THẾ GIỚI 14:25 NGÀY 27/11/2014
Báo Mỹ ca ngợi môn võ đặc sắc của Việt Nam
CNN mô tả Vovinam - Việt Võ Đạo là bộ môn kết hợp tinh túy của võ học Việt Nam và thế giới, giúp người luyện tập khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vovinam - Việt Võ Đạo dựa trên võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ảnh:CNN
Khi các võ sinh đang tập luyện tại một võ đường ở thành phố Hồ Chí Minh, võ sư Nguyễn Văn Chiếu ngồi phía ngoài, yên lặng theo dõi với ánh mắt mãn nguyện. Người võ sư 65 tuổi đã cống hiến cả cuộc đời quảng bá Vovinam, môn võ cổ truyền của Việt Nam. Những người trẻ tuổi thể hiện một màn trình diễn ấn tượng trước ống kính, phô diễn những kỹ thuật đẹp mắt của Vovinam, bao gồm những cú đá và các màn đấu kiếm. Môn võ thuật này thu hút được nhiều người luyện tập tại Việt Nam có công lớn của võ sư Văn Chiếu. Ông đã dành hơn bốn thập kỷ vun đắp sự phát triển của bộ môn. Tại độ tuổi của ông, võ sư Văn Chiếu đã có thể nghỉ ngơi, nhưng "vẫn còn nhiều việc phải làm", ông nói. "Giấc mơ của tôi là mở một võ đường, một ngôi trường lớn để mọi người khắp nơi trên thế giới có thể đến với Việt Nam, nghiên cứu và tập luyện Vovinam," võ sư Văn Chiếu chia sẻ với phóng viên CNN. "Vovinam phù hợp với tất cả mọi người… và môn võ đặc biệt thích hợp với các bài luyện tập cho lực lượng vũ trang và tự vệ cho phụ nữ".
Môn võ hoàn thiện
Võ sinh phải thể hiện sức mạnh và tốc độ trong các đòn đá và đấm. Ảnh: CNN
Vovinam được sáng lập tại Hà Nội bới võ sư Nguyễn Lộc năm 1938, kết hợp các yếu tố của võ thuật truyền thống Việt Nam và các môn võ khác trên thế giới. Môn võ phối hợp cả yếu tố nhu và cương, võ sư Văn Chiếu chia sẻ về hai trường phái đối lập trong võ thuật phòng vệ. "Cương" là khi dùng lực bản thân để phòng vệ trong khi "nhu" sử dụng chính lực của đối phương để tước vũ khí và phòng ngự.
"Với nhiều kỹ thuật đa dạng, Vovinam là một môn võ hoàn thiện", Nguyen Hung, phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam tại Pháp, nói.
Ví dụ, Judo sử dụng chính các kỹ thuật ném, Taekwondo sử dụng đá và Karate không có các vũ khí truyền thống. Vovinam kết hợp tất cả nguyên lý riêng rẽ này, sử dụng đòn đá, đấm, ném, tự vệ, vật và các vũ khí truyền thống cùng với kỹ thuật kẹp chân đặc trưng.
Đòn kẹp ngoạn mục này đòi hỏi kỹ thuật đòn chân bay người vắt chéo đẹp mắt nhằm vô hiệu hóa đối phương bằng cách khóa chân, thân người hay thậm chí vùng cổ.
Đồng thời, môn võ cũng có những màn tự vệ với vũ khí, như cách các võ sinh tại thành phố Hồ Chí Minh đang luyện tập. Đầu tiên, một người múa Đại đao, loại vũ khí dài tầm 1,8 m với lưỡi rộng và sáng loáng ở đầu, trước khi xoay tròn như những hoạt náo viên. Lúc sau, hai cô gái biểu diễn tự vệ với kiếm, trông họ giống như đang diễn tập các pha nguy hiểm trong một bộ phim hành động bom tấn.
Nhưng trong Vovinam, thể chất gắn liền với tinh thần và sự tĩnh tâm. "Bạn phải có một ý chí mạnh mẽ, quyết tâm trong mọi tình huống. Tinh hoa của Vovinam cũng nằm trong sự cân bằng của các bài luyện tập kỹ thuật và tâm hồn," võ sư Nguyen Hung nói.
Hơn tất cả, Vovinam là môn võ về tinh thần nhằm xây dựng nhân cách cho người tập và xã hội hơn là đơn thuần đào tạo người biết võ.
Môn võ cho tất cả mọi người
Vovinam bao gồm cả các bài luyện tập với vũ khí. Ảnh: CNN
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu luyện tập từ năm 16 tuổi và bắt đầu dạy võ đầu nhưng năm 1970 và trở thành giám đốc một trung tâm thể dục thể thao quận 8. Năm 1978, ông là người đầu tiên phục hồi Vovinam tại TP HCM. Những năm 1980, ông bắt đầu phát triển môn võ tới thế giới, tổ chức các sự kiện quảng bá tại hơn 20 quốc gia, đầu tiên là Belarus năm 1990.
|
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trên trang tin của CNN. Ảnh: CNN.
|
Ngày nay, Liên đoàn Vovinam Thế giới ước tính có hơn một triệu võ sinh ở Việt Nam và 500.000 người luyện tập tại 52 quốc gia trên thế giới. Tính riêng ở Pháp, Nguyen Hung cho biết có khoảng 10.000 người luyện tập và đầu năm nay, thủ đô Paris của Pháp đã tổ chức giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ tư.
"Vovinam bắt nguồn từ Việt Nam và nay đã trở thành môn võ thuật cho tất cả mọi người," ông Nguyen Hung nói. Năm 2009, môn võ được chấp thuận vào chương trình của Đại hội Thể thao châu Á trong nhà trước khi xuất hiện tại kỷ thể thao Đông Nam Á hai năm sau đó.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã có thể nhìn lại thành quả cuộc đời mình với vẻ hài lòng và tự hào. "Tôi đã sống một cuộc đời võ thuật, nói chung tôi không giàu. So với những người làm các việc khác, tôi có thể nghèo hơn. Nhưng tôi theo đuổi con đường này vì đam mê và tinh thần của môn võ, và vì tôi đã học từ các thầy của mình nên tôi phải đáp ơn họ. Đó là sứ mạng của tôi.
" Dù đã cao tuổi, võ sư vẫn rất dẻo dai và có thể luyện tập các bài mà nhiều người cùng độ tuổi đều phải e ngại. "Có rất nhiều lợi ích Vovinam đem lại như sức khỏe và năng lượng để làm việc. Khi tôi luyện tập, tôi cảm thấy khỏe hơn và môn võ còn giúp tôi tránh xa rượu bia !
Trung Hiếu
Bài viết : http://news.zing.vn/Bao-My-ca-ngoi-mon-vo-dac-sac-cua-Viet-Nam-post484237.html#detail0
Nguồn Zing News