venguonblog
Kính trình: Võ sư Chưởng môn Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo
Nội dung luận án
1- Tham luận: Tổng quát về môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo.
2- Tiểu luận: Cách thức hóa giải tiên khởi của Vovinam – Việt Võ Đạo.
3- Khái niệm Âm-Dương và nguyên lý Cương Nhu phối triển
4- Sáng tác: a) Lối đỡ gạt thứ 5,
b) Hai phương thức khắc chế quyền và cước.
Sáng tác này được manh nha hình thành từ giữa năm 1974. Kiểm nghiệm, sửa chữa và thực hành liên tục từ đó đến nay.
I-TỔNG QUÁT VỀ MÔN PHÁI VOVINAM – VIỆT VÕ ĐẠO
Từ ngàn xưa đến nay, mỗi phái võ đều có cách thức trình bày về cái đặc biệt của võ thuật. Hầu hết đều có khuynh hướng thích dùng những từ ngữ thâm thúy (đôi khi bí hiểm) văn hoa, bóng bẩy để định nghĩa về võ thuật.
Được thừa hưởng di huấn rèn đúc tâm thân của cố võ sư Sáng tổ và sự “tâm truyền” qua những đức tính Thuần Thành – Chính Trung – Khiêm Cung và đại xả của võ sư Chưởng môn, và nhất là sự đổi mới của toàn thể thế giới tiến bộ, văn minh không sót một quốc gia nào. Chúng ta thử cố gắng định nghĩa hai chữ võ thuật theo cách thức giản dị nhất, trong sáng nhất nhưng cũng dễ hiểu và đầy đủ nhất.
Võ thuật là sự sắp xếp có hệ thống khoa học, tất cả những cử động toàn thân sẵn có của con người, đặt trên luật Âm Dương tương đối, thích hợp với truyền thống và thể tạng của từng dân tộc, và tùy theo từng đối tượng, môi trường.
Chấp nhận định nghĩa này, chúng ta đã đi đến kết luận: Võ thuật không hề mang một màu sắc bí mật, ghê gớm. Võ thuật của con người sẵn có, nên bất cứ con người nào cũng có thể sử dụng cái sẵn có cố hữu của mình để:
- Phát triển, sắp xếp thành hệ thống võ thuật (đó là sáng tác)
- Tập luyện, mài dũa cho thân thể cường tráng, linh hoạt, v.v… theo sự sáng tác của những thiên tài, thiên khiếu võ thuật (đó là học võ)
Như vậy, đã là con người thì đều có hình dạng, cử chỉ, căn bản, hình thức từa tựa như nhau (ngũ quan, âm thanh, giơ chân, múa tay, chạy nhảy, bò trườn, đấm, tát v.v…).
Tuy nhiên cái cách sắp xếp, cái truyền thống và nhất là thể tạng thì không thể gọi là giống nhau. Ta có thể nói: Trùng hợp nhau ở chi tiết (giống như dòng nhạc, câu văn) nếu thật sự có sự trùng nhau, và còn quá nhiều yếu tố đưa đến “sự giống”, đó là chưa kể đến “sự gặp nhau của những tư tưởng lớn”. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng về vấn đề này khi phê phán hoặc tranh luận.
Chúng ta cũng phải công nhận: Không phải ai cũng có thể “sắp xếp” nên mỗi phái võ chân chính nổi danh trên thế giới đều đáng được nhân loại khâm phục và trân trọng.
Cùng với tiến hóa chung của nhân loại, võ thuật cũng phải biến chuyển cho phù hợp, cho khỏi thoái hóa, vì sự thoái hóa có thể đưa đến sự kiện bị đào thải. Do đó, hiện tượng võ đạo buộc phải ra đời.
Đối với hầu hết các phái võ đạo trên thế giới, đoạn đường từ võ thuật đến võ đạo đều gặp rất nhiều cam go, gay cấn cả về tư tưởng, tài năng lẫn hình thức đối đầu của nhiều phía: bạn cũng như thù. Và dù sao chăng nữa, sự kiện hình thành võ thuật riêng lẻ đều cũng rất chậm về chiều sâu cũng như chiều rộng.
