Mỗi lần về Việt Nam tập huấn tại Tổ Đường vào những buổi trưa là được gặp và tập chung với nhiều võ sư cao cấp như : Võ sư Lại Văn Thám, Võ sư Trần Thế Cường, Võ sư Mai Văn Hiệp, Võ sư Nguyễn Văn Hiệp, Võ sư Hồ Tấn Đãi, Võ sư Nguyễn Văn Hoàng, Võ sư Lê Thanh Liêm… và nhất là một người siêng năng, thầm lặng, ngày nào cũng có mặt là võ sư Nguyễn Anh Dũng.
Các võ sư này ngày nào cũng đến Tổ Đường tập vào buổi trưa khoảng từ 2 giờ đến 4-5 giờ chiều… Chúng tôi tập chung, ôn luyện đòn thế với sự chỉ dẫn của võ sư Chánh văn Phòng Nguyễn Văn Sen.
Võ sư Nguyễn Anh Dũng dáng người vừa vặn không to cao như những võ sư khác, nhưng tay chân cứng chắc, đánh đòn vững chải và mạnh vô cùng. Võ sư Nguyễn Anh Dũng xuất thân từ Trường Thể Dục Thể Thao nên có kinh nghiệm nhiều về huấn luyện. Trong luận án thi lên đai, võ sư Dũng đã trình bày những phương pháp huấn luyện về té ngã cho những môn sinh mới tập rất hay. Những phương pháp này cho các môn sinh mới vào tập được dễ dàng không có sợ đau, từ đó mới lấy căn bản để đi đến những bước lộn cao hơn...
Đây là đường link dẫn đến luận án của võ sư Nguyễn Anh Dũng : (http://www.vovinamus.com/viet/vsnadungluanan1.htm).
Võ sư Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1954, bắt đầu tập luyện Vovinam từ năm 1968 vào lúc chương trình võ thuật hóa học đường bắtđầu khai mở, lúc đó chưa đầy 20 tuổi. Võ sư Nguyễn Anh Dũng được nhiều người biết đến với vai trò huấn luyện viên cho một số võ đường như Hùng Vương, Mỹ Tho, Long Hải, Phước Tỉnh…
* Quá trình hoạt động :
- 1971-1972 : HLV tại Võ đường Hùng Vương.
- 1972-1973 : Quản đốc Võ đường Lasan Mỹ Tho.
- HLV Võ đường Bệnh viện III Dã chiến Mỹ Tho.
- HLV Tiểu Chủng viện Gioan 23 Mỹ Tho.
- 1973 - 1975 : Quản đốc Võ đường Long HảI.
- Quản đốc Võ đường Phước Tỉnh.
- 1976-1989 : Ðội biểu diễn Việt Võ Ðạo Quận 8.
- Chuyên trách đặc huấn tại Vũng Tàu - Bà Rịa.
- Huấn Luyện viên trưởng Việt Võ Ðạo - CLB Võ Thuật Trường Ðại Học Thể Dục Thể Thao Trung Ương II.
- 1989 - 1992 : Chuyên gia huấn luyện Việt Võ Ðạo Liên Xô (cũ).
- Ủy viên Văn Phòng Chưởng Môn.
* Võ sư Nguyễn Anh Dũng là người đầu tiên khai mở phong trào Vovinam tại miền Bắc.
Năm 1989, khi hội Việt Võ Đạo Thành Phố được thành lập, võ sư Nguyễn Anh Dũng nhận vai trò khó khăn hơn, đi huấn luyện Vovinam cho các tỉnh miền Bắc như : Thanh Hoá, Quãng Bình, Hà Nội, Hòa Bình… Nhưng vì xứ lạ quê người, không có phương tiện và tài chánh để phát triển lâu dài, nên võ sư Dũng phải quay lại cố hương – Sài Gòn.
* Võ sư Nguyễn Anh Dũng là người đầu tiên phát triển Vovinam tại Liên Xô đặt nền tảng võ thuật tại Đông Âu.
Võ sư Nguyễn Anh Dũng là người ngồi hàng thứ I từ bên trái sang.
Võ sư Nguyễn Anh Dũng là người đang bay đòn chân - Biểu diễn tại Liên Xô
Tháng 10 năm 1990, võ sư Nguyễn Anh Dũng được theo Võ sư Nguyễn Văn Chiếu cùng với phái đoàn gồm có võ sư Lê Thanh Liêm, võ sư Tô Mạnh Hòa sang Nga Xô để biểu diễn qua nhiều tỉnh thành suốt một tháng trời để giới thiệu môn võ Vovinam cho người Liên Xô. Sau đó võ sư Nguyễn Anh Dũng được phân công ở lại dạy võ cho người bản xứ Liên Xô 1 năm, rồi về nước và võ sư Chiếu cử võ sư Phạm Quang An sang thay thế huấn luyện thêm một năm nữa.
