VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
ĐẮK NÔNG
I. Khái quát về tỉnh Đắk Nông
Đắk Nông là một tỉnh ở Tây Nguyên được thành lập từ năm 2004. Phía bắc tỉnh Đắk Nông giáp Đắk Lắk, phía đông và đông nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía tây giáp tỉnh Bình Phước và nước bạn Campuchia.
Đắk Nông nằm ở phía Trung Bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn, trên một vùng cao nguyên, độ cao trung bình 500m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng, có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ trải dài về phía đông. Phía tây địa hình thấp dần, nghiêng về phía Campuchia, phía nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ.
Đắk Nông có 3 hệ thống sông chính: sông Ba, sông Sêrêpôk (các nhánh Krông Bông, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô...) và một số sông nhỏ khác, nhiều thác nước cao, thủy năng lớn, nhiều khu du lịch nổi tiếng như thác Trinh Nữ, Đraysáp, Gia Long, Bảo Đại, v.v.
Khí hậu vùng này tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 24°C, tháng nóng nhất và lạnh nhất chỉ chênh lệch trung bình 5°C. Thời tiết và lượng mưa phụ thuộc theo mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều gió và hơi lạnh, thời tiết khô hạn, nhiều khe suối khô cạn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm, lượng nước rất lớn, nhiều năm bị ngập lụt ảnh hưởng đến nông nghiệp cũng như giao thông.
Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố (Gia Nghĩa) và 7 huyện (Đăk Rlấp, Tuy Đức, Cư-Jút, Đắk Mil, Đăk Glong, Đắk Song, Krông Nô) với 71 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã. Theo kết quả điều tra ngày 01-4-2019, dân số tỉnh Đắk Nông là 622168 người, gồm các dân tộc Kinh, Êđê, Mnông, Mnông Mạ, và một số dân tộc phía Bắc như Thái Nùng, Tày, Nùng, Hơ Mông… mới vào lập nghiệp sau năm 1975. Đắk Nông trải dài khoảng 150km theo Quốc lộ 14, từ cầu 14 giáp tỉnh Đắk Lắk đến huyện Đăk Rlâp giáp tỉnh Bình Phước. Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
II. Phong trào Vovinam tại các huyện Cư-Jút, Đắk Mil, Krông Nô (1984-2004)
Tuy tỉnh Đắk Nông mới thành lập năm 2004 nhưng Vovinam đã đươc tập tại xã Cư-Jút (lúc đó còn thuộc tỉnh Đắk Lắk) từ năm 1984 do 2 huấn luyện viên Nguyễn Văn Quang và Phạm Tú Nghĩa hướng dẫn. Khoảng 1 năm sau, do hoàn cảnh gia đình nên HLV Nguyễn Văn Quang chỉ sinh hoạt nhưng không huấn luyện. Lớp Vovinam đầu tiên do HLV Phạm Tú Nghĩa hướng dẫn là những học sinh Trường cấp 1&2 Cư-Jút, xã Cư-Jút, thị xã Ban Mê Thuột với 1 lớp võ 18 em luyện tập trên nền nhà đất, thắp đèn dầu. Lúc đầu là loại đèn bắp chuối hơn năm sau mới mua được 1 cái đèn ABC, không võ phục thiếu đủ mọi điều kiện nhưng với nhiệt tình của thầy và tinh thần khắc phục mọi khó khăn của trò nên lớp học vẫn được duy trì tốt trong nhiều năm. Để quãng bá và duy trì Vovinam, HLV Phạm Tú Nghĩa đã thu học phí trị giá bằng 1 lít dầu (5 đồng), hướng dẫn té ngã cho đội bóng đá, đội điền kinh của trường, huấn luyện khóa gỡ cho đội cờ đỏ, lồng ghép các tiết mục kỹ thuật cơ bản Vovinam biểu diễn trong những dịp lễ hội của trường nên được phụ huynh, thanh thiếu niên ủng hộ. Nhắc đến những năm tháng nhiều khó khăn đó, Vovinam Cư-Jút không quên sự giúp đỡ của quý thầy ở Đắk Lắk như Trần Bảo, Lê Hữu Đức, Phạm Công Đệ, Trần Hoàng Khải, Phan Hữu Phước, v.v.
