HỒI ỨC VỀ VOVINAM QUẬN 9 - VOVINAM THỦ ĐỨC
Cho tới hôm nay (14/3/2021), Vovinam Quận 9 không còn tồn tại nữa, nhưng Vovinam thành phố Thủ Đức cũng chưa hình thành. Nghe đâu trong tuần tới, từ 15/3, các đơn vị sự nghiệp của thành phố Thủ Đức mới có nhân sự lãnh đạo. Ngành thể thao nằm trong số này.
Trước khi Vovinam thành phố Thủ Đức “tái lập”, là một người vô tình dự phần từ đầu đến cuối của Vovinam Quận 9, chúng tôi xin viết đôi dòng về đơn vị này, trước khi nó có thể bị lãng quên theo dòng thời gian.
Trước khi nói về Vovinam Quận 9, xin nói về Vovinam (huyện) Thủ Đức.
Huyện Thủ Đức nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM) rồi hợp dòng với sông Đồng Nai để cùng ra biển Đông mênh mông. Khi chạy qua Sài Gòn - Gia Định, sông Sài Gòn chia thành phố này làm 2, bên tả bên hữu. Cả vùng đất tả ngạn là huyện Thủ Đức. Nếu ta đứng trên cầu Bình Phước ngắm dòng Sài Gòn, rồi chạy lên cầu Phú Mỹ nhìn nước sông Sài Gòn nhập vô sông Đồng Nai là coi như ta đến được điểm đầu và điểm cuối của sông Sài Gòn chảy qua đất Sài Gòn - Gia Định rồi. Nơi hợp dòng Sài Gòn và Đồng Nai, ngả ba, là điểm đầu của sông Nhà Bè, nên có câu:
"Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Về Gia Định vui lòng đi sông Sài Gòn, còn về Đồng Nai chịu khó chèo đò trên sông cùng tên.
Chùa Bửu Long - Q9. Khu du lịch Suối Tiên - Q9.
Vovinam có mặt ở Thủ Đức khá sớm. Theo Lược sử môn phái, sau khi vào Sài Gòn (tháng 8-1954), khoảng năm 1955, võ sư Nguyễn Lộc mở võ đường tại đường Thủ Khoa Huân (Quận 1), cử môn đệ là võ sư Nguyễn Văn Hách dạy Vovinam cho Hiến binh Quốc gia tại Sài Gòn và Trung tâm Huấn luyện Hiến binh Quốc gia tại quận Thủ Đức (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định). Cũng trong năm 1955, một số võ sư đã tập luyện Vovinam ở Hà Nội (cùng vào Sài Gòn với Sáng tổ) đã được võ sư Lê Sáng hướng dẫn đi biểu diễn tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức.
Đến đầu những năm 1970, HLV Vũ Kim Trọng có mở võ đường tại Trường Trung học tư thục Phục Vụ (khu vực Tam Hà) tại Thủ Đức. Sau 1-2 năm huấn luyện ở đây, HLV Vũ Kim Trọng được phân công huấn luyện Vovinam vùng Biên Hòa nên võ đường Phục Vụ tạm dừng.
Mãi đến năm 1987, khi phong trào võ thuật ở nhiều nơi được sinh hoạt trở lại, các võ sư Văn Chu Đồng, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Với,… cùng hợp lực mở lại lớp võ Vovinam trên địa bàn Thủ Đức. Lúc đầu dạy trong trường Dòng (nữ), dạy một thời gian ngắn rồi chuyển ra Trung tâm Văn hóa Thủ Đức (đường Võ Văn Ngân). Điểm tập ở Trung tâm Văn hóa duy trì khá lâu. Chúng tôi cũng biết các võ sư Võ Hữu Lý (Cần Thơ), Dương Hồng Thanh (Đồng Nai), Nguyễn Hồng Thanh (Phú Yên), Phạm Ái Quốc (Tây Ninh),… trong thời gian học Đại học tại Thủ Đức từng đến CLB này tập luyện - dĩ nhiên lúc ấy các võ sư này chỉ mới mang hoàng đai I, hoàng đai II.
