VOVINAM CẦN THƠ
1. Vài nét về vùng đất Cần Thơ
Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang, do Mạc Thiên Tích có công khai phá. Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Cần Thơ được thành lập kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900[1].
Bến Ninh Kiều – Cần Thơ ngày xưa.
Sau Hiệp định Genève 1954, chính quyền lúc bấy giờ đã có những thay đổi về địa giới và địa danh các tỉnh miền Nam Việt Nam cũng như thành lập một số tỉnh mới. Sắc lệnh 143 - NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 về "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam" đã thành lập tỉnh Phong Dinh do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ [2]. Trong khi đó, về phía chính quyền cách mạng vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ nhưng địa giới hành chính có thay đổi một phần[3].
Sau ngày thống nhất đất nước, Nghị định số 03/NĐ - 76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 của Chính phủ về việc sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang. Đến tháng 12 năm 1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách Hậu Giang thành 2 tỉnh là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội khóa XI ra Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26/11/2003 và Nghị định số 05 của Chính phủ ngày 02/01/2004 tách tỉnh Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và lập tỉnh Hậu Giang[4].
Thành phố Cần Thơ được biết đến như một đô thị miền sông nước, nổi tiếng với Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng - một nét sinh hoạt đặc trưng của văn hóa Nam Bộ.
2. Những chặng đường phát triển của phong trào Vovinam Cần Thơ
2.1. Giai đoạn trước năm 1975
Có thể nói rằng, phong trào Vovinam ở Cần Thơ – Phong Dinh đã được ươm mầm từ rất sớm.
Vào ngày 16/6/1969, võ sư Trần Huy Phong (Trưởng đoàn) đã đưa đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo từ Tổng cục Huấn luyện ở Sài Gòn xuống Cần Thơ biểu diễn tại trường Ðức Trí (ngày 17/6/1969). Đoàn quy tụ nhiều võ sư, huấn luyện viên (HLV) giỏi như Lê Công Danh, Ngô Kim Tuyền, Trần Vui (Trần Tấn Vũ), Hồ Tấn Anh, Nguyễn Văn Nhàn, Trần Ngọc Trình, Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sen, Lê Thị Ngọc Cúc, Lê Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Nga, v.v… Cùng đi với đoàn còn có võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ. Trong buổi biểu diễn, HLV Nguyễn Hồng Tâm phụ trách điều khiển chương trình.
HLV Nguyễn Văn Sen & Nguyễn Văn Chiếu (hàng giữa)Đi biểu diễn ở Cần Thơ, ngày 16-6-1969. Ảnh: Thiện Tâm.
Tuy nhiên, phong trào chưa được khuấy động ngay sau chương trình biểu diễn mà mãi đến cuối năm 1970, sau khi xây dựng phong trào ở Long Xuyên (An Giang), võ sư Nguyễn Văn Nhàn cùng các võ sư Hoàng Minh Cường, Dương Minh Nhơn, Nguyễn Tôn Khoa, Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Văn Ít và HLV Dương Minh Hải, Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Phước đến Phong Dinh biểu diễn mở lớp.
Sau đó, Trung tâm Huấn luyện Vovinam - Việt Võ Ðạo Phong Dinh được thành lập và trưng bảng hiệu tại Võ đường Tự Ðức số 96 đường Tự Ðức (nay là Lý Tự Trọng, Cần Thơ), trước nhà ông Nguyễn Tâm Hảo (1920-1985, lúc đó là Trưởng Ty Thanh niên).
Tại Trung tâm Huấn luyện, trong những tháng đầu chỉ có võ sư Nguyễn Văn Nhàn và HLV Dương Minh Hải huấn luyện chính với sự phụ giúp của các võ sinh được huấn luyện cấp tốc cho các khâu giữ trật tự và hô đòn. Sau đó, qua giới thiệu của Chưởng môn Lê Sáng, võ sư Nguyễn Văn Nhàn đã mời võ sư Võ Văn Nuôi (1937-1999, đang làm việc tại Cần Thơ) phụ trách khâu đối ngoại và cử võ sư Nguyễn Văn Sen về phụ trách khâu điều hành - huấn luyện tại Cần Thơ.
Từ võ đường Tự Ðức, HLV Trần Văn Phong, Huỳnh Văn Thuận đã mở rộng phong trào đến các quận Phong Ðiền, Cái Răng, v.v.. Ngoài ra tại điểm Quân đoàn 4, võ sư Võ Văn Nuôi (phụ trách) và HLV Nguyễn Hữu Hạnh (phụ tá huấn luyện) cũng thường xuyên mở các lớp huấn luyện.
