PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH THẦY TRẦN VĂN PHƯỚC & LỄ HỎA TÁNG - Condoléances avec la famille du Maitre Trần Văn Phước & Cérémonie de crémation.
Đăng ngày: 01/10/2014 15:46
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC !
" NGOẢNH NHÌN CUỘC ĐỜI NHƯ GIẤC MỘNG. ĐƯỢC - MẤT - BẠI - THÀNH - BỔNG CHỐC HÓA HƯ KHÔNG "." SE RETOURNER LA VIE COMME UN REVE. GAGNÉ - PERDU - ÉCHEC - RÉUSITE SONT NÉANTISÉS TOUT D'UN COUP ".
* Nhận được tin buồn :
- VS.Trần Văn Phước - Hồng đai nhị cấp ( 6 Đẳng ).
- Nguyên Chi hội Trưởng Vovinam Q.Gò Vấp - Ủy viên BCH Hội Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh ) vừa qua đời lúc 23g30 ngày 30/09/2014, sau một thời gian lâm trọng bệnh.
- Hưởng thọ 79 tuổi.
* Linh cửu hoàn tại số 80 Trần Bình Trọng, P1, Q.Gò Vấp - TP.HCM.
- Lễ nhập quan lúc 8g00 ngày 01/10/2014.
- Lễ động quan lúc 7g00 ngày 04/10/2014.
- Hỏa táng tại Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương
********
HÌNH ẢNH QUÝ VÕ SƯ ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG CHƯỞNG QUẢN MÔN PHÁI - TỔ ĐƯỜNG -
LIÊN ĐOÀN VOVINAM VIỆT NAM & THẾ GIỚI ( ĐỨC QUỐC & ÚC CHÂU ) - HỘI VIỆT VÕ ĐẠO TP.HCM -
VIẾNG TANG SÁNG THỨ NĂM 02/10/2014
********
VIDÉO CLIP ĐOÀN VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO TỔ ĐƯỜNG KÍNH VIẾNG
********
Từ sáng sớm thứ Bảy 04/10/2014, đông đảo Quý Sư Thầy & Tăng ni Phật tử + Ban tang lễ, Quý bà con cô bác, thân hữu trong dòng họ, cùng tập thể Quý Môn đồ - Võ sư - HLV - Môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo quận Gò Vấp và TP.Hồ Chí Minh, Hội Vovinam tỉnh Phú Yên, Liên Đoàn Vovinam Đức Quốc (VS.Trần Đại Chiêu), đã có mặt đông đủ, ngậm ngùi tiễn đưa linh cửu Thầy Trần Văn Phước đi hỏa táng tại thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.
" Nhiều dòng lệ đã thản nhiên tuôn rơi, xót thương cho Thầy Trần Văn Phước, nhân danh là một Môn sinh - Huấn luyện viên - Võ sư Vovinam Việt Võ Đạo đã xuốt đời tận tụy hy sinh, cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp phát triển chung của Môn phái...".
Nghiêm Lễ - Lễ.
Một số hình ảnh & Vidéo Clip ở Lễ tiễn đưa đi hỏa táng Thầy Trần Văn Phước vào sáng ngày 04/10/2014.
********
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Câu lạc bộ Vovinam Việt Võ Đạo Nhà tập luyện TDTT Phú Thọ thành kính chia buồn cùng gia đình VS.Trần Văn Phước, cùng tập thể Quý võ sư, Huấn luyện viên và môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo Quận Gò Vấp - Hội Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự ra đi vĩnh viễn của VS.Trần Văn Phước là một nỗi mất mát to lớn về tinh thần...
Xin nguyện cầu hương hồn VS.Trần Văn Phước sớm được siêu thoát về cõi vĩnh hằng...
Thành Kính Phân Ưu !
Môn sinh Lê Văn Hùng
BBT-VVN NTL PHÚ THỌ
MỘT SỐ TIN TỨC & HÌNH ẢNH SINH HOẠT CỦA VS.TRẦN VĂN PHƯỚC
***********
Nước mắt nghệ sĩ nghèo Tùng Phình
Thứ bảy, 11/08/2012 10:42
(CATP) Thập niên 1970, làng giải trí Sài Gòn nổi đình đám với “tứ Tùng”: Tùng Lâm (chuyên chọc cười), Tùng Giang (đánh trống), Tùng Sơn (chuyên viết kịch bản) và Tùng Phình (chuyên đánh đấm).
Tùng Phình tên cúng cơm là Trần Văn Phước, SN 1936 tại Sa Đéc (Đồng Tháp), con thứ hai trong gia đình ba anh em. Năm Phước 18 tuổi, quê nhà chiến sự ác liệt, ông bố bỏ nghề tài xế hỏa xa dắt vợ con lên Sài Gòn lánh nạn. Năm 1966, trong một dịp tình cờ, Phước đặt chân đến võ đường vovinam (Sư Vạn Hạnh, Q10) của chưởng môn Lê Sáng. Dưới sự chỉ dẫn tận tâm của sư phụ cùng sự chuyên cần khổ luyện, chỉ sau một năm, Phước lần lượt hạ bệ nhiều sư huynh (học 4-5 năm) để “biệt thầy xuống núi” với đẳng cấp hoàng đai.