Từ một điểm tập Trung tâm Văn hóa, đến năm 1993, võ sư Văn Chu Đồng mở thêm một lớp ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ - phường Long Thạnh Mỹ (sau này thuộc Quận 9). Khoảng một năm sau, võ sư Đồng chuyển giao lớp này cho các học trò của mình trực tiếp huấn luyện, gồm các HLV Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Diện, Nguyễn Văn Hoàng.
Các môn sinh nữ CLB Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, huyện Thủ Đức (1995-1996).
Trong giai đoạn 1994-1996, bằng sự năng động của mình, các HLV Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Diện tiếp tục mở lớp Vovinam ở chùa Hội Sơn và Trường Tiểu học Tạ Uyên, cùng thời gian này Trường Trung học Cảnh sát (Phước Sơn) mời các HLV Hùng, Diện vào dạy Vovinam cho các học viên.
Vovinam Quận 9 thi thăng cấp Sơ đẳng tại Đại học An ninh ngày 19-4-1998.
Về phần chúng tôi, tháng 10/1995, do “ngứa nghề” nên đến xin võ sư Văn Chu Đồng - Chi hội trưởng Vovinam Thủ Đức - cho phép chúng tôi mở một câu lạc bộ Vovinam trong khuôn viên trường Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở 2), trực thuộc Chi hội Vovinam Thủ Đức.
Câu lạc bộ Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở 2) thi thăng cấp Huyền đai và Hoàng đai II tại Quận 8 năm 1998.
Còn nhớ, trong đợt họp Chi hội năm 1996, vì là thành viên mới nên chúng tôi được phát một chiếc áo sơ-mi màu xanh, đồng phục của Chi hội. Chiếc áo ấy chưa bao giờ chúng tôi được mặc chính thức trong sinh hoạt Chi hội! Vì sau khi nhận chiếc áo vài tháng, vào ngày 1/4/1997, huyện Thủ Đức tách thành 03 quận (Thủ Đức, Quận 2, Quận 9). Vovinam Thủ Đức cũng tách ra làm 3 đơn vị, nhưng thực chất chỉ có 2 là Thủ Đức và Quận 9.
Tính đến tháng 3/1997, trên địa bàn huyện Thủ Đức có một số câu lạc bộ Vovinam, như: Nhà Văn hóa Thủ Đức, Trung tâm TDTT Thủ Đức, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, chùa Hội Sơn, Trường Tiểu học Tạ Uyên, Trường Đại học Gao thông Vận tải (cơ sở 2), v.v. Những câu lạc bộ này đều không nằm trên địa bàn các xã thuộc Quận 2 sau này. Nghĩa là, sau khi tách huyện Thủ Đức, trên địa bàn Quận 2 trắng Vovinam. Qua năm 1998-1999, võ sư Trần Đức Hùng về Quận 2 mở lớp Vovinam. Võ sư Trần Đức Hùng (có thể xem) là người khai phá Vovinam Quận 2. Sau đó, cố võ sư Trần Quyền, võ sư Nguyễn Bá Trí về Quận 2 tiếp bước. Nhưng có lẽ võ sư (không còn trẻ!) Phạm Công Minh là người gắn bó lâu nhất với Vovinam Quận 2 (2004-2020).
CLB Vovinam Đại học Giao thông Vận tải năm 1999.
Xin quay lại Vovinam Quận 9.
Vì là “con đẻ” của Vovinam Thủ Đức, nên sau khi tách huyện, trên địa bàn Quận 9 đã có câu lạc bộ Vovinam. Chi hội Vovinam Quận 9 ra đời từ những ngày đầu thành lập quận. Từ 1997-2004, Chi hội do võ sư Lê Mạnh Hùng phụ trách. Còn chúng tôi chỉ tham gia huấn luyện cho các sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, đến đợt thi thì xin phép Chi hội cho tổ chức thi. Đầu năm 2005, do võ sư Lê Mạnh Hùng bận việc nên mấy anh phụ trách Bộ môn võ thuật của Trung tâm TDTT Quận 9 mời võ sư Nguyễn Hữu Phước Long ra đứng mũi. Đứng “chơi chơi” mà giờ đã 15 năm! Ngang ngửa với nhiệm kỳ cuối cùng của Hội Việt Võ Đạo TP.HCM!
