VOVINAM – VIỆT VÕ ĐẠO
TIỀN GIANG
1. Vài nét về tỉnh Tiền Giang Tiền Giang là tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, môi trường sinh thái sông nước, miệt vườn trong lành cùng lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của cư dân vùng Nam bộ[1].
Ngày 24 tháng 2 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho hợp nhất thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Tiền Giang. Ngày 1 tháng 3 năm 1976, tỉnh Tiền Giang chính thức đi vào hoạt động[2].
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và các huyện Cái Bè, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Tân Phú Đông. 2. Sự phát triển của phong trào Vovinam – Việt võ đạo2.1. Giai đoạn trước năm 1975 Nằm trong kế hoạch phát triển bộ môn Vovinam tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ bởi vì lúc này Vovinam là một môn võ còn xa lạ với cư dân địa phương, đầu năm 1970, võ sư Nguyễn Văn Ít (22/4/1952 - 10/2/2002) đến tỉnh Định Tường[3] xây dựng phong trào theo sự phân công của Chưởng môn Lê Sáng.
Chưởng môn Lê Sáng (trái) và võ sư Nguyễn Văn Ít.
Nhằm quảng bá môn phái, chương trình biểu diễn với các tiết mục độc đáo tại sân trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu đã gây tiếng vang và thu hút sự chú ý của giới thanh niên - học sinh.
Dự khán biểu diễn tại sân vận động Định Tường (đầu thập niên 1970, VS Phạm Công Minh cung cấp).
Sau chương trinh này, lớp võ đầu tiên chính thức được khai giảng tại Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, nhiều thanh thiếu niên, học sinh và cả võ sinh của các môn phái khác cũng đăng ký theo học. Đáp ứng nhu cầu tham gia học võ của nhiều người, võ sư Nguyễn Văn Ít đã phải mở thêm lớp sáng và chiều, với số lượng hơn 300 võ sinh thường xuyên tập luyện.
Thi thăng cấp khóa I Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Định Tường năm 1970 (VS Phạm Công Minh cung cấp).
Sau đó, các lớp tập khác được mở tại một số địa điểm như Trường La San (đối diện Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho), Ty Xã hội, Bệnh viện 3 Dã chiến, v.v. và lần lượt nhiều huấn luyện viên được tăng cường về đây để cùng tham gia huấn luyện như Nguyễn Đình Thu, Phạm Công Minh, Nguyễn Anh Dũng (1953 - 2007), Tô Văn Vượng, Lê Hạnh Phúc, Phạm Đức Dục, v.v. Sau đó, võ sư Nguyễn Văn Ít đã phân công huấn luyện viên Tô Văn Vượng phụ trách võ đường tại Ty Xã hội, huấn luyện viên Nguyễn Anh Dũng phụ trách võ đường La San, huấn luyện viên Phạm Công Minh huấn luyện ở một số nơi khác như võ đường thánh Giuse, võ đường Tứ Kiệt (rạp hát Nam Thành, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường) rồi phát triển sang cả tỉnh Gò Công và xã Tân Thạch (tỉnh Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre).
Trường La San Mỹ Tho đầu thập niên 1970.
Từ những khóa đào tạo đầu tiên đã có những môn sinh thi thăng Hoàng đai I cấp tại Long Xuyên (An Giang) gồm Bùi Ngọc Kỳ, Đặng Văn Bá, Phan Tấn Đa (Phan Hoàng Tân) Nguyễn Thành Tuấn, Đoàn Văn Tâm, Nguyễn Đức Dục, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Nhựt, v.v. Sau đó, các môn sinh này được tham gia phụ giảng tại các lớp võ trong tỉnh. Năm 1974, võ sư Nguyễn Văn Sen được Cục Huấn luyện miền Tây điều về phụ trách võ đường La San đến năm 1975.
Chưởng môn Lê Sáng thắt đai cho môn sinh thủ khoa tại sân vận động Gò Công năm 1973.
2.2. Giai đoạn sau năm 1975 Sau năm 1975, phong trào tập luyện Vovinam tạm thời gián đoạn như các môn võ khác. Đến năm 1984 các hoạt động được khôi phục, phong trào Vovinam bắt nhịp trở lại bằng việc khai giảng lớp Vovinam tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang (chùa Phật Ân) và lần lượt lan tỏa đến các địa điểm như sân Chủng viện, Hội trường đỏ, Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Cung Thiếu nhi (nay là Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang), Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân,v.v…
Lớp Vovinam tại sân vận động huyện Chợ Gạo năm 1990 do võ sư Nguyễn Văn Phán phụ trách.
