Trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn 2012, ông Lê Quốc Ân – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Thế Giới (WVVF) đã cùng một số võ sư Vovinam lên đường sang Alger, thủ đô của Algeria để tham dự Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Châu Phi (FAV). Vậy là sau bao năm ấp ủ, vùng đất mới này đã có một ngôi nhà chung để cùng nhau hướng đến những bước phát triển mới. Trước lúc lên đường, một sư huynh của tôi '' đặt hàng '': '' Em nhớ viết một bút ký về Vovinam Châu Phi nhé !”. Hẹn, rồi lại hẹn… Và hôm nay tôi mới có dịp ghi lại những điều mình đã nghe, thấy và cảm nhận về phong trào Vovinam ở vùng đất giàu tiềm năng này…
1. Ngày mà Phó Chủ tịch Lê Quốc Ân và tôi đến Alger, trời thật lạnh. Màu trời xám trắng với những cụm nhà cùng kiểu mái vòm trông hơi buồn bã. Trong khách sạn Ibis nằm ngay gần sân bay quốc tế Houari Boumediene, chúng tôi thật sự xúc động khi được xem chương trình Vovinam trên đài truyền hình quốc gia Algeria. Để quảng bá cho môn võ này, nhà đài đã phát sóng liên tiếp nhiều lần chương trình này trong ngày. Và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thể thao Algeria chính là sự kiện Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi sắp diễn ra cùng lớp tập huấn vovinam dành cho các HLV và võ sinh khu vực châu Phi do võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh Chưởng quản môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, Phó Chủ tịch WVVF cùng võ sư Huỳnh Khắc Nguyên trực tiếp giảng dạy. Trước đó, nhằm giới thiệu Vovinam tại Algeria, đài truyền hình quốc gia Algeria đã phát sóng trực tiếp giải vô địch quốc gia 2012 và 2 buổi phỏng vấn võ sư Djouadj Mohamed – người đang phụ trách Vovinam ở thủ đô Alger – nơi có số lượng võ sinh tập luyện lên đến 5.000 người và giới thiệu Vovinam liên tiếp trên kênh 1 và 2 của Alger.
Võ sư Nguyễn Chánh Tứ tập huấn cho các môn sinh Algeria (04-7-2011)
Báo Thể thao toàn cầu đưa tin về lớp tập huấn của võ sư Nguyễn Văn Chiếu với 2000 môn sinh tham dự tại sân vận động Viện Khoa học - Công nghệ Thể thao quốc gia Abdallah-Fadhel d’ Ain Benian, Alger (thượng tuần tháng 1-2012)
2. Trong tiết trời lạnh giá (khoảng 7-10 độ C vào ban đêm), chúng tôi đến thăm một Trung tâm TDTT ở thủ đô Alger mà trong lòng cảm thấy ấm áp và hết đỗi xúc động, tự hào khi chứng kiến hàng ngàn HLV, môn sinh Vovinam trong màu áo xanh đại dương ôn luyện miệt mài và cùng hô vang các động tác kỹ thuật, những bài quyền bằng tiếng Việt: Nhập môn quyền, Long hổ quyền… Trên khán đài, khá đông phụ huynh ngồi xem con em mình tập luyện. Đặc biệt, có người cư ngụ từ các địa phương cách xa thủ đô Alger gần 250km cũng đưa con em mình đến đây thọ giáo vì “nghe có thầy từ Việt Nam sang”. Các võ sư của VovinamSenegal,Burkina Faso, Ma rốc… cũng bay sang ôn tập và cùng làm phụ tá cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Tình thầy trò, tình đồng môn thật thắm thiết, chan hòa, vượt qua những khác biệt về màu da, ngôn ngữ… Tờ báo Thể thao toàn cầu của Algeria cũng đã đưa tin lớp tập võ kỷ lục của Vovinam Alger với 2.000 người cùng tập luyện tại sân vận động Viện Khoa học – Công nghệ Thể thao quốc gia Abdallah-Fadhel d’ Ain Benian (thủ đô Alger) trên số phát hành ngày 8-1-2012. Trên đường phố dẫn đến CLB, chúng tôi thấy từng đoàn môn sinh nô nức đến phòng tập và bãi đỗ ô tô kín chỗ khi các em phụ huynh rồng rắn chở con đến tập luyện.
