VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
VĨNH LONG
Vĩnh Long là 1 trong 6 tỉnh ở Nam kỳ (Lục tỉnh Nam kỳ) do vua Minh Mạng thành lập năm 1832, gồm: Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hợp nhất tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới mang tên là tỉnh Cửu Long, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Vĩnh Long. Ngày 26-12-1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII ra nghị quyết giải thể tỉnh Cửu Long để tái lập tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh như cũ.
Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện: Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm. Với diện tích 1.525,6 km², dân số Vĩnh Long là 1.022.791 người (tính đến ngày 1-4-2019). Nhìn bao quát, tỉnh Vĩnh Long như một hình thoi nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long: phía đông giáp tỉnh Bến Tre, phía đông nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp thành phố Cần Thơ, phía tây bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía đông bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía tây nam giáp tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
Do địa thế và lịch sử hình thành, từ ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống lâu đời ở đây đã hòa quyện và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Vĩnh Long có khá nhiều loại hình văn học dân gian như: nói thơ Vân Tiên, nói tuồng, nói vè, hát Huê Tình, cải lương... Vĩnh Long cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: thành Long Hồ, Công thần miếu Vĩnh Long, đình Tân Giai, đình Tân Hoa, Văn Thánh miếu Vĩnh Long... (Nguồn: Wikipedia.org, bản tiếng Việt)
I. Những bước mở đầu 1970 - 1975
Năm 1970, được sự hỗ trợ của ông Ðinh Quang Tuệ (1946-2015), Trưởng ty Xã hội tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ, võ sư Trần Huy Phong đã cử một số HLV trẻ ở Sài Gòn đến tỉnh lỵ Vĩnh Long xây dựng phong trào Vovinam Việt Võ Ðạo. Khởi đầu là thành lập Trung tâm Huấn luyện Vovinam tỉnh Vĩnh Long tại Ty Xã hội tỉnh Vĩnh Long. Các lớp tập sau đó được khai giảng tại một số địa điểm như Ty Xã hội, Trường Sư phạm, Ðại chủng viện Vĩnh Long, v.v... do các HLV Hồ Tấn Anh, Nguyễn Gia Ðức, Nguyễn Văn Khải, Trần Huy Quyền, Phạm Công Ðệ, Nguyễn Ngọc Anh, Trần Ngọc Thơ, Nguyễn Văn Hưởng, Huỳnh Văn Hoa, Huỳnh Thành Công, Nguyễn Văn Thiệt v.v. phụ trách.
Lớp HLV Vovinam tại Trung tâm Cái Vồn, Vĩnh Long, đầu thập niên 1970.
Vào thời điểm này hoặc muộn hơn một chút, một số quận thuộc tỉnh Vĩnh Long cũng xây dựng phong trào như quận Chợ Lách (HLV Nguyễn Bá Dương, Trần Thiện Cơ); quận Tam Bình (HLV Huỳnh Lâm), quận Minh Ðức (HLV Nguyễn Tiến Hóa), v.v.
Năm 1972, lớp đào tạo HLV cấp tốc cho Quân đoàn IV được tổ chức tại Trung tâm Cái Vồn (quận Bình Minh) do HLV Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Vang hướng dẫn. Từ năm 1972 đến 1974, Trung tâm Cái Vồn đã đào tạo được 4 khóa. Một số HLV xuất thân từ trung tâm này như Vũ Anh Việt, Nguyễn Ðăng Ðộ, Nguyễn Văn Nga (khóa 1), Nguyễn Văn Phán (khóa 2), v.v. Ðến cuối năm 1972 phong trào được phát triển thêm trong các trường phổ thông của huyện Bình Minh.
Nhìn chung, sau 5 năm quảng bá, môn võ Vovinam đã được nhiều người dân Vĩnh Long ưa chuộng.
II. Tiếp nối phong trào
Sau 4 năm tạm lắng, các HLV Huỳnh Thành Công, Nguyễn Tuấn Kiệt đã gầy dựng lại vài lớp tập tại trường Kiều Anh, phường 1, thị xã Vĩnh Long (lúc này thuộc tỉnh Cửu Long) vào năm 1979. Dù rất cố gắng nhưng các lớp chỉ tồn tại khoảng 1 năm.
Ðến năm 1985, các HLV Huỳnh Thành Công, Trần Thanh Hải, Nguyễn Văn Ðời, Võ Thành Ða, Nguyễn Văn Trọng tái lập phong trào, khai giảng nhiều lớp tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Cửu Long, Trường Trung học Lưu Văn Liệt, Công an thị xã Vĩnh Long và Nhà Văn hóa thị xã Vĩnh Long... Phong trào thu hút trên 300 võ sinh tập luyện.