Đại diện Ban huấn luyện Vovinam Đắk Lắk tại Lễ tưởng niệm Sáng tổ 1991.
Ảnh từ trái qua: 1.HLV Phạm Tú Nghĩa và 6.HLV Nguyễn Văn Quang.
Năm 1989, huyện Cư-Jút được thành lập bộ môn Vovinam với sự quản lý trực tiếp Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Cư-Jút. Bên cạnh đó, câu lạc bộ Vovinam huyện Đắk Mil cũng phát triển do HLV Nguyễn Văn Đình phụ trách. Hai CLB này đều trực thuộc quản lý chuyên môn kỹ thuật của Vovinam tỉnh ĐăkLăk. Không chỉ thế, một số môn sinh Cư-Jút đã mở thêm lớp như HLV Lý Tư Củ, Ngô Xuân Nam, Lê Văn Tải, Nguyễn Tiến Thuật, Nguyễn Văn Huynh tại các huyện Đăk Mil (Đăk Rla), huyện Krông Nô, huyện Cư-Jút (Nam Dong), Easúp (Ban Mê Thuột). Tuy nhiên do tình hình chung, các bộ môn võ trong tỉnh có phần lắng xuống… Đến năm 1991, được sự cho phép của Sở TDTT Đắk Lắk, các bộ môn võ thuật sinh hoạt và phát triển cho đến nay.
Từ năm 1991 đến năm 2004, CLB Vovinam huyện Cư-Jút và CLB Vovinam huyện Đắk Mil là những huyện có phong trào Vovinam mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Tham dự Giải Vovinam toàn tỉnh Đắk Lắk, huyện Cư-Jút đã xếp hạng Nhì toàn đoàn (một lần) và hạng Ba toàn đoàn (một lần).
Ảnh từ phải qua: 1.Đơn vị Vovinam Dak Mil và 2.Cư Jut.
III. Vovinam Đắk Nông - 16 năm xây dựng và phát triển
A. Thuận lợi:
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Nghiệp vụ, chính quyền địa phương, các Phòng Văn hoá, Thông tin, Thể thao các huyện, thị xã trong tỉnh Đắk Nông đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ môn Vovinam quãng bá phong trào, xây dựng các CLB trên toàn tỉnh.
Lễ tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 60 (1960-2020).
Ban điều hành và ban huấn luyện nhiệt tình, năng động, đoàn kết, hỗ trợ nhau quãng bá phong trào cũng như huấn luyện, không ngại khó, quyết tâm xây dựng phong trào thể thao nói chung và phong trào Vovinam nói riêng.
Các võ sinh chịu khó rèn luyện và ham học hỏi, đồng thời bộ môn nhận được sự đóng góp ý kiến của các phụ huynh cũng như của các cựu môn sinh trong việc xây dựng và phát triển môn Vovinam.
B. Khó khăn:
Địa bàn của tỉnh quá dài, còn HLV mỏng, nhiệt tình nhưng còn thiếu kinh nghiệm, các điểm tập cách xa do vậy có phần ảnh hưởng đến sự hướng dẫn, kiểm tra của bộ môn.
Lớp tập Vovinam tại chùa Phước Quang, tỉnh Đắk Nông.
Số võ sinh hiện nay đa phần là lứa tuổi tiểu học nên công tác tổ chức giải cũng như thành lập đội tuyển tham dự các giải gặp nhiều khó khăn.
Kinh phí của bộ môn chỉ dựa vào lệ phí thi thăng cấp sơ đẳng của môn sinh (20.000đ/môn sinh), thu nhập của HLV chưa cao, đa phần kiêm nhiệm, nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra cũng như tham gia tập huấn chuyên môn.
Các võ sinh chuẩn bị thay đai ở một buổi lễ tuyên thệ Nhập môn.
Thầy và trò chụp ảnh lưu niệm sau kỳ thi thăng đai.
