONTER-LES-DEFITS-POUR-REUSSIR-COLLECTION-DES-POEMES-PENSER-A-LA-RESSOURCE-QUANG-VU-MUSIQUE-CAO-VAN-CAT.html"):
Vũ môn là đó, chuyện ngư long,
Sự nghiệp ghi thêm một điểm hồng,
Võ Việt vinh thăng ba tuấn kiệt,
Đạo Nam hưng phấn một tâm đồng.
Tâm Thân cách mạng hòa nhân loại,
Trí dũng tô bồi mạnh núi sông,
Dân tộc soi đường người đạo nghĩa,
Tương lai còn mãi đại thành công.
1973
Năm 1980, võ sư Nguyễn Văn Nhàn định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức. Chỉ một thời gian sau, võ sư Nguyễn Văn Nhàn đã lãnh đạo và cùng một số đồng môn, môn đệ vượt qua nhiều thách thức, dấn thân xây dựng Đại phong trào Vovinam Việt Võ Đạo châu Âu (1980-1990), tạo được tiếng vang nơi xứ người… Từ năm 2012, ông xây dựng và lãnh đạo Đại gia đình Vovinam Việt Võ Đạo Hùng Vương. Những năm gần đây, tuy sức khỏe có phần suy giảm, nhưng võ sư Nguyễn Văn Nhàn vẫn luôn gắn bó cùng sự nghiệp quảng bá môn phái với nhiều ước vọng. Mỗi khi điều kiện cho phép, ông đã không quản ngại đường xa đi đến một số nước châu Âu, Mỹ, Úc… để thăm hỏi, động viên phong trào…
Ảnh: Souvenir picture on Overseas Vovinam Tournament 2018 at San Jose, California, USA...
Trong cuộc sống đời thường, võ sư Nguyện Văn Nhàn hiếu thuận trong gia đình và môn phái. Chưởng môn Lê Sáng lâm bệnh, ông đã từ Đức trở về nước cùng chung tay với các đồng môn chăm sóc Chưởng môn. Khi Chưởng môn qua đời, võ sư Nguyễn Văn Nhàn đã chịu tang như một hiếu tử. Nhân Tuần hương tưởng niệm lần thứ 13 (2013), võ sư Nguyễn Văn Nhàn cũng đã biên soạn Sơ lược tiểu sử Chưởng môn Lê Sáng với tất cả ân tình.
Võ sư Nguyễn Văn Nhàn lập gia đình tại Đức và có 6 người con (1 trai). Dù sinh trưởng nơi xứ người, các con của võ sư đều được dạy dỗ chu đáo, giữ vững nền nếp gia phong, đạo lý của dân tộc Việt Nam, học hành đến nơi đến chốn và thành đạt.
Ảnh: "Ngũ Lông Công đầy tài năng của VS.Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn.
Tuy tính tình hơi nghiêm khắc, nhưng võ sư Nguyễn Văn Nhàn rất thương mến và bao dung môn đệ. Nhiều môn sinh Vovinam miền Tây trước năm 1975 và cả những môn sinh ở nước ngoài sau năm 1975 vẫn luôn dành cho võ sư Nguyễn Văn Nhàn những tình cảm quý mến.
Ảnh: VS.Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn lưu niệm cùng cô học trò VS.Cẩm Bình cùng các môn sinh Vovinam San Jose - Franklin Elementary School.
Mấy tháng gần đây, bệnh tình của võ sư Nguyễn Văn Nhàn trở nặng, nhưng võ sư vẫn lạc quan và ấp ủ nhiều hoài bảo phát triển môn phái Vovinam Việt Võ Đạo mà võ sư đã gắn bó suốt 60 năm qua… Những bức thư võ sư viết cho một số đồng môn từ giường bệnh đều chân tình và đồng cảm. Nhưng rồi võ sư đã vội vã ra đi, lưu lại cho gia đình, đồng môn và nhiều môn đệ biết bao niềm thương tiếc…