SEA GAMES 31: VOVINAM TRƯỚC GIỜ NHẬP CUỘC - VOVINAM AVANT D'ENTRER À LA COMPÉTITION.
Đăng ngày: 16/05/2022 01:03
"THẮNG KHÔNG KIÊU, BẠI KHÔNG NẢN - GAGNER SANS ORGUEILLEUX, PERDRE SANS DÉCOURAGÉ" - "KHỎE ĐỂ CÓ ÍT : NHANH HƠN - MẠNH HƠN - CAO HƠN - ÊTRE FORT POUR ÊTRE UTIL : PLUS RAPIDE - PLUS PUISSANT - PLUS HAUT".
SEA GAMES 31
VOVINAM TRƯỚC GIỜ NHẬP CUỘC
Vovinam là môn võ truyền thống của Việt Nam và đã xuất hiện trong lễ khai mạc SEA Games 31 hoành tráng, giàu tính nghệ thuật và đầy cảm xúc vào tối ngày 12/5/2022 tại sân vận động Mỹ Đình, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc. Hai vận động viên xuất sắc của Vovinam cũng góp mặt trong lễ thượng cờ Olympic và cờ Thể thao Đông Nam Á.
Tham dự thi đấu môn Vovinam tại SEA Games lần này có 7 nước với 141 quan chức và vận động viên: Thái Lan (5 quan chức, 9 vận động viên nam, 6 vận động viên nữ), Indonesia (6, 8, 2), Myanmar (6, 12, 7), Lào (4, 10, 4), Philippines (4, 3, 3), Campuchia (10, 11, 7) và chủ nhà Việt Nam (6, 14, 13). 40 Tình nguyện viên đã được tuyển chọn để hỗ trợ cho 7 đoàn. Vovinam 2 nước mới lần đầu góp mặt tại đấu trường SEA Games là Thái Lan và Philippines.
Biểu tượng Sao la ở Sea Games 31 - Bộ môn Vovinam.
Ngày 16/5/2022, các đoàn Vovinam nước ngoài sẽ đến Việt Nam và thi đấu từ ngày 18 đến 22/5 tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn (Thủ đô Hà Nội). Nơi đây đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để các vận động viên ưu tú thi tài 7 bộ huy chương của nữ gồm 3 hạng cân đối kháng (-55kg, -60kg, -65kg) và 4 nội dung thi quyền (Long hổ quyền, Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Song luyện kiếm, Song luyện tay không nữ (Song luyện 1). Bảy bộ huy chương của nam gồm 3 hạng cân đối kháng (-55kg, -60kg, -65kg), 4 nội dung thi quyền (Tứ tượng côn pháp, Song luyện mã tấu, Đa luyện vũ khí nam, Đòn chân tấn công nam). Bộ huy chương còn lại là Đa luyện vũ khí nữ.
Đội tuyển thi quyền môn Vovinam (Ảnh HVVF).
Về phía chủ nhà Việt Nam, chuẩn bị cho đấu trường lớn nhất khu vực cũng như tích cực quảng bá một môn võ truyền thống, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định tập huấn đội tuyển đối kháng từ tháng 3-2021 và đội tuyển quyền môn Vovinam từ đầu tháng 1-2022.
Đội dự tuyển quốc gia đối kháng môn Vovinam tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội chuẩn bị SEA Games 31-2021.
Đội tuyển đối kháng gồm 3 huấn luyện viên và 12 vận động viên tập huấn tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, trong lúc đó đội tuyển quyền gồm 3 huấn luyện viên và 21 vận động viên tập huấn tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng 3-2022, các tuyển thủ Vovinam Việt Nam đã góp mặt đông đủ tại Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc ở Quảng Ngãi. Giải đấu là đợt sát hạch, đánh giá quá trình huấn luyện và luyện tập của bộ môn Vovinam các địa phương và là cơ hội để các tuyển thủ quốc gia cọ xát, kiểm tra phong độ. Bên cạnh đó, các tuyển thủ còn được thi đấu giao lưu với một vài đơn vị mạnh như Thanh Hóa…
Kiểm tra đội tuyển đối kháng. Ảnh VVF.
