***********
Ý NGHĨA 10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA VIỆT VÕ ĐẠO SINH
* Đây là 10 điều tâm niệm của Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, đã được Chưởng Môn Lê Sáng giảng dạy trong phần lý thuyết thi lên các cấp.
I. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 1:
- Việt Võ Đạo Sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật, để phục vụ dân tộc và nhân loại.
1. HOÀI BÃO:
Người học võ trước hết phải có hoài bão lớn lao, là mong đạt tới mức độ siêu việt, chớ không phải chỉ cốt học qua loa một vài đòn thế để tự vệ là đủ. Ở đây hoài bão của Việt Võ Ðạo Sinh (VVĐS) là "Nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật".
* Trong phần câu hỏi thi lên đai, quý thầy cô có hỏi:
A. Vì sao không mang hoài bảo lớn lao là đạt đến tuyệt độ của nghệ thuật ?
- Việt Võ Đạo Sinh không mang hoài bảo lớn lao đạt đến tuyệt độ của nghệ thuật, vì nghệ thuật thì khôn cùng, nên VVÐS chỉ hoài bão những gì hợp tình hợp lý có thể thực hiện được, chứ không cuồng vọng, không tưởng.
B. Thế nào là "Cao độ" ? Thế nào là "Tuyệt độ" ?
- Cao độ: là ở mức độ cao nhất của con người có thể đạt được. Trong võ thuật, cao độ của chúng ta là dày công khổ luyện để trở thành Huấn luyện viên, Võ sư…
- Tuyệt độ: là ở mức độ cao nhất mà những người khác không đạt được bằng mình, không ai hơn mình được, như ước mơ làm đệ nhất thiên hạ, độc chiếm võ lâm…
* Nhưng nên nhớ là: "CAO NHÂN TẮC HỮU CAO NHÂN TRỊ".
Ở đời mình cao, còn có người khác cao hơn, mình giỏi sẽ có nguời khác giỏi hơn, không ai trở thành đệ nhất thiên hạ được.
Ngày xưa, có những chàng học võ thành tài rồi, thường hay vác kiếm đi cùng khắp thiên hạ, để thách đấu với những người có tên tuổi, hầu mong đánh bại những người đó để mình được nổi tiếng, mong được trở thành đệ nhất thiên hạ, đi đến đâu gieo rắc kinh hoàng cho nơi đó, nhưng kết quả cuối cùng bao giờ cũng là thất bại... Đó là những ước mơ cuồng vọng, không thể thực hiện được.
* Là một VVĐS, chúng ta chỉ ước mong đạt đến trình độ nghệ thuật ở một mức độ nào mà chúng ta có thể đạt tới, đừng cuồng vọng mơ ước cao xa mà khả năng chúng ta không thể thực hiện được.
2. MỤC ĐÍCH:
Là một môn sinh Vovinam, chúng ta có những mục đích, tôn chỉ, đường hướng rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng đất nước cường thịnh. Chúng ta là người võ sĩ, mục đích của chúng ta học võ là để phụng sự cho dân tộc và nhân loại, chứ không phục vụ cho riêng tư chúng ta hay cho bất cứ một cá nhân hay một bè nhóm nào!
Người học võ phải tìm hiểu mục đích học võ của mình. Học võ mà không có mục đích, chẳng khác gì người đi đường không biết rõ mình đi đâu, người lính ra trận không biết rõ mình ra trận để làm gì.
Chỉ có những người chưa học võ mới có quan niệm sai lầm rằng: học võ "để đánh người", hoặc học võ "để đi đánh lộn". Sự thật trái lại. Thực tế cho chúng ta thấy rằng: càng những người không biết võ, hoặc biết võ vẽ một vài miếng mới hiếu chiến, tức "thích đánh lộn".
Người giỏi võ không thể, chẳng những trau giồi về võ thuật, mà còn trau giồi cả về tinh thần thượng võ, ý thức võ đạo. Những người có tinh thần thượng võ và ý thức võ đạo luôn luôn bình tĩnh giải quyết sự việc. Họ không có mặc cảm tự ti, là bị người coi thường. Họ rất ghét sự gây gổ cá nhân, và thường tỏ ra là người có sức chịu đựng giỏi hơn người khác. Lý do thật giản dị: Anh không dùng võ để tỏ ra là mình mạnh để khỏi có mặc cảm sợ người, vì anh hiểu rằng chỉ cần một vài thế võ là hạ xong địch thủ.
Học võ để hạ địch thủ trong một lúc tức giận nào đó, không hợp với tinh thần Việt Võ Ðạo. Việt Võ Ðạo Sinh học võ với một mục đích cao cả hơn: Học võ để có thể giúp ích đồng bào nhiều hơn, để hòa giải những mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia. Anh học võ với ý thức phục vụ, chứ không phải với ý thức đàn áp. Anh học võ để phục vụ dân tộc của anh và nhân loại tất cả chúng ta, của tất cả mọi người.
* Thế nào là Dân tộc ? thế nào là Nhân loại ?
- Dân tộc: là những người dân sống cùng trong một nước, cùng màu da, chủng tộc.
- Nhân loại: là tất cả những người sống trên trái đất này (đủ màu da, và đủ chủng tộc) được gọi là nhân loại.
