Ký ức Vovinam Buôn Ma Thuột ( I ) - Souvenirs avec Vovinam de Buon Ma Thuot ville ( I ).
Đăng ngày: 10/09/2015 05:45
SVĐ BMT thập niên 1990.
'' Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày...Ce qui ne pense pas à son pays natal et ne sera jammais parvenu à leur maturité...''.
Nhân Lễ Kỷ Niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11, xin gửi đến Quý Thầy Cô, Huynh Đệ, Bạn bè, Đồng nghiệp và Người thân trong và ngoài nước, bài viết “Ký ức Vovinam Buôn Ma Thuột” từ cảm xúc nhân chuyến tham dự : Giải Vô Địch Vovinam-Việt Võ Đạo ĐắkLắk tại TP. Buôn Ma Thuột năm 2008.
- Kính chúc Thầy Chưởng Môn Lê Sáng luôn luôn Lạc Quan - Bình An - Trường Thọ...
- Kính chúc Quý Thầy Cô luôn luôn Vui - Khỏe - Hạnh Phúc - Nhiều may mắn...
Kính chúc Đại Gia Đình Vovinam Việt Võ Đạo luôn luôn :
“ĐOÀN KẾT - ĐOÀN KẾT - ĐẠI ĐOÀN KẾT THÀNH CÔNG - THÀNH CÔNG - ĐẠI THÀNH CÔNG...''
----------------
KÝ ỨC VOVINAM BUÔN MA THUỘT
‘‘Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ’’
Quê cha, đất tổ ở xã Bình Tân - Bình Khê, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (từ Bảo Tàng Quang Trung đi vào hơn 10Km), tôi sinh ra và lớn lên tại Thành Phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk.
Tuổi thơ tôi cũng trải qua những tháng ngày cơ cực... Buôn Ma Thuột giai đoạn thập niên 1980 còn hoang sơ, buồn tẻ, cơ sở hạ tầng thấp kém : đường xá mùa nắng thì bụi bặm mịt mù, mùa mưa thì trơn trợt bùn lầy, cái đất đỏ Bazan dẻo nhèo nhẹo quấn chặt lấy chân người… Những ai đã từng ghé thăm đều đùa vui rằng Buôn Ma Thuột là ‘‘Buồn Muôn Thuở’’ hay ‘‘Bụi Mù Trời’’.
Bên cạnh vẻ đẹp hoan sơ truyền thống của Thủ Phủ Tây Nguyên ngày xưa, nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu nhờ vào cây café, cao su… Buôn Ma Thuột ngày nay đã thay da đổi thịt rất nhiều từ cơ sở hạ tầng đến giao thông công cộng, các khu công nghiệp, cao ốc văn phòng đã và đang hình thành, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm...Tất cả đều chuyển mình theo xu thế phát triển mới của đất nước.
Có lẽ, tôi đến với Vovinam-Việt Võ Đạo cũng nhờ duyên trời đã định. Hồi đó, nhà của một người bạn trong xóm có cặp găng tay đánh Boxe. Cuối tuần, chúng tôi thường tụ tập xem các anh lớn đánh và chúng tôi cũng hăng máu bắt cặp đánh theo cho vui. Thỉnh thoảng các Môn Võ Cổ Truyền tổ chức thi đấu Võ đài (Quyền Anh ngày nay), chúng tôi cũng đi xem và cổ vũ…Tiếp theo đó, phong trào TaeKwonDo, KaRaTeDo nở rộ như một luồn gió mới. Nhưng lúc đó, tôi chần chừ chưa muốn theo tập, một phần định tập Võ Cổ Truyền, mặt khác tính tập TaeKwonDo, KaRaTeDo. Vì mỗi một môn có cái hay riêng. Hơn nữa tôi chỉ mới xem sơ qua các buổi tập, các buổi biểu diễn nên chưa quyết định chọn môn nào. Trong thâm tâm tôi thích chọn một môn võ khoa học, thực dụng, bài bản, đòn thế đa dạng và phong phú…
Tình cờ đề cập đến võ, một người bạn trong lớp học phổ thông giới thiệu tôi nên tập Vovinam. Nhưng thú thật lúc đó tôi chưa biết Vovinam là gì, đòn thế ra sao nên cũng không quan tâm lắm. Rồi một hôm, tôi thấy bên sân Nhà Văn Hóa Lao Động gần nhà (Rạp hát Thăng Long ngày xưa), mọi người tụ tập đông như kiến. Tôi hiếu kỳ chạy vào xem thử chuyện gì ? Thì ra là Vovinam đang biểu diễn : nào là nhào lộn, quyền cước, song luyện dao, mã tấu, đòn chân tấn công…Trong đầu tôi tất cả như quay cuồn, đảo lộn, cuốn hút lúc nào không hay và nhủ thầm : "À, mình đã tìm ra rồi !”. Tôi về tìm hiểu thêm ở người bạn, xin địa chỉ nơi dạy Vovinam và về nhà xin ba má cho đi tập.