Từ năm 1987 đến năm 1993, với sự hỗ trợ của VS Phạm Thành Nam, nhiều lớp Vovinam đã mở lớp ở Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, v.v. Nhờ lực lượng môn sinh là sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm mà sang năm 1990 phong trào phát triển đến các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh, v.v. với sự hướng dẫn nhiệt tình của các HLV Nguyễn Văn Thật, Cam Ngân Lực, La Huy Dũng, Trương Văn Dư, Nguyễn Văn Tuấn cùng các HLV được đào tạo tại các trường trung học ở quận Bình Minh hồi năm 1972 như Nguyễn Văn Nhã, Trần Thanh Sơn, Ðồng Trung Tín, Tào Quang Hiển, Nguyễn Hữu Hòa, Võ Thành Ba… Phong trào thu hút trên 500 môn sinh thường xuyên luyện tập.
Chấm thi thăng cấp ở Vĩnh Long năm 1993.
III. Trên đường phát triển
Cuối năm 1993, võ sư Phạm Thành Nam không còn hỗ trợ cho Vovinam tỉnh Vĩnh Long. Nhằm tiếp tục củng cố và phát triển phong trào, Bộ môn đã thống nhất và đề nghị Sở Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long thành lập Ban chuyên môn Vovinam tỉnh Vĩnh Long để quản lý phong trào ở các huyện. Thành phần Ban chuyên môn Vovinam tỉnh Vĩnh Long lúc đó gồm: VS Huỳnh Thành Công (Trưởng ban), VS Trần Thanh Sơn (Phó ban), VS Nguyễn Văn Thật (Phó ban) và VS Ðồng Trung Tín, VS Tào Quang Hiển (ủy viên).
Từ khi thành lập Ban chuyên môn, phong trào tiếp tục được củng cố ở Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh, Trường Ðại học Cửu Long và đến năm 2009 phong trào phát triển rộng khắp trong tỉnh. Nhằm phát triển phong trào, ngoài việc đào tạo HLV tại các CLB, Ban chuyên môn chọn Trường Cao đẳng Vĩnh Long để đào tạo HLV cho tỉnh. Năm 1995, Ban chuyên môn còn soạn thảo giáo trình huấn luyện từ cấp Lam đai đến Hoàng đai để các HLV làm tài liệu tham khảo.
Thi thăng cấp Trung đẳng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2008.
Từ năm 1993 đến năm 2001, Ban chuyên môn Vovinam Vĩnh Long tập trung vào việc củng cố và phát triển phong trào. Ðược sự quan tâm, giúp đỡ của ngành TDTT, các kỳ thi thăng cấp Trung đẳng Vovinam được tổ chức đều đặn hàng năm, mỗi kỳ thi có hàng trăm thí sinh tham dự đã góp phần đào tạo lực lượng HLV cho tỉnh nhà. Giải vô địch Vovinam của tỉnh cũng được tổ chức thường xuyên thu hút hàng trăm VÐV góp mặt.
Vovinam Vĩnh Long tổ chức thi thăng cấp Trung đẳng năm 2013.
Thi thăng cáp Sơ đẳng tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, năm 2018.
Giải Vovinam huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long năm 2018.
Ðặc biệt, ngành TDTT tỉnh Vĩnh Long luôn hỗ trợ và cử đoàn tham dự các giải Vovinam toàn quốc. Các VÐV thi đấu đoạt HCV quốc gia nhiều năm liền như Huỳnh Ðăng Khoa, Nguyễn Phú Quốc, Nguyễn Ngọc Yên, Nguyễn Thị Thanh Hiền...
Tháng 9 năm 2002, Sở TDTT tỉnh Vĩnh Long cho thành lập lớp Năng khiếu Vovinam với 1 HLV và 6 VÐV. Ðây là bước phát triển mới của Vovinam Vĩnh Long trong lĩnh vực thể thao thành tích cao.
Một số huấn luyện viên Vovinam là thành viên đội bóng đá Trường Năng khiếu TDTT Vĩnh Long.
Ðể ổn định và phát triển thể thao thành tích cao, Ban chuyên môn phải ra sức nghiên cứu và học hỏi để soạn thảo tài liệu huấn luyện theo quy trình sư phạm gồm các kiểm tra năng khiếu, kiểm tra VÐV và thang điểm. Chương trình huấn luyện ngắn hạn và dài hạn. Kế hoạch huấn luyên các đội tuyển. Giáo án huấn luyện và đặc biệt phải xây dựng Hệ thống các bài tập kỹ, chiến thuật và thể lực huấn luyện thi đấu đối kháng Vovinam.
Thi thăng cấp Trung đẳng năm 2019.
