VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
QUẢNG NAM
Quảng Nam, vùng đất thuộc miền Trung thân yêu, đầy sóng gió, khó khăn về mọi mặt, dù vậy phong trào Vovinam nơi đây đã xuất hiện từ năm 1973… Sau một thời gian dài tạm lắng, những môn sinh Vovinam kế nghiệp từ nhiều người thầy tâm huyết đã truyền đạt những kiến thức về kỹ thuật võ học và tinh thần võ đạo của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đến thế hệ đàn em. Qua 13 năm nỗ lực của nhiều võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên và môn sinh cùng sự hỗ trợ của địa phương, phong trào đã xây dựng được nền tảng để chuẩn bị cho bước tiến mới.
I. Khái quát về tỉnh Quảng Nam
Trước kia Quảng Nam là đất Chiêm Thành. Năm 1306 theo thỏa ước giữa vua Chiêm Thành là Chế Mân và vua Đại Việt là Trần Nhân Tông, vua Chế Mân dâng 2 châu Ô tức Thuận Châu (nam Quảng Trị, Huế) và châu Rí tức Hóa Châu (một phần Huế, bắc sông Thu Bồn) làm sính lễ cưới con gái vua Trần Nhân Tông là công chúa Huyền Trân. Người Việt dần định cư tại 2 vùng đất mới; người Chiêm Thành lùi dần về vùng đất còn lại phía Nam của vương quốc…
Năm 1956, tỉnh Quảng Nam lại chia thành 2 tỉnh mới lấy sông Rù Rì (tên gọi khác của sông Ly Ly) làm ranh giới là Quảng Nam ở phía Bắc gồm 9 quận và Quảng Tín ở phía Nam gồm 6 quận…
Đất nước thống nhất, chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sáp nhập 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với Đà Nẵng là tỉnh lỵ. Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc hội, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia thành 2 đơn vị hành chính độc lập gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam có diện tích 10.438 km2. Theo kết quả điều tra 1-4- 2019, dân số tỉnh Quảng Nam là 1.496.812 người, bao gồm các dân tộc
Kinh, Hoa, Cơ-tu, Xơ-đăng, Giẻ-triêng, Cor…; 31% dân số sống ở đô thị và 69% dân số sống ở nông thôn. Mật độ 149nười/km2. Quảng Nam hiện có 18 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 2 thành phố (Tam Kỳ và Hội An), 1 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Nông Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh), trong đó có với 244 đơn vị cấp xã (25 phường, 12 thị trấn, 207 xã) (1).
Theo tạp chí Du lịch, là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của không gian du lịch hành lang Đông - Tây, Quảng Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để liên kết vùng và liên kết quốc tế phát triển du lịch. Ngoài việc sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, Quảng Nam còn có hơn 125km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp như Thống Nhất, Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại, An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành)... cùng hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử ẩn chứa những giá trị văn hóa đa dạng.
II. Vovinam Quảng Nam trước năm 1975
Người đi tiên phong mở lối cho phong trào Vovinam trên đất Quảng Nam là võ sư Trần Tấn Vũ. Mùa hè năm 1971, võ sư Trần Tấn Vũ bắt đầu xây dựng phong trào Vovinam ở Đà Nẵng. Năm 1973, võ sư Trần Tấn Vũ hỗ trợ cho ông Võ Bá Dần (học lớp đào tạo huấn luyện viên cấp tốc tại Sài Gòn vào khoảng năm 1967, từng phụ tá cho võ sư Trần Tấn Vũ một thời gian ở Đà Nẵng) mở lớp tập ở Hội An (Quảng Nam). Võ sư Trần Tấn Vũ cho biết, lúc đó, 2 lớp tập tại Ty Thanh niên Quảng Nam thu hút khoảng 150 võ sinh. Cũng trong thời gian này, võ sư Trần Tấn Vũ còn hỗ trợ cho người học trò của mình ở Đà Nẵng là HLV Trần Văn Kỳ mở 2 lớp ở Ty Thanh niên Quảng Tín (Tam Kỳ) với trên 100 võ sinh.