Võ đường Tự Ðức còn được chọn là nơi tổ chức sinh hoạt chuyên môn như kỹ thuật huấn luyện, nghệ thuật diễn giảng, sinh hoạt cộng đồng và văn nghệ... cho các tỉnh thuộc khu vực miền Tây. Ngoài ra, hằng năm, nơi đây tổ chức thi thăng cấp (Lam đai và Hoàng đai) vào tháng 4 (nhân Lễ Tưởng niệm Sáng tổ) và tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm ( nhân Lễ khai phá Miền Tây ).
Từ ngày 24 đến 26/11/1972, Lễ khai phá đệ tam chu niên (lần thứ 3) và Lễ mang đai khóa VIII Việt Võ Ðạo Miền Tây được tổ chức tại Khu kỹ nghệ Tây Ðô, Trà Nóc, tỉnh Phong Dinh (nay là Cần Thơ). Về tham dự lễ có khoảng 2000 môn sinh thuộc các tỉnh miền Tây và đặc biệt trong buổi lễ Ban tổ chức địa phương vinh hạnh, đón tiếp Chưởng môn Lê Sáng.
Cần Thơ là địa bàn lớn, môn phái đã chọn nơi này để đặt Văn phòng của Cục Huấn luyện Miền Tây.
Lễ Tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 13-1973 tại Cần Thơ,ảnh do VS Nguyễn Hữu Hạnh cung cấp.
2.2. Giai đoạn sau năm 1975
Từ Nghị định số 03/NĐ - 76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 của Chính phủ về việc sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang. Vì thế, tỉnh Phong Dinh trước đây giờ đã trở thành một phần của tỉnh Hậu Giang.
Cũng như những địa phương khác, sau khi đất nước thống nhất, các hoạt động võ thuật tạm thời lắng xuống. Năm 1978, HLV Văn Thanh Xuân gây dựng lớp tập tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phụng Hiệp (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Ngã Bảy), đến năm 2002 lớp tạm thời gián đoạn 1 năm rồi sau đó tiếp tục hoạt động. Năm 2004 HLV Văn Thanh Xuân bàn giao lớp tập cho HLV Nguyễn Việt Anh Tiến và Trần Hoàng Ngọc Chiến để duy trì hoạt động.
Tại huyện Thốt Nốt, từ cuối năm 1984 các HLV Lê Kế Truyền (1954 - 2001), Nguyễn Bá Dương, Lê Văn Tạo, Nguyễn Tấn Thành, Phạm Văn Thành, Lý Công Trường, v.v. đã mở lớp dạy.
Tại huyện Ô Môn, các HLV Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Thanh Hạnh Phúc, Thái Hoàng Dân, Lê Tấn Thiết, Lương Hòa mở lớp dạy từ năm 1985. Riêng tại Huyện đội Ô Môn có HLV Phùng Chí Công mở lớp dạy mỗi buổi sáng với khoảng 150 võ sinh, một số môn sinh nòng cốt trước năm 1975 cũng ôn tập chung nhưng không thường xuyên.
Tại Cần Thơ, khoảng giữa thập niên 1980, các HLV Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn Phong, Bành Quốc Thanh, Phan Hữu Thông, Tiền Hữu Nghĩa, Huỳnh Văn Thuận, Tạ Quỳnh Ðức (1957 - 2006), Nguyễn Thị Kính, Tần Thiên Lý, Nguyễn Thành Trí, v.v. tập trung ôn luyện rồi mở lớp tại Cung Thiếu nhi Thành phố Cần Thơ vào tháng 2/1986. Sau đó, tiếp tục khai giảng lớp ở Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Mẫu giáo An Hội 2, phường Thới Bình, v.v.
Năm 1986, võ sư Nguyễn Hữu Hạnh mua phần đất tại số 118/9/8A đường Trần Phú, phường Cái Khế, TP. Cần Thơ, tổng diện tích 1.300m2. Sau khi xây dựng nhà ở, võ sư Nguyễn Hữu Hạnh dành một phần xây 5 phòng trọ cho sinh viên, để lại một căn làm võ đường đủ cho từ 80 đến 120 môn sinh tập luyện... Sau này đặt tên là Võ đường Trung Chính. Một số võ sư, HLV dạy thường xuyên tại võ đường này như Bành Quốc Thanh, Dương Quốc Trung, Võ Hữu Lý, Lê Thị Hoài Nguyện,... Trước đó, HLV Nguyễn Hữu Hạnh đã dạy cho 30 học viên là đội xung kích của phường Cái Khế, đạt kết quả tốt về khả năng ứng phó với tội phạm và tiến bộ trong hành xử nên được địa phương ủng hộ.