Mùa thu kỷ niệm năm 1989, ngày đầu tiên bồi hồi, hớn hở đi ghi danh gặp anh Thinh (Huyền Đai lúc đó). Tôi nói : Thầy,Thầy, cho em ghi danh đóng tiền học ạ. Anh Thinh khiêm tốn chỉnh lời : Em gọi bằng anh được rồi ! Lúc ấy, tôi ngớ người ra chẳng hiểu tại sao ? Sau đó, tôi được hướng dẫn qua lớp Thầy Khải dạy. Ngày đầu tiên mới biết thế nào là ý nghĩa "Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái’’, rồi trung bình tấm đấm, chém…tất cả như đảo lộn trong tôi. Ngày ấy, điều kiện tập luyện còn khó khăn : Dãy phòng tập bên hông Sân Vận Động mái lợp bằng giấy dầu, phòng tập được ngăn bởi tấm vải rèm để môn này không dòm ngó môn kia, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì dột chũng nước, khoảng 1 năm sau phòng tập được dời qua Nhà Văn Hóa Thông Tin (khu Triển Lãm) khang trang,sạch sẽ hơn. Võ phục không đồng bộ và chất lượng như bây giờ, chúng tôi phải nấu nước sôi đổ mực xanh và nước dừa vào nhuộm khi nào bạt trắng thì nhuộm lại, tập luyện không có vợt đá, đồ đỡ, đấu đối kháng thì không có đồ bảo hộ chỉ có dôi găng tay bằng vải bố…nói chung lại là tập chay nhưng nhờ thế mà lì đòn.
Nhân dịp Lễ kỷ niệm 15 năm Giải phóng Buôn Ma Thuột 10/03/1975 – 10/03/1990, lần đầu tiên được biểu diễn tập thể bài "Khởi quyền" trên Sân Vận Động cùng với các môn phái khác, trong bầu không khí vui nhộn, hùng hồn giữa biển người… đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Những đêm trước ngày biểu diễn, trong lòng tôi cứ bồi hồi , trằn trọc, bâng khâng không biết ngày biểu diễn đánh đấm thế nào, cảm giác thật khó tả…
Vì bận rộn với kinh tế gia đình, Thầy Khải đành tạm ngưng hoạt động. Chúng tôi lại được Thầy Đức, Thầy Phước, các HLV : Quân, Long, Khang dẫn dắt… Năm tháng qua đi, hết khóa thi này đến khóa thi khác, những đợt đi biểu diễn ở các huyện xa làm chúng tôi như trưởng thành thêm ra. Tôi nhớ rất rõ những lần biểu diễn ở các Huyện Buôn Hồ, Hà Lan, ChưJút…lần nào cũng tưng bừng, khí thế. Sau đó ở lại giao lưu đến khuya hoặc 2 hay 3 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Có lần ngồi sau xe Honda của Thầy Đức, đường khuya vắng tanh ‘‘Trăng thanh gió mát’’ tôi mệt và ngủ gục lúc nào không hay. Thầy Đức tinh ý thỉnh thoảng nhắc khéo "Hùng ngủ gục hả Hùng’’, tôi lại giật mình thức tỉnh như vừa thoát nạn...
Có lần biểu diễn ở cây số 64 cho Quân Đội, vì tính chất đặc thù của đơn vị, chúng tôi được mặc quân phục để biểu diễn nào là Quyền cước, dao, mã tấu, súng trường lưỡi lê, đòn chân tấn công…tất cả đều thành công thuyết phục và được tặng luôn bộ quân phục mà tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay.