Có thể nói Vovinam – Việt Võ Đạo là một trong rất ít võ phái, vượt qua được những trở ngại bất khả kháng kể trên. Có nghĩa là người sáng lập: Thiên tài Nguyễn Lộc đã tiên liệu được vấn đề, đã bổ khuyết cho sự sinh sau đẻ muộn của Vovinam, không những tức khắc hội nhập, sánh vai cùng nhân loại bằng một căn bản vững chắc, cân đối toàn diện, hòa hợp Âm Dương mà còn vượt lên cao hơn, rộng hơn, chắc hơn tất cả bằng sự rèn đúc tâm thân. Người chỉ mong ước có sự tiến bộ không ngừng nghỉ ở hậu sinh và tránh tất cả những sự kiện gì có thể ghìm đà tiến bộ của hậu sinh, trong đó việc VIẾT, một việc có thể mang đến nhiều hậu quả và ghìm đà tiến bộ nếu VIẾT sai. Người muốn chúng ta theo chân, dõi hướng Người. Có nghĩa là chúng ta phải động Tâm Thân đổi mới nó theo cách thức của Nguyễn Lộc tiên sinh, chứ không phải dừng lại nhìn những việc làm (dù là một việc làm vĩ đại của một thiên tài). Phân tích, khai triển bằng lối “sơn son thếp vàng” một cách thụ động. Việc làm này dư thừa, vì Sáng tổ Nguyễn Lộc đã khẳng định: “Nếu Vovinam của tôi mà có chân giá trị, thì dù không viết thành sách cũng đừng lo nó bị thất truyền. Nó sẽ thấm nhuần vào từng cơ gân, trí óc của từng môn sinh, của từng cơ thể người Việt Nam”
Người muốn Vovinam hội nhập ngay, lên đường ngay, hành trang đã đầy đủ, tròn trịa, bất khả tư nghị. Tâm, Thân, Âm, Dương – Vovinam là những cặp mâu thuẫn bất khả phân ly, cứ điều hợp, đối đầu nhau không ngừng là tiến hóa. Vì không có Đạo dẫn thì Thuật lạc lỏng, không có Thuật dụng thì Đạo chẳng có chỗ phát huy. Do đó võ thuật phải do nơi võ đạo thăng hoa. Võ đạo phải dính liền với võ thuật để trọn nghĩa lý. Mà Vovinam gồm Võ thuật và Võ đạo. Hay giản dị hơn Vovinam hay Võ Thuật, Võ Đạo Việt Nam chỉ là một cặp mâu thuẫn không thể tách rời. Từ lúc thiên tài Nguyễn Lộc nói lên danh xưng này, thì danh xưng Vovinam trở thành một hiện tượng đương nhiên, đủ nghĩa, không cần thêm bớt (vì thêm thì thừa, bớt lại thiếu) không cần bàn cãi vì kiến thức, trí tuệ của thường nhân không thể sánh với một thiên tài, một vĩ nhân). Hạt nhân vĩnh cửu Vovinam mỗi thời đắp đổi, hòa diệu để nảy sinh những mầm, những cây cành, hoa trái ngày một to, cao, thơm, ngọt, ngon hơn, v.v…
Chúng ta đừng bàn về cách cấu tạo hạt nhân về dáng vẻ, kích thước hạt nhân, hoặc so sánh, hoặc khoa trương công dụng của hạt nhân, chúng ta chỉ thực hành và chuyển lại hậu sinh di huấn của Sáng tổ. Hạt nhân này là một cuộc rèn đúc tâm thân thì hạt nhân này không chắc đã có ích vì nó mãi mãi là hạt nhân bất động (dù là một hạt nhân tròn trịa, hoàn hảo) hoặc giả là cái cây của những năm 1960 trở về trước.
Hiểu như vậy rồi chúng ta sẽ mạnh dạn, hân hoan, quyết tâm mà rèn đúc tâm thân. Chúng ta càng tin tưởng hơn nữa ở sự dẫn đạo, ý truyền qua nguyên lý Cương Nhu phối triển để thoải mái lên đường. Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng đây không phải là một phát minh của Vovinam – Việt Võ Đạo, cũng không phải là một công thức, khuôn thước để sử dụng võ công môn phái mà chỉ là cách đặt tên riêng biệt giúp môn sinh có ý thức về lý thuyết của những đặc thù Vovinam – Việt Võ Đạo. Ai hiểu được sự việc hay thấy thích hợp với nguyên lý này thì nên vận dụng sẽ rất có lợi riêng cho Vovinam – Việt Võ Đạo.
VOVINAM – NHỊ THẬP CÔNG PHU
Văn – Võ thủa xưa là hai sự kiện trái ngược nhau, với quan niệm trọng văn khinh võ hết sức phi lý, người xưa đã sai lầm khi dành riêng chữ văn hóa cho những sinh hoạt liên quan đến văn.
Ngày nay, trong kho tàng văn hóa, người ta đã sử dụng đúng chức năng của nó. Vì ngôn ngữ Việt Nam ảnh hưởng nhiều từ chữ Hán, nên chúng ta cần hiểu nghĩa Văn hóa theo cách Á Đông và chẳng cần truy nguyên chữ này theo bất cứ một nền văn minh nào (ví dụ theo chữ culture: cày ruộng).
Văn hóa gồm hai nghĩa của chữ Văn minh và Giáo hóa, có nghĩa là nền giáo hóa (giáo dục – cải hóa) theo cái dáng vẻ sắc thái sáng sủa của loài người, khi đã ra khỏi thời man di mọi rợ, gồm những lý thuyết, tư tưởng, phong tục, tập quán của nhân loại sống trong xã hội đã được tổ chức mà con người đã biết giao hòa với nhau.
Theo đó Văn- Võ đã đối đãi nhau thật hòa diệu, ngoạn mục để xây dựng nên biết bao gấm hoa, oai hùng. Vovinam cũng đã ý thức “Võ – Văn điều triển” và đã thực hiện những uy dũng của võ thuật bằng ngôn từ, văn tự vừa thâm thúy nhưng không bí hiểm, vừa tươi sáng và có âm điệu dễ nghe của văn chương.