Với vóc dáng phương phi, gương mặt bặm trợn, Tùng Phình có cơ duyên đến với điện ảnh, hóa thân vào những nhân vật ác ôn như vai buôn ma túy (Tứ quái Sài Gòn), du đãng (Sợ vợ mới anh hùng), cảnh sát (Gương mặt tử thần), Tư xích lô (Năm vua hề về làng), tên đòi nợ thuê (Tình khúc thứ mười)...
Diễn viên Tùng Phình vai du đãng (phim Tứ quái Sài Gòn, năm 1974)... và ông lão Tùng Phình ngày nay
Tiền lương lái xe cộng cát-xê đóng phim suốt mấy năm trời chẳng đủ giúp Tùng Phình tậu được căn hộ khang trang cũng bởi cái tật “ham vui”. Mải mê rong ruổi theo các đoàn làm phim rày đây mai đó, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông thầy võ kiêm nghệ sĩ Tùng Phình vẫn chỉ trơ hai bàn tay trắng! Sau 1975, Tùng Phình “chắp nối” với người vợ đang sống cùng ông hiện nay, chạy xe khách đường dài rồi sau đó chuyển sang dạy võ tại tư gia cũng Võ đường Vovinam (80 Trần Bình Trọng, P1, Q.Gò Vấp).
Cuối đời, nghệ sĩ Tùng Phình rơi vào bi kịch. Ba lần trúng số giải đặc biệt nhưng đến nay vẫn không cất nổi một mái nhà khang trang cũng bởi con cháu quá đông, ai cũng “giật gấu vá vai”, chạy ăn từng bữa. Trải qua bốn lần đột quỵ, vị võ sư kiêm diễn viên lừng lẫy năm xưa giờ là một lão ông hom hem, nghễnh ngãng lại mang trong mình nhiều căn bệnh “bác sĩ chê”: u xơ tuyến tiền liệt, cao huyết áp, nghẽn mạch máu não, rối loạn tiền đình... Ông còn “khoe” vừa mới đi bệnh viện phẫu thuật bướu bàng quang khiến ông bí tiểu!
Suốt buổi trò chuyện, nhiều lần vị võ sư nghèo bật khóc, những giọt nước mắt phẫn uất khi bất ngờ nhận quyết định bị buộc phải từ chức Trưởng bộ môn Vovinam Q.Gò Vấp lúc vừa lâm bệnh. Những giọt lệ nóng hổi cứ hối hả lăn dài trên gương mặt gầy gò phúc hậu của người nghệ sĩ nghèo...
Võ sư Trần Văn Phước Sinh 1936, tại Thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Hiện nay ông cùng gia đình đang sống tại số nhà 72 đường Trần Bình Trọng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Là võ sư hiện mang đẳng cấp Hồng đai Đệ nhị cấp, đã nhiều năm liền ông là uy viên tài chính, hành chính của Ban Chấp hành Hội VoViNam – Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Vovinam -Việt Võ Đạo Quận Gò Vấp.
Gần như cả cuộc đời ông theo nghiệp võ. Ngoài ra ông còn là một nghệ sĩ hài, một diễn viên điện ảnh của những năm trước giải phóng với nghệ danh “hề Tùng Phình”. Ông đã từng tham gia đóng nhiều bộ phim như: Tứ quái Sài Gòn, Sợ vợ mới anh hùng, Tình khúc thứ 10 v.v..cùng với các nghệ sĩ nồi tiếng thời bấy giờ như : Thẩm Thuý Hằng, La Thoại Tân, Thanh Lan, Văn Chung, Khả Năng, Phi Thoàng, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Thanh Việt …..
Người đầu tiên truyền vào ông Kỹ thuật và lửa đạo của Vovinam là Cố võ sư Trịnh Ngọc Minh, nguyên Cục Trưởng Cục Huấn luyện Miền Trung, để rồi từ đó cộc đời ông gắn liền với Vovinam cho đến tận bây giờ.
Đến thăm ông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đây là một vị võ sư đầy nhiệt huyết và cả cuộc đời gắn liền với Vovinam.
Trong căn hộ diện tích khá khiêm tốn của cả gia đình, ông dành hẳn một phòng để làm “phòng truyền thống” mà chúng tôi hay gọi đùa là “bảo tàng Vovinam thu nhỏ”. Bàn thờ Sáng Tổ được đặt trang trọng giữa phòng. Những tấm hình trắng đen ghi lại các hoạt động Vovinam quý giá từ thủa tuổi ông còn thanh xuân, được ông trân trọng lưu giữ và trang trí khắp phòng như những kỷ vật, cùng với những tấm giấy khen, những tấm huy chương của các thế hệ học trò mang lại, nói lên thành quả lao động tuyệt vời cống hiến cho sự nghiệp Vovinam của ông.
