Vovinam - Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long 50 năm Khai phá và Phát triển (1969-2019)-
Đăng ngày: 25/12/2019 00:17
"Một cá nhân chẳng là gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực của những tài năng chung quanh, cho dù trong số đó không có ai phi thường nhưng nếu cùng chung sức chung lòng theo đuổi một mục đích thì sẽ thành công..."-"Nếu phô trương mà không làm thì không được việc, nhưng nếu làm mà không có phô trương để gây thanh thế thì không có thế mà làm"-"Phải sống hòa đồng với mọi người, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác, vì người dở nhất cũng có điểm hay, người hay nhất vẫn có điểm sai, trăm điều ghi cũng có một điều sót..." - "Vovinam luôn trung thành với mục tiêu của mình là phục vụ xã hội, đào tạo những con người tốt về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi con người đã có ý thức luôn tự hoàn thiện tất yếu sẽ tránh được những thói hư tật xấu, những sa ngã trong cuộc sống. Xã hội có nhiều con người tốt cũng sẽ tốt, cũng như khi có nhiều điểm sáng thì bóng tối sẽ tự tiêu tan. Bước vào thế kỷ 21, với mong muốn góp phần xây dựng một nền võ đạo chung cho nhân loại, Vovinam sẽ tiến từ Việt Võ Đạo tới Nhân Võ Đạo. Đây là một lý tưởng hoàn toàn mang tinh thần phục vụ, cống hiến cho nhân loại, một nhân tố hòa hợp, gắn bó bằng tâm thức yêu thương, hào hiệp chứ không phải sự chinh phục, áp đặt, đồng hóa. Chân giá trị của "Võ đạo" là tính chất nhân bản : do con người, vì con người, phát triển và phục vụ con người...Vovinam như một biển lớn thu nạp được tất cả mọi mạch nguồn từ các nơi đổ về, bất kể phẩm chất và số lượng của mạch nguồn đó ra sao, sau đó chuyển hóa thành nước biển trong sạch. Trích "Hồi ký Chưởng Môn Lê Sáng".
Chưởng môn Lê Sáng thắt đai cho môn sinh Tân thủ khoa tại SVĐ Gò Công năm 1973.
50 năm khai phá và phát triển Vovinam ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trải qua 50 năm hình thành, Vovinam-Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển mạnh mẽ với hàng trăm võ sư, huấn luận viên, cùng hàng chục ngàn môn sinh theo tập luyện.
Ban tổ chức trao bằng khen vinh danh cho những cống hiến trong giai đoạn phát triển của Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN).
Ngày 15/12, tại Nhà thiếu nhi tỉnh An Giang, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long (1969-2019).
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Liên đoàn Vovinam Việt Nam, hội đồng võ sư chưởng quản môn phái Vovinam Việt võ đạo cùng gần 500 võ sư, võ sinh đến từ các liên đoàn, hội Vovinam của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại lễ kỷ niệm, các võ sư, môn sinh đã ôn lại chặng đường hình thành, phát triển của môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sự kiện võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện môn võ Vovinam tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh (với 40 võ sinh) vào tháng 9/1969. Võ sư Nguyễn Văn Nhàn được biết đến là người đặt cơ sở đầu tiên cho môn phái Vovinam trên mảnh đất miền Tây Nam Bộ, ngay tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Trải qua 50 năm hình thành, Vovinam-Việt Võ Đạo Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự phát triển mạnh mẽ với hàng trăm võ sư, huấn luận viên, cùng hàng chục ngàn môn sinh theo tập luyện.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết Vovinam-Việt Võ Đạo ra đời trong thời kỳ cả nước đang sôi sục tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1938, sau thời gian tìm tòi học hỏi và nghiên cứu nhiều môn võ, dựa trên võ vật dân tộc cùng tinh hoa của những môn võ trên thế giới, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo ra một hệ thống kỹ thuật võ học mới, được gọi là Vovinam, nghĩa là võ Việt Nam.
Tại An Giang, với sự hỗ trợ của bác sỹ Đào Tuấn Kiệt, phong trào Vovinam An Giang khởi đầu bằng lớp tập tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh (với 40 võ sinh) vào tháng 9/1969 do võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện.
Khoảng tháng 10/1969, một đoàn võ sư, huấn luận viên của Tổng cục Huấn luyện tại Sài Gòn đã về An Giang biểu diễn nhân lễ Khai phá Vovinam miền Tây.
Từ An Giang, phong trào dần dần lan rộng sang các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Châu Đốc, Phong Định (Cần Thơ), An Xuyên (Cà Mau), Ba Xuyên (Bạc Liêu)...
"Lễ kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long là dịp để ghi nhớ công lao của nhiều thế hệ quý võ sư đã có nhiều cống hiến xây dựng và phát triển môn Vovinam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; là dịp để liên kết, tạo mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong công tác huấn luyện, thi đấu để phát triển bộ môn Vovinam ngày càng hiệu quả và nâng cao thành tích của các vấn động viên ở khu Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của quốc gia," ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong dòng chảy của phong trào Vovinam với nhiều khó khăn thử thách, môn võ Việt này từng bước khẳng định mình để trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập vào 10/2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cột mốc quan trọng để môn Vovinam sự phát triển mạnh mẽ cả ở trong nước và thế giới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) Mai Hữu Tín cho biết sau 81 năm hình thành và phát triển, đến nay, Vovinam-Việt Võ Đạo đã có gần 2,5 triệu môn sinh của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập luyện.