Hai mươi công phu tổng quát của môn phái Vovinam – Việt Võ đạo được trình bày qua ca quyết sau đây:
1- Dĩ ngũ tỵ tiên khởi
2- Tấn, thối trụy luân hoàn
3- Ngũ bàn viên phương thủ
4- Chính ngũ biến cương quyền
5- Phương viên chân giải thức
6- Ngũ cước thích phiêu nhiên
7- Châu liêm chẩu bát thức
8- Định lực cử tất phong
9- Lăng không tảo hầu cước
10- Dũng dược hiệp cước phiêu
11- Khắc quyền, giải lý thức
12- Phóng, nhược kiềm tỏa công
13- Trụ trọng tâm bát pháp
14- Tam thập chiến lược thao
15- Quán giao nhị thập bát
16- Xả nạp khí công phu
17- Cương nhu nguyên phối triển
18- Thuận thiên hòa nhân vi
19- Viễn chí nhân võ đạo
20- Thuần thảo cách tâm thân
Giải nghĩa:
Công phu số 1: Dĩ ngũ tỵ tiên khởi. (lấy 5 lối tránh – né, lòn đầu)
1- Tiến chéo và lùi xoay chéo ngang địch thủ 350 trên trục tấn công)
2- Xoay 2 chân bằng mũi chân (900 trên trục tấn công)
3- Vòng đầu, thấp người theo chiều tấn công, luồn tránh bên phải và bên trái.
4- Hụp đầu, nhảy cao co chân
5- Uốn người, ngửa, nghiêng, sấp
Công phu số 2: Tấn, thối trụy luân hoàn (tiến, lùi, ngã xoay tròn như bánh xe)
1- Ngã sấp lộn qua vai (lăn tròn dưới đất)
2- Ngã sấp lộn bằng tay chân (lăn tròn trên không)
3- Ngã ngửa lộn qua vai (lăn tròn dưới đất)
4- Ngã ngửa lộn ngược bằng tay chân (lăn tròn trên không)
5- Ngã nghiêng bằng tay và chân (lăn tròn trên không)
Công phu số 3: Ngũ bàn viên phương thủ (Năm cách dùng tay căn bản vuông tròn)
Ghi nhớ: Tất cả các lối đấm, đá bằng tay, chân của Vovinam đều bắt buộc phải đặt trên nền tảng: Không đánh hết tay, không đá hết chân. Do đó việc ước tính khoảng cách và mục tiêu của môn sinh Vovinam đều phải chính xác, vừa đủ
Ngoài ra, với nguyên lý Cương Nhu phối triển theo đúng luật Âm Dương, việc sử dụng sức lực đều được môn sinh Vovinam giảm thiểu tối da khi dụng võ.
1- Đấm thẳng (cao – vừa – thấp)
2- Đấm vòng ngang (móc)
3- Đấm vòng cầu (lao)
4- Đấm vòng dọc (múc)
5- Đấm chéo bên (lên cao – xuống thấp)
Công phu số 4: Chính ngũ biến cương quyền (năm lối biến của cách đánh bằng tay)
1- Chưởng: Đánh bằng cườm và lòng bàn tay (tát, vả, vỗ, đẩy…)
2- Trảo: Đánh bằng các đầu ngón tay (cào, bấu, chụp, bóp)
3- Chỉ: Đánh bằng các ngón tay (đâm, xỉa, thọc) thẳng
4- Trảm: Đánh bằng mép tay (phía ngón út và ngón trỏ)
5- Phiên thủ: Đánh ngược bằng mu bàn tay (nắm hoặc xòe)
Công phu số 5: Phương viên chân giải thức (các lối đỡ, gạt, cong, thẳng chân thực)
1- Lối gạt số 1 và 2 (trên và dưới). Cong
2- Lối gạt số 3 và 4 (trên và dưới ). Thẳng
3- Lối đỡ chéo tay (trên và dưới). Cong
4- Lối đỡ gạt bằng 2 bắp tay dựng đứng (thẳng – ngang)
5- Lối đỡ gạt bằng 2 tay – một cong và một thẳng (lối này do môn sinh Quỳnh Kỳ sáng tác vào năm 1989)
Công phu số 6: Ngũ cước thích phiêu nhiên (năm lối đá, đạp nhẹ nhàng linh hoạt)
1- Đá thẳng (cao – trung bình – thấp)
2- Đá cạnh (cao – trung bình)
3- Đá tạt (cao – trung bình – thấp)
4- Đá vòng đệm gót (trước – sau)
5- Đạp một chân (trước – sau)
Công phu số 7: Câu liêm chẩu bát thức (8 lối đánh chỏ liên tiếp như chuỗi ngọc).