Năm 1989, Hội Vovinam Việt Võ Đạo Tiền Giang được thành lập dưới sự quản lý của Sở Thề dục Thể thao tỉnh Tiền Giang. Ban chấp hành gồm 5 thành viên, trong đó: - Chủ tịch: Ông Đoàn Văn Tâm.- Phó chủ tịch: Ông Đoàn Minh Cang.- Thư ký: Ông Đỗ Văn Huẩn.- Ủy viên kỹ thuật: Ông Nguyễn Văn Phán.- Ủy viên tài chính: Ông Nguyễn Văn Trung. Trong 2 năm 1989 và 1990, đội tuyển Vovinam tỉnh Tiền Giang tham gia Hội diễn Kỹ thuật khu vực 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh và đều giành được huy chương vàng. Đặc biệt, ở Giải vô địch Vovinam toàn quốc lần 2 năm 1993, đội tuyển Vovinam tỉnh Tiền Giang do võ sư Nguyễn Thành Tuấn làm huấn luyện viên trưởng đã xếp hạng ba toàn đoàn. Những năm sau đó, phong trào phát triển chậm do cuộc sống của một số huấn luyện viên gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có thời điểm phong trào chỉ còn 01 câu lạc bộ hoạt động tại Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân do huấn luyện viên Huỳnh Văn Hải đảm trách. Với mong muốn khôi phục phong trào Vovinam tại tỉnh nhà, nhân dịp khánh thành Nhà thi đấu của Cung Thiếu nhi Tiền Giang (nay là Nhà Thiếu nhi Tiền Giang) vào năm 1996, võ sư Nguyễn Thành Tuấn đã mời Đội võ sinh Vovinam của TP.HCM do võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng dẫn về biểu diễn nhằm lấy lại khí thế.
Vovinam Tiền Giang tổ chức Lễ Tưởng niệm Sáng tổ hàng năm.
Thời gian sau đó, huấn luyện viên Huỳnh Văn Hải đã tìm đến võ sư Nguyễn Văn Chiếu và một số võ sư ở quận 8 để thụ giáo. Ngoài ra, ông còn tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, tập huấn trọng tài do Ban điều hành lâm thời Vovinam và Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2003, võ sư Chuẩn hồng đai Huỳnh Văn Hải được bầu làm Chủ tịch Hội Vovinam Tiền Giang nhiệm kỳ 3 (2003 - 2007). Giai đoạn từ 1996 đến 2003, phong trào Vovinam tại Tiền Giang vẫn giậm chân tại chỗ. Trước tình hình này, võ sư Huỳnh Văn Hải đã có nhiều giải pháp để tìm hướng đi cho bộ môn.
Ban chấp hành Hội Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh Tiền Giang 2010.
Võ sư Huỳnh Văn Hải đã đi đến từng huyện, thị để gặp gỡ các cựu môn sinh Vovinam trước năm 1975. Sau đó, ông tổ chức cuộc họp và tạo điều kiện để anh em tham gia biểu diễn nhằm hâm nóng lại tinh thần, tạo động lực và động viên nhau trở lại sinh hoạt. Cũng tại cuộc họp này, ban tổ chức đã tặng kỷ niệm chương (logo môn phái), tập nhạc Vovinam, băng đĩa về chương trình huấn luyện cho những người tham dự. Sau cuộc họp, một số võ sư, huấn luyện viên như Đoàn Văn Tâm, Nguyễn Văn Phán, Đoàn Minh Cang, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phạm Quang Tùng, Đỗ Văn Huẩn, Đỗ Hữu Hiếu, Nguyễn Vũ Thống, v.v. đã trở lại sinh hoạt. Dù vậy, công tác phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đến năm 2006 cũng chỉ mới phát triển được phong trào tại 2 nơi là thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo với 6 CLB và 300 võ sinh.
Thi thăng cấp Lam đai Tiền Giang (11-10-2009).
Không dừng lại ở đây, võ sư Huỳnh Văn Hải cùng một số huấn luyện viên nhiều tâm huyết một lần nữa lặn lội đi đến từng huyện, thị.... để động viên các anh em ra sinh hoạt và thường xuyên về tập huấn chuyên môn cho các môn sinh như Nguyễn Hồng Sang, Trần Văn Minh, Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Nguyễn Công Khanh, Phạm Văn Điền (thị xã Gò Công); Bùi Thanh Sơn, Trần Quốc Trọng Hiếu, Nguyễn Văn Lẫm, Nguyễn Hữu Nhuận, Huỳnh Xuân Tâm (huyện Cai Lậy). Từ đó, phong trào mới bắt đầu khởi sắc.