Đầu tiên chúng ta học võ là để cường thân kiện thể, kế tiếp là để tự vệ trong những trường hợp bất trắc xảy ra. Sau khi chúng ta học thành tài rồi thỉ chúng ta phải đem sự hiểu biết, tài năng của chúng ta ra để giúp đời, phụng sự cho xã hội, hướng dẫn những người khác sống tốt giống như chúng ta, để xây dựng đất nước ngày một hưng thịnh và vững mạnh hơn.
Rồi sau đó có khả năng cao hơn, chúng ta sẽ giúp cho những người khác không cùng chủng tộc, giúp cho toàn thế giới được sống trong khỏe mạnh, ấm no hạnh phúc và hòa bình.
II. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 2:
- Việt Võ Đạo Sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Ðạo (trước 2009).
- Việt Võ Đạo Sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấng thân hiến ích (sau 2009). 1. Ý NGHĨA:
Nói về “nghĩa vụ” của Việt Võ Đạo Sinh đối với môn phái và dân tộc, Việt Võ Đạo Sinh có nghĩa vụ phải trung kiên để phát huy môn phái và xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo. 2. Quan niệm về trung kiên của Việt Võ Đạo Sinh :
* Trung Kiên là gì ?
- Trung là trung thành, môt lòng, một dạ với môn phái, Kiên là kiên tâm, kiên nhẫn, trì chí, theo đuổi sinh hoạt môn phái lâu dài, đừng bỏ cuộc giữa chừng… - Trung kiên ở đây còn có nghĩa là trung kiên đối với môn phái, với đường hướng đi của môn phái đã vạch ra, chứ không phải trung kiên với bất cứ một cá nhân hay cho một bè phái nào. Tuy nhiên, nếu một cá nhân hay một tổ chức nào đó đang chấp chưởng công việc phát huy môn phái, đang đi theo đúng đường hướng đi của môn phái đã vạch, thì Việt Võ Đạo Sinh có nghĩa vụ phải tiếp tay góp sức, phải triệt để kiên quyết trung thành, cộng tác với cá nhân hay tổ chức đó để xây dựng môn phái lớn mạnh hơn. 3. Nếu chúng ta muốn phát huy môn phái được lớn mạnh hơn, Việt Võ Đạo Sinh chúng ta phải làm gì?
Muốn phát huy môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải:
a. Cố gắng luyện tập, dày công khổ luyện để trở thành Võ sư - Huấn luyện viên, tiếp nối truyền thống người trên, khai mở phong trào Việt Võ Đạo khắp nơi, trực tiếp truyền bá võ thuật và võ đạo cho quần chúng. b. Chúng ta phải thực tập tinh thần Việt Võ Đạo trong đời sống hằng ngày:
* Trong gia đình: Nếu là bậc cha mẹ thì phải là những người cha mẹ hiền từ, luôn thương yêu con cái, dạy dỗ, chăm sóc cẫn thận để cho con nên người, tạo lập mái ấm gia đình, để người con nhìn vào gương cho mẹ mà noi gương và bắt chước theo, Gia đình là nền tảng vững vàng cho con cái nối bước, là nhịp cầu cho con cái bước chân vào xã hội, sự thành công của con cái là tùy thuộc vào sự chăm sóc, dạy dỗ của các bậc cha mẹ. - Nếu là người con thì phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, lễ phép với các cô chú bác… Chúng ta có hiếu thảo thì mới được mọi người mến phục và quí mến chúng ta, và cha mẹ chúng ta sẽ được hưởng tiếng thơm lây, và con cái chúng ta sau này sẽ trông gương ta mà bắt chước theo. - Nếu là anh/chị thì phải là người anh/chị hiền, hết lòng thương yêu, giúp đỡ cho em út, giúp cha mẹ dạy dỗ, chăm sóc cho em những khi cha mẹ vắng mặt. - Nếu là người em thì luôn luôn là người em ngoan ngoãn, hòa thuận và luôn vâng lời dạy bảo của anh chị. * Với bạn bè: Chúng ta phải là một người luôn có uy tín và lòng tràn đầy nghĩa khí, những gì chúng ta hứa là phải làm, và cố gắng làm tròn để giữ uy tín, chớ đừng hứa suông rồi bỏ lơ, không hoàn thành để bị mất uy tín. * Với xã hội: Chúng ta phải luôn là người công dân tốt, thực thi đúng điều luật chính phủ nơi mình sinh sống đã ban hành, đừng bao giờ gây ra những lầm lỗi hoặc phạm pháp… Phải tạo cho mình một chổ đứng vững vàng, có uy tín với chính quyền và các đoàn thể cũng như cộng đồng để giữ vững cương vị của người võ sĩ đạo, để được mọi người kính mến và nể phục. 4. Tại sao nghĩa vụ của Việt Võ Đạo Sinh đối với dân tộc là xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Ðạo ? Ngoài phần huấn luyện võ thuật, Vovinam Việt Võ Đạo còn hướng dẫn cho người môn sinh về võ đạo, dạy cho các môn sinh có một tác phong đạo đức đàng hoàng đứng đắng, hướng dẫn và khuyến khích các môn sinh làm việc thiện, việc tốt, để trở thành những điểm sáng cho người khác noi theo. Ý nguyện của Võ sư Sáng Tổ muốn rằng: - Mỗi người dân Việt Nam là một Việt Võ Đạo Sinh, mỗi một Việt Võ Đạo Sinh là một