1- Chỏ chéo xuống
2- Chỏ chéo ngược lên (biến thế vòng ra phía sau)
3- Chỏ thẳng ngược lên
4- Chỏ thẳng trên xuống
5- Chỏ đánh chéo
6- Chỏ đánh về phía sau
7- Chỏ ngang xuôi
8- Chỏ ngang ngược (biến thế đánh vòng ngang ra phía sau)
Công phu số 8: Định lực cử tất phong (các lối dùng sức đánh gối)
1- Đánh gối từ dưới lên
2- Đánh gối nghiêng từ hai bên vào
3- Đánh gối trên không (gối bay)
4- Gối đánh địch thủ nằm (giống quỳ xuống)
Công phu số 9: Lăng không tỏa hầu cước (11 lối nhảy lên không quặp cổ bằng chân)
Công phu số 10: Dũng dược thập cước phiêu (10 lối nhảy đạp, móc bằng chân)
Công phu số 11: Khắc quyền giải lý thức (các lối phản thế đòn tay và chân không và có vũ khí)
Công phu số 12: Phóng nhược kiềm tỏa công (các phương pháp khóa và gỡ)
Công phu số 13: Trụ trọng tâm bát pháp (8 cách trụ để giữ trọng tâm)
Công phu số 14: Tam thập chiến lược thao (30 thế quyền cước liên hoàn)
Công phu số 15: Quán giao nhị thập bát (28 thế vật)
Công phu số 16: Xả nạp khí công phu (các phương pháp luyện khí công)
Công phu số 17: Cương Nhu nguyên phối triển (điều hợp và phát triển Cương Nhu trong các trường hợp dụng võ và hành võ theo luật Âm – Dương).
Công phu số 18: Thuận thiên hòa nhân vi (các hình thức võ đạo bằng lý thuyết, thực hành trong tập thể con người).
Công phu số 19: Viễn chí Nhân Võ Đạo
Công phu số 20: Thuần thảo Cách mạng Tâm Thân (lý tưởng và mục đích của Vovinam trên khía cạnh phục vụ dân tộc và nhân loại).
Chỉnh đốn công phu số 13 về trọng tâm pháp:
Từ xưa đến nay do ảnh hưởng của nguyên tử, văn tự liên quan đến võ thuật của Trung Hoa (tấn, thủ, công v.v…) chúng ta hay dùng chữ Tấn để gọi bộ pháp với hình thức, dáng điệu xoạc chân, bám đất thật chắc để tự vệ hoặc kích tiến. Nghĩa chữ Tấn rất tương đối, nhưng nó đã trở thành quen thuộc, cần thiết và được đa số quần chúng chấp nhận. Chúng ta không bắt buộc phải bỏ hoặc tiếp tục dùng. Tuy nhiên, với di huấn Sáng tổ, chúng ta cố gắng đổi mới cho nó tốt đẹp, chính xác hơn chăng.
Hình thức ‘Tấn” là một phương pháp giữ trọng tâm con người. Việc này cả Đông và Tây đều đã đề cập rất rõ ràng từ lâu. Như vậy, đây không phải là khám phá mới. Có điều về cách đặt tên, chưa ai nghiên cứu đúng hay sai. Có lẽ vì bất cứ một sự đổi mới nào cũng thường gặp rất nhiều nhiêu khê. Chuẩn bị – nghiên cứu – kiểm điểm – phổ biến – học tập, v.v… nên rất ít người chịu mất (hoặc cho là phí phạm) thời giờ thực hiện. Việc đổi mới trong công phu này là dùng chữ : TRỌNG TÂM PHÁP. Về phần nội dung dùng chữ Trụ (có nghĩa là cái cột chính để chống đở, sự cắm, bám vào đất thật vững chắc để chống đỡ một cái gì) về hình thức.
VOVINAM TRỌNG TÂM BÁT TRỤ PHÁP CA QUYẾT
Vovinam có tám lối bám trụ (trụ địa) cơ bản để xử võ trong mọi trường hợp Vệ thân hoặc Kích tiến được coi là chính thức, cân đối nhất.
1- Nam thiên nhất trụ độc cước công
2- Bán kiều ngưỡng trụ lập thiên không
3- Phiên, phiên chuyển trụ tiền hậu kích
4- Hoành bình phương trụ cải thiên chung
5- Liên hoành nỏ trụ thân triều tịch
6- Hợp tung đẹp trụ chí tang bồng
7- Đoàn viên lập trụ tâm bất chuyển
8- Lăng không các trụ ngã càn khôn
Giải nghĩa:
1- Trụ 1 chân, mình thẳng (hạc tấn, kim kê độc lập)
2- Trụ 2 chân, thân trên uốn ngửa (thiết bàn kiều)
3- Trụ 1 chân tay đánh trước, chân đạp sau
4- Trụ 2 chân ngang bằng, cao hoặc thấp (trung bình, hổ tấn)
5- Trụ sát đất hoặc thật thấp trên 1 chân, chân kia duỗi dài hoặc xiên ngang thân hình (mài thiền sư, đảo tấn)
6- Trụ 2 chân, 1 chân phía trước bàn chân ngang, chân sau bàn chân dọc (đinh tấn, cung tiển)
7- Trụ một chân, chân kia cong hờ, mũi chân chạm đất, 2 gối sát nhau hoặc xếp vòng sát đất quanh chân trụ (trảo mã tấn, xà tấn)
8- Trụ ước lượng, tiên liệu trọng tâm khi rời khỏi mặt đất cả 2 chân (đòn chân) căn cứ vào đích, vị trí rơi và sự phát lực, chạm đích. Đây là thế trụ đặc biệt của Vovinam.