Đành lưu luyến nói lời chia tay với Quý Thầy và Huynh Đệ của Vovinam Buôn Ma Thuột. Năm 1996 tôi đậu Đại Học ở Sài Gòn, bốn năm sau ra trường, lập nghiệp, rồi định cư và may mắn được tập luyện tại Tổ Đường cho đến nay, dưới sự khuyên răn của Thầy Chưởng Môn Lê Sáng, sự ân cần giảng dạy và tình thương bao la của Thầy Nguyễn Văn Sen.
Mỗi năm hai lần, tôi lại về thăm Buôn Ma Thuột, Thầy trò Huynh Đệ gặp nhau "tay bắt mặt mừng’’ ôn lại những kỷ niệm xưa và trò chuyện tương lai, tình cảm Thầy trò Huynh Đệ "trước sau như một’’ không bao giờ thay đổi…
Vovinam Buôn Ma Thuột nay đã "thay da đổi thịt’’, từ một đơn vị ban sơ chỉ có một điểm tập chính, nay đã phát triển thêm ra hơn 15 đơn vị gồm nhiều điểm tập, tổng cộng có hơn 1.000 môn sinh đang theo tập. Âu đó cũng là thành quả xứng đáng của Quý Thầy và Huynh Đệ tâm huyết chung tay góp sức vun sới. Tôi cũng không biết rõ Vovinam Buôn Ma Thuột ra đời khi nào ? Nhưng tính từ thời điểm tôi theo tập đến nay đã được 20 năm. Một quãng thời gian không nhỏ của một đơn vị tỉnh lẻ ngày xưa. Tất cả đều rất đoàn kết, nề nếp "Tôn sư trọng đạo"… Từ đó đến nay vẫn giữ vững kỷ cương của Môn Phái, giữ nguyên chương trình thi thăng cấp : Thực hành và Lý thuyết võ đạo…
Mỗi lần về thăm Buôn Ma Thuột vài ngày, rồi lại ra đi, trong tôi lại chất chứa nhiều cảm xúc khó tả : Vui vì được đoàn tụ, được thấy Vovinam Buôn Ma Thuột trưởng thành cùng Môn Phái. Buồn và lưu luyến vì thời gian không cho phép ở lại lâu hơn …
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn"
Sài Gòn, ngày 17 tháng 11 năm 2008
Môn sinh. Lê Văn Hùng
Hùng đứng đầu hàng đồng diễn "Khởi Quyền" tại Sân vận động Buôn Ma Thuột năm 1991.
Giổ Tổ lần thứ 34 tại Buôn Ma Thuột
Hùng ở Buôn Ma Thuột năm 1992.
Nhận bằng cấp Hoàng Đai I của Tổ Đường năm 1992 (Khóa thi tại BMT do Thầy Sen và Thầy Vũ chấm thi).
Thăm viếng Tổ Đường năm 1994
Tham gia Giải Vô Địch Vovinam-Việt Võ Đạo Toàn Quốc tại Sài Gòn năm 1994
Ban Giám Khảo lưu niệm cùng Đơn vị Vovinam BMT ở Khóa thi Trung Đẳng tại Nha Trang năm 1996.
VS. Trần Văn Mỹ thắt đai danh dự - Thủ Khoa hoàng đai II tại Nha Trang năm 1996.
Sinh hoạt tại Biển Nha Trang năm 1996.
Hình chụp kỷ niệm tại Đà Lạt
* Thư hồi âm :
Em chào Thầy !
Em đã đọc được bài viết này lâu rồi, nhưng hôm nay em mới thật sự hiểu rõ hơn về "Ký ức Vovinam Buôn Ma Thuột" trong bài viết của Thầy. Đó không những là ký ức mà còn là tinh thần võ đạo cho chúng em noi gương. Thật may mắn và hạnh phúc vì hôm nay em đã được gặp thầy ! Em chúc thầy sức khỏe thật tốt, thành công trong mọi công việc !
Buôn Ma Thuột, Ngày 28 tháng 3 năm 2010 Môn sinh Phan Gia Đức