điểm sáng, điểm sáng càng nhiều, bóng tối tự nó tiêu tan. - Nếu toàn thể người dân Việt Nam mình đểu tập võ hết, thì dân tộc mình sẽ là một lực lượng hùng mạnh, nối tiếp truyền thống cha ông giữ nước và xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh hơn. Như chúng ta đã thấy qua mấy ngàn năm văn hiến, lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phái đấu tranh cho sự trường tồn, nước Việt cứ bị các dân tộc lớn sang xâm chiếm. Nếu không có lực lượng thanh niên mạnh khoẻ, thì khó bảo tồn đất nước. Từ hàng ngàn năm nay, nước Nhật đã vượt biết bao khó khăn, thử thách, quật cường được sau bao nhiêu hiểm họa vong quốc, vì họ đã sẵn có một căn bản những thế hệ thanh niên võ đạo. Việt Nam chúng ta, sau bao hiểm họa mất nước, còn tồn tại được tới ngày nay, chính vì tiền nhân chúng ta vẫn tiềm tàng một tinh thần võ đạo phôi thai. Hoặc nói cách khác: Ông cha chúng ta chưa hình thành xong một ý thức hệ võ đạo, nhưng vì luôn luôn hàm dưỡng một tinh thần thượng võ bất khuất, tức một tinh thần võ đạo phôi thai, nên sau bao lần phải đương đầu với nạn ngoại xâm, vẫn chiến thắng những trận cuối cùng để bảo toàn lãnh thổ. Trong những lần lâm nguy biến như vậy (Trần, Lê, Tiền Nguyễn), bao giờ việc đảm đương sứ vụ cứu nước cũng do thế hệ thanh niên tiền võ đạo đứng ra đảm nhiệm. Vì vậy, tiếp tục truyền thống ấy, việc làm tiên quyết của môn phái chúng ta: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Ðạo. Do đó, chúng ta là những Việt Võ Đạo sinh phải noi theo gương Sáng Tổ môn phái, cố gắng phát triển nền võ thuật nước nhà, phải xây dựng một thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo, vì thanh niên Việt Võ Đạo bao giờ cũng là bức tường thành kiên cố để bảo vệ và xây dựng đất nước. Chính tinh thần Võ Ðạo đã khơi mở một tấm lòng yêu nước, từ đó chiến đấu cho dân tộc trường tồn.
III. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 3:
- Việt Võ Đạo Sinh đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo. * Ý nghĩa điều tâm niệm thứ ba nói về tình đoàn kết trong môn phái. Muốn có đoàn kết Việt Võ Đạo sinh phải đồng tâm nhất trí, đối với người trên phải tôn kính, đối với đồng đạo phải thành thật thuơng mến nhau.
Người Việt Nam chúng ta có câu: "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Nếu chúng ta đoàn kết, chung sức làm việc thì trở ngại nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua được, còn nếu chúng ta chia rẽ làm việc riêng tư thì rất khó hoàn thành việc lớn, và nếu là trong tập thể thì dễ gây cảnh xào xáo và sẽ đi đến tan rã. 1. Đồng Tâm Nhất trí:
Đồng tâm là cùng chung một hành động, cùng chung một ý nghĩ, cùng đồng lòng với nhau để làm việc chung.
Nhất trí là thống nhất mọi hành động với nhau, không có ý riêng tư, khác biệt và chống đối lại tập thể. Tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể, vì nó là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự hùng mạnh hoặc tan rã của một đoàn thể. Trong một đoàn thể, nếu mọi người không thống nhất với nhau, mỗi người một ý thì dễ gây sự xung đột, khó làm việc chung được, từ đó sẽ có sự tranh cãi, tạo nên cảnh xào xáo, rồi đi dần đến chia rẽ và cuối cùng đi đến sự tan rã. Muốn xây dựng tình đoàn kết trong môn phái, Việt Võ Đạo Sinh phải loại bỏ mọi thành kiến cá nhân, tiêu trừ lòng tự ái sai lầm, dẹp bỏ mọi ý nghĩ cá nhân riêng lẻ. Không thù hằn đồng môn, nếu có những thắc mắc, phải tìm cách giải quyết ngay trong tinh thần xây dựng. Tuyệt đối không được nói xấu, dèm pha, chưởi bới, hạ nhục đồng môn hoặc tìm mọi thủ đoạn tiêu trừ, hạ bệ người khác để mình được tiến lên, điều này sẽ đi ngược lại với tinh thần võ sĩ đạo, và sẽ khó tồn tại lâu dài. Chúng ta xây dựng môn phái trên tinh thần tích cực, tìm mọi giải pháp hay, tốt đẹp, chúng ta phải luôn học hỏi, tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm để đưa môn phái tiến lên, quan trọng nhất là phải chung nhau làm việc thì môn phái chúng ta mới mạnh được. * Một bình luận gia người Mỹ đã nghiên cứu về người Việt Nam và đã phát biểu như sau:
- Người Việt Nam khi làm việc: Nếu một người làm thì rất hoàn hảo, 2 người làm thì chất lượng kém đi, 3 người làm thì hơi xào xáo, càng nhiều người làm chung thì càng lộn xộn và cuối cùng là tan rã… Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta nghĩ như thế nào về lời phê bình kia ??? Có đúng không ? Hãy nhìn lại những sinh hoạt của nguời Việt chúng ta, và nhìn lại hoàn cảnh của môn phái thì chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng. Chúng ta là những võ sĩ, là một Việt Võ Đạo sinh thấm nhuần tư tưởng võ đạo của Sáng Tổ và Chưởng Môn truyền lại, chúng ta đi thực hiện Võ Đạo hóa con người để biến từ Việt Võ Đạo trở thành Nhân Võ Đạo, vậy chúng ta có nên làm gương là một điểm sáng như sự mong mỏi của Sáng Tổ không ? Nếu mỗi chúng ta là một điểm sáng, mà điểm sáng càng nhiều thì bóng tối tự nó sẽ tiêu tan. Và chúng ta đã đánh đổ được câu phê bình của người Mỹ, chúng ta phải làm gương cho tất cả người dân Việt noi theo, để tất cả trở nên người tốt là chúng ta đã thực hiện được lý tưởng của Vovinam rồi. Thiếu sự đồng tâm nhất trí, thì dẫu là một đoàn thể gồm toàn những vị bác học uyên thâm, cũng chẳng thành công một việc gì cả. Trái lại, một khi đã có tình khối đoàn kết, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, thì dầu với một khối người chất phác, tầm thường, hiểu biết nông cạn, vẫn có thể bạt núi lấp sông. Vì lẽ trên, Việt Võ Ðạo Sinh phải luôn luôn giữ vững kỷ cương và không bao giờ chấp nhận một mầm mống chia rẽ nhỏ nhặt nào. Tình đoàn kết trong môn phái phải được khơi mở sâu xa, thắm thiết và liên tục phát huy trong đời sống tập thể. Việt Võ Ðạo Sinh phải dẹp bỏ mọi mặc cảm, thành kiến, quyết tiêu trừ mọi tự ái sai lầm, mọi ý nghĩa cá nhân riêng lẻ. Có thế, sự thông cảm giữa những người trong môn phái mới mỗi ngày được vun tươi thêm mà nẩy nở. Tuyệt đối không có thù hằn trong nội bộ, nếu có những thắc mắc phải giải quyết ngay trong một lúc. Hơn bất cứ đoàn thể nào hết, môn phái Vovinam - Việt Võ Ðạo không bao giờ chấp nhận hay tha thứ một mầm mống mâu thuẫn nào trong nội bộ. Một quốc gia không thể trưởng thành trong sự chia rẽ. Một võ phái không thể nào phát huy được, nếu luôn luôn có những mâu thuẫn trong nội bộ. 2. Tôn kính người trên:
- Trong gia đình: Người trên là những người lớn tuổi hơn ta như ông, bà, cha, mẹ, cô, chú, bác, dì, anh, chị.., đối với người lớn tuổi hơn ta phải luôn luôn tôn kính và vâng lời.
Thí dụ như cha mẹ ta ngày xưa, chỉ học đến bậc tiểu học hoặc nhà nghèo quá không có phương tiện đi học, chỉ lo đi làm lo cho cuộc sống. Ngày hôm nay, chúng ta được đi học, rồi được đổ đạt thành tài, có nhà cao cửa rộng, rồi chúng ta mắc cở với bạn bè vì sự dốt nát, nghèo hèn của cha mẹ mình trong quá khứ, đôi khi cảm thấy bực mình, có lúc lại khi dễ cha mẹ và có những lời nói, cử chỉ hổn xược với cha mẹ.., như vậy là không có tấm lòng biết ơn cha mẹ, không tròn câu hiếu đạo. Chúng ta thử nghĩ: nếu cha mẹ sinh ra chúng ta nghèo quá không có tiền nuôi, đem bỏ chúng ta ngoài trời giá rét, lạnh lẽo mặc cho mưa gió, đói khát thì thử hỏi chúng ta có còn sống không ? Đến nay, chúng ta có dịp được đi học đổ cao, có tiền bạc, nhà cao cửa rộng không ? Chắc chắn rằng không ! Chúng ta lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ tấm lòng thương yêu và hy sinh vô bờ bến của ngưòi hiền mẫu, và cũng nhờ công cực khổ của cha đi làm đầu tắt mặt tối để có tiền nuôi chúng ta khôn lớn nên người. Cho nên, chúng ta phải luôn tôn kính và vâng lời cha mẹ, đừng bao giờ có những lời không tốt đẹp làm buồn lòng cha mẹ, hoặc làm cho cha mẹ tủi nhục. Hảy cố gắng phụng dưỡng cha mẹ, ông bà cho tròn câu hiếu đạo. - Trong môn phái: người trên là gồm có Chưởng Môn, Thầy cô trực tiếp dạy bảo chúng ta và tất cả những quý thầy cao cấp đã hết lòng vì môn phái để xây dựng môn phái được bền vững và lớn mạnh như ngày hôm nay. Vậy chúng ta là một Việt Võ Đạo Sinh, chúng ta phải sống làm sao cho tròn câu Trung Nghĩa, đối với người trên chúng ta luôn luôn phải tôn kính, nể phục và vâng lời, đừng bao giờ tỏ thái độ bất kính, bất phục tòng, chống đối hay phản lại thầy mình, nếu chúng ta có bất đồng ý kiến thì chúng ta cũng không nên hổn hào cải lại, mà cố gắng tự làm để đem kết quả tốt đẹp về cho thầy mình xem. * Người Võ sĩ quan trọng nhất là 2 chữ "Trung Thành". Nếu thiếu 2 chữ này thì người đời sẽ không bao giờ nể phục chúng ta. Cho nên thầy mình có làm sai điều gì, hoặc không hợp với ý của mình, thì cũng phải bỏ qua và cố gắng khuyên giải, nhất là phải chứng minh sự đúng của mình bằng cách cố gắng làm thành công để làm quà tặng dâng lên cho thầy của mình, như vậy mới tròn câu "Trung Nghĩa", và là một học trò ngoan. 