Các liên đoàn được thành lập: Liên đoàn Vovinam thế giới, Liên đoàn Vovinam châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Liên đoàn Vovinam các nước Arab...
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa Vovinam vào dạy trong trường học khi 2 lần được tổ chức thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (năm 2012, năm 2016), 2 lần liên tiếp tổ chức giải vô địch Vovinam học sinh toàn quốc (năm 2017, 2018).
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam phát biểu tại buỗi lễ. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Hơn 40 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam có phong trào Vovinam. Môn võ này cũng được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc năm 2015, giải vô địch Vovinam sinh viên toàn quốc.
Về phương diện quốc tế, Vovinam 2 lần liên tiếp được đưa vào tổ chức thi đấu tại SEA Games (SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011, SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013), 5 lần tổ chức giải vô địch Đông Nam Á, 5 lần tổ chức giải vô địch châu Á, châu Âu, châu Phi và 5 lần tổ chức giải vô địch thế giới.
Ngoài ra, Vovinam còn góp mặt tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, cùng với phở, áo dài..., Vovinam đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của đất nước Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra khắp thế giới.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao kỷ niệm chương, vinh danh, khen thưởng cho các võ sư, môn sinh có nhiều đóng góp cho sự phát triển môn võ Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long./.
Tự hào 50 năm khai phá và phát triển Vovinam ĐBSCL
Vovinam - Việt Võ Đạo là bộ môn võ thuật tiêu biểu và có tính đại diện cao cho Việt Nam. Từ một môn võ dân tộc, Vovinam đã vươn mình trở thành một môn thể thao quốc tế thu hút hàng triệu người tập luyện ở hơn 50 quốc gia, là môn thi đấu chính thức tại các giải đấu quốc tế lớn như ASIAN Indoor Games và SEA Games, đem về nhiều thành tích quý báu cho thể thao Việt Nam.
Đánh dấu hành trình 50 năm khai phá và phát triển Vovinam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được sự đồng ý của Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái, Liên đoàn Vovinam An Giang đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thể thao Sài Gòn - SSDIC tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm khai phá và phát triển Vovinam ĐBSCL.
Nhà thiếu nhi TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa diễn ra buổi Lễ kỷ niệm 50 năm Khai phá và phát triển Vovinam ĐBSCL trong không khí hân hoan, trang trọng.
Buổi Lễ kỷ niệm 50 năm lần này là một dịp để những người làm Vovinam nhìn lại hành trình đầy thăng trầm và tự hào của môn phái kể từ khi lần đầu tiên có mặt ở miền Tây Nam bộ vào năm 1969.
Trải qua 50 năm, Vovinam đã có mặt ở 112 trên tổng số 122 huyện, thị của 13 tỉnh ĐBSCL, thu hút hơn 30.000 võ sinh tham gia với hơn 600 CLB. Phong trào Vovinam đã hòa nhập với cuộc sống của người dân, hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Vovinam miền Tây cũng đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của môn phái, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Tôn vinh những võ sư lão làng có công khai phá Vovinam ở ĐBSCL...
...đã giúp cho phong trào ngày càng lớn mạnh.
Buổi lễ tri ân những võ sư đã có công khai phá Vovinam ở ĐBSCL từ những ngày đầu, vinh danh những võ sư đã tiếp nối và phát triển môn phái. Trong đó, hai võ sư tiêu biểu cho hành trình khai phá Vovinam ở miền sông nước là Võ sư Hoàng Minh Cường - cố vấn Vovinam Tây Nam bộ, cố vấn Vovinam tỉnh An Giang và võ sư Nguyễn Văn Sen - Chánh vụ lễ nghi - kỹ thuật môn phái Vovinam. Cả hai vị võ sư đã đóng góp cả cuộc đời mình cho phong trào Vovinam phát triển.
Bên cạnh đó, 30 võ sư đã có công "tiếp nối" phong trào và 27 võ sư, HLV góp sức "phát triển" Vovinam trên khắp 13 tỉnh, thành cũng được vinh danh tại buổi lễ. Đó chính là sự ghi nhận công lao to lớn của nhiều thế hệ võ sư và môn sinh trong việc đưa phong trào Vovinam ngày càng đi lên.
Lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng và xúc động.
TS Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam xúc động khi đến buổi lễ và nhìn lại hành trình 50 năm đã qua của Vovinam khu vực. Ông chia sẻ: "Tôi sinh năm 1969 và lịch 50 năm của Vovinam ĐBSCL cũng chính là tuổi đời của tôi. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi là một môn sinh Vovinam và ngày hôm nay có mặt ở đây để chứng kiến sự phát triển kỳ diệu này. ĐBSCL là một trong những vùng có phong trào mạnh nhất nước hiện nay khi Vovinam đã hiện diện ở 13 tỉnh, thành. Các võ sư, HLV của ĐBSCL cũng là một trong những nhóm HLV nhiệt huyết nhất trên cả nước. Vovinam của miền Tây đã phát triển phủ kín và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Vovinam cả nước".
Buổi lễ kỷ niệm 50 năm khép lại cũng là lời tổng kết cho một chặng đường đáng nhớ đã đi qua. Sau buổi lễ kỷ niệm, Vovinam ĐBSCL sẽ bước vào một hành trình mới với những khó khăn và nhiều chông gai. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sự chung tay góp sức của cả 13 tỉnh, thành, Vovinam ĐBSCL tự tin vào một chặng đường mới đầy tươi sáng cho Vovinam - Việt Võ Đạo.
BÀI VÀ ẢNH: ANH THƯ
Tự hào 50 năm Khai phá & Phát triển Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long