Cuối mùa xuân năm 1968 võ sư Trần Văn Phước được Tổng cục Vovinam Việt Nam phân công, và do VS Chưởng môn Lê Sáng ký quyết định bổ nhiệm về khai phá và đặt nền móng Vovinam – Việt Võ Đạo tại Thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Cùng đi với ông lúc bấy giờ còn có HLV Vooeng Long .
Lạ đất lạ người ! Song với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên đến độ chín mùi, và tinh thần dấn thân vì sự nghiệp môn phái cao độ, võ sư Trần Văn Phước tìm thuê đuợc căn nhà số 22/6 trong một hẻm nhỏ đường Cao Thắng, Thị xã Tuy Hoà, dùng làm võ đường và bắt tay vào công việc chiêu sinh.
Trong những năm cuối của thập kỷ 1960, phong trào thanh niên, học sinh đua nhau học võ là rất đông, nhưng hầu hết họ theo học môn Taekwondo, vì bấy giờ môn võ này được quân đội Đại Hàn phổ biến rộng khắp và dạy miễn phí. Tuy tình hình không mấy thuận lợi, nhưng với bản lĩnh võ thuật vững vàng và tính tình đôn hậu vui vẻ , võ sư Trần Văn Phước không tốn nhiều thời gian mấy cho việc chiêu sinh, khi mà người dân đất Phú còn rất xa lạ với môn võ xem ra khá mới mẽ này.
Ít lâu sau, vào ngày 09 tháng 5 năm 1968 khoá học đầu tiên được khai giảng. Người dân Tuy Hoà được dịp biết đến những đòn thế lạ mắt, uy dũng và hiệu quả của môn võ có tên gọi là Vovinam.
Chẳng bao lâu, người ghi tên theo học mỗi ngày một đông. Võ sư Trịnh Ngọc Minh, Cục Trưởng Cục Huấn luyện Miền Trung phải cử thêm võ sư Trần Tấn Vũ ra tăng cường giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.
Với căn nhà số 22/6 Cao Thắng không đủ để những thanh thiếu niên nam, nữ ngày đêm luyện tập. Thế là thầy trò phải chuyển đến Trường Tiểu Học Đức Trí thị xã Tuy Hòa để tiếp tục luyện tập.
Cũng từ đó Vovinam được hình thành và không ngừng phát triển. Đồng thời võ sư Trần Văn Phước, Người Thầy đầu tiên đặt viên đá xây dựng ngôi nhà Vovinam tại Phú Yên, cũng đã đạo tạo được không ít những môn sinh ưu tú tiếp nối công việc xây dựng và phát triển môn phái cho đến bây giờ như : võ sư Trương Sỹ Anh, võ sư Nguyễn Quý, võ sư Đoàn Văn Bình…
Sau 3 năm huấn luyện tại đất Phú Yên, tháng 11 năm 1970 .Vì yêu cầu công tác, võ sư Trần Văn Phước phải rời xa Tuy Hoà, để lại trong lòng lớp môn đệ đầu tiên của ông một tình cảm sâu đậm và những kỷ niệm không thể nào quên.
Về lại Sài gòn, ông tiếp tục theo thọ giáo trực tiếp với Cố võ sư Chưởng môn Lê Sáng, đồng thời ông cũng mở nhiều lớp võ tại quận Gò Vấp .
Cuộc sống đời thường của võ sư Trần Văn Phước mang nhiều phong cách nghệ sĩ, lúc nào cũng lãng mạn và vui vẻ. Ông thường xuyên giúp đỡ mọi người, nhất là với người trong khu vực gia đình ông đang sinh sống và đồng môn.
Với các hoạt động Vovinam, ông rất nhiệt tình và chu đáo.
Ngày võ sư Chưởng môn tạ thế, mặc dù sức khỏe của võ sư Trần Văn Phước cũng đang trong tình trạng suy yếu do đau bệnh, nhưng khi hay tin Thầy mất, ông đã tức tốc có mặt tại Tổ Đường phục phục bên Thầy và không thể kềm nổi sự xúc động, Ông rất mực kính yêu võ sư Chưởng môn.
Trong kỳ thi lên cấp Hồng đai nhị, mặc dù sức khỏe không được tốt và ông mới ra viện, nhưng võ sư Trần Văn Phước vẫn thực hiện đầy đủ các bài bản bắt buộc chứ tuyệt nhiên không nhận một đặc ân nào.
Võ sư Trần văn Phước là một mẫu người tiêu biểu cho môn sinh Vovinam nói chung và hàng ngũ võ sư Vovinam nói riêng.
Võ sư Trần Văn Phước trong kỳ thi lên Hồng đai nhị cấp
VS Trần Văn Phước (người thứ 4 từ trái qua, hàng đầu) trong ngày Giổ đầu của Cố VS Chưởng môn Lê Sáng