Ban chấp hành Hội Vovinam Việt Võ Đạo Tiền Giang nhiệm kỳ 2012 - 2015.
Trong những năm gần đây, phong trào Vovinam Tiền Giang đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút trên 4.000 môn sinh thường xuyên tập luyện tại 74 CLB của 10/11 huyện, thị, thành phố và 2 CLB ở Trường Cao đẳng Nam bộ và Trường Đại học Tiền Giang.
Tập huấn chuyên môn năm 2019.
Riêng Trường Đại học Tiền Giang chính thức đưa môn Vovinam vào chương trình giáo dục thể chất (môn tự chọn) từ năm học 2012 – 2013. Mỗi năm học có 9 lớp, mỗi lớp trung bình trên dưới 40 sinh viên do võ sư Huỳnh Văn Hải giảng dạy.
Lớp tập huấn ngày Chủ nhật hàng tuần.
Bên cạnh đó, Hội Vovinam Việt Võ Đạo còn tham gia huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ của 17 phường, xã trong toàn thành phố Mỹ Tho. Chỉ tính từ năm 2013 đến 2017 đã có trên 600 người tham gia luyện tập. Trong đó, năm 2013 có 68 học viên, năm 2014 có 60 học viên, năm 2015 có 70 học viên, năm 2016 có 151 học viên và năm 2017 có 316 học viên.
Vovinam Tiền Giang tổ chúc thi thăng cấp Trung đẳng năm 2020.
Đối với lực lượng công an, từ năm 2003 đến 2012 bộ môn đã huấn luyện cho gần 300 cán bộ chiến sĩ. Trong đó, năm 2003 có 121 cán bộ chiến sĩ, năm 2006 có 59 cán bộ chiến sĩ, năm 2012 có 119 cán bộ chiến sĩ. Ngoài ra, năm 2011 bộ môn đã tập huấn cho 47 giáo viên giáo dục thể chất viên của 40 trường trong toàn tỉnh.
BẢNG THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG
(Tính đến tháng 01 năm 2020)
STT
|
Đơn vị
|
Số lượng CLB
|
Hoàng đai I trở xuống
|
Hoàng đai II, III
|
Chuẩn Hồng đai trở lên
|
1
|
Huyện Cái Bè
|
4
|
279
|
3
|
|
2
|
Huyện Cai Lậy
|
5
|
252
|
6
|
|
3
|
Thị Xã Cai Lậy
|
10
|
618
|
9
|
3
|
4
|
Huyện Châu Thành
|
9
|
529
|
3
|
1
|
5
|
Huyện Tân Phước
|
1
|
75
|
1
|
|
6
|
Thành phố Mỹ Tho
|
10
|
552
|
10
|
8
|
7
|
Huyện Chợ Gạo
|
18
|
980
|
21
|
3
|
8
|
Huyện Gò Công Tây
|
7
|
325
|
2
|
2
|
9
|
Thị Xã Gò Công
|
7
|
304
|
4
|
2
|
10
|
Huyện Gò Công Đông
|
3
|
100
|
|
|
|
Tổng cộng
|
74
|
4014
|
59
|
19
|
Về thể thao thành tích cao, bộ môn Vovinam cũng tổ chức các giải thi đấu cấp tỉnh và tham gia các giải quốc gia. Nhiều môn sinh đã đạt được thành tích cao tại các giải toàn quốc, khu vực và thế giới như Nguyễn Minh Tính, Danh Tâm, Bùi Thị Cẩm Bình, v.v....
Võ sĩ Nguyễn Minh Tính (Tiền Giang, trái) thi đấu với võ sĩ Pháp tại Paris (4-2010).
Ảnh: Võ Danh Hải.
Ban chấp hành Hội Vovinam Việt Võ Đạo Tiền Giang nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Định hướng phát triển cho những năm sắp tới, Hội Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh Tiền Giang sẽ chú trọng công tác củng cố lực lượng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ huấn luyện viên, phát triển phong trào trong các trường học và huyện còn lại là Tân Phú Đông. Song song đó, Hội cũng đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII với mục tiêu nâng cao chất lượng Ban chấp hành, trong đó chú ý tăng cường các võ sư, huấn luyện viên trẻ có trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ…
Hội Vovinam Việt Võ Đạo Tiền Giang
Tháng 8-2020
Kỷ niệm 50 năm Vovinam Tiền Giang (1970 - 2020).
DESIGN BY HLV.NGÔ CHÍ HIỀN - VVN NTL PHÚ THỌ.
|