Luận án võ học và Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo
Lời giới thiệu
Theo Quy định của môn phái Vovinam – Việt võ đạo, các thí sinh thi thăng cấp từ Hồng đai trở lên phải trình luận án võ học. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên quy định này chưa thực hiện đồng bộ và nghiêm túc.
Từ cuối năm 1989, võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ đã viết một bài tham luận về mục đích ý nghĩa, phân loại, cách thức đệ trình luận án võ học, v.v. Bài viết này đã được Chưởng môn Lê Sáng “duyệt và chấp thuận cho thi hành”. Xin giới thiệu đến quý đồng môn để tham khảo.
venguonblog
Luận án là gì?
Luận án là một tác phẩm viết về những vấn đề chuyên môn – hoặc do sự khảo cứu, phân tích rồi tiếp nối, hoặc do sự phát minh, sáng tác – nhằm mục đích giúp ích cho con người nói chung, và mang sự tiến bộ tốt đẹp cho chuyên môn đó nói riêng.
Mục đích cao đẹp của người thực hiện Luận án là đóng góp vào sự tiến hóa của nhân loại những kiến thức, phát minh chuyên môn khả dĩ mang lại lợi ích thiết thực cho con người.
“Lịch sử là một sự kiện lập lại” và “vạn vật thì biến dịch không ngừng”. Do đó sự “lập lại” này đã khoác một lớp áo mới mẻ, thích ứng với sự tiến hóa, chớ không đơn thuần là một “lập lại” sao y chánh bản.
Luận án cũng là một sự lập lại, nhưng đầy linh hoạt và mới mẻ. Giá trị nhiều hay ít là do đề tài chuyên môn đó ảnh hưởng nhiều hay ít đến con người, đến tổ chức, tập thể mà luận án chi phối.
Luận án để xác định học vị cao, thấp, để tối thiểu minh xác chắc chắn là cá nhân đó đã thông suốt, quán triệt toàn bộ bài bản, kỹ thuật mà mình đã tập luyện. Từ đó, luận án là một việc làm cần thiết buộc phải thực hiện để tiến bộ.
Bên Văn, luận án dành cho đẳng cấp Tiến sĩ trở lên (Cao học chỉ cần những tiểu luận). Vì vậy, thực hiện một luận án là một công trình tương đối khó khăn, cần thiết tài năng, kiến thức cũng như công phu và sáng kiến.
Trước khi muốn cấp bằng học vị, sinh viên hoặc giáo sư phải bảo vệ thành công luận án của mình. Luận án có thể tự chọn lựa do nghiên cứu, do sự sắp xếp của chuyên môn để khỏi xảy ra sự trùng hợp, hoặc do giáo sư cố vấn, bảo trợ (patron) gợi ý. Suốt thời gian thực hiện luận án, học viên phải làm việc mật thiết với giáo sư bảo trợ, và chỉ khi nào giáo sư bảo trợ nhận thấy luận án đã đạt, lúc đó công trình mới chấm dứt. Theo đó, hầu hết các luận án khi đã đệ trình Hội đồng xét duyệt đều thành công.
Riêng giá trị của luận án thì còn tùy thuộc nhiều khía cạnh. Nhưng chính yếu là vấn đề phát sinh, sáng tác và có lợi ích lớn cho con người.
Luận án và Môn phái
Theo nội quy và chủ trương của môn phái, các võ sư từ Hồng đai trở lên đều phải có luận án mới được thăng cấp. Điều lệ này rất hay và cần thiết, nhằm nâng cao giá trị đẳng cấp Hồng đai và bảo đảm tài năng, kiến thức của hàng ngũ võ sư. Ngoài ra sự đóng góp của luận án sẽ thiết thực phát triển võ công môn phái cả trong lãnh vực quảng bá lẫn lãnh vực phát triển. Tuy nhiên, điều lệ này vẫn còn “nương tay” chưa chặt chẽ. Đó là việc thay thế “hai năm thâm niên với một luận án”.
Xét ra việc mang đẳng cấp cần phải có một bảo đảm tương xứng về võ công (võ học – kỹ thuật đặc thù Vovinam) để có uy tín với môn đệ, đủ bản lãnh đối phó với đời. Vì võ phải dùng võ để chứng minh chứ không dùng lời nói thay thế được. Và võ đây phải là võ Vovinam.
Mặt khác, mang đẳng cấp Hồng đai là đã đạt đến trình độ cao nhất của đai đẳng Vovinam. Là một “cấp tướng” trong môn phái. Việc mang thêm vài gạch cũng không oai dũng, vinh dự gì hơn nếu sự thăng cấp đó không do sự đóng góp bằng tâm huyết đem lại những lợi ích về võ học của môn phái, cho môn đệ.
Sự hãnh diện về đẳng cấp tự nó là một điều tốt, vì đẳng cấp là một phần thưởng vô giá cho một môn sinh về những giá trị đích thực mà môn sinh đó đã đạt được. Ngược lại, nếu chỉ vì tình cảm xin cấp mà có hoặc thụ động, cứ im lìm chờ đợi sự kiện “sống lâu lên lão làng” thì đâu còn gì ý nghĩa hãnh diện tốt đẹp, đâu có thể theo đúng con đường “Cách mạng Tâm Thân”.
Muốn triệt để buộc các võ sư phải thực hiện luận án khi thi thăng cấp và phải lêncấp. Chúng ta cần tận tình hướng dẫn, khuyến khích cách thực hiện luận án. Lập hội đồng xét duyệt luận án, trong đó các võ sư sẽ đảm nhiệm phần bảo trợ, cố vấn việc thực hiện luận án. Thu thập các sách báo về võ học trên thế giới để làm tài liệu tham khảo, và nhất là có các luận án mẫu của các võ sư bậc Thầy hay đàn anh trong môn phái.
Chúng ta cũng cần nới rộng một cách hợp lý những thành phần võ sư được quyền trình luận án (đủ tiêu chuẩn, thời gian, nhiệm vụ, chức vụ). Trong môn phái, không phải các võ sư Hồng đai đều có môi trường và điều kiện để huấn luyện – dù có khả năng và ước vọng huấn luyện – Có thể vì sinh hoạt xã hội, vì nhiệm vụ đối với môn phái (điều hành, văn phòng, tu thư, thanh tra, kinh tài, đối ngoại, v.v…). Nếu chỉ có huấn luyện mới đủ tiêu chuẩn, được quyền trình luận án sau 4 năm liên tục và không sai phạm thì e có sự gắt gao quá đáng, chắc chắn mang theo chút ít bất công.
Đành rằng việc trực tiếp tham gia giảng dạy là nhiệm vụ phải thực hiện của bất cứ võ sư nào. Và chỉ có trực tiếp giảng dạy, người võ sư mới dễ thu thập kinh nghiệm, có môi trường rèn luyện võ công để phát minh, sáng tác. Nhưng cũng không phải là không có những phát minh, sáng tác cần nhiều thời gian khảo cứu, sưu tầm và cần một môi trường yên tĩnh để thực hiện. Những sáng tác, phát minh loại này nếu bận bịu về huấn luyện sẽ rất khó thực hiện. Vậy việc nới rộng tiêu chuẩn nên lấy căn bản là: sự hoạt động thường xuyên cho môn phái (trong đó bao gồm cả sự ôn tập võ thuật, việc huấn luyện bất thường và lúc nào cũng phải nắm vững chương trình huấn luyện) thay vì chỉ đơn thuần là sự huấn luyện.
Cần nên phân loại rõ ràng các loại luận án:
a) Những luận án nặng về khảo cứu, phân tích và chỉ tiếp nối bổ túc… đều phải kèm theo thâm niên.
b) Những luận án thuộc về sáng tác, phát minh, nhưng chỉ là sự sắp xếp hệ thống đòn thế sẵn có (song đấu, bài quyền, thế chiến lược…) thì có thể đặc cách giảm bớt thâm niên.
c) Riêng những luận án đặc biệt, mang tính chất phát minh mới, sáng tác mới có giá trị về căn bản võ thuật thì sẽ được tuyên dương, khen thưởng cấp môn phái và tức khắc thăng cấp đặc biệt (mỗi luận án một cấp chẳng hạn). Tuy vấn đề luận án đặc biệt này, rất hiếm khi thực hiện được, nhưng vẫn phải lập thành văn bản để thống nhất việc điều hành và khỏi lúng túng khi trường hợp đó xảy ra.
Thủ tục trình luận án
Khi một luận án được đệ nạp, Hội đồng xét duyệt (Hội đồng giám khảo) phải nghiên cứu và tham khảo với võ sư thực hiện luận án kỹ lưỡng trước khi chính thức tổ chức buổi lễ “Đệ trình và bảo vệ luận án”.
Trong thời gian nghiên cứu, Hội đồng xét duyệt cần mạnh dạn dẹp bỏ những vá víu, sao chép để giữ giá trị cho luận án. Vì dù sao đi nữa, luận án khi được chấp thuận cũng được mô tả là “tinh hoa của môn phái”.
Lễ “Đệ trình và bảo vệ luận án” nên được cử hành thật trang trọng và công khai, quy tụ những môn sinh ưu tú và những thân hữu uy tín nhất của môn phái.
Diễn tiến buổi lễ, khởi đầu là võ sư chủ tọa (thường là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt) tuyên bố sự kiện và tóm lược luận án, sau đó mời võ sư thực hiện ra trực tiếp bảo vệ luận án trước Hội đồng xét duyệt.
Dịp này, Hội đồng xét duyệt sẽ khảo sát võ công của võ sư bảo vệ luận án, chất vấn về luận án và cá nhân võ sư. Bảo vệ luận án buộc phải trình bày 2 lần các đòn thế . Một lần chậm và một lần nhanh. Lần chậm, vừa trình bày vừa giải thích rõ ràng từng đòn thế, hoặc phân thế của bài quyền theo nguyên lý Âm-Dương, Vật cổ truyền (căn bản của sự hình thành tinh hoa Vovinam)
Cuộc khảo sát kết thúc khi không còn võ sư nào trong Hội đồng xét duyệt chất vấn, thắc mắc nữa. Tiếp đó là thủ tục hội ý giữa những thành viên Hội đồng xét duyệt. Kết quả sẽ đệ trình võ sư Chưởng môn duyệt xét. Nếu võ sư Chưởng môn là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt (trường hợp võ sư bảo vệ luận án có chức vụ và đai đẳng cao hơn hay bằng võ sư trong Hội đồng xét duyệt) thì chính võ sư Chưởng môn sẽ tuyên bố kết quả cuộc xét duyệt. Ngay sau đó, võ sư bảo vệ thành công luận án sẽ được mời ra để nhận bằng khen và quyết định thăng cấp, thăng đai. Hoặc trường hợp đặc biệt cần phải tổ chức một buổi lễ khác trang trọng hơn, đông đảo hơn thì tùy nơi Hội đồng xét duyệt thông qua võ sư Chưởng môn quyết định.
Luận án sau đó sẽ được in thành 5 bản.
- Một bản đặc biệt để đệ trình võ sư Chưởng môn
- Một bản gửi tổ chức Vovinam trung ương
- Hai bản dành cho Ban Tu thư và Hồ sơ lưu trữ
- Một bản dành cho võ sư tác giả.
Tất cả các bản chính trên đây đều có lời phê, chữ ký của các Giám khảo cùng ý kiến chấp thuận của võ sư Chưởng môn.
Môn phái sẽ phổ biến những luận án đặc biệt bằng video hoặc tổ chức tập huấn cho các các võ sư phụ trách kỹ thuật.
12-11-1989
Võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