Ðầu tháng 3-2012 vừa qua, lại một lần đến Ý để tham dự giải vô địch Vovinam châu Âu lần II, tôi đã được gặp lại những võ sư, huấn luyện viên, vận động viên – những đồng môn thân thiết nơi trời Âu. Trực tiếp nhìn thấy sự nỗ lực của nước chủ nhà trong công tác tổ chức giải cũng như sự tiến bộ về trình độ kỹ thuật chuyên môn của các đoàn Rumani, Nga, Ý…, lòng tôi không khỏi bồi hồi…
Gặp lại…
Trên chiếc xe từ trung tâm thành phố Milan di chuyển đến nơi diễn ra giải đấu, võ sư Vittorio Cera – Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Võ Ðạo châu Âu (EVVF) đã kể cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu và tôi nghe về những nỗ lực của anh em Vovinam Ý trong quá trình chuẩn bị cho giải năm nay. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, việc tổ chức giải không tìm được nhà tài trợ, tất cả đều phải nhờ vào sự xoay xở của các nhân vật chủ chốt trong Hiệp hội Vovinam Ý. Mấy tuần qua, từ võ sư Michele Garofalo – Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Ý cho đến các môn sinh đều phải quần quật với mọi thứ từ thiết kế kỷ yếu, trang trí nhà thi đấu cho đến sắp xếp nơi ăn nghỉ cho các đoàn. Với nhiệm vụ Thường trực của Ban tổ chức, võ sư Vittorio Cera phải lo quan hệ đối ngoại, liên lạc với các nước, ráp nối các đầu mối công việc… Trông anh hốc hác sau mấy tuần tập trung chuẩn bị…
11 Quốc gia góp mặt
Từ những nỗ lực vượt bậc của Hiệp hội Vovinam Ý mà Nhà thi đấu được trang hoàng hoành tráng với bàn thờ Sáng tổ Nguyễn Lộc, Chưởng môn Lê Sáng và dàn binh khí rất đẹp. Ban tổ chức cũng bố trí 3 thảm đấu và phía trước nhà thi đấu còn có giàn trưng bày hình ảnh cùng những thông tin về Vovinam…
Ngay sau khi đến Trung tâm Thể dục thể thao Getur Village, đoàn Vovinam Ðức đã khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ với đội ngũ khá hùng hậu trên 30 người. Ðoàn quân của võ sư Trần Ðại Chiêu đã mất hơn 10 giờ di chuyển bằng xe bus từ thành phốFrankfurt (CHLB Đức) để đến địa điểm tổ chức giải. Trong những cái bắt tay vồn vã, anh Đại Chiêu cùng hai cậu con trai Trần Ðình Du và Trần Ðình Ân cho biết các vận động viên Ðức đã rất cố gắng tập luyện, quyết giành thành tích tốt ở giải lần này. Trong đoàn Vovinam Đức còn có 2 nữ vận động viên Đỗ Hoàng An và Đỗ An Hạ. Thân phụ của hai cô – anh Đỗ Đức Trọng – chuyên viên kỹ thuật của Sở Cứu hỏa thành phố Franfurt. Nhà của anh ở thành phố Bad Nauhem cách Frankfurt khoảng 40km. Vậy mà mỗi tuần tối thiểu 2 lần, sau khi từ Frankfurt trở về nhà, anh Trọng lại đưa Hoàng An, An Hạ và cậu út Đỗ Bảo Đan từ Bad Nauhem đến Frankfurt để tập Vovinam. Bên cạnh đó, ngày thứ Bảy hàng tuần, anh Trọng còn phụ lo lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho các con em người Việt ở Frankfurt và vùng phụ cận do Hội Văn hóa Việt Nam 2000 tổ chức.
Các vận động viên Đức (giữa) đoạt HCV tiết mục Đòn chân tấn công
Năm nay, đoàn Pháp có nhiều sự thay đổi. Ðược đánh giá là đội mạnh của giải, nhưng do không đưa đến những gương mặt từng đoạt ngôi quán quân tại giải vô địch thế giới lần II (tháng 7-2011), võ sư Sudorusslan tay bắt mặt mừng khi gặp anh em chúng tôi vừa đến nơi, nhưng anh cũng nói ngay: “Lần này đoàn Pháp khó khăn để bảo vệ tốp 3 đấy !”… Tất bật với lớp tập huấn trọng tài, chuẩn bị cho các học trò vào trận, vậy mà Sudo còn nhiệt tình hướng dẫn cho các môn sinh Ý về cách múa lân mà anh từng học khi còn sinh sống tại Sài Gòn, Việt Nam.