VS Trần Tấn Vũ đứng sau cố VS Nguyễn Văn Chiếu tại Lễ giỗ Sáng Tổ Nguyễn Lộc lần thứ 49 (1960-2009).
Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào Vovinam ở tỉnh Quảng Nam được xem như một vùng trắng vì các võ sư, huấn luyện viên tản lạc nơi này nơi khác.
III. Tái lập phong trào
Những năm 2000, một người con của đất Quảng Nam là Nguyễn Thị Hoài Thu vào TP.HCM học tập đã tham gia hoạt động Vovinam tại quận Tân Bình (năm 2002). Năm 2003, Hoài Thu, lúc đó là VĐV của Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM tham dự Giải Vovinam vô địch toàn quốc trong màu áo đội tuyển TP.HCM và giành HCĐ. Tiếp tục ôn luyện và thi đấu tại TP.HCM, đến năm 2007, huấn luyện viên Nguyễn Thị Hoài Thu đã trở về quê hương tỉnh Quảng Nam và bắt tay xây dựng lại phong trào Vovinam và câu lạc bộ đầu tiên được xây dựng tại huyện Thăng Bình.
Thi thăng cấp Sơ đẳng huyện Thăng Bình. Ảnh bìa phải: VS Nguyễn Thị Hoài Thu.
Câu lạc bộ Vovinam huyện Thăng Bình được khai giảng vào ngày 27-7-2007, ban đầu ít học viên tham gia, nói chung lớp tập gặp nhiều khó khăn, bản thân huấn luyện viên Hoài Thu đã phải khắc phục nhiều thử thách để duy trì hoạt động của câu lạc bộ. Cuối năm 2007, huấn luyện viên Nguyễn Thị Hoài Thu tìm gặp các võ sư ở thành phố Đà Nẵng để nhờ phối hợp, giúp đỡ và đã nhận được sự hỗ trợ khá nhiều từ Hội Vovinam thành phố Đà Nẵng.
Lớp tập huấn chuyên môn đợt I năm 2015. Ảnh ngồi bìa trái: Hlv Châu Quang Hoàng hiện là Hlv của CLB Vovinam Nhà tập luyện TDTT Phú Thọ & Đại học Mở - TPHCM từ 2014 đến nay.
Tuy các câu lạc bộ còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí eo hẹp nên không sánh cùng với các môn võ khác nhưng nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện từ ngành Thể dục Thể thao, các huyện, các ban ngành chức năng cùng nỗ lực của tập thể võ sư, huấn luyện viên, môn sinh Quảng Nam, phong trào tại địa phương đang dần dần phát triển. Tính từ tháng 7-2007 đến tháng 12-2020), Vovinam Quảng Nam đã xây dựng được một số câu lạc bộ sau đây:
1- Câu lạc bộ huyện Thăng Bình gồm 2 điểm tập (200 môn sinh): Địa điểm 1 tập luyện tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thăng Bình (địa điểm chính, khai giảng từ ngày 27-7-2007). Phụ trách chính: võ sư Chuẩn hồng đai Nguyễn Thị Hoài Thu; địa điểm 2 khai giảng vào ngày 28-8-2017, tập luyện tại sân UBND xã Bình Triều. Hai phụ tá tại địa điểm 2 là Nguyễn Quang Vinh (Hoàng đai), Nguyễn Văn Dũng (Hoàng đai I cấp).
Vovinam H.Thăng Bình - Quảng Nam thi thăng cấp Sơ Đẳng K18 - 2019. Ảnh từ trái qua: Hlv Nguyễn Huy Bảo, Hlv Nguyễn Hoàng Lịnh, VS Trịnh Quốc Hùng (Đại diện Vovinam Đà Nẵng), VS Nguyễn Thị Hoài Thu, Hlv Dương Nguyễn Đăng Thiên, Hlv Nguyễn Văn Dũng, Hlv Nguyễn Văn Vinh.