Sau những bước khai phá mở màn cho những phong trào ở Liên Xô và miền Bắc, trở về với gia đình, gặp cảnh không vui, võ sư Nguyễn Anh Dũng lui về ở ẩn, không huấn luyện nữa nhưng tấm lòng đối với Môn phái luôn tràn đầy, nên ngày nào cũng sách bộ đồ đến Tổ Đường tập luyện, chuyện trò cùng các võ sư đồng môn để giải khuây tâm sự. Những ngày tháng võ sư Nguyễn Văn Nhàn về Việt Nam, 2 anh em đã ngày đêm cùng nhau tâm sự thật nhiều về những thăng trầm của cuộc đời.
Đầu năm 2007, đang sống yên vui với công ăn việc làm, hủ hỉ cùng đứa con gái, bổng dưng khi đi làm về bị đau bụng dữ dội, đến Bệnh viện chuẩn đoán là có khối u trong gan, bác sĩ bảo ông nhập viện để chữa trị, nhưng võ sư Dũng không chịu, chỉ thích điều trị tại gia theo phương pháp đông y, mỗi khi ai hỏi thăm, võ sư Dũng đều trả lời bình tỉnh :
- Không sao đâu, cả đời tập võ, xá gì cục u nhỏ kia !
Tuy nhiên võ sư Dũng cũng đã bán nhà để có tiền chữa trị, và Tổ Đường cũng như Thư Viện Vovinam đã lên tiếng kêu gọi đồng môn đóng góp cho võ sư Dũng có tiền chữa trị, nhưng tiếc thay đây là căn bịnh nan y.. Bác sĩ, đông y sĩ cũng đều bó tay không chữa trị được, căn bệnh nan y đã bào mòn thân thể võ sư Dũng, từ một khối u biến thành 3 khối, sức khỏe sa sút trầm trọng. những ngày cuối cùng, võ sư Nguyễn Anh Dũng đã bị vỡ khối u, ra máu từ dưới hậu môn trào lên tới miệng mũi.., và đã từ trần vào chiều ngày 24 tháng 5 năm 2007 lúc 20 giờ 20 phút, hưỡng dương 53 tuổi.
* Những phút thư thái bên tách trà cùng bè bạn võ sư Dũng thường tâm sự :
- Tranh chấp cho lắm để làm gì ? Bởi phút lâm chung, ai cũng giũ sạch bàn tay Không ! Hãy để cho cái không ấy được thanh thản...
Giờ đây, võ sư Nguyễn Anh Dũng đã thong dong về bên kia thế giới, dứt bỏ được những buồn đau của cuộc đời...
Võ sư Nguyễn Anh Dũng qua đời để lại một cháu gái còn nhỏ dại. Về sự nghiệp Môn phái, võ sư Nguyễn Anh Dũng đã để lại một giáo án có giá trị về phương pháp huấn luyện, và nhiều bài văn cũng như thơ, chúng tôi đã lưu trữ trong thư viện Vovinam.
Trong chuyến về Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, HLV Trần Thế Thường đã đưa tôi đến viếng thăm bàn thờ cố võ sư Nguyễn Anh Dũng nằm trong nhà của một người em gái... Trên đường đi trời bổng nổi cơn mưa to lớn như cảm động, đón chào người bạn cố tri. Đứng trước bàn thờ võ sư Dũng, chúng tôi cùng em gái võ sư Dũng, không cầm được giọt lệ lăn dài trên má, thương tiếc cho số phận bạc bẻo của người, sớm lìa trần sau một thời gian dài gian nan trên hành trình Việt Võ Đạo, cũng như trong gia đình đầy sóng gió.
Võ sư Nguyễn Anh Dũng (1954 - 24/05/2007).
Thắp nén tâm hương tưởng niệm đến người. Chúng tôi thầm cầu nguyện cho vong linh người sớm về được miền cực lạc, để quên hết những buồn đau của cuộc đời.
VS. Cẩm Bình (Theo Thư Viện Vovinam)
THAM KHẢO : LUẬN ÁN HỒNG ĐAI I CỦA VÕ SƯ NGUYỄN ANH DŨNG
* PHẦN 1 :