Một Ứng Dụng Quan Trọng của Hơi Thở trong Võ Thuật
26.03.2013 22:57
Lời nói đầu
Bài này viết ra với mong muốn được chia sẻ một số ứng dụng kiến thức khoa học nhằm nâng cao tính hiệu quả các đòn thế của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Từ những kinh nghiệm tích lũy thông qua nhiều thập niên tập và huấn luyện Vovinam sau khi kiểm nghiệm và đối chiếu với những kiến thức khoa học mới thấy rằng nếu chúng ta - những người đang tập và dạy võ hiểu thấu đáo được những kiến thức khoa học và áp dụng vào công việc luyện tập, huấn luyện sẽ là chìa khóa mở được những cánh cửa vô cùng kỳ diệu trong việc nâng cao tính hiệu quả kỹ thuật của môn phái. Xin được chân thành cảm ơn 2 người bạn - môn sinh Lê Đức Hoà và môn sinh Trần Quốc Chánh - đã đóng góp những ý kiến chuyên môn hữu ích.
Thở là một bản năng của con nguời, dù không ý thức đến hơi thở nhưng chúng ta vẫn hô hấp một cách tự nhiên. Đó là một chức năng kỳ diệu bẩm sinh. Thế nên, nhiều khi chúng ta quên mình đang hít thở nhưng chính nhờ hơi thở vô cùng quý báu đó mà chúng ta tồn tại. Trong võ học, hơi thở đóng một vài trò tối quan trọng vì vận động võ thuật là tận dụng toàn thể các bộ phận của thân thể và hơi thở là nền tảng giúp cho những bộ phận đó phát huy hết khả năng. Trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu hay tự vệ, nếu thở đúng cách có khả năng giúp chúng ta khai triển sức mạnh tối đa và duy trì thể lực để đạt đến kết quả cao.
Thở làm sao cho đúng cách là một đề tài lớn. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin giới hạn và tập trung vào đề tài ứng dụng kỹ thuật thở để tăng hiệu năng của sự tập luyên võ thuật, nếu không muốn nói là một kỹ thuật bắt buộc phải tập luyện nếu muốn đạt đến cao độ của võ thuật.
Vai trò hơi thở trong võ học
Nhớ lại ngày đầu vào học võ được huấn luyện viên dạy cho phép thở để hồi sức bằng cách dang rộng đôi tay và gập người xuống khi thở ra và đứng thẳng lên khi hít vào. Đây là một lối thở có tính cách khoa học và hiệu quả vì khi gập người xuống hoành cách mô dễ dàng ép lên phổi đẩy thán khí ra ngoài và khi đứng dậy hoành cách mô di chuyển xuống phía dưới bụng tạo khoảng trống để phổi căng phồng dễ dàng. Sau khi thán khí bị thải ra ngoài, lồng ngực lại căng ra làm cho áp suất trong phổi thấp hơn không khí bên ngoài nên một hơi thở mới có thể tràn vào đầy phổi. Nói cách khác, quy trình hít hơi thở vào này thuận lợi hơn nhờ sự co giãn và chuyển động của hoành cách mô về hướng xuống dưới khoang bụng. Cách thở hồi sức này đã giúp cho những người mới tập võ chưa quen với cách thở có ý thức dễ dàng đưa chất thải ra ngoài đồng thời đưa oxygen cần thiết vào nuôi các tế bào của cơ thể.
Khi còn trẻ chúng ta có khuynh hướng chỉ thích đấm đá, chỉ chú trọng đến kỹ thuật bài này bài nọ mà quên đi luyện tập hơi thở cho đến một lúc chợt bừng tỉnh và nhận ra rằng nếu tập võ mà không tập thở cho đúng thì cũng giống như chiếc xe máy chạy rồ ga thật lớn nhưng không biết chuyển đổi số côn. Tập võ mà thở không đúng thì thà không tập võ còn hơn. Trong khi đó luyện tập võ thuật mà biết chủ động phối hợp hơi thở có thể mang đến biết bao lợi ích cho sức khỏe kể cả sự bền bỉ, dẻo dai, khai triển sức mạnh tối đa, tập trung tinh thần…
- Kỷ thuật tăng hiệu quả của các đòn công
Trong quyển sách Vovinam và Vật lý học (phát hành 2012) chúng ta đã bàn đến khái niệm động lượng trong những tình huống trúng đòn (va chạm) như sau:
Biến thiên động lượng của một vật theo thời gian tỷ lệ với tổng lực tác dụng lên vật và có hướng là hướng của tổng lực.
Trong đó, động lượng (p) của một vật thể tỷ lệ với khối lượng (m) và vận tốc chuyển động (v) của vật thể đó theo công thức Vật lý
p = mv (1)
và lực (F) tác động lên một vật tỷ lệ với khối lượng (m) và gia tốc (a), hay độ thay đổi vận tốc trong một đơn vị thời gian (t) của vật thể đó (Định luật 2 của Newton):
F = ma = m(Δv/Δt) (2)
Như vậy, muốn tăng tối đa hiệu quả các đòn công thì chúng ta phải gia tăng cả hai biến số, tức là tăng khối lượng tối đa đồng thời phải gia tăng được vận tốc tối đa. Hay nói khác hơn là vận tốc của đòn đánh ra phải nhanh tối đa và một phần của sức nặng thân thể phải được dồn về hướng phát đòn. Điều này có liên hệ gì đến hơi thở?
- Gia tăng khối lượng
Khái niệm đấm “nhanh” tương đối dễ hiểu nhưng làm thế nào để tăng sức nặng cho cú đấm? Xét một ví dụ khi chúng ta ném một hòn đá về phía trước. Vì khối lượng của cục đá (m) không đổi, theo định nghĩa động lượng nếu muốn gia tăng được động lựợng (p) thì chúng ta chỉ gia tăng được vận tốc (v) mà thôi. Hay nói khác hơn cục đá phải được ném thật nhanh. Cục đá là một vật vô tri trong khi hoạt động có ý thức của con người có thể tạo sự chuyển động, mà có sự chuyển động là có động lực. Nếu khi ra đòn thân hình thẳng đơ như khúc củi thì chúng ta đã quên mất đi yếu tố khối lượng trong định luật 2 của Newton. Trong Vovinam có rất nhiều người khi tập vẫn bị khuyết điểm ở các đòn đánh bật tay như trong thế liên hoàn chiến đấu (chiến lược) số 3, 5 hay ngay cả đến những lối đấm, đá cơ bản. Thói quen chỉ đấm, đá hay bật tay trong khi giữ thân hình cứng đơ như một người máy không khai thác được tác dụng từ khối lượng kèm theo của những cơ phận khác trong thân thể. Vì thế, trong khi ra đòn đá hay đấm, nếu biết dồn khối lượng cơ thể bằng cách xoay hông, lắc vai (xem hình 1), nhón chân bước tới hoặc hoặc lướt tới theo hướng ra đòn cùng một lúc... thì sẽ tăng hiệu quả rất cao vì hệ số “m” trong công thức trên được tăng lên theo những bộ phận thân thể trong lúc ra đòn.
|
|
Hình 1: Lắc vai và hông trong cú đấm thẳng và móc
(Nguồn: Cục Huấn Luyện Vovinam Việt Võ Đạo Victoria – Australia) |
Trong ứng dụng võ thuật, để tăng được hiệu quả tối đa thì những đòn, đấm, đá, bật, chém, xỉa… cần được áp dụng phối hợp với các chuỗi động tác (kinetic chains) khác có cùng chiều với hướng mục tiêu. Chẳng hạn lắc hông cùng chiều với hướng đòn đấm một cách hài hòa và đúng lúc có thể tăng động lượng lên đến gấp 4 lần. Đây là một mức độ gia tăng hiệu quả các đòn thế rất lớn mà chúng ta có thể khai triển khi tập luyện đúng cách. Nếu chúng ta hiểu được điều này thì chỉ cần nhìn một người ra đòn thì có thể biết được người đó ra đòn có hiệu quả hay không. Trong bộ môn võ thuật Boxing lừng danh ở những đòn đánh quyết định thường được xuất phát từ nắm đấm của cánh tay sau được vươn dài nhằm tạo khoảng cách để gia tăng gia tốc a cũng như gia tăng độ lớn m (vì khoảng cách xoay hông, lắc vai lớn hơn).
Hình ảnh dưới đây cho thấy nếu không có lực xoay hông thì không thể có các bộ môn thể thao lừng danh như Golf (xem hình 2), Cricket, Baseball…. Một võ sư lừng lẫy của Karate đã từng phát biểu rằng điều cốt yếu nhất của Karate chính là lực xoay hông.
|
|
Hình 2: Vai trò lắc hông trong môn golf và Baseball |
- Áp dụng hơi thở để hổ trợ sự gia tăng (động lượng ) của các đòn thế.
Muốn gia tăng động lượng thì khi ra đòn tay hoặc đòn chân phải được triển khai nhanh tối đa. Chẳng hạn như trong cú đấm thẳng, để khối lượng của cánh tay được đẩy về phía trước nhanh chóng, các phản lực hay lực kìm hãm động lượng cánh tay phải được giảm thiểu tối đa. Nói cách khác, yếu tố hết sức đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để ra đòn nhanh là giữ các bắp thịt trong trạng thái không cương cứng (relaxed) khi phát lực. Nếu bắp thịt khi ra đòn gồng cứng thì không những đòn ra rất chậm mà còn tiêu hao rất nhiều năng lượng; mà đòn chậm thì lực đánh ra không đủ mạnh vì không tăng được gia tốc.
Vì thế, điều đáng lưu ý là khi ra đòn tay và đòn chân phải được giữ ở trạng thái không cương cứng cho đến ngay trước thời điểm va chạm (impact). Nếu tay chân khi va chạm mục tiêu ở trạng thái không cương cứng thì sẽ bị tổn hại nên phải cương cứng ngay trước lúc va chạm. Và để giúp cương cứng bắp thịt đúng lúc thì người ra đòn có thể thở ra thật mạnh, dứt khoát và ngắn (short) ngay trước thời điểm va chạm mực tiêu. Hơi thở này có thể thực hiện trong tiếng hét mạnh. Công dụng liên hệ của cách thở hét là làm cho bắp thịt tay hoặc chân trở nên cương cứng và nó còn có tác dụng làm co thắt các bắp thịt ở vùng trọng tâm cơ thể, nhất là vùng được gọi là đan điền (tanden) làm cho toàn bộ cơ thể trở thành một khối tấn vững chắc, tạo điều kiện cho sự va chạm đạt được hiệu quả tối ưu.
Hãy nhìn những người thực hiện công phá chẳng hạn như dùng cạnh bàn tay chẻ gạch hay đập vỡ sọ dừa. Khi công phá họ đều thở ra thật mạnh hay hét thật to (cũng là một cách thở ra) để động tác chém được nhanh, mạnh và quyết liệt. Xin lưu ý, để đạt được kết quả tối ưu kỹ thuật này phải được luyện tập thường xuyên để làm quen chịu đựng (conditioning) của chân, tay bằng cách tập luyện với vật cản như bao cát, khiên tập đá, nệm đấm… Nên cẩn thận với các trụ đấm vì nghiên cứu cho thấy vì trụ đấm ít di động khi đánh trúng nên hầu hết phản lực đều đi ngược lại cơ thể của người tập, có hại cho sức khoẻ đặc biệt là các khớp xương.
Ngoài ra, chính kỹ thuật thở này giúp cho sự tập luyện tăng được hiệu năng vì qua sự trao đổi khí được thực hiện đúng lúc cung cấp oxy cần thiết cho công việc biến năng lượng có sẳn thành năng lượng cần thiết qua quá trình vận động hiếu khí (aerobic). Thực tế cho thấy những người đánh mà không thở đúng cách rất mau mệt và không thể kéo dài thời gian tập luyện. Nếu không thể trao đổi khí đúng lúc và nhịp nhàng, nhịp thở sẽ trở nên vội vàng và dẫn đến hiện tượng vận động kỵ khí (anaerobic) và trong trường hợp này bộ máy cơ thể không thể tận dụng triệt để nguồn oxy trong hơi thở nên rất mau chóng kiệt sức.
- Đề nghị phương pháp thở :
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm của võ thuật nhân loại và đặc biệt từ các môn phái có xuất xứ từ lục địa Á châu, có rất nhiều phương pháp thở khí công khác nhau từ nhiều trường phái, rất đa dạng. Sau đây là một vài phương pháp thở tự nhiên, an toàn, đơn giản và dễ tập mà cá nhân tôi đã từng áp dụng.
- Lối thở bụng có ý thức
Phương pháp thở này áp dụng trong các vận động nhẹ, đơn giản. Trong tư thế đi, đứng, ngồi, nằm hay cả trong khi vận động nhẹ như phá tĩnh và làm nóng người đều có thể thở theo lối này. Hít vào sâu, chậm và đều bằng mũi và thở ra bằng miệng. Hơi thở sâu, nếu thực hiện đúng, chúng ta sẽ có cảm giác bụng phình ra. Thời gian thở ra dài hơn thời gian hít vào, tùy theo tình trạng thể lực của mỗi người. Hơi thở cần được thực hiện một cách tự nhiên, không gắng sức thái quá. Lối thở sâu này có hiệu quả hơn thở cạn vì hệ thống hô hấp có đủ thời gian để hấp thụ dưỡng khí (oxygen) vào và thải thán khí (carbon dioxide) ra ngoài.
Một ích lợi lớn nữa của việc tập thở (khí công) là sự tập trung tinh thần hầu làm giảm căng thẳng tinh thần (stress). Một số trường phái hướng dẫn người thực hành tập trung tinh thần bằng cách đếm hơi thở hay ý thức vào sự lưu thông của hơi thở, chú ý lúc nào hơi thở đi vào, và lúc nào hơi thở đi ra...
Trong khi làm các động tác phá tĩnh, chúng ta có thể hướng dẫn môn sinh hít vào mỗi lúc một mạnh hơn, hơi thở sau có cường độ tăng nhẹ, cao hơn lần trước. Chủ động thực hiện theo phương pháp này khiến người thực tập phải chú ý tới hơi thở mà không bị xao lãng hay phân tâm. Lợi điểm của lối tập này, ngoài sự gia tăng sự hấp thụ dưỡng khí, tập trung tinh thần, còn có khả năng giúp tinh thần người tập trở nên mạnh mẻ, dễ chịu nên dễ dàng đối phó với những khó khăn, muộn phiền của cuộc sống.
Giống như mọi môn thể thao khác muốn đạt được kết quả người tập thở phải cố găng luyện tập thường xuyên, sự sử dụng thuần thục lối thở bụng ý thức trong các vận động nhẹ là yếu tố đầu tiên cần có nếu muốn sử dụng lối thở vận công trong các vận động nhanh và mạnh.
- Lối thở vận công
Phương pháp thở này áp dụng trong các loại vận động võ thuật có tính cách nhanh và mạnh. Để tăng sức NGAY LÚC phát đòn hay NGAY TRƯỚC LÚC VA CHẠM, thở ra THẬT NGẮN, DỨT KHOÁT và MẠNH (có cảm giác CO THẮT Ở ĐAN ĐIỀN). Sự cương cứng cơ bắp vùng đan điền, bụng và ngực có tác dụng tạo sự kiên cố cho việc phát lực trên cánh tay hoặc chân. Cùng với hơi thở ra, có thể có tiếng hét, thường nên dùng âm I hoặc A vì có âm ngắn gọn. Tiếng hét cũng phải ngắn, mạnh và dứt khoát như hơi thở. Đối với môn sinh thiếu nhi chưa kiểm soát và làm chủ được hơi thở, nên tập cho các em hét khi phát đòn để giúp các em tập thở đúng lúc và tăng sức mạnh cho cú đánh.
Kiến thức võ học thật bao la và đa dạng. Khi viết bài này chúng tôi chỉ mong đóng góp và chia xẻ vài kinh nghiệm khiêm tốn cá nhân như một đề tài hầu đồng môn cùng tham khảo. Ước ao của tôi là chúng ta luôn cởi mở để chào đón những ý tưởng mới, sáng tạo, kỹ thuật hay dựa trên cơ sở khoa học và có tính thực dụng, nhằm đóng góp vào đại cuộc, kiện toàn môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.
Tháng 3, 2013 Võ sư Diệp Khôi
(Theo Vovinamvvd.com)
|
|