Dịch ca quyết:
1- Một chân đạp đất vững trời Nam
2- Anh hùng ưỡn ngực ngắm giang san
3- Trước xô sau đạp nghiêng trời đất
4- Quân bình, chính trực vững tâm can
5- Thăng trầm tả hữu thân tiêu sái
6- Dốc bầu hồ thỉ thế di san
7- Xoay tròn thân pháp tâm không đổi
8- Vươn mình biến hiện đoạt không gian
Tất cả những trình bày ở trên là những căn bản tổng quát võ thuật và võ đạo. Những phương tiện, trợ huấn cụ, kiến thức tổng quát của Vovinam còn rất nhiều và được trình bày riêng qua hình thức các bài quyền, song luyện, y lý cấp cứu, v.v…
Dù thế nào đi nữa, thì cũng không ra ngoài những căn bản kể trên, mà chỉ là sự kết nối tổng hợp nhằm tập luyện cho môn sinh sử dụng đòn căn bản nhuần nhuyễn, hữu hiệu. Về vũ khí, Vovinam cũng quan niệm: đều thoát thai từ căn bản quyền cước với những gia giảm cho thích hợp với từng loại vũ khí.
Mặt khác, Vovinam còn cố gắng sưu tầm, thâu thập mọi bài bản (quyền phổ, kiếm phổ v.v…) của các phái võ Việt Nam mà vì vẫn mang truyền thống (gia truyền, bí truyền) nên ngày một thất lạc, mất mát. Mục đích để giữ lại cho kho tàng võ học Việt Nam những tài sản quý báu, mà trong tương lai chắc chắn sẽ phải có một Viện Võ học và sẽ rất cần có những chứng tích, những tinh hoa và võ học kể trên.
II- CÁCH THỨC HÓA GIẢI TIÊN KHỞI CỦA VOVINAM – VIỆT VÕ ĐẠO
Vovinam – Việt Võ Đạo chủ trương “chỉ dùng võ để tự vệ”, nên lấy sự tránh né, đỡ gạt là điều tiên quyết. Sau đó theo quy luật Âm Dương, nguyên lý Cương Nhu phối triển để khai thác và nắm lấy cái khoảnh khắc khi Âm Dương thoáng qua nhau. Tránh cái mạnh, cuốn cái yếu, điểm vào yếu huyệt, đánh vào nhược điểm, di chuyển vừa đủ để hình thành một phương pháp hóa giải thật giản dị, ung dung mà chính xác.
Khi lâm chiến, trước bất cứ một đối tượng nào, người môn sinh Vovinam đều ngay tức khắc vượt ra ngoài phạm vi tấn công bằng 5 kiểu tránh né cơ bản. Vovinam không có thế lùi, có nghĩa là trong toàn bộ các lối tránh né, Vovinam không có hình thức nào phải lùi (nhượng đất cho địch, tiếp đà tấn công cho địch) về phía sau bằng đôi chân mình. Nếu phải tránh né thì hoặc lùi chéo ngang địch thủ hoặc nghiêng thân về phía sau, hụp đầu đảo ngang bên trái, bên phải. Tránh áp lực thẳng của địch, để địch không thể mượn đà của mình mà lấn lướt.
Kế đó, dùng các động tác toàn thân buộc đối thủ trượt ra ngoài mục tiêu của chính mình mà không gây ra hiện tượng “khựng lại” cho đối thủ. Không cản, chận hướng tấn công của đối thủ, và rồi thuận theo đà, theo hướng của đối thủ để dùng các thủ pháp: dính, chuyển, đẩy, lôi, vuốt, v.v…mượn sức địch, áp dụng ly tâm lực làm lệch trọng tâm đối thủ, làm mất thăng bằng đối thủ thật linh hoạt, vững vàng trên Trọng Tâm Tấn Pháp Vovinam và chủ động cuộc hóa giải.
Theo nội dung trên, cách hóa giải Vovinam khiến đối thủ bị thương nặng hay nhẹ, nguy hiểm hay không, hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào cách dụng võ tàn độc hay không của đối thủ. Vì Vovinam chỉ theo Âm Dương đắp đổi, chuyển hóa mà không (hay rất ít) dùng đến sức lực cơ hữu.
Về vấn đề khắc chế địch chứ không làm tổn thương địch, mà một số danh gia chính phái đề xướng, Vovinam quan niệm trung thực là chưa thực hiện được hoặc không thể thực hiện được, kể chung mọi võ phái. Lý do đơn giản là dù vệ thân hay tiến kích, bất cứ một đòn thế võ thuật hay võ đạo của bất cứ võ phái nào cũng có thể đả thương ngay tức khắc con người từ nhẹ đến nặng, có khi tử vong. Đó là trong trường hợp xử võ do một võ sư có trình độ, có kiến thức… thực hiện.
Vovinam đề xướng, khuyến khích môn sinh hãy hàm dưỡng chí khí, thấu hiểu luật Âm Dương, khổ công luyện tập, phối hợp sàng suốt với rèn đúc tâm thân không ngừng nghỉ và ý thức nguyên lý Cương Nhu phối triển một cách vững vàng.
Với những hành trang đặt trên lý tưởng Vovinam rồi tùy sự giao dịch với từng trường hợp, người môn sinh Vovinam đủ trình độ để giải quyết đối thủ khi họ quyết tâm tấn công mình, một cách hợp lý tốt đẹp nhất.
BỐN LỐI ĐỠ GẠT CĂN BẢN
Ngoài các lối tránh né đặc biệt kể trên, các lối ĐỠ – GẠT của Vovinam, mỗi thế đều gồm đủ luật Âm Dương sẵn sàng đối đãi, điều chuyển với mọi đối tượng một cách linh hoạt, che kín thân mình.