Lớp tập Vovinam tại phường Thới Bình năm 1986 do HLV Bành Quốc Thanh phụ trách.
Từ sau khi khôi phục phong trào vào cuối thập niên 70 cho đến những năm đầu của thập niên 80, phong trào Vovinam Cần Thơ đã không ngừng vươn lên, vượt qua thách thức, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngoài thành phố Cần Thơ, phong trào đã lan tỏa đến hầu hết các thị xã, huyện, số lượng môn sinh ngày càng tăng.
Thống kê số lượng môn sinh tỉnh Hậu Giang
(tính đến năm 1995)
|
Số thứ tự
|
Địa phương
|
Môn sinh
|
1
|
Thành phố Cần Thơ
|
520
|
2
|
Thị xã Sóc Trăng ( 1992 đã chia tách tỉnh Sóc Trăng )
|
390
|
3
|
Huyện Châu Thành
|
170
|
4
|
Huyện Phụng Hiệp
|
250
|
5
|
Huyện Thốt Nốt
|
270
|
6
|
Huyện Ô Môn
|
280
|
7
|
Huyện Kế Sách ( 1992 đã chia tách tỉnh Sóc Trăng )
|
180
|
8
|
Huyện Long Mỹ
|
120
|
Tổng cộng
|
2180
|
Biểu diễn khai giảng lớp Vovinam đầu tiên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, tháng 12-1989.
Sau khi tách tỉnh Hậu Giang để thành lập tỉnh Cần Thơ (T01/1992) và thành phố Cần Thơ (2003), số lượng câu lạc bộ và môn sinh không ngừng tăng lên.
Năm 2000, tỉnh Cần Thơ có 26 câu lạc bộ (CLB), với 1.095 môn sinh tập luyện thường xuyên do 21 võ sư và 81 HLV hướng dẫn.
Họp mặt truyền thống các võ sư Đồng bằng sông Cửu Long và Lễ Tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc năm 2001.
Năm 2004, toàn Thành phố Cần Thơ có 28 CLB, với trên 1.100 môn sinh tập luyện thường xuyên (ngày 02/01/2004 đã thành lập TP Cần Thơ)
Năm 2008, toàn thành phố Cần Thơ có 32 CLB, với 1.443 môn sinh tập luyện thường xuyên.
Năm 2012, toàn thành phố Cần Thơ có 38 CLB, với 1.667 môn sinh tập luyện thường xuyên dưới sự dẫn dắt của trên 100 võ sư và HLV.
Năm 2017, toàn thành phố có 3.000 võ sinh tham gia tập luyện ở 45 CLB tại 9/9 quận, huyện, các trường Ðại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, các trường Cảnh sát, Phòng Cảnh sát cơ động, Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9).
VS Từ Thanh Phong, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam TP Cần Thơ hướng dẫn 1.200 sinh viên Đại học FPT Cần Thơ biểu diễn xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam 2018.
Đến đầu năm 2020, thành phố Cần Thơ có trên 5.000 võ sinh, với 50 CLB có mặt tại 5 trường đại học (FPT Cần Thơ, FGW Việt Nam tại Cần Thơ, Ðại học Cần Thơ, Ðại học Y Dược Cần Thơ và Ðại học Nam Cần Thơ), 3 trường cao đẳng (Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng FPT Cần Thơ) và hầu hết các trường phổ thông, lực lượng vũ trang (Trung tâm TDTTQP 4 - QK9; Trường Trung cấp CSND III).
3. Hoạt động tổ chức Vovinam tại Cần Thơ
3.1. Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 1991 - 1996
Năm 1991, Ðại hội Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Hậu Giang (bao gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) đã bầu Ban chấp hành gồm[5]:
- Chủ tịch: Võ sư (VS) Nguyễn Hữu Hạnh.- Phó chủ tịch: VS Tạ Quỳnh Ðức, Bành Quốc Thanh.- Ủy viên: VS Nguyễn Thanh Tâm, Lê Kế Truyền, Thái Hoàng Vân, Văn Thanh Xuân.- Thư ký: VS Nguyễn Thành Trí.- Thủ quỹ: VS Tần Thiên Lý. Chưởng môn Lê Sáng dự Lễ truyền thống lần thứ 24 VVN Miền Tây và kỳ thi Trung đẳng khóa II-1993 tại Cần Thơ. 3.2. Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Cần Thơ nhiệm kỳ 1996 - 2000 Ngày 03/7/1996, Ðại hội Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Cần Thơ đã bầu Ban chấp hành gồm:- Chủ tịch: VS Tạ Quỳnh Ðức.- Phó chủ tịch: VS Nguyễn Thành Trí và Nguyễn Thanh Tâm.- Tổng thư ký: VS Tần Thiên Lý.- Ủy viên: VS Lê Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Văn Thắng, Văn Thanh Xuân, Bành Quốc Thanh.