Lớp tập huấn do võ sư Nguyễn Văn Chiếu và Huỳnh Khắc Nguyên hướng dẫn tại một Trung tâm TDTT ở Alger
WVVF thăm lớp tập huấn
3. Ông Đỗ Trọng Cương – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của ViệtNam tạiAlgeria đã mời chúng tôi đến thăm đại sứ quán nằm trên một ngọn đồi với nhiều biệt thự cổ xinh xắn. Ông cho biết tuy chỉ mới du nhập vào Algeria hơn 10 năm nhưng phong trào Vovinam nơi đây đã nhận được sự yêu thích và ủng hộ rất lớn từ đông đảo quần chúng thanh niên cũng như đông đảo quan chức của Bộ Thể thao, Liên đoàn Võ thuật Algeria. Sau khi đoàn võ sư, VĐV Việt Nam sang tham dự giải quốc tế tại Algeria vào năm 2006 và nhất là lớp tập huấn Vovinam tại thủ đô Alger vào đầu tháng 7-2011 của võ sư Nguyễn Chánh Tứ đã thôi thúc võ sư Djouadj cùng các môn đệ tìm về Việt Nam tham dự Giải vô địch thế giới lần II-2011 cũng như nộp hồ sơ gia nhập WVVF. Chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào Vovinam quốc tế khi tham dự giải thế giới, các võ sư Vovinam Algeria và võ sư Djouadj Mohamed đã đề xuất với Bộ Thể thao và Liên đoàn võ thuật Algeria thúc đẩy nhanh việc đầu tư cho việc lập luyện Vovinam trong thanh niên, học sinh – sinh viên và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Theo tinh thần trao đổi với Đại sứ Đỗ Trọng Cương, WVVF đã thống nhất sẽ xúc tiến các bước chuẩn bị để tổ chức Cúp Đại sứ hàng năm của môn Vovinam tại Algeria nhằm tăng cường việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam thông quan môn võ thuật dân tộc này. Trước lúc tạm biệt, Đại sứ đã không quên nhờ chúng tôi chuyển lời thăm hỏi sức khỏe võ sư Nguyễn Chánh Tứ.
WVVF và Đại sứ Đỗ Trọng Cương (giữa)
Các đại biểu tham dự Đại hội FAV
Báo chí phỏng vấn sau Đại hội FAV
Chủ tọa đoàn trả lời câu hỏi của báo chí sau Đại hội FAV
4. Trong buổi làm việc với Ủy ban Olympic Algeria, Giáo sư Hanifi – Chủ tịch Ủy ban Omlympic Algeria – đánh giá cao những hỗ trợ từ phía WVVF trong việc giúp Algeria phát triển phong trào Vovinam tại quốc gia này khi thường xuyên cử chuyên gia cao cấp sang đây huấn luyện cũng như cho phép Algeria tổ chức đại hội thành lập FAV tại thủ đô Alger. Theo Giáo sư Hanifi, đây sẽ là những tiền đề rất quan trọng để phong trào Vovinam châu Phi có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Ngay sau khi đắc cử Chủ tịch FAV, võ sư Djouadj Mohamed khẳng định sẽ nỗ lực đưa Vovinam vào các trường đại học thông qua chương trình Giáo dục thể chất của Bộ Thể thao Algeria. Hiện tại, Vovinam đã có mặt ở hơn 20 tỉnh, thành và hơn 10.000 người tập luyện thường xuyên ở quốc gia châu Phi này. Ông cũng đề nghị WVVF thường xuyên cử các chuyên gia, HLV hàng đầu sang tập huấn kỹ thuật cho các quốc gia châu Phi và khẳng định, với sự đầu tư này,Algeria quyết tâm sẽ là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới có phong trào Vovinam phát triển trong tương lai.
WVVF, Chủ tịch Ủy ban Olympic, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Algeria trước trụ sở Ủy ban Olympic
5. Trong những lần cùng trò chuyện thân mật với những võ sư của các nước tham dự Đại hội FAV, võ sư Appolinaire đến từ Bukina Faso đã kể cho tôi nghe về con đường phát triển của Vovinam vùng đất xa xôi này… Từ những năm 1984, Vovinam đã có mặt ởBurkina Faso – và đây chính là quốc gia châu Phi đầu tiên mà Vovinam đặt nền móng. Võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều tại Pháp) chính là người đã phát triển Vovinam sang vùng đất này. Sau đó khoảng 2 năm, Senegal đã có phong trào Vovinam và các quốc gia khác như Ma rốc, Bờ Biển Ngà… bắt đầu làm quen với màu áo xanh đại dương. Nối tiếp võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ, võ sư Lê Tấn Minh (Việt kiều tại Pháp, từng sống nhiều năm tại châu Phi) đã tiếp tục phát triển Vovinam cho một số quốc gia khu vực này thông qua các lớp tập huấn chuyên môn hàng năm. Nhiều võ sư ở châu Phi đều tỏ ra rất phấn khởi khi hàng năm được các võ sư cấp cao từ ViệtNam sang trực tiếp huấn luyện, đặc biệt là chuyến huấn luyện đầu năm 2012 của võ sư Chánh Chưởng quản môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo Nguyễn Văn Chiếu. Nhiều báo, đài đã đưa tin lớp tập huấn và phỏng vấn võ sư Chiếu. Tất cả đều mong chờ vào những tín hiệu tốt đẹp từ việc thành lập mái nhà cho chung cho Vovinam châu Phi.