Lối đỡ gạt Vovinam triệt để khai thác nguyên lý tương sinh, tương khắc của Âm Dương: lấy Nhu (cong) đỡ Cương (thẳng). Đúng ra là làm lệch hướng tấn công bằng thủ pháp: cuốn, xoay, phong tỏa lực để kéo, chuyển chệch khỏi mục tiêu. Lấy Cương (thẳng) chế Nhu (cong), với nguyên tắc chặn nơi trung tâm phát ly tâm lực (nơi võ lực).
Thủ pháp dùng trong việc đỡ, gạt Vovinam lúc nào cũng biến hóa, gồm nhiều hoạt động tiếp liền nhau: xoay vuốt chặn, đỡ xoay bẻ, nâng chuyển đè, đẩy chuyển bẻ, gạt, kéo, trì, v.v… phối hợp nhịp nhàng, hợp lý cùng các lối tránh né đặc biệt kể trên.
Theo trật tự tự nhiên của vũ trụ (không gian, thời gian) thì những cặp mâu thuẩn thường trực tương phản nhau nhưng lại bổ túc cho nhau và tiên khởi là Âm Dương. Vì vậy, bất cứ cái gì có phải thì có trái, có phía trước thì có phía sau, có trên thì có dưới, có khởi đầu thì có kết thúc, có nhân thì có quả…Không có một cái gì giống nhau hết. Từ đó suy ra: trên kín thì dưới hở, trước mạnh thì sau yếu, ngoài tĩnh thì trong động, v.v…và cứ theo đó Vovinam có 4 lối ĐỠ – GẠT
1- Lối gạt thứ nhất (Viên giải) gồm hai phần tương phản nhau, A ngược với B (lối 1 và lối 2) dùng đường cong gạt từ dưới lên trên, từ tả sang hữu và ngược lại.
2- Lối thứ hai cũng vậy (Phương giải), nhưng dùng đường thẳng (lên trên – xuống dưới) (lối 3 và 4)
3- Lối gạt thứ ba (Viên giải) hai tay chéo nhau, tay trái hoặc tay phải trên tùy trường hợp và cách xoay, phân làm hai hướng (thượng, hạ) đỡ, gạt cong.
4- Lối gạt thứ tư (Phương giải) hai tay song song nhau kéo, đẩy, sử dụng hai cánh tay ngoài, đỡ, gạt thẳng và ngang.
III- KHÁI NIỆM ÂM DƯƠNG VÀ NGUYÊN LÝ CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN.
Cho đến nay thuyết Âm Dương Ngũ Hành đã được chấp nhận như một hiện tượng tự nhiên, bất khả tư nghị. Theo đó Âm dương quán xuyến vũ trụ và chi phối vạn vật (tất cả những gì giác quan cảm nhận được và khối óc có thể lãnh hội được)
Theo truyền thuyết Trung Hoa thì thuyết Âm Dương ra đời cùng với vua Phục Hy (4477- 4563 trước CN) qua bộ Kinh Dịch. Bộ sách tối cổ này sau đó được chú thích, dẫn giải nhiều lần qua các vị Vũ Vương, Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử. Đại cương thì Âm Dương sinh ra bởi Thái Cực. Thái cực vốn là một khối hỗn độn trong chứa đựng đủ thứ. Âm Dương là hai nguyên tính tương phản bất khả phân ly, luôn luôn tương sinh, tương khắc, đắp đổi cho nhau không ngừng nghỉ. Trong Âm luôn luôn hàm chứa Dương và trong Dương có Âm. Không bao giờ có việc cô Âm, độc Dương. Những gì Âm lực nhiều hơn Dương lực thì gọi là Âm và ngược lại.
- Âm sinh ra Dương và Dương sinh ra Âm. Âm Dương được sinh sản không ngừng do sự bành trướng siêu nghiệm với vũ trụ
- Âm hấp dẫn Dương và Dương thu hút Âm, nhưng Âm lại đẩy Âm và Dương lại đẩy Dương.
Do đó, không có gì hoàn toàn Âm hoặc Dương. Không có gì trung hòa, cân đối Âm Dương. Âm và Dương phải là một bên lấn lướt hơn. Người ta nói Âm dương hòa hợp, đối đãi nhau theo tỷ lệ bất định để tạo ra mọi hiện tượng. mà mọi hiện tượng thì đều phù ảo, luôn luôn biến dịch các phân lực Âm Dương.
Theo Khổng Phu Tử “Âm Nhu – Dương Cương, Cương Nhu tương thôi, nhị sinh biến hóa (cứng mềm, đun đẩy, đắp đổi lẫn nhau chuyển hóa thành muôn hình vạn trạng). Vì như thế, chúng ta phải hiểu Âm Dương theo khía cạnh tương đối, tỷ giảo. “Cái này” tuy là Âm so với cái kia, nhưng chính “cái này” lại có Âm Dương, trên dưới, trước sau… nên nói Âm thoát biến thành Dương và ngược lại.