3.3. Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Cần Thơ nhiệm kỳ 2000 - 2004
Ðại hội đại biểu Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo tỉnh Cần Thơ nhiệm kỳ 2000 - 2004 được tổ chức vào ngày 02/8/2000. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm:
- Chủ tịch: VS Tạ Quỳnh Ðức.- Phó chủ tịch: VS Nguyễn Thanh Tâm và Văn Thanh Xuân.- Tổng thư ký: VS Tần Thiên Lý.- Ủy viên: VS Bành Quốc Thanh, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Hữu Tín, Lê Kế Doãn Huy, Võ Hữu Lý. 3.4. Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2005-2008
Ðại hội đại biểu Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2005 - 2008 được tiến hành vào ngày 12/6/2005. Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm:
- Chủ tịch: VS Tạ Quỳnh Ðức.- Phó chủ tịch: VS Nguyễn Thanh Tâm và Lê Văn Tạo.- Tổng thư ký: VS Nguyễn Hữu Tín.- Ủy viên: VS Thái Tú Dũng, Lê Kế Doãn Huy, Trần Văn Quẩn, Trần Công Tạo, Bành Quốc Thanh. Ngày 14/6/2006, UBND thành phố Cần Thơ quyết định cử VS Nguyễn Thanh Tâm làm Chủ tịch (thay cho VS Tạ Quỳnh Ðức qua đời) và bổ sung VS Võ Hữu Lý làm Phó chủ tịch.
3.5. Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2008-2012
Ðại hội đại biểu Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2008 - 2012 được tổ chức vào ngày 30/11/2008.
- Chủ tịch: VS Nguyễn Thanh Tâm.- Phó chủ tịch: VS Võ Hữu Lý, Trần Văn Phong, Nguyễn Tuấn Kiệt.- Tổng thư ký: VS Từ Thanh Phong.- Ban cố vấn: VS Nguyễn Hữu Hạnh và Huỳnh Văn Thuận.
* Ông Ngô Sơn Hải - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Thanh Hà (TP. Hồ Chí Minh) được mời làm Chủ tịch danh dự.
3.6. Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2013-2017
Ngày 17/2/2013, Ðại hội đại biểu Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2013 – 2017 được tổ chức. Đại hội đã nhất trí đổi tên Hội Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ thành Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ.
Các thành viên cốt cán nhiệm kỳ này gồm:
- Chủ tịch: VS Võ Hữu Lý.- Phó chủ tịch: VS Từ Thanh Phong, VS Trần Công Tạo.- Tổng thư ký: VS Nguyễn Thanh Hoa.- Ban cố vấn: VS Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn Phong, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thanh Tâm.
Lễ Tưởng niệm Chưởng môn Lê Sáng lần thứ 9-2019 tại Cần Thơ.
3.7. Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022
Ðại hội đại biểu Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2017 – 2022 được tổ chức vào ngày 30/10/2017. Các thành viên cốt cán gồm:
- Chủ tịch: VS Võ Hữu Lý- Phó chủ tịch: VS Từ Thanh Phong, VS Trần Công Tạo- Tổng thư ký: VS Lâm Trí Linh- Ban cố vấn: VS Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn Phong, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thanh Tâm. Đại biểu và BCH Liên đoàn Vovinam thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022.
4. Thành tích
Thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương có phong trào luyện tập Vovinam khá mạnh mẽ. Không chỉ tăng về số lượng môn sinh mà phong trào ở đây còn không ngừng nâng cao về chất lượng.
Từ năm 1992 đến 1995 nổi bật có vận động viên (VĐV) Võ Hữu Lý đạt Huy chương vàng (HCV) tại Giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 1992, 1993, 1994.
Kết quả tham dự giải trong nhiều năm liên tiếp đã cho thấy địa phương này luôn giữ phong độ vững vàng.