Theo ông Ngô Bá Huy - phụ trách bộ môn Vovinam (Tổng cục Thể dục Thể thao), mục tiêu của chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 31 là 5 HCV. Tiến sĩ Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Thế giới cho biết thêm: “Nhân SEA Games 31 lần này, chúng tôi còn tổ chức, tham gia một số sự kiện như: sáng 17/5 họp Thường trực Liên đoàn Vovinam Thế giới; sáng 21/5 họp về chương trình giảng dạy Vovinam học đường với Bộ Giáo dục và Đào tạo; sáng 22/5, họp Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, buổi tối là tiệc chúc mừng và chia tay các đoàn. Điều thú vị là các võ sư châu Âu sẽ làm trọng tài các trận đấu”.
40 Tình nguyện viên hỗ trợ môn Vovinam tại SEA Games 31.
Được biết, lần đầu góp mặt ở SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, Vovinam được chủ nhà tổ chức thi đấu 14 nội dung với 4 quốc gia tranh tài gồm: Indonesia, Campuchia, Lào và Việt Nam. Việt Nam giành 5 HCV, 7 HCB, 2 HCĐ, xếp hạng nhất toàn đoàn. Indonesia chiếm 5 HCV, 1 HCB, 8 HCĐ, xếp hạng nhì. Campuchia giành 2 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ, xếp hạng ba.
Giới thiệu Vovinam tai Hội đồng Thể thao Đông Nam Á họp tại Pattaya, Thai Lan 2006.
Đến SEA Games 27 năm 2013 tổ chức ở Myanmar, Vovinam lần thứ 2 góp mặt ở đấu trường lớn nhất khu vực với 5 nước tranh tài gồm: Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào và Việt Nam, thi đấu 18 nội dung. Ở đại hội này, Vovinam Việt Nam giành 6 HCV, 10 HCB, 2 HCĐ, xếp hạng nhất toàn đoàn. Chủ nhà Myanmar đoạt 6 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ xếp hạng nhì. Lào chiếm 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ xếp hạng ba.
Đại diện các đoàn nước ngoài viếng Tổ đường Vovinam năm 2009.
Trong danh sách tham dự SEA Games lần này, ngoài các vận động viên kỳ cựu, một số vận động viên trẻ cũng được trao cơ hội để vừa thi đấu vừa quảng bá sâu rộng môn Vovinam với bạn bè quốc tế. Tất cả vận động viên đều cảm thấy vinh dự và hưng phấn, sẵn sàng nhập cuộc với tinh thần thượng võ.
TH.T
Box:
Đội tuyển Vovinam Việt Nam tham dự SEA Games 31: Lãnh đội: Ô.Ngô Bá Huy; HLV trưởng Nguyễn Tấn Thịnh (TP.HCM), HLV Đào Xuân Thắng (Trung tâm HLTTQG Hà Nội), Nguyễn Hồng Qùi, Nguyễn Bình Định (TP.HCM), Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội). Các VĐV Phạm Thị Kiều Giang (Bến Tre), Lê Thị Hiền (Thanh Hóa), Đỗ Phương Thảo (Hà Nội), Lê Hồng Tuấn (Bình Dương), Nguyễn Thanh Liêm (TP.HCM), Lâm Thị Thùy My, Lê Toàn Trung, Lâm Trí Linh, Trần Tấn Lập (Cần Thơ), Lâm Đông Vượng, Huỳnh Khắc Nguyên, Trần Thế Thường, Mai Thị Kim Thùy, Phạm Thị Bích Phượng, Mai Đình Chiến, Trương Thạnh, Nguyễn Hoàng Tấn, Lê Phi Bảo, Lê Đức Duy, Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Thị Hoài Nương, Nguyễn Hoàng Dũ, Nguyển Thị Ngọc Trâm (TP.HCM), Đinh Thiên Long (Đồng Nai), Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội), Đoàn Đình Thanh (Quân đội).