Trong võ thuật:
Dương : là Cương, mạnh, động, thẳng, v.v…
Âm: là Nhu, yếu, tĩnh, cong, v.v…
Nhưng hình tròn lại là Dương tượng Trời, và vuông là Âm tượng Đất. Dù hình tròn là một đường thẳng, nếu cong đều khép kín và hình vuông cũng là một đường thẳng, bẻ gãy đều khép kín. Đây cũng là sự tương sinh, tương khắc, thoát biến, hiện của luật Âm Dương.
Nếu hiểu được lẽ đó, ta sẽ thấy rằng Âm Dương luôn luôn tiêu trưởng (nhỏ đi, lớn lên) và chỉ thoáng qua nhau trong khoảnh khắc. Ta căn cứ nơi khoảnh khắc đó để chuyển hóa Âm Dương, Vũ trụ hầu đạt được ý muốn (vì lẽ biến dịch). Có như vậy, mới tiến hóa, ngược lại là thoái hóa. Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo đã được thiên tài Nguyễn Lộc sáng tạo theo luật tiến hóa Âm Dương và võ sư Chưởng môn Lê Sáng điều chuyển, phát triển thành nguyên lý Cương Nhu phối triển.
Việc sử dụng văn tự, ngôn ngữ để diễn tả tư tưởng, triết thuyết, v.v…đều chỉ là việc làm có tính cách “gượng ép”. Ngay chính Lão Tử cũng phải than thở “Ngộ bất tri kỳ danh, cưỡng tự chi viết đạo” (ta không biết tên, gượng gọi là đạo vậy) để nói lên cái vạn bất đắc dĩ phải đặt tên theo như quán lệ ngôn ngữ.
Do đó, nếu chỉ chiết tự, định nghĩa chữ “phối triển” như thông lệ thì chưa thể diễn tả hết cái thực của nguyên lý này, đó là chưa kể đến sự kiện “có vẻ như đi chệch đường theo luật Âm Dương” vẫn là “gượng”. Ta thử dài dòng tìm kiếm cái nghĩa tương đối của nguyên lý này xem sao?
Khi đã chấp nhận luật tương sinh và tương khắc của luật Âm Dương, ta sẽ hình dung Cương Nhu, hai nguyên tính bất dịch cũng đắp đổi nhau, thôi thúc nhau, ở trong nhau, sinh ra nhau, tiêu diệt nhau (giao dịch) để biến dịch ra muôn hình vạn trạng. Phối hợp cái Cương Nhu nơi ta với các Cương Nhu của đối thủ, trong cái cương nhu của môi trường và phát triển toàn bộ những giao dịch (theo khoa học toán là sự hoán vị hay phép giao hoán) này cho thật hợp lý. Sự giao hoán này nếu tính theo toán học (n giai thừa) thì khởi đầu có: 1 x 2 x 3 x 4 x 5 x 6 = 720 cách đánh, đỡ tối thiểu. Và ngay khi vừa ra đòn hay tiếp đòn, nếu có bất cứ một thay đổi nào của ba đơn vị chủ động (ta – đối thủ – môi trường) thì cách thức chống đỡ hay tấn công lại thay đổi thành “bất tận cách đánh”
Như vậy, nếu học hay dạy bắng cách thức cơ bản đều trở nên huyễn hoặc, không thực hiện được. Do đó, trong lớp học ta chỉ có thể áp dụng huấn luyện một trong vô số biểu mẫu TĨNH của Cương Nhu phối triển, trong trường hợp đơn giản nhất và biểu mẫu này cũng chỉ là “gượng” mà thôi.
Rút lại, ta có thể tạm chấp nhận “Phối triển” là sự CÂN BẰNG những đòn thế mà đối thủ tung ra, giống như cách (điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa ở bài tập đặt câu).
Khi tấn công, đối thủ đem ra những cái Thiếu và Thừa để tạo một sự mất quân bình cho ta (toàn thân hay từng phần thân thể). Mà mỗi khi mất quân bình là con người sẽ lâm vào tình trạng bất lợi. Từ đó ta phải lập lại cái quân bình cho ta, rồi tiếp theo là tùy sự thừa thiếu Âm – Dương mà đắp đổi, phối hợp để gây lại sự mất quân bình cho đối thủ.
Nếu ta đối đãi, phối triển tốt, ta sẽ làm chủ được tình hình. Nếu đối đãi , phối triển sai ta sẽ ở thế hạ phong và bị đối thủ khống chế. Lúc đó, ta đương nhiên mắc vào sai sót “không thấu suốt luật tương sinh, tương khắc của Âm – Dương”.
Những phương pháp huấn luyện lý thuyết và thực hành “Nguyên lý Cương Nhu phối triển” đã được “tâm truyền” không ngừng nghỉ cho toàn thể môn sinh Vovinam từ lúc nhập môn cho đến mãi mãi sau này. Do đó, càng học cao, người môn sinh càng nhuần nhuyễn, càng thấu triệt, và dĩ nhiên chỉ có môn sinh Vovinam mới thực hiện được nguyên lý này bằng đòn thế Vovinam. Vì từ đòn thế sơ đẳng đến cao đẳng, nguyên lý Cương Nhu phối triển đều chi phối và tiềm tàng ở khía cạnh Tĩnh
IV – PHẦN SÁNG TÁC
A – Lối Đỡ – Gạt số 5:
Lối Đỡ – Gạt này gồm 2 cách, được sử dụng bằng cả hai tay. Mỗi tay có những nhiệm vụ và hoạt động khác nhau, nhưng tạo thành một sự hỗ tương mật thiết và nhịp nhàng.