Cố VS Nguyễn Văn Chiếu tham dự Khóa thi thăng cấp Sơ đẳng Vovinam Q9 (K6-2008).
Để quản lý Vovinam Quận 9, Trung tâm TDTT lúc thì thành lập Chi hội, lúc lại là Bộ môn - dù về bản chất pháp lý thì Chi hội và Bộ môn là 02 cơ cấu khác nhau. Giai đoạn Vovinam Quận 9 không có “danh xưng” Chi hội là từ năm 2012 đến tháng 5/2020. Tháng 6/2020, Vovinam Quận 9 thành lập lại Chi hội thì cuối năm 2020… không còn, thành lập thành phố Thủ Đức. Trong thời gian không có Chi hội, võ sư Nguyễn Hữu Phước Long được phân công làm Trưởng bộ môn/Huấn luyện viên trưởng.
Cố VS Trần Quyền (Cravate) tham dự Khóa thi thăng cấp Sơ đẳng Vovinam Q9 (K7-2008).
Vovinam Quận 9 tới thời điểm tháng 03/2020 có 15 câu lạc bộ. Trong đó có tới 10 câu lạc bộ trong khối trường học (Đại học, Trung học, Tiểu học), tiếc là câu lạc bộ Cao đẳng Công Thương không còn, chứ còn là đủ phần trường học luôn!
Trong quá trình phát triển phong trào Vovinam tại Quận 9, nhớ nhất là giai đoạn 2013 - 2016. Lúc ấy Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có văn bản đưa Vovinam vào dạy năng khiếu trong các trường tiểu học. Cả quận có 19-20 trường tiểu học thì 7-8 trường yêu cầu Bộ môn (lúc này gọi là Bộ môn chứ không là Chi hội) cử người đến dạy Vovinam cho các bé. Nào võ đánh theo nhạc, võ để tự vệ. Có những buổi chúng tôi phải cử 14-15 em môn sinh đi huấn luyện các trường tiểu học, đuối luôn! Đâu phải ai dạy con nít cũng được, vả lại giờ dạy năng khiếu giống giờ hành chánh nên rất khó tìm ra người rảnh thời gian để đi dạy. Cũng may, lúc ấy “quân sĩ” nhiều nên lo được cho các trường.
Khai mạc Giải thể thao học sinh môn Vovinam quận Thủ Đức năm học 2017-2018.
Trong quá trình phát triển Vovinam tại Quận 9, số câu lạc bộ và lượng võ sinh cũng tăng giảm tùy thời điểm. Hiện nay, câu lạc bộ Long Phước nằm xa trung tâm quận nhất, cách 8 km. Những câu lạc bộ tồn tại lâu nhất là Long Thạnh Mỹ, Nhà Thiếu nhi, Đại học Giao thông Vận tải. Về lực lượng huấn luyện: chủ yếu là nguồn đào tạo tại chỗ, số lượng võ sư, huấn luyện viên cũng không nhiều; trong đó có 01 Hồng đai II cấp, 01 Hồng đai I cấp, 03 Chuẩn hồng đai, 04 Hoàng đai III cấp... Một hai năm gần đây, lực lượng huấn luyện ở Quận 9 được bổ sung nguồn từ các trường Đại học Thể dục Thể thao. Các bạn vừa trẻ vừa có trình độ học vấn vừa chuyên về thể thao nên cũng là đội ngũ được khá kỳ vọng.