BẢNG THÀNH TÍCH
THAM DỰ GIẢI TOÀN QUỐC
|
Năm
|
HCV
|
HCB
|
HCĐ
|
Toàn đoàn
|
1996
|
2
|
3
|
9
|
4/11
|
1997
|
2
|
3
|
11
|
3/15
|
1998
|
2
|
3
|
7
|
3/16
|
1999
|
1
|
4
|
8
|
5/20
|
Từ năm 2008 đến năm 2012, đoàn vận động viên tham dự giải toàn quốc đạt được 146 HCV, 86 HCB và 75 HCÐ. Trong đó nổi bật:
- Xếp nhất toàn đoàn các Giải khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long;
- Tại Giải Vovinam Ðại hội Thể dục thể thao Ðồng bằng sông Cửu Long:
* Năm 2010 đạt 6 HCV, 3 HCB, 3 HCÐ
* Năm 2011 đạt 14 HCV, 3 HCB, 7 HCÐ
- Giải Vovinam Thế giới và SEA Games năm 2011 đạt 1 HCV, 3 HCB.
- Cúp các CLB Vovinam toàn quốc lần 4 - 2013 tại Lạng Sơn, đoàn Cần Thơ đã vượt qua TPHCM, xếp nhất toàn đoàn với 9 HCV, 5 HCB, 3 HCÐ.
- Hội khỏe Phù Ðổng toàn quốc tại Cần Thơ năm 2012, chủ nhà xếp hạng nhì toàn đoàn.
Trong những năm từ 2013 đến 2017, cùng với đội tuyển Việt Nam tham dự các Giải vô địch Ðông Nam Á, Asian Beach Games, SEA Games và vô địch Thế giới, các VÐV Cần Thơ đã giành được 12 HCV, 10 HCB.
Các VĐV Cần Thơ đoạt HCV Thế giới 2013 tại Paris, Pháp.
Tham gia các giải toàn quốc, Hội khỏe Phù Ðổng toàn quốc và Ðại hội Thể dục thể thao Ðồng bằng sông Cửu Long đạt 135 HCV, 76 HCB, 85 HCÐ.
Từ năm 2017 đến nay, phong trào luôn có những thành tích vượt trội. Trong năm 2018, đoàn vận động viên tham dự giải đã đạt nhiều kết quả cao.
- Giải quốc tế đạt 2 HCV, 2 HCB (Giải Ðông Nam Á tại Campuchia, Giải châu Á tại Indonesia). - Giải toàn quốc đạt 27 HCV, 17 HCB, 13 HCÐ (Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc lần thứ IX tại tỉnh Ðồng Nai, Giải trẻ toàn quốc tại tỉnh Phú Yên, Giải học sinh toàn quốc Cúp Milo tại tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Lâm Trí Linh và Bùi Hùng Cường, HCV song luyện vật số 2.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, năm 2019 đoàn cũng đã giành được nhiều giải thưởng: - Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc lần thứ X tại tỉnh Gia Lai đạt 6 HCV, 4 HCB. - Giải vô địch toàn quốc lần thứ XXVI tại tỉnh Quảng Nam đạt 7 HCV, 4 HCB, 1 HCÐ. - Giải vô địch trẻ toàn quốc lần thứ XVII tại tỉnh Kiên Giang đạt 10 HCV, 3 HCB, 5 HCÐ. - Giải Vovinam học sinh toàn quốc lần thứ III - Cúp Milo tại tỉnh Ðắk Lắk đạt 10 HCV, 6 HCB, 4 HCÐ.
Giải Trẻ và Học sinh thành phố Cần Thơ 2019.
Một số vận động viên nổi bật và có nhiều đóng góp vào bảng thành tích của Cần Thơ qua các thời kỳ như Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Quốc Thái, Trần Công Tạo, Trần Tấn Lập, Nguyễn Thanh Hoa, Lê Toàn Trung, Đoàn Hoàng Thâm. Lâm Chí Linh, Nguyễn Trung Tính, Nguyễn Phúc Thịnh, Bùi Lê Nhật Minh, Nguyễn Thị Cẩm Thùy, Nguyễn Thị Thu Thảo, Lâm Thị Thùy Mỵ, v.v.
Tham gia giao lưu văn hóa - thương mại Việt Nhật lần 3, tháng 11 năm 2019.
Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng Vovinam - Việt Võ Đạo TP. Cần Thơ vẫn ngày càng vững bước để chung tay cùng môn phái xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng.
Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Ðạo TP. Cần Thơ
T6/2020
[5] Quyết định chuẩn y số 06 QÐ-TC91 ngày 20-3-1991 của Sở TDTT Hậu Giang.
DESIGN BY HLV.NGÔ CHÍ HIỀN - VVN NTL PHÚ THỌ.