3. Thương mến đồng đạo: Đồng đạo là những người cùng chung ý hướng, chung một lý tưởng phụng sự cho một chủ thuyết nào đó, đồng đạo của chúng ta ở đây là những người bạn đồng môn trong môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Đã là môn sinh của Vovinam thì chúng ta phải thương yêu, quí mến lẫn nhau, phải luôn lấy tấm lòng thành thật đối xử với nhau. - Nếu bạn có điều gì khó khăn cần giúp đỡ mà ta có phương tiện hoặc có khả năng hãy giúp đỡ ngay. - Nếu bạn có chuyện buồn, đau khổ thì ta nên chia sẽ những nổi niềm đau của bạn, xoa dịu vết thương đau và giúp bạn đứng lên. - Nếu bạn yếu kém thì ta sẵn sàng hướng dẫn cho bạn được tiến lên - Nếu bạn có ngã thì ta nâng lên, đừng bao giờ thấy bạn mình ngã mà ta sẳn dịp đạp cho chết luôn…như vậy thì sao gọi là đồng đạo được ? * Người Việt Nam ta có câu: "Giúp người thì sẽ có người giúp lại mình". Có nhiều người thường nghĩ rằng: - Mình giúp cho người đó, không biết sau này người đó có giúp lại mình không? Thường thì người được mình giúp, ít khi nào giúp lại mình lắm, mà có khi còn phản lại mình nữa, nhưng đừng lấy thế làm buồn, hãy xem đó là một khổ nạn mà mình phải gánh chịu. Mình giúp người, mai kia mốt nọ sẽ có người khác giúp lại mình. Cho nên khi giúp người, chúng ta đừng bao giờ nghĩ người đó phải trả ơn cho mình... Hãy giúp người trước, và đừng bao giờ kể ơn, trong tương lai nếu khi ta gặp khó khăn hay hoạn nạn thì sẽ có người khác giúp lại chúng ta. Chúng ta luôn đối xử tốt và sống hết lòng vì người, thì ta sẽ gặt hái được những bông hoa tươi đẹp từ thượng đế trao tặng.
IV. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 4:
- Việt Võ Đạo Sinh Tuyệt đối tôn trọng kỹ luật, nêu cao danh dự võ sĩ. * Ðiều tâm nệm số 4 nói về võ kỷ và danh dự võ sĩ, đó là tuyệt đối tôn trọng kỷ luật môn phái và luôn luôn nêu cao danh dự võ sĩ. 1. Tôn Trọng Kỹ Luật: Trong xã hội người ta chia ra làm 3 loại kỹ luật: A. Kỹ luật máu: Thường áp dụng trong các đảng phái chính trị, trong các băng đảng trộm cướp, khi tham gia vào các đảng phái đó thì phải trung thành tuyệt đối, sống chết với đảng phái đó, không thể rút lui ra được. Chỉ có con đường chết mới có thể bảo tồn bí mật cho đảng phái đó, vì thế người ta gọi đó là “Kỹ luật máu. B. Kỹ luật sắt: Thường được áp dụng trong quân đội, thi hành trước, khiếu nại sau. Tuyệt đối phục tùng vị chỉ huy, không được cải lại. thí dụ trong một buổi luyện tập của một toán lính kia, vị chỉ huy chỉ cây Sao có gắn dây điện và hỏi một anh lính: - Anh biết cây đó là cây gì không? * Anh lính trả lời: - Dạ thưa, đó là cây cột điện. * Vị chỉ huy nói: - Sai, đó là cây Sao, 50 chục cái hít đất. Hôm sau, vị chỉ huy đó lại kêu anh lính đó ra chỉ cây cột điện hỏi nữa, anh lính ngày hôm qua bị phạt hít đất nên thưa: - Dạ đó là cây Sao. * Viên chỉ huy nạt: - Sai, đó là cây cột điện, 50 chục cái hít đất. * Anh lính tức quá mới hỏi: - Thưa anh, sao hôm qua em nói là cây cột điện anh lại nói sai? thế là nghĩa gì? * Vị chỉ huy nói: - Là một đoàn quân ra trận là phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, không được cải lại, chúng tôi tập cho các anh nghe lịnh tuyệt đối. Có như vậy thì đoàn quân mới chiến thắng. Vị chỉ huy là lãnh tụ tối cao của đoàn quân, có nhiều kinh nghiệm chiến trường và nhìn được chiến lược đánh trận biết thế tiến thủ. Nếu vị chỉ huy đó biết trận đánh đó không thắng, bảo đoàn quân lui thì các anh phải lui ngay, nếu vị chỉ huy nhắm trận đó có thể đánh thắng được bảo tiến mà các anh không nghe lời tiến lên thì sẽ bị thất trận tan rã. C. Kỷ luật tự giác: Có nghĩa là tự mình hiểu và tôn trọng kỷ luật, trông gương người mà thực hiện. Người trên muốn hướng dẫn người dưới điều gì thì người trên phải làm gương trước, tuy nhiên đã trông gương người trên, đã nhắc nhở rồi mà người dưới không tuân hành thì phải chịu hình thức kỷ luật hoặc đào thải. Kỹ luật tự giác thường được áp dụng trong các đoàn thể xã hội như hướng đạo, hội đoàn thiện nguyện… Bất cứ đoàn thể nào cũng cần có kỹ luật, để điều hành đoàn thể của mình cho chặt chẽ và lớn mạnh. Và những người theo đoàn thể đó là tự mình tham gia không ai bắt buộc, và tự mình phải tôn trọng và tuân thủ theo kỹ luật của đoàn thể đó. Vovinam Việt Võ Đạo chúng ta là kỹ luật tự giác, tất cả chúng ta theo sinh hoạt với môn phái là tự nguyện, không ai bắt buộc phải theo cả. Tự chúng ta yêu thích võ thuật, tự chúng ta thấy lý tưởng môn phái hay, chúng ta ghi danh gia nhập tập luyện. Môn phái Vovinam cũng giống như những đoàn thể khác, cũng có bản nội qui, môn quy để các môn sinh tuân thủ theo kỹ luật, để cho lớp võ được nề nếp, trật tự , như vậy thì các võ sư trong môn phái mới có thể điều hành , chỉ huy được môn sinh và mới có thể phát triển lớn mạnh được. Các môn sinh tự động ghi danh, tham gia tập luyện thì phải tự mình khép vào khuôn khổ, đừng bao giờ tỏ ra anh hùng cá nhân chủ nghĩa, bất tuân luật lệ, không theo qui luật của tổ chức, ỷ mình có tài rồi muốn làm gì thì làm, không ý thức được kỹ luật của tập thể thì sẽ làm cho tập thể bị suy yếu đi. Kỷ luật của một môn phái võ đạo, khác với kỷ luật của quân đội và kỷ luật của các đảng phái cách mạng hay chánh trị. Kỷ luật võ đạo không tạo lập trên căn bản sắt máu hay tinh thần toàn chuyên (Otolitoriste).
Kỷ luật của một môn phái võ đạo có những nguyên tắc căn bản của nhà võ: Ðượm tình thẳng thắn và tính như nhất. Kỷ luật ấy, một phần dựa vào những nguyên tắc thông cảm tự giác, một phần xây trên nguyên tắc sinh tồn của môn phái, nên mặc dầu không có tính cách khắt khe quá đáng, nhưng mang tính chất chọn lọc, đào thải hợp lý. Vì vậy, hình phạt tối đa của môn phái chỉ là thu hồi đai đẳng, trục xuất ra khỏi môn phái, và tuyên báo quyết định đó trước công luận. Nhưng từ hơn 60 năm nay, môn phái Vovinam chưa bao giờ phải có quyết định quyết liệt, chỉ vì môn phái chúng ta đã từ người trên thuần cẩn làm gương cho người dưới và đặt vấn đề chọn lọc kỹ lưỡng ngay từ lúc đầu. Vì vậy, võ sinh gương mẫu bao giờ cũng là người tôn trọng kỷ luật tới mức tuyệt đối. Một môn phái võ đạo, chỉ có thể tồn tại và phát huy được, do những khối óc và những bàn tay xây dựng, chớ không do những thái độ anh hùng cá nhân, vô kỷ luật. Nói đến"cá nhân", chúng ta liên tưởng ngay tới những nhóm người rời rạc, nhiều mâu thuẫn nội bộ, nhiều tự ái, nhiều thành tín, mặc cảm. Ðó là "cá nhân" hiểu theo nghĩa sâu. Theo một nghĩa tốt đẹp hơn, chúng ta lại hiểu cá nhân như một bậc anh hùng khó tính: có tài, nhưng thích làm việc tùy hứng, không bao giờ ở lâu một nơi, làm lâu một việc.
Cả 2 thứ cá nhân của "cá nhân chủ nghĩa" và "anh hùng cá nhân chủ nghĩa", đều không thích hợp với Việt Võ Ðạo. Bởi mang nặng tính chất nghệ thuật và kỷ thuật, nên nghề võ chỉ thích hợp với những người có kỷ luật tự giác tinh thần. Khi học võ mà chú trọng qua nhiều tới danh dự cá nhân, sẽ không thể nào hòa mình vào tập thể. Cá nhân phải để ra ngoài: Chỉ có con người học võ để trở thành võ sĩ, chớ không có cá nhân học võ để trở thành võ sĩ. 2. Danh dự võ sĩ: Hể nghe nói tới võ sĩ là mọi người kính nể, trọng vọng vì từ xưa tới nay người võ sĩ thường hay đi giang hồ hành hiệp, trượng nghĩa, phò nguy cứu khốn, trừ gian diệt bạo để cứu khổ dân lành, đem lại bình an cho người cô thế và nghèo khổ. Vì vậy trong thâm tâm mọi người, võ sĩ là một người tốt lành đem lại bình an và hạnh phúc cho mọi người. Đôi khi người võ sĩ phải quên bản thân mình để phụng sự cho đời, có khi vì cứu người, giúp người mà phải hy sinh mạng sống cá nhân để cứu được muôn người… - Thí dụ như trường hợp Lê Lai cứu chúa trong trong rừng núi Chí Linh, khi quân ta bị quân Minh bao vây tứ phía không tài nào thoát được, Lê Lai phải mặc long bào giả làm Lê Lợi để cho quân giặc rượt theo bắt ông, mà nới lỏng vòng dây cho quân sĩ ta thoát được ra ngoài. Đây là một trường hợp hy sinh một người mà cứu nguy trăm họ. Chúng ta là những võ sĩ mà lại là võ sĩ của một môn phái võ đạo có danh dự tối cao, là danh dự của một tập thể người có tư tưởng và hành động hiên ngang cao cả, bênh người yếu bị kẻ mạnh hiếp đáp, đây là một thứ danh dự vượt trên lòng tự ái cá nhân để hoà mình vào nền võ đạo. Do đó chúng ta phải tôn trọng và giữ lấy cái danh dự võ sĩ của chúng ta đừng bao giờ làm chuyện xấu để làm mất uy danh của người võ sĩ đạo. Người Việt Võ Đạo Sinh phải luôn làm chuyện tốt, cứu người, giúp người, để nêu cao danh dự võ sĩ,tạo uy tín và gây tiếng thơm cho môn phái thì công cuộc phát triển được hanh thông và tốt đẹp.
V. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 5:
- Việt Võ Ðạo Sinh tôn trọng các Võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải. * Ðiều thứ năm nói về ý thức dụng võ của Việt Võ Đạo Sinh, người Việt Võ Đạo Sinh luôn luôn tôn trọng các võ phái khác. Việt Võ Đạo Sinh chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải. 1. Tôn Trọng các võ phái khác :
Mỗi võ phái đều có cái hay, cái đặc thù riêng của võ phái đó, cũng cùng một cú đấm hay một cú đá mà mỗi một người tung đòn có sức nhanh, sức mạnh và độ chính xác khác nhau tùy theo thể tạng, tuổi tác và sự tập luyện của người đó. Đối với các võ phái khác, chúng ta luôn luôn phải tôn trọng, kết thân, giao tiếp, tạo tình thân hữu để mọi người có cảm tình và mến phục, phải sống hòa đồng, tránh va chạm, xích mích giữa cá nhân và giữa các võ đường với nhau. Khi ở một vị thế của võ phái này, chúng ta không nên phê bình, chê trách hoặc dèm pha các võ phái khác. Khi chúng ta có đi xem các võ phái khác tập luyện hay biểu diễn, khi thấy môn sinh đó diễn không hay, không đạt yêu cầu, là do các môn sinh đó tập luyện chưa đúng mức hoặc có thể do hồi hợp trước khán giả đông người nên đánh đòn chưa hoàn chỉnh… chớ không phải võ phái đó dỡ.. Ta nên vỗ tay khen ngợi, để cổ động tinh thần môn sinh đó, đã can đảm đứng trên sân khấu để trình diễn, đó là tinh thần lịch sự của người võ sĩ đạo Vì mình có tôn trọng người, thì người mới tôn trọng mình. 2. Ý Thức Dụng Võ:
Vovinam là một môn phái võ đạo, cho nên Việt Võ Ðạo Sinh phải có ý thức dụng võ cho đúng đắng để nói lên được tinh thần cao đẹp của môn phái. Việt Võ Ðạo Sinh học võ không phải với mục đích ganh đua, hơn thua với người khác, hoặc kêu căng, phách lối, khinh thị người, ỷ ta đây là người có võ giỏi… Trái lại, khi trình độ võ thuật càng cao ta càng phải khiêm nhường, càng cẩn trọng từng lời nói, chúng ta phải lễ độ, giao hòa với các võ phái khác, để cùng hợp tác, phát triển, phục vụ cho nền võ đạo dân tộc và nhân loại. Nên nhớ: cái hay, cái giỏi của ta tự nó đã nỗi bật không cần phải khoe khoang, gièm pha, khiêu khích để được dịp thử tài với các võ phái khác, vì đó chỉ là thái độ của kẻ cuồng bạo, xuẩn động, võ phu, chứ không phải là phong thái hào hùng, cao nhã của người võ sĩ chân chánh, của Việt Võ Ðạo Sinh. Hơn nữa với thời đại bây giờ không phải như xưa, mỗi võ đường trên toàn thế giới đều được sự bảo quản bởi luật pháp của quốc gia nơi họ sinh sống, không ai có quyền vào phá phách, ngang tàng vô lối được, ai làm bậy sẽ bị luật pháp trừng trị, từ bồi thường thiệt hại cho đến ở tù… Và bây giờ chúng ta cũng không có màn đi dạy đời, trừng phạt những phần tử hư hỏng của các võ đường khác nữa, việc đó có nhà nước, chính quyền địa phương lo. Bây giờ không có việc võ đường này đi khiêu chiến, để dành bá chủ địa phương như thời xưa nữa, mà bây giờ ai khôn khéo, đi quãng cáo nhiều, ai dạy tốt có chất lượng thì người ta sẽ ghi danh theo học đông đảo… 3. Chỉ dùng võ để tự vệ: Chúng ta học võ trước tiên là cho khỏe mạnh, thân thể cường tráng, chống bệnh tật, và dùng võ để tự vệ khi có chuyện cần thiết, cấp bách xảy ra. Ngoài ra, môn phái Vovinam không chủ trương cho võ sinh thượng đài. Vì thượng đài gây cho võ sinh một tinh thần hiếu chiến hiếu thắng, coi chiến và thắng là mục đích tối hậu của sự học võ. Thượng đài cũng có một số luật lệ đã qui định, như sức vóc, cấm một số đòn chân... để tiết chế đi phần nguy hiểm cho các võ sĩ, nhưng vẫn không trù liệu trước được hết mọi trường hợp nguy hiểm dự liệu. Nhưng quan trọng hơn cả là tinh thần người võ sĩ thượng đài: hệ thần kinh suy nhược, óc lỏng, trí nhớ kém, sự thông minh giảm sút. Theo bác sĩ Halstead, một chuyên viên khám nghiệm các võ sĩ thượng đài, thì 60% võ sĩ thượng đài bị giảm sút năng lực, 50% lâm vào tình trạng ngu độn hoàn toàn. Chính Gene Tunney, cựu vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới cũng ngỏ lời khuyên các võ sĩ trẻ tuổi nên bỏ cuộc sớm, mà theo anh, lý do chính là "những cú đấm, tưởng không mạnh, sẽ lần hồi tiêu diệt trí khôn của con người". Bởi vậy, người võ sĩ luôn luôn chiến thắng trên võ đài, tâm trí thường mê mụ đi (vì óc lỏng), thường trở thành người khó tánh, hay nổi giận, ưa phản ứng bằng sức mạnh nhưng xử dụng sức mạnh lại rất chậm chạp, thường sơ hở không giữ kín những trọng huyệt, nên khó có thể chiến thắng được ở ngoài đời.
