Thi Lên Cấp Cao Đẳng Vovinam Cần Có Luận Án Võ Học
VS.Châu Min Hay
|
Từ thủa xây dựng nền tảng cho môn Vovinam, các bậc tiền bối đã phát họa lên một chương trình luyện tập và thi cử vẫn duy trì mãi cho đến ngày hôm nay. |
Tuy nhiên về hình thức thi cử ở cấp cao đẳng, thời gian qua vì nhiều lý do đã chưa được áp dụng đúng mức, trong đó lý do “vì phong trào” được khai thác triệt để !
Dân gian có câu “ăn mãi mà không làm thì núi cũng lỡ” ! Điều này có thể ngẫm lại để thấy việc bắt buộc các võ sư khi thi lên cấp phải trình được một đề tài về võ học là điều hết sức cần thiết.
Trên hệ thống đẳng cấp của Vovinam cho thấy việc khuyến khích các võ sư phải luôn trau dồi không chỉ trình độ kỹ thuật chuyên môn, mà còn tự trang bị cho mình một trình độ học lực nữa. Học lực là đại biểu của vốn kiến thức văn hóa. Nếu không chịu trau dồi về lĩnh vực văn hóa thì một võ sư không thể đủ khả năng viết hoặc trình bày một tiểu luận/luận án.
Một võ sư không chỉ biết đánh võ giỏi, vì võ giỏi chỉ là cách học lại của người khác rồi luyện tập nhuần nhuyễn. Nếu chỉ như vậy thì một ngày nào đó học trò học hết bài, thầy lấy gì dạy nữa? “ăn mãi núi cũng mòn”! Vả lại “vạn vật luôn chuyển động, thời gian không ngừng nghỉ” nếu ta chỉ biết chăm chút học cái của người thôi thì không bao giờ ta tìm được cái mới và tụt hậu là diều không thể tránh khỏi.
Trong thời gian gần đây lại có ý kiến cho rằng: khi thi các cấp cao đẳng, thí sinh phải nộp bản sao các văn bằng, chứng chỉ cao đẳng hoặc đại học. Việc này xưa nay chưa có tiền lệ, tuy nhiên nếu yêu cầu thí sinh dự thi cấp Chuẩn Hồng đai, Hồng đai… phải nộp tiểu luận/luận án thì phù hợp với quy định của môn phái, Nhưng muốn làm được tiểu luận/luận án thì cần phải có trình độ, vì vậy môn phái cũng đã “mở lối thoát” cho các võ sư bị hạn chế về trình độ học vấn bằng cách cho phép nhờ võ sư cấp cao bảo trợ, hướng dẫn.
Một võ sư, khác với một võ sinh là ở chỗ đó. Võ sư ngoài việc thông thạo, nhuần nhuyễn bài bản, lý luận đến cấp của mình thì còn phải đầu tư công sức trí tuệ vào nghiên cứu để tô bồi thêm cho kho tàng võ học nước nhà nói chung và của môn phái nói riêng. Việc trình bày một luận án đâu nhất thiết là một bài bản, đòn thế mới mà có thể khai thác ngay trong bài bản, đòn thế cũ ở một phương pháp khác, góc độ khác cho hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn, phù hợp hơn với sự tiến bộ của phong trào hiện nay trong thời kỳ xã hội hóa.
Hơn nữa, là môn đồ của bản phái, sự trung thành với bài bản là điều cần thiết , tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà trước đây trong hệ thống bài bản đòn thế vẫn có những chỗ chưa phù hợp hay nói một cách khác là cần tinh giản hay nâng cấp để phù hợp với chương trình xã hội hóa, nhất là chương trình phổ cập Vovinam vào học đường. Đó là chưa kể một số bài bản khác vẫn còn bỏ ngỏ chưa có ai phân tích, chứng minh hay bổ sung, cũng như chưa có một đề án nào cho việc đưa ra một giáo trình cho việc huấn luyện theo từng ngành học, từng bậc học hay luyện tập phổ thông…
Không ít võ sư cả cuộc đời chỉ làm theo cái có sẵn, vậy tiêu chí tô bồi cho nền võ học nước nhà há chẳng phải đã bị bỏ quên rồi sao?!
Cũng nên nhìn nhận lại thực tế rằng việc có nhiều võ sư cao đẳng trong một môn phái có chứng tỏ được đó là thế mạnh của môn phái đó hay không? Có ai thống kê để đánh giá rằng môn phái này nhiều võ sư hơn tức mạnh hơn môn phái kia không? Mà chính các võ sư cao cấp có đủ trình độ võ học mới là điểm thuyết phục cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng các võ phái khác họ không đưa ra tiêu chí phải trình tiểu luận/luận án khi thi lên cấp cao đẳng! Đó là việc của họ. Vovinam không phải là Teakwondo hay karatedo, Judo…Vovinam là Vovinam, một môn phái có đặc trưng riêng, chúng ta cần tự hào và ngày càng tìm cách nâng cao vị trí của Vovinam trong lòng mọi người và sự ngưỡng mộ của bè bạn chứ không nên so bì.
Tuy đứng về góc độ chữ nghĩa thì chữ võ sư có nghĩa là thầy dạy võ. Nhưng võ sư Vovinam nên dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hơn là chỉ biết ra đứng lớp để dạy võ. Công tác đứng dạy ở các lớp phổ thông đã có đội ngũ huấn luyện viên, nên đưa đội ngũ này vào vị trí đúng với nhiệm vụ. Và khi thi cử cũng thế, võ sư thi phải có cái gì đó khác hơn, cao hơn so với môn sinh chứ không phải chỉ đơn thuần là thực hiện bài bản. Vì thực tế cho thấy, một số không ít các môn sinh chuyên sâu (VĐV) đã thực hiện được các bài bản của cấp cao đẳng một cách thuyết phục.
Tóm lại: Nhằm tạo động lực phát triển và tôn vinh những người có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ để xứng đáng với danh xưng võ sư thì việc áp dụng tiêu chí trình tiểu luận/luận án của các võ sư khi thi lên các cấp cao đẳng là cần thiết.
Theo chauminhhay.wordpress.com
|