Đi trọn hành trình gần 24 năm với Vovinam mang tên Quận 9, và 1,5 năm (10/1995 - 4/1997) với Vovinam huyện Thủ Đức, trước khi chia xa danh xưng Vovinam Quận 9, chúng tôi ghi lại đôi dòng ngắn gọn bên trên. Coi như ôn kỷ niệm, sau là làm quà cho các bạn học trò và những ai quan tâm. Chu trình Vovinam Thủ Đức ➡ Vovinam Quận 9 đã kết thúc, giờ là chu trình mới: Vovinam Quận 9 quay về chốn sinh ra.
Cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu phát biểu tại Khóa thi sơ đẳng Vovinam Q9 - 2011.
(http://vovinamus.com/forum/showthread.php?13872-Vovivam-Qu%E1%BA%ADn-9-%E2%80%93-Thi-Th%C4%83ng-C%E1%BA%A5p-Kho%C3%A1-11-%E2%80%93-2).
Nhân bài viết này, thay mặt anh em Vovinam Quận 9, chúng tôi thành kính tưởng nhớ và cảm ơn cố võ sư Chánh Chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu, lúc sanh tiền Thầy luôn quan tâm, hướng dẫn các anh em Vovinam Quận 9. Chúng tôi cũng thành kính tưởng nhớ và cảm ơn cố võ sư Trần Quyền, lúc sanh tiền võ sư luôn gắn bó, chia sẻ, hỗ trợ cho sự phát triển Vovinam tại Quận 9.
VS NGUYỄN HỮU PHƯỚC LONG
(14/3/2021)
Infos Vovinam Q9: http://www.vovinamus.com/news/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=415
VS.Nguyễn Hữu Phước Long (áo sơ mi trắng đứng sau thầy Vang và thầy Sen) - Tri ân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2019 tại Tổ đường Môn phái.
✳Phụ ghi:
Có một điều thú vị về Vovinam vùng Thủ Đức. Đó là vùng này luôn được các thế hệ “Hoa Lư” đảm nhận, khai phá. Ngoại trừ giữa thập niên 1950, Sáng tổ Nguyễn Lộc phân công võ sư Nguyễn Văn Hách dạy ở Trung tâm Huấn luyện Hiến binh Quốc gia.
Thập niên 1970, võ đường Trường Trung học tư thục Phục Vụ do võ sư Vũ Kim Trọng phụ trách nằm trên địa bàn Thủ Đức. Đến năm 1987, võ sư Văn Chu Đồng chủ trì phát triển Vovinam Thủ Đức (huyện và sau này là quận). Hai thầy này là “dân Hoa Lư”.
Khi tách 3 quận, Thủ Đức vẫn do võ sư Văn Chu Đồng chủ trì; Quận 9 do võ sư Lê Mạnh Hùng (học trò võ sư Đồng) phụ trách. Riêng Vovinam Quận 2: cả võ sư Trần Đức Hùng, võ sư Trần Quyền đều là “dân Hoa Lư”, hiện tại võ sư Phạm Công Minh cũng là học trò của võ sư Trần Quyền. Còn chúng tôi - không dám tự nhận là Hoa Lư, nhưng người dạy Vovinam đầu tiên tại Sài Gòn cho chúng tôi (cuối năm 1994, đầu năm 1995) bài Lão Mai, học cả ca quyết; chỉnh bài Tứ tượng côn pháp tại câu lạc bộ Thanh Đa là cố võ sư Ngô Kim Tuyền.
Riêng Vovinam quận Thủ Đức, sau một thời gian dài các thế hệ “Hoa Lư” thay phiên phụ trách phong trào, đến tháng 3 năm 2009, võ sư Đào Hoàng Tuấn (gốc Vovinam Quận 8-TP.HCM) được phân công đảm nhận nhiệm vụ Trưởng bộ môn. Với sự năng động và nhiệt huyết của võ sư Đào Hoàng Tuấn, Vovinam Quận Thủ Đức từng bước khẳng định mình. Những năm gần đây, phong trào và thành tích thi đấu của Vovinam Quận Thủ Đức luôn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ban huấn luyện Vovinam quận Thủ Đức năm 2017.