Môn phái Vovinam, mặc dầu tôn trọng các võ phái khác, cũng không tán thành những trường hợp trên, vì không muốn các võ sinh có ý thức học võ chỉ cốt nhắm mục đích thượng đài. 4. Bênh vực lẽ phải: Để cụ thể hóa việc học võ, theo tinh thần võ đạo, Việt Võ Ðạo Sinh chỉ được dụng võ trong 2 trường hợp thông thường: A. Trong đời tư, dùng võ để tự vệ trong trường hợp:
- Khi danh dự, quyền sống cá nhân bị xúc phạm, đe dọa..
* Thí dụ như bổng dưng vô cớ người khác đến đánh ta, ăn hiếp, khiêu chiến với ta hoặc là ăn cướp tới hăm dọa, giết chết ta và người thân trong gia đình, cưóp đoạt tài sản của ta… Những trường hợp đó ta phải bảo vệ bản thân ta và gia đình ta trước khi chờ đợi chính quyền, cảnh sát tới can thiệp. B. Trong đời công, dùng võ để bênh vực lẽ phải (trọng công bằng, chính trực, chống bất công bạo ngược): - Trọng công bằng: Là một võ sĩ đạo, chúng ta phải là một người công bằng, chính trực, không được đối xử thiên vị, đừng vì lợi lộc cá nhân hay vì ân nghĩa riêng tư mà đối xử bất công với người khác. Giải quyết mọi chuyện một cách công bẳng theo qui luật hẳn hoi, thì mọi người mới tâm phục và khẩu phục. Khi đã giải quyết chuyện công thì phải: “Quân pháp bất vị thân”. Nếu có người đã từng tạo ơn cho chúng ta, giúp chúng ta qua khỏi cơn hiểm họa, khổ cực, đói nghèo, hay giúp gia đình chúng ta trở nên cuộc sống sung túc… là người võ sĩ, mang ơn người là phải trả cho tròn câu nghĩa khí. Nhưng trả bằng danh nghĩa cá nhân, với tư cách riêng tư chớ đừng đem những ân nghĩa đó lẫn lộn vào việc công trong môn phái, làm ảnh hưởng đến uy tín và công cuộc phát trriển của môn phái. * Thí dụ người đó đã từng giúp tiền cho ta, rồi chúng ta phong đai đẳng hoặc tước vị cho người đó… làm như vậy là làm giảm uy tín của ta đối với mọi người và tạo cảnh xào xáo, bàn tán và bất phục tùng dễ đưa đến cảnh suy sụp. - Chính trực: Là một võ sĩ đạo, chúng ta phải luôn giữ vững danh dự của người võ sĩ, phải luôn luôn là một người liêm chánh, thẳng thắng, không ăn hối lộ, không nhận đúc lót của những người khác để mưu cầu tư lợi, làm mất uy tín và danh dự của người võ sĩ đạo. - Chống bất công: Là một võ sĩ, chúng ta không theo kẻ mạnh để đi ăn hiếp kẻ yếu, mà chúng ta thấy những cảnh bất công, trái tai, gai mắt, chúng ta phải cứu giúp bằng tất cả những khả năng chúng ta hiện có. Hãy luôn cố gắng làm điều tốt, cứu giúp người, đem lại những công bằng cho những kẻ yếu, Hãy tạo cho mình một ý chí đanh thép, vững chắc, để chiến thắng được những cường quyền và bạo lực, có như vậy chúng ta mới đem đến bình an cho mọi người. Đời người chỉ có một lần chết, là võ sĩ chúng ta hãy nên chết một cách oanh liệt, để danh tiếng cho đời, và con cháu chúng ta được hưởng tiếng thơm.
VI. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 6 - 10 :
http://vovinam.phutho.vn/GIOI-THIEU/2642595/105868/Y-NGHIA-10-DIEU-TAM-NIEM-CUA-VIET-VO-DAO-SINH-6-10-THE-MEANING-OF-THE-10-FUNDAMENTAL-PRINCIPLES-6-10-LA-SIGNIFICATION-DES-10-PRINCIPES-FONDAMENTAUX-6-10.html
Theo tư liệu Môn phái.
|