2- Câu lạc bộ huyện Tiên Phước có 2 điểm tập (120 võ sinh). Địa điểm 1 tập luyện tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tiên Phước (địa điểm chính khai giảng 01-6-2017). Phụ trách chính: võ sư Nguyễn Thị Hoài Thu; địa điểm 2 tập luyện tại sân UBND xã Tiên Hiệp (khai giảng vào ngày 1-7-2016), phụ tá là 2 môn sinh Hoàng đai Nguyễn Huy Tưởng và Đoàn Quang Hải.
3- Câu lạc bộ thành phố Tam Kỳ gồm 3 điểm tập (200 môn sinh). Địa điểm 1 tập luyện tại Trung tâm thanh thiếu niên Miền Trung (địa điểm chính khai giảng năm 2009). Phụ trách chính: võ sư Chuẩn hồng đai Lý Phước Toàn. Địa điểm 2 tập luyện tại Trung tâm Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố Tam Kỳ, khai giảng vào ngày 1-7-2016, phụ tá là Trần Văn Dụng (Hoàng đai III). Địa điểm 3 tập luyện tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, khai giảng vào tháng 8-2016, huấn luyện viên Hoàng đai III Trịnh Lương Tuấn hướng dẫn.
4- Câu lạc bộ thành phố Hội An gồm 3 điểm tập (160 môn sinh). Địa điểm 1 tập luyện tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An (địa điểm chính khai giảng năm 2012). Phụ trách chính: huấn luyện viên Hoàng đai III cấp Nguyễn Minh Tâm. Địa điểm 2 tập luyện tại Nhà Văn hóa Trung tâm thành phố Hội An. Địa điểm 3 (từ năm 2016) do huấn luyện viên Trần Quang Huy làm chủ nhiệm, quy tụ khoảng 50 môn sinh, dạy tại thôn văn hóa Đông Vĩnh, xã Cẩm Kim.
Như vậy, với 4 câu lạc bộ (10 địa điểm tập luyện), Vovinam Quảng Nam đã thu hút gần 700 môn sinh. Đội ngũ võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên đã tổ chức giảng dạy, thi thăng đai, thăng cấp theo quy định và hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Liên đoàn Vovinam Việt Nam...
IV- Thành tích thi đấu
Khi còn luyện tập tại TP.HCM, VĐV Nguyễn Thị Hoài Thu giành HCĐ Giải Vovinam vô địch toàn quốc năm 2003, VĐV Lý Phước Toàn đoạt HCV Giải vô địch thế giới năm 2005.
VĐV Lý Phước Toàn (bìa trái) HCV Giải vô địch thế giới lần 2 năm 2005.
Từ năm 2010, bộ môn Vovinam đã được sự đầu tư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh Quảng Nam (2). Các VĐV đội tuyển Vovinam Quảng Nam do HLV Lý Phước Toàn hướng dẫn, đến năm 2014 tăng cường thêm HLV Lê Văn Bảo. Với sự quan tâm của ngành TDTT, Vovinam Quảng Nam đã tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia và từng bước tiến bộ về thành tích.
Đội tuyển Quảng Nam tham dự Giải các đội mạnh Vovinam toàn quốc năm 2020.
- Năm 2010 nhận được 1 HCĐ Giải Vovinam vô địch toàn quốc; 2 HCV, 0 HCB, 2 HCĐ Giải Miền Trung - Tây Nguyên; 1 HCV, 0 HCB, 1 HCĐ Giải cúp các câu lạc bộ toàn quốc.
- Năm 2011 (0, 0, 2 giải vô địch toàn quốc; 0, 1, 0 giải trẻ toàn quốc; 0, 0, 2 HCĐ giải cúp các câu lạc bộ).
- Năm 2012 (0, 0, 1 giải vô địch toàn quốc; 0, 0, 1 giải trẻ toàn quốc).
- Năm 2013 (0, 1, 3 giải vô địch; 0, 1, 3 giải trẻ; 0, 0, 3 giải cúp các câu lạc bộ toàn quốc).
- Năm 2014 (0, 0, 1 giải vô địch; 1, 0, 3 giải trẻ, 1, 0, 1 giải cúp các CLB).
- Năm 2015 (0, 1, 4 giải vô địch; 0, 2, 3 giải trẻ; 3, 1, 2 giải cúp các CLB).