C. Một số hoạt động chủ yếu:
Năm 2004 tỉnh Đắk Nông được thành lập bộ môn Vovinam. Các HLV đã tiến hành đại hội bầu Ban Điều hành Vovinam tỉnh Đắk Nông lần thứ nhất (2004-2008). Với sự giám sát của lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao Đắk Lắk, Đắk Nông và Ban chấp hành Hội Vovinam Đắk Lắk, đại hội đã bầu Ban Điều hành gồm 5 võ sư và huấn luyện viên được Sở Thể dục Thể thao Đắk Nông ra quyết định công nhận là:
1/ Phạm Tú Nghĩa (Cư-Jút), Trưởng bộ môn. 2/ Nguyễn Văn Đình (Đắk Mil), Phó bộ môn. 3/ Trương Quang Trọng (Cư-Jút), Thư ký. 4/ Nguyễn Tiến Thuật (Krông Nô), Ủy viên. 5/ Nguyễn Văn Chiến (Đắk Mil), Ủy viên.
Sau đại hội, BĐH đi vào làm việc với tinh thần cao quyết tâm phát triển phong trào Vovinam Đắk Nông. Trong thời điểm này các huyện phát triển rất tốt như: huyện Cư-Jút (có 4 phòng tập: Nhà Văn hóa huyện Cư-Jút, phòng tập xã Tâm Thắng, phòng tập xã Nam Dong, phòng tập xã EaPô có trên dưới 300 võ môn sinh), huyện Đắk Mil (có 3 phòng tập: phòng tập Nhà Văn hóa huyện Đắk Mil, phòng tập xã Đức Mạnh, phòng tập xã ĐắkRla có khoảng 300 môn sinh), huyện KrôngNô (có 2 phòng tập: phòng tập Nhà Văn hóa huyện KrôngNô, phòng tập xã Nam Đà với khoảng 100 môn sinh).
Một câu lạc bộ Vovinam ở tỉnh Đăk Nông.
Năm 2005 để thúc đẩy và cổ vũ cho phong trào Vovinam trong tỉnh, Ban Điều hành xin phép tổ chức Giải vô địch Vovinam Đắk Nông lần thứ I, thu hút 5 đoàn tham gia. Kết quả toàn đoàn: 1- Đắk Mil, 2- Cư-Jút, 3- Krông Nô.
Về công tác xây dựng và phát triển phong trào, hàng năm bộ môn đều tổ chức thi thăng cấp Sơ đẳng cho các huyện. Đề nghị tham gia thi Huyền đai do khu vực tổ chức: 120, Hoàng đai I: 60, Hoàng đai II: 20, Hoàng đai III: 10, Chuẩn hồng đai: 4. Tổ chức tập huấn 30 trọng tài cấp tỉnh với sự giám sát của Phòng Nghiệp vụ Sở Thể dục Thể thao, sau tập huấn được Phòng Nghiệp vụ sở cấp giấy chứng nhận.
Thi thăng cấp Sơ đẳng huyện Đắk Song.
Năm 2008, Đại hội Vovinam tỉnh Đắk Nông lần thứ hai. Ba võ sư được Sở TDTT Đắk Nông ra quyết định công nhận vào Ban Điều hành Vovinam tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2008-2012 như sau:
1/ Nguyễn Văn Đình (Đắk Mil), Trưởng bộ môn. 2/ Phạm Tú Nghĩa (Cư-Jút), Phó bộ môn. 3/ Trương Quang Trọng (Cư-Jút), Thư ký.
Những năm đầu trong nhiệm kỳ thứ hai, phong trào Vovinam tỉnh Đăk Nông sinh hoạt và phát triển bình thường. Tuy nhiên, đến năm 2011, do điều kiện kinh tế, VS Trưởng bộ môn Nguyễn Văn Đình chuyển gia đình lên Đắk Lắk sinh sống nên phong trào Vovinam tỉnh Đắk Nông có phần lắng xuống và không tổ chức đại hội theo đúng thời gian.
Thi thăng cấp tại giáo xứ Vinh An, huyện Đắk Mil.
Đến tháng 12 năm 2013, sau khi nhận bàn giao từ VS Nguyễn Văn Đình, VS Phạm Tú Nghĩa tổ chức họp Ban Điều hành và trưởng phòng tập các huyện. Được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vovinam tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đại hội lần thứ ba. Năm võ sư và huấn luyện viên được Sở ra quyết định công nhận Ban Điều hành Vovinam tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2013-2017 như sau:
1/ Phạm Tú Nghĩa (Cư-Jút), Trưởng bộ môn.