Về hình thức: Cứ tay này Dương (thẳng) thì tay kia Âm (cong) liên tục đắp đổi cho nhau.
Đến đây cần lập lại “bất cứ sự kiện gì thiên về Dương thì có Dương tính, thiên về Âm thì có Âm tính, không có hiện tượng Âm – Dương trung hòa. Nếu Dương thịnh thì Âm suy, nếu Âm thịnh thì Dương suy. Âm – Dương tiêu tưởng không ngừng nghỉ và trong Dương có Âm, trong Âm có Dương”
a/ – Lối Đỡ – Gạt 5a:
Khi tay trái tạo đường cong, thì tay phải đặt thẳng góc với cườm tay trái (sát hoặc rời). Hai bàn tay, một úp, một ngữa. Tay nào cong thì ngữa, tay nào thẳng thì úp. Mỗi tay đều giữ vững hướng và cong hoặc thẳng như lúc khởi phát, bàn tay xòe.
- Tay A vẽ một đường tròn tưởng tượng từ ngoài vào trong (thân hình), từ dưới hướng lên trên. Đường tròn rộng hay hẹp, to hay nhỏ tùy theo từng trường hợp và từng mục tiêu.
- Tay B gạt thẳng góc với tay A sát hoặc rời cũng tùy theo từng môi trường và mục tiêu
Cả hai tay đều khởi phát đều nhau cùng một lúc:
- Tay cong thực hiện các hình thức: dính, bám, nâng chuyển và cuộn, phong tỏa thế kích tiến.
- Tay thẳng thực hiện các hình thức: dính, chận, co dãn, biến thiên nhịp nhàng theo tay cong
Mục đích: hóa giải các lối đánh bằng tay, chỏ hoặc vũ khí ngắn, phát đòn từ phía dưới thấp
Đặc biệt: Lối gạt tay này được sử dụng trong lúc cấp thời có công dụng hóa giải tất cả các lối tấn công bằng tay nên còn có tên Triệt Quyền Viên Phương Thủ
Biến thế: Rút ngắn lối gạt này thành lối đón đỡ bằng hai bàn tay, có tác dụng xoay trở, niêm, bẻ, khóa, giữ tất cả những mũi nhọn của thế công do quyền cước đánh tới một cách linh hoạt, đẹp mắt.
Hình thức: Hai cườm tay giao nhau, lòng bàn tay luôn luôn hướng vào nhau, các ngón tay xòe cong lại tựa một bông hoa quỳnh mới nở, được đặt tên Quỳnh hoa yếm nguyệt (Hoa quỳnh đóng trăng lại)
b/ – Lối Đỡ – Gạt 5b:
Nếu tay trái tạo hình một cánh cung, thì tay phải tạo hình một mũi tên đặt trên cánh cung đó ở vị trí cườm tay, và ngược lại. Hai bàn tay nắm lại hoặc mở ra tùy trường hợp và môi trường.
- Tay nào cong ngang (cánh cung) thì mu bàn tay xoay vào trong thân hình. Tay nào thẳng (mũi tên) thì mu bàn tay xoay ra phía ngoài thân hình.
- Tay cong ngang trên luôn di động theo đường cong mà bàn tay là tâm. Vai và thân trên uốn theo để hỗ trợ.
- Tay thẳng luôn trượt chéo lên (phía đầu)
- Hai tay khi đỡ gạt đều cùng dâng lên, từ ngoài vào trong, từ dưới xiên chéo lên, theo một đường cong ngang nơi vị trí sát gần thân đối thủ. Tiếp đó vẽ một đường cong với tâm là bàn tay (cánh cung). Đường cong dài hay ngắn tùy theo từng trường hợp và đối tượng,
Đặc tính: Tay cong ngang thực hiện với các hình thức: chận và vẫn biến thiên uyển chuyển theo tay cong ngang.
Công dụng: Hóa giải các thế đánh bằng tay, vũ khí ngắn từ trên cao hay ngang mặt trong lúc tiếp cận.
B – Hai phương thức khắc chế quyền và cước
Đến một trình độ nào đó, người võ sư Vovinam đã có thể định cho mình một phương thức tự vệ cho riêng mình căn cứ từ thể tạng cá nhân, sự khổ công luyện tập và nhất là sự thấu suốt toàn bộ căn bản võ học Vovinam, mà trong đó lấy sự rèn đúc tâm thân làm cứu cánh. Nguyên lý Cương Nhu phối triển là một phương châm.
Từ đó, có những đòn thế rắc rối, hoa mỹ. có những đòn thế giản dị, nhu nhuyễn, v.v… được các võ sư chiêm nghiệm để sáng tạo ra nhằm hộ thân.
Như trên đã nói, những sáng tạo này có thể tuyệt vời cho từng cá nhân, từng trường hợp, tùy từng trình độ võ công, và cũng có thể “chẳng ra gì” rời rạc, trống, hở, không hữu hiệu đối với những cá nhân khác.
Hai phương thức khắc chế toàn bộ quyền, cước sau đây cũng nằm trong tinh thần trên. Chỉ hữu hiệu tù