Vovinam Vũng Liêm (Vĩnh Long) dự Lễ Tưởng niệm Chưởng môn Lê Sáng lần thứ 19-2019.
Với những kết quả khả quan đã giành được, hiện nay, Bộ môn Vovinam có đội Năng khiếu và đội tuyển Trẻ thuộc Trường Năng khiếu TDTT với 2 HLV và 26 VÐV. Ðội tuyển tỉnh thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT với 1 HLV và 9 VÐV. Các VÐV Vovinam Vĩnh Long thi đấu đạt hàng trăm huy chương tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế. Tham dự giải Trẻ toàn quốc, Vĩnh Long luôn đạt thứ hạng cao, nhiều lần xếp hạng ba toàn đoàn. Các giải vô địch quốc gia và quốc tế cũng xuất hiện nhiều VÐV xuất sắc như Nguyễn Thị Yến Vân nhiều năm liền vô địch quốc gia và HCV hạng cân 51kg Ðại hội TDTT toàn quốc năm 2006; Trần Thị Thanh Chúc nhiều năm liền vô địch quốc gia hạng cân 54kg, HCV thế giới năm 2009 và HCV châu Á năm 2010; Nguyễn Thị Ngọc Trâm nhiều năm liền vô địch quốc gia hạng cân 48kg, HCV thế giới năm 2017, HCB Ðông Nam Á năm 2017; Phùng Thị Hồng Thắm nhiều năm liền vô địch quốc gia hạng cân 60kg, HCV thế giới năm 2017, HCV Ðông Nam Á năm 2017...
Vovinam Vĩnh Long tham dự Lớp tập huấn Trọng tài toàn quốc.
Hiện nay, phong trào Vovinam đã phát triển rộng khắp ở 7 huyện, thị và thành phố Vĩnh Long với 52 CLB, 145 võ sư, HLV (1 Hồng đai II, 9 Hồng đai I, 12 Chuẩn hồng đai, 35 Hoàng đai III...), thu hút trên 2.500 võ sinh đang tập luyện thường xuyên. Nhiều võ sư, HLV đầy tâm huyết đang trực tiếp giảng huấn tại thành phố, thị xã và các huyện như Nguyễn Thanh Nam, Lê Anh Tuấn, Lương Thanh Sơn, Nguyễn Thị Chiêu Hằng, Võ Bá Thiện, Phạm Văn Hùng, Trần Văn Ẩn... (thành phố Vĩnh Long), Văn Tấn Tài, Nguyễn Phú Huỳnh, Biện Công Bình, Trần Quốc Duy Khánh... (huyện Long Hồ), Trương Minh Chánh, Nguyễn Văn Thi... (huyện Mang Thít), Phạm Hồng Thái, Nguyễn Xuyên... (huyện Tam Bình), Lê Huỳnh Ðầy, Lê Văn Bề... (huyện Vũng Liêm), Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Trọng, Thạch Oanh Na, Phan Thành Nhân, Phạm Thành Khang... (huyện Trà Ôn), Cam Ngân Lực, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Ðình Phúc Bình, Bùi Tấn Thái Bình... (thị xã Bình Minh), Ðồng Trung Tín, Phan Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Thanh Phong. Nguyễn Thanh Ngân, Nguyễn Văn Ðức, Nguyễn Văn Trung... (huyện Bình Tân). Về công tác tổ chức, từ năm 2007, VS Huỳnh Thành Công được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Vovinam. Nhân kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long (1969-2019), một số võ sư, HLV, VĐV Vovinam Vĩnh Long đã được Liên đoàn Vovinam Việt Nam tặng Bằng khen: Huỳnh Thành Công, Huỳnh Đăng Khoa, Trương Minh Chánh, Trần Thị Thanh Chúc, Lê Hồng Phượng Ngân.
Giải vô địch Vovinam tỉnh Vĩnh Long năm 2020.
Ban huấn luyện và các vận động viên Vĩnh Long giành được huy chương tại giải vô địch toàn quốc 2020 tại Hà Tĩnh.
Trải qua nhiều bước thăng trầm, được sự quan tâm giúp đỡ cùa ngành TDTT địa phương, Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, Liên đoàn Vovinam Việt Nam cùng với tinh thần đoàn kết và cả quá trình lao động khoa học, sáng tạo của nhiều thế hệ võ sư, HLV, HDV và môn sinh, Bộ môn Vovinam tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc, góp phần vào quá trình quảng bá Môn phái.
Bộ môn Vovinam Việt Võ Đạo Vĩnh Long
Tháng 12/2019
Võ sư Huỳnh Thành Công (đứng, thứ 4 từ phải) cùng các thành viên Ủy ban Kỹ thuật và Hội đồng Võ sư Chưởng quản.