2/ Nguyễn Chánh Thi (Đắk Mil), Phó bộ môn.
3/ Trương Quang Trọng (Cư-Jút), Thư ký.
4/ Phạm Trọng Thạnh (Krông Nô), Ủy viên.
5/ Nguyễn Văn Trung (Đắk Mil), Ủy viên.
Từ khi đại hội lần thứ ba đến nay, phong trào Vovinam Đắk Nông dần đi vào ổn định, hằng năm bộ môn tổ chức thi thăng cấp sơ đẳng tại các huyện từ hai đến ba đợt.
Thi thăng cấp Sơ đẳng tại huyện Đắk Mil.
Hiện nay, đội ngũ võ sư, huấn luyện viên Đắk Nông gồm có: Hồng đai nhất (Phạm Tú Nghĩa, Trương Quang Trọng), Chuẩn hồng đai (1), Hoàng đai tam cấp (1), Hoàng đai nhị cấp (3), Hoàng đai, và Hoàng đai nhất cấp (20).
Một số môn sinh Đắk Nông dự thi Cao đẳng 2020.
Nhìn lại các hoạt động từ năm 2004 đến 2020, các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh Đắk Nông đã nỗ lực đưa phong trào luyện tập Vovinam từng bước theo kịp với phong trào của các tỉnh trên toàn quốc. Trong đó có một số hoạt động đáng khích lệ như:
1. Phát triển các CLB:
a. Tiếp tục tham mưu với các cấp chính quyền địa phương, các Phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện tạo điều kiện để các CLB Vovinam phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Tính đến tháng 7 năm 2020, toàn tỉnh có 22 CLB, quy tụ khoảng 1140 môn sinh.
- Thành phố Gia Nghĩa, CLB Trung tâm tỉnh (250 môn sinh).
- Huyện Đăk Rlấp, 2 CLB (80 môn sinh).
- Huyện Tuy Đức, 3 CLB (150 môn sinh).
- Huyện Đắk Song, 2 CLB (70 môn sinh).
- Huyện Đắk Mil, 5 CLB (210 môn sinh).
- Huyện Cư Jút, 4 CLB (150 môn sinh).
- Huyện Krông Nô, 4 CLB (200 môn sinh).
- Huyện Đắk Glong, 1 CLB (30 môn sinh).
b. Tập huấn kỹ thuật chuyên môn kết hợp với thi thăng cấp ở các huyện.
c. Mỗi huyện thành lập đội biểu diễn để tham gia vào các dịp lễ hội.
Các môn sinh thi thăng cấp Trung đẳng năm 2019.
2. Một số thành tích thi đấu
- Giải trẻ toàn quốc năm 2014 tại Đắk Lăk (9 VĐV góp mặt).
- Giải vô địch toàn quốc tại Bình Dương (7 VĐV tham dự).
- Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc năm 2018 ở Đồng Nai: 1 HCB, 1 HCĐ.
- Giải vô địch các CLB mạnh năm 2019 tại Gia Lai: 1 HCB, 2 HCĐ.
- Giải Học sinh phổ thông toàn quốc năm 2019 tại Đắk Lắk (24 VĐV tham dự), giành 5 huy chương gồm: 1 HCV đối kháng nam Tiểu hoc, 1 HCĐ đối kháng nam Tiểu học, 1 HCĐ đối kháng nữ Trung học cơ sở, 1 HCB đối kháng nam Trung học phổ thông, 1 HCĐ Hội diễn nữ Trung học phổ thông.
Các môn sinh Đắk Nông dự thi thăng cấp Trung đẳng năm 2019.
D. Định hướng
Ban Điều hành và các võ sư, huấn luyện viên tiếp tục tham gia các đợt tập huấn kỹ thuật và nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn và thành tích thi đấu.
Kiến nghị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông cùng các ban, ngành chức năng cho thành lập Ban vận động thành lập Liên đoàn (hoặc Hội) Vovinam Đắk Nông để đáp ứng nhu cầu quãng bá và quản lý phong trào. Liên đoàn Vovinam Việt Nam có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các tỉnh vùng xa.
BỘ MÔN VOVINAM TỈNH ĐẮK NÔNG
Tháng 7/2020