Sau mấy chục năm bôn ba xứ người, cựu môn sinh của võ đường Hoa Lư từ những năm 1967 – anh Nguyễn Bá Nội bây giờ là thành viên của đoàn Vovinam Ðan Mạch mừng mừng, tủi tủi khi gặp lại các đồng môn huynh đệ. Khi biết võ sư Nguyễn Văn Chiếu và tôi mới từ Việt Nam sang, anh đến tận nơi chào hỏi cũng như hỏi thăm từng đồng môn cùng thời mà anh đã tập chung như: võ sư Nguyễn Văn Ðông, Mai Văn Hiệp… Tuy đoàn Ðan Mạch chưa giành được huy chương, nhưng các anh đều vui vẻ vì được họp mặt cùng gia đình Vovinam châu Âu để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
WVVF và FFKADA họp bàn chuẩn bị giải vô địch thế giới lần 3-2013
Trong những lần trò chuyện bên lề cuộc so tài, các võ sư Florin Macovei (Rumani), Vittorio (Ý) cùng nhiều võ sư khác của châu Âu đều đặt vấn đề một cách thiết tha là hàng năm Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) nên tổ chức vài hoạt động tại Việt Nam để họ về đây cho đỡ nhớ. Võ sưFlorinbày tỏ: “ Vì năm 2013 giải vô địch Thế giới lần III sẽ tổ chức ở thủ đô Paris (Pháp) nên nhiều môn sinh muốn được đến đất tổ để viếng Tổ Đường cũng như tham dự các hoạt động của môn phái…”.
Tà áo dài nơi đất Ý
Nhưng hình ảnh khiến tôi xúc động nhiều nhất trong chuyến đi này chính là những tà áo dài tha thướt được các vận động viên nước ngoài mặc ở Nhà thi đấu Trung tâm thể thaoGeturVillage. Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ý – ông Ðặng Khánh Thoại – đến dự lễ khai mạc và ủng hộ các vận động viên tham dự giải cũng bất ngờ khi nhìn thấy những tà áo dài Việt trên đất Ý. Ông phát biểu: “ Ở Ý không có nhiều những sự kiện mang đậm nét vãn hoá Việt như thế này”. Và ông cũng hứa sẽ hỗ trợ để đưa Vovinam vào những hoạt động giao lưu vãn hóa Việt – Ý.
Ðiều thú vị hơn, tác giả của những chiếc áo dài Việt Nam ở Ý được thiết kế từ bàn tay của một cô gái người Ý từng đoạt huy chương đồng bài Long hổ quyền tại giải vô địch vovinam thế giới lần 1 năm 2009 – nữ môn sinh hoàng đai nhị cấp Ketty Guderzo (36 tuổi). Ketty là họa sĩ và đang tham gia huấn luyện Vovinam tạiVeneto. Trong những lần về Việt Nam để tập huấn và tham dự các giải thi đấu, Ketty Guderzo rất ấn tượng với chiếc áo dài của những cô gái Việt Nam mặc khi hướng dẫn các đoàn diễn hành hoặc trao huy chương. Thế là cô tìm mua một chiếc làm mẫu và với khiếu thẩm mỹ của một họa sĩ, cô đã “ chế ” ra nhiều mẫu khác nhau rồi tự may 15 chiếc áo dài để các nữ môn sinh Vovinam Ý mặc khi tham gia các công việc tại giải.
Sebastian Bicelli – anh bạn người Ý còn thổ lộ với tôi rằng, anh rất thích tà áo dài Việt Nam và trong chuyến dii du lịch Việt Nam sắp tới, anh sẽ mua hai cái tặng mẹ và vợ.
Nhìn những vận động viên nước ngoài thi triển các kỹ thuật Vovinam – một môn võ của người Việt Nam – cùng hình ảnh những tà áo dài truyền thống thướt tha trên đất khách quê người, lòng tôi dâng trào cảm xúc và càng thấy nhớ quê hương, tự hào với cội nguồn dân tộc…
01-4-2012
Võ Danh Hải
Đoàn Vovinam Ý, hạng nhất toàn đoàn
Gia đình Vovinam sau lễ bế mạc giải