Phó Chủ tịch Lê Quốc Ân (phải) trao quà cho đại diện FAV
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chiếu (trái) trao Kỷ niệm chương cho Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Algeria
6. Chụp ảnh với những vị thầy ViệtNam chính là niềm yêu thích của các môn sinhAlgeria. Bất cứ lúc nào, ngay sau khi kết thúc buổi tập luyện, giờ giải lao, hoặc tình cờ nhìn thấy các võ sư Việt Nam là các môn sinh, phụ huynh và cả nhân viên của Trung tâm TDTT Alger đều ùa đến và xin chụp ảnh làm kỷ niệm. Tất cả đều muốn có riêng một tấm ảnh với thầy ViệtNam để cùng khoe với bạn bè và gia đình. Nhiều hôm, võ sư Nguyễn Văn Chiếu và võ sư Huỳnh Khắc Nguyên phải khất chụp ảnh đến hôm sau khi phải chụp liên tiếp với hơn một trăm người sau một buổi huấn luyện mệt nhoài. Anh em thường nói vui: “Đúng là “vấn nạn” chụp ảnh”… Bên cạnh đó, một phụ huynh cũng bày tỏ: “Sở dĩ tôi cho con mình theo tập Vovinam vì môn võ này có kỹ thuật đơn giản, đẹp mắt nhưng hữu hiệu. Vả lại, lịch sử giữa ViệtNam vàAlgeria cũng có điểm tương đồng – từng là thuộc địa của Pháp…”.
Tổng thư ký Võ Danh Hải chúc mừng võ sư Djouadj Mohamed đắc cử Chủ tịch FAV
7. Yêu mến Việt Nam, đó là tình cảm rất thật của tất cả các môn sinh, phụ huynh, các nhà báo của Algeria khi đến tham dự lớp tập huấn Vovinam và Đại hội Vovinam châu Phi. Tôi và cả anh bạn là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam tại Alger đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng chục nhà báo của Algeria “truy vấn” võ sư Djouadj – người vừa đắc cử Chủ tịch FAV và đại diện của Ủy ban Olympic Algeria sẽ có kế hoạch như thế nào để Vovinam hiện diện rộng khắp ở Algeria và đưa vào các trường học thông qua các chương trình giáo dục thể chất, ngay sau Đại hội vừa kết thúc. Các nhà báo cũng chẳng ngần ngại khi đặt vấn đề trực tiếp với Phó Chủ tịch Lê Quốc Ân là “WVVF sẽ hỗ trợ ra sao để giúpAlgeria và châu Phi tiến nhanh, tiến xa trên bản đồ Vovinam toàn cầu?”.
Trong giờ giải lao của chương trình đại hội, khi tôi tìm hiểu về Vovinam châu Phi, võ sư Mamadou Diop (Senegal) và võ sư Appolinaire (Burkina Faso) đều tự hào kể lại với tôi, từ lúc cậu học trò cấp II, các anh đều biết đến Việt Nam qua sách báo. Nhiều danh nhân và địa điểm lịch sử của ViệtNamrất đỗi quen thuộc với các anh…
8. Quyến luyến chia tay các đoàn, ngay tại sân bay, anh phiên dịch Hakim giới thiệu chúng tôi là đoàn “Vovinam-Vietvodao” theo kiểu phát âm lơ lớ của anh, người phụ trách an ninh ở cổng ra vào vồn vã chào đón và tự giới thiệu mình từng là môn sinh Vovinam từ nhiều năm trước. Tạm biệt nhau trong lời hẹn sẽ tái ngộ tại Giải vô địch châu Phi vào cuối năm, thành phố biển đẹp lãng mạn Alger mờ xa qua cửa sổ máy bay, lòng tôi như lâng lâng với niềm vui và tự hào khi môn phái Vovinam – nét văn hóa của võ thuật dân tộc đã có thêm những cơ hội mới để lan tỏa trên những vùng đất xa xôi này…
Võ Danh Hải
Alger (1/2012)- Sài Gòn (2/2012)
( Theo : http://venguonblog.wordpress.com )