- Năm 2016 (1, 2, 1 giải vô địch; 1, 1, 1 giải trẻ; 1, 0, 2 giải cúp các CLB).
- Năm 2017 (2, 1, 0 giải vô địch; 1, 1, 2 giải trẻ; 0, 2, 1 giải các đội mạnh toàn quốc).
- Năm 2018 (0, 3, 1 giải vô địch; 4, 4, 2 giải trẻ; 2, 1, 3 giải các đội mạnh).
- Năm 2019, Quảng Nam đăng cai tổ chức Giải vô địch toàn quốc lần thứ XXVI tại thành phố Tam Kỳ từ ngày 15 đến 24-10, thu hút gần 400 VĐV của 30 tỉnh, thành, ngành. Tại giải, chủ nhà đoạt 3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ. Giải trẻ (5, 0, 2), Giải vô địch các đội mạnh (1, 2, 3)…
- Năm 2020 (3, 2, 2 giải vô địch toàn quốc, xếp hạng 6/32 đoàn tham dự; 1, 1, 6, giải trẻ; 1, 4, 4 giải vô địch các đội mạnh)…
- Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014 (0, 0, 1); Đại hội Thể thao toàn quốc lần VIII (0, 3, 1).
VĐV Đỗ Thế Vũ, HCV hạng trên 92kg nam Giải Vovinam vô địch toàn quốc 2020.
VĐV Đỗ Xuân Hiếu, HCV hạng 64kg Giải Vovinam vô địch toàn quốc 2020.
VĐV Nguyễn Quảng Triều, HCV hạng 77kg nam Giải Vovinam vô địch toàn quốc 2020.
VĐV Nguyễn Thị Yến Nhi, HCB hạng 64kg nữ Giải Vovinam vô địch toàn quốc 2020.
Vovinam TP.Hội An dự Giải trẻ và vô địch các câu lạc bộ Đà Nẵng năm 2020.
Bên cạnh đó, Vovinam Quảng Nam còn tham dự các giải học sinh phổ thông, giải sinh viên toàn quốc và một số giải mở rộng đồng thời các CLB Vovinam đều tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày lễ hội, các kỳ Đại hội TDTT do huyện hoặc tỉnh Quảng Nam tổ chức.
V- Sơ kết phong trào và định hướng đến năm 2025
Song song với kết quả vừa nêu trên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện tại Vovinam Quảng Nam chưa thành lập Ban chuyên môn/Hội. Với quyết tâm tiến tới thành lập Hội Vovinam tỉnh Quảng Nam, tất cả các võ sư, huấn luyện viên, vận động viên và môn sinh tiếp tục đoàn kết, chung vai gánh vác công việc, từng bước cải tiến chất lượng chuyên môn, nỗ lực phấn đấu quảng bá phong trào Vovinam khắp các huyện trong địa bàn tỉnh…
Quảng Nam giành 5 HCV, 2 HCĐ tại Giải trẻ Vovinam toàn quốc 2019.
VI- Danh sách võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên
Chuẩn hồng đai
Nguyễn Thị Hoài Thu (sinh năm 1982), Lý Phước Toàn (1982).
Hoàng đai III
Nguyễn Minh Tâm (1986), Trịnh Lương Tuấn (1988), Trương Quang Nha (1995), Trần Văn Dụng (1994).
Hoàng đai II
Châu Quang Hoàng (1994), Trần Quang Huy (1986), Trương Văn Vĩ, Trần Viết Vĩ.
Hoàng đai I
Nguyễn Văn Dũng (1992), Nguyễn Huy Bảo (2001), Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hòa.
Hoàng đai
Nguyễn Quang Vinh (1994), Nguyễn Hoàng Lịnh (2002), Nguyễn Huy Tưởng (2001), Đoàn Quang Hải (2001), v.v.
BAN HUẤN LUYỆN VOVINAM QUẢNG NAM
Tháng 1/2020
(1) Nguồn: Wikipedia.org, bản tiếng Việt
(2) Ngày 31-10-2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3470/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TDTT Quảng Nam trên cơ sở hợp nhất Trung tâm TDTT Quảng Nam và Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT Quảng Nam, trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam.