Mới đó mà Chưởng môn Lê Sáng đi xa đã tròn 2 năm và lưu lại trong lòng các môn sinh Vovinam-Việt Võ Đạo biết bao niềm thương tiếc. Nhân Lễ tưởng niệm Thầy lần thứ 2 (20 tháng 8 âm lịch), venguonblog đăng lại bài viết của một môn đồ từng theo tập với Chưởng môn Lê Sáng tại võ đường Vĩnh Viễn từ năm 1964, thay nén hương lòng dâng lên anh linh người kế nghiệp xuất sắc của sáng tổ Nguyễn Lộc…
venguonblog
Những tháng ngày khó quên
1. Trong 5 lần Thầy điều trị nội trú ở bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương và 115 (từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 9-2010), nhiều võ sư, HLV, môn sinh, môn đồ Vovinam-Việt Võ Đạo đã luân phiên trực để chăm sóc Thầy theo phân công của Văn phòng Môn phái. Lúc đầu chỉ có 10 người thuộc nhóm giúp việc mà Thầy đã chọn khi còn khỏe mạnh là các võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Văn Vang, Trần Văn Mỹ, Nguyễn Chánh Tứ, Nguyễn Tôn Khoa, Võ Văn Tuấn, Trần Đa, Nguyễn Văn Hiệp và tôi. Mỗi phiên có 1-2 người trực khoảng 3 giờ. Sau này mới tăng cường thêm các võ sư Mai Văn Hiệp, Diệp Thanh Long, Trần Trung Sơn (trực đêm tháng 5 và 6), Lê Huy Hoàng, Lê Hữu Phẩm, Lê Văn Hùng, Võ Đình Hiếu, Lê Nguyễn Hùng Long, Lê Nguyễn Hùng Quân… Những tháng đầu, thỉnh thoảng thầy Tôn Khoa và cô Võ Thị Diễm Thúy (vợ thầy Sen) cũng tham gia trực đêm. Riêng bác sĩ Võ Quốc Trung thì lo liên hệ với bác sĩ điều trị để biết bệnh tình, sức khỏe của Thầy rồi trao đổi lại với chúng tôi.
Thật cảm động khi có những anh em không phải là môn sinh Vovinam nhưng vẫn tiếp tay cùng chúng tôi chăm sóc Thầy bằng tất cả tấm lòng quý mến như: anh Lê Minh Quyền (chồng của cựu môn sinh Nguyễn Ngọc Phước) và anh Nguyễn Tấn Trung. Anh Minh Quyền đã trực đêm tại bệnh viện khi Thầy nằm viện lần 1 và 2, còn anh Tấn Trung đã phụ với vợ chồng thầy Sen chăm lo việc ăn uống, vệ sinh từ lúc Thầy nằm viện lần đầu (cuối tháng 1-2010) đến lần cuối và cả những lúc về ở Tổ đường, như một người cháu ruột thịt.
Những ngày đó, tôi đã gặp nhiều võ sư, HLV, môn sinh Vovinam ở các tỉnh xa (Trần Tấn Vũ, Lư Quang Đức, Nguyễn Văn Lượm, Hoàng Tiến Đăng, Phan Minh Thanh, Phạm Đình Chương, Nguyễn Đắc Trình, Mã Thị Ngọc Liêng…) và nước ngoài (Nguyễn Thế Hùng, Diệp Khôi, Trang Phước Đức, Lương Thuận Vui, Tân Rousset…) chẳng quản ngại đường xa đến thăm Thầy… Trong thời gian thực tập tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, em Nguyễn Thị Ngọc Hân (sinh viên Y khoa, con gái cô Nguyễn Thị Phụng) cũng thường xuyên đến thăm hỏi. Cứ cách vài hôm, vào khoảng 20 đến 21 giờ Việt Nam, tôi lại nhận được điện thoại của võ sư Diệp Khôi (Australia); thỉnh thoảng, võ sư Lê Thanh Liêm, Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Đông… cũng từ Mỹ gọi về thăm hỏi sức khỏe của Thầy…
Lo lắng cho bệnh tình của Thầy, võ sư Nguyễn Văn Nhàn (người xem Thầy như nghĩa phụ) từ Đức về TPHCM hồi đầu tháng 5-2010 để phụ chăm sóc Thầy và mới trở lại Đức hôm 10-10. Thông thường, khoảng 15 giờ 30, võ sư Nhàn đến bệnh viện (hoặc Tổ đường) ở với Thầy cho đến 20-21 giờ mới về. Trong dịp hè vừa qua, vợ con võ sư Nhàn cũng về nước để vấn an Thầy.
Có một hôm, 2 cô Dương Thị Hồng và Nguyễn Thị Huệ – môn sinh trước năm 1975 ở võ đường Hoa Lư – đến bệnh viện thăm Thầy. Gặp lúc trong người Thầy không được khỏe nên nói hơi to tiếng. Hai cô vội bước ra ngoài. Võ sư Nguyễn Tôn Khoa và tôi e ngại hai cô buồn, nhưng một trong hai cô đã vội nói: “Thầy nói to tiếng chứng tỏ Thầy còn khỏe, tụi em mừng, các anh đừng lo!”, nghe sao giống như một truyện nào đó trong Nhị thập tứ hiếu mà hồi nhỏ tôi từng được học.
2. Người xưa từng nói:
Dữ quân nhất dạ thoại
Thắng độc thập niên thư
(tạm dịch: Được hầu chuyện 1 đêm, hơn 10 năm đọc sách)
So sánh thường khập khiễng, nhưng trong thời gian được phụ giúp các võ sư cấp cao chăm sóc cho Thầy, tôi mới học hỏi thêm nơi Thầy rất nhiều điều đồng thời nhận được nơi Thầy không ít lời khuyên bảo chân tình và sâu sắc.
Suốt hành trình từ trẻ đến khi già yếu, mục tiêu tối thượng và duy nhất của Thầy là phát triển môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo. Trong 8 tháng Thầy trị bệnh, tiền bạc các nơi gửi biếu, Thầy đều đưa cho võ sư Tôn Khoa để chuyển lại võ sư Trần Đa vào sổ quỹ rồi cất giữ. Dù vậy, Thầy vẫn không quên dặn dò: “Tuy số tiền đó gửi về chăm lo sức khỏe cho Thầy, nhưng môn phái có việc gì cần thì các con hội ý rồi chi dùng”. Và cũng vì tận tụy với môn phái nên Thầy phân minh giữa “chuyện riêng và chuyện chung”: “Những người tuy không gần Thầy, không chăm lo cho Thầy nhưng tận tâm, tận lực phát triển môn phái thì Thầy vẫn quý, còn ở gần Thầy mà chẳng làm được gì cho môn phái thì Thầy chỉ thương mà thôi”.
Nhắc đến những sư đệ đã quá vãng hoặc đang ở phương xa, Thầy luôn khẳng định công lao to lớn của quý thầy Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Mạnh Hoàng… trong công cuộc phát triển môn phái. Thầy cũng không quên những đóng góp của các võ sư trong Ban chấp hành Môn phái trước đây. Thầy nói: “Nếu không có sự trợ lực của những thầy ấy thì Thầy cũng khó lòng mà phát triển môn phái mạnh mẽ trong giai đoạn 1964-1975…”. Hồi năm 2009, trước khi tổ chức Lễ tưởng niệm thầy Trần Huy Phong và thầy Mạnh Hoàng (Phùng Mạnh Chữ) tại Tổ đường, Thầy nhắc: “Sắp tới, các con cũng phải tổ chức Lễ tưởng niệm thầy Trịnh Ngọc Minh như thế nhé!”.
Nghe tin võ sư này, võ sư nọ sắp sửa nghỉ hưu, Thầy vừa cười vừa bảo (đại ý): “Làm việc cho Nhà nước thì có nghỉ hưu, nhưng làm việc cho môn phái thì không có nghỉ hưu! Sau này các con lớn tuổi thì trở thành “trưởng lão”, làm cố vấn cho đàn em. Mình phải sắp xếp cho có trên, có dưới đàng hoàng…”.
Thấy chúng tôi thường xuyên ra vào bệnh viện, Thầy nói: “Thầy bệnh, các con chăm sóc Thầy chừng 1-2 tháng thì còn thú vì được trả ân trả nghĩa cho Thầy, chứ kéo dài lâu quá thì các con cũng chán (cười)… Thế nên, Thầy chỉ mong mình sống khỏe chứ không mong sống thọ mà lại đau bệnh kéo dài thì chỉ làm các con vất vả mà lại chẳng có thời gian lo cho môn phái”.
Bản tính Thầy không muốn làm phiền mọi người. Dẫu đang bệnh, nhưng việc gì làm được thì tự tay Thầy làm lấy, từ chuyện vệ sinh cá nhân đến ăn uống và đi đứng. Ai làm giúp cho Thầy việc gì, Thầy không bao giờ quên ba chữ “Cám ơn con (chú, cô)”. Nhiều võ sư, môn sinh, thân hữu mang quà đến tận bệnh viện, Thầy nhận nhưng trong lòng không vui lắm vì “Thầy bệnh, ăn uống chẳng được bao nhiêu, đi đứng đã tốn kém, quà cáp lại càng tốn kém thêm”.
3. Những lúc trong người khỏe khoắn, Thầy thường nhắc chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện xưa, chuyện nay rồi lại quay về chuyện môn phái và từ đó giúp tôi hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống. Chẳng hạn như Thầy nói (đại ý): “Muốn làm được việc lớn thì phải có tham vọng, không có tham vọng thì chẳng làm nên đại sự vì không chịu đựng nổi gian khổ. Tuy nhiên, tham vọng đó phải nhằm mục đích hiến ích cho môn phái, cho xã hội và nhân loại chứ tham vọng đó chỉ cốt thỏa mãn danh lợi cá nhân và gia đình thì hỏng”.
Thầy cũng khuyên tôi nên nhũn nhặn và đừng bao giờ tự cho mình là đúng, Thầy nhấn mạnh: “Mình đúng thì người khác sai à! Muốn làm việc cho môn phái thì con cần khéo léo, nhường nhịn, hòa thuận với anh em”. Lời khuyên này, ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng khi thực hiện thì chẳng dễ dàng gì! Ngay từ lúc chưa lâm bệnh, Thầy vẫn thường nhắc anh em nên làm việc trên tinh thần dân chủ: “Việc gì mà đa số các con trong nhóm đã bàn và thống nhất thì Thầy đồng ý, nhỡ có sai thì cùng nhau sửa chữa chứ Thầy không phiền trách”.
Thầy vào đời sớm, nhưng với ý chí, nghị lực mạnh mẽ cùng tinh thần kiên trì tự học, tự rèn nên kiến thức của Thầy rất sâu rộng. Dù vậy, bản tính Thầy vẫn rất khiêm tốn. Khoảng năm 1998, tôi xin phép viết về cuộc đời Thầy, Thầy bảo: “Đừng viết nhiều con nhé! Thầy còn sống, phải khiêm tốn”. Được Thầy đồng ý, tôi viết bài “Đôi nét về võ sư Chưởng môn Lê Sáng”. Đọc qua, Thầy nói: “Được đấy, viết như vậy là đủ rồi”. Bài viết đó được đăng lần đầu tiên trên Vovinam News, và theo đề nghị của tôi, tên tác giả ghi chung là Ban Nghiên cứu Việt Võ Đạo. Từ bài viết trên, tôi bổ sung, chỉnh sửa dần để trở thành bài “Chưởng môn Lê Sáng – người kế nghiệp xuất sắc của Sáng tổ Nguyễn Lộc” in nơi đầu tập ghi chép này. Tôi ước mong, Hội đồng võ sư Chưởng quản môn phái sẽ sớm có kế hoạch biên soạn tiểu sử Thầy đầy đủ hơn, đàng hoàng hơn đồng thời sưu tập những tác phẩm (thơ, văn) của Thầy để phổ biến trong nội bộ và xuất bản khi có điều kiện.
Về thành phần Hội đồng võ sư Chưởng quản và Hội đồng võ sư Tương trợ hải ngoại mới hình thành, Thầy cho biết đây là những võ sư làm nền ban đầu. Sau này, tùy theo tình hình mà có thể bổ sung để cùng chung vai gánh vác công việc môn phái. Sống và làm việc thì phải biết thời thế. Trong công tác lãnh đạo, Thầy cũng nêu kinh nghiệm: “Song song với việc hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới thực hiện đường lối chung, mình còn phải mang đến cho họ quyền lợi thì họ mới tuân phục. Mình mà cứ khó dễ với cấp dưới mãi mà cũng chẳng mang lại cho người ta lợi lộc gì thì ai mà theo mình!”; hoặc “Là Chưởng môn, Thầy không bao giờ thủ đoạn với ai cả, nhưng Thầy cũng đủ bản lĩnh không cho phép bất cứ ai thủ đoạn với Thầy”.
Sẽ thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến chữ hiếu của Thầy. Còn nhớ hồi đầu thập niên 1990, Thầy có đưa cho tôi xem những bức thư Thầy viết về cho mẹ trong khoảng thời gian xa nhà mà gia đình còn lưu lại. Đọc những câu đại ý “Con chỉ muốn về sớm để được quỳ bên gối mẹ và hầu mẹ…”, tôi rất cảm động. Nhưng đó đâu là lời nói suông. Nhiều vị võ sư rất trân trọng khi nhìn thấy Thầy phụng dưỡng mẹ hằng ngày. Lúc cụ bà bệnh, tôi có đưa một lương y đến xoa bóp, bấm huyệt cho cụ bà. Nhiều lần chứng kiến Thầy gọt từng quả cam, quả táo, bưng từng ly nước cho cụ bà…, lương y đó đã nói với tôi: “Hiếm có người chăm sóc mẹ chu đáo như thầy của anh”.
***
Tuy chúng tôi rất cố gắng chăm sóc Thầy, nhưng cũng không thể được như mong muốn. Dù vậy, anh em cũng được một chút an ủi. Võ sư Trần Đa kể lại: “Tôi thấy các bác sĩ, y tá bệnh viện Nguyễn Tri Phương rất quan tâm chữa trị cho Thầy nên có gửi chút quà mọn để tỏ lòng cám ơn. Tuy nhiên, các cô ý tá không nhận mà còn nói: “Tụi em rất cảm động khi thấy các anh luân phiên nhau vào đây chăm sóc thầy của mình. Trong lúc có một số người có con cái đàng hoàng nhưng họ đưa cha mẹ vào đây rồi phó mặc cho tụi em. Việc làm của các anh rất đáng cho tụi em học hỏi để sau này chăm sóc cha mẹ tốt hơn. Tụi em không dám nhận quà của các anh đâu!”.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ dần dần nguôi ngoai. Nhưng đối với một môn đồ già như tôi, khoảng thời gian được phụ giúp quý võ sư cấp cao chăm sóc cho Thầy là những kỷ niệm rất khó quên…
Trích từ tập tư liệu Ngọn nến
(tháng 10-2010)