Ác khẩu có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời. Ảnh minh họa.
Đức Phật dạy, Ác khẩu hay còn gọi là ác ngữ là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu).
Nó sẽ gây ra nhiều hối hận cho con người trong cuộc sống sau khi nói ra.
Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn; lời nói nhã nhặn, lời khuyến tấn đúng thời, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi, những việc làm bất thiện.
Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời, trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
Hãy thận trọng với ác nghiệp
Điều này rất dễ thấy thông qua tính chất quan hệ nhân quả trong Phật giáo.
Ác khẩu, ác ngữ là lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa,… là những lời lẽ thiếu văn minh, đạo đức trong giao tiếp.
Đương nhiên, nói nặng lời, hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ, nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô.
Trong kinh Phật có bài học đạo lý rằng: Có người nghe Đức Phật rất từ bi, rất có đạo hạnh, nên cố ý đến mắng nhiếc Đức Phật. Nhưng khi chửi mắng, Đức Phật đều lặng thinh, chẳng đáp.
Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: "Ông đem lễ vật tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai ?" Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta.
Đức Phật liền nói: "Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ !”
Theo đạo lý nhân quả trong Phật giáo, thì một việc làm, một lời nói, một ý niệm suy nghĩ của thân, miệng, ý dù đó là thiện hay bất thiện đều đưa đến kết quả nhất định của nó.
Có những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lập đi lập lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ hơn trong đời sống thường ngày của cá nhân đó.
Cho nên, có câu sách tấn rằng "Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó", hay "Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả", tức là người trí, người giác ngộ thì làm việc gì, nói lời gì, nghĩ điều gì luôn luôn cẩn trọng, cân nhắc đến hậu quả của nó.
Còn người mê thì cứ làm, cứ nói, cứ hành xử theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân của mình cho thỏa dạ hả lòng, khi hậu quả đến thì lo âu sợ hải.
Hậu quả khó lường…
Như vậy, với những người thường dùng lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa,… trong cuộc sống hàng ngày của họ, trước hết, chính bản thân của người ấy đã thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân, những người xung quanh sẽ dần dần xa lánh họ.
Ảnh minh họa.
Những người thân của họ ít nhiều cũng ảnh hưởng lây bởi những lời ác ngữ này, nếu là bậc cha mẹ thường dùng ác ngữ đối với con cái thì những đứa trẻ này sẽ tiếp nhận và trong quá trình trưởng thành cũng sẽ ảnh hưởng những tính chất bất thiện này.
Một đứa bé được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường có nhiều tố chất bất thiện thì khi trưởng thành chắn chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều về tố chất đó.
Còn nếu là con cái thường nói những lời thô bạo, thâm độc,… thì chắc chắn cha mẹ, thầy cô giáo không khỏi nao lòng.
Nhất là, trong xã hội hiện nay, một số bạn trẻ online trên mạng xã hội facebook, twitter,… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác không phải là không có.
Có thể các bạn cho rằng những lời nói này không chỉ một người nào cụ thể, không trực tiếp một ai, thì sẽ không sợ nguy hại.
Nhưng thực tế rất nguy hiểm, không chỉ viết những lời ác ngữ, mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm cả, vì nhiều lần làm như vậy chính không ai biết xấu hổ, không ai kiểm soát, không ai khuyến tấn nên lâu ngày dài tháng sẽ trở thành một thói quen.
Mà Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường.
Theo Thích Huệ Nhẫn/Gia đình Việt Nam
CÓ DUYÊN THÌ SANH, KHÔNG DUYÊN THÌ DIỆT (LUẬT NHÂN QUẢ)
Người xưa thường tin vào luật nhân quả. Họ tin rằng, nếu họ gieo nhân thiện thì chắc chắn sẽ gặp điểm lành và ngược lại gieo nhân ác thì sẽ gặp chuyện tai ương.
Ngày nay, do cuộc sống thường thiên về vật chất, con người sẵn sàng dùng thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân của mình. Ít người còn tin vào luật nhân quả hơn. Họ thường lấy những tấm gương ví dụ điển hình về ông nọ, bà kia làm bao chuyện ác hại người nhưng vẫn chưa gặp quả báo. Mà không chịu đào sâu suy nghĩ rằng muốn từ nhân thành quả thì cần phải có một quá trình gọi là duyên. Câu chuyện dưới đây sẽ chứng minh cho điều ấy :
Ngày xưa, ở làng nọ có một ngôi chùa. Có một vị cao tăng thường xuyên giảng kinh tại đó. Lúc đó, có một người đã từng gây nhiều tội nghiệp lớn sau khi nghe cao tăng giảng xong liền thỉnh giáo cao tăng :
"Thưa thầy, quá khứ của con đã sát sanh, hại vật rất nhiều, đã tạo ra rất nhiều tội nghiệp. Bây giờ, con phải làm sao".
Vị cao tăng từ bi nói:
"Con phải thành tâm hết lòng phát lộ sám hối. Ba thành QUẢ BÁO ĐOẠN DUYÊN là được".
Nhưng người đó chỉ biết NHÂN và QUẢ không hiểu gì về nguyên lý NHÂN DUYÊN. Vị cao tăng đã đưa cho anh một bao giống trái gai và bảo anh ta gieo hạt giống sang 2 bên dọc đường phía sau ngôi chùa.
"Một nửa, phải gieo ở phía Đông rắc thêm vôi và không được tưới nước. Một nửa gieo ở phía Tây phải tưới nước hàng ngày. Cứ đến 5 ngày phải đi chân trần trên luống trồng một lần. Đi chân trần trên luống phía Đông và cả phía Tây".
Người đó làm theo lời vị cao tăng. Lúc đầu, anh ta không cảm nhận được điều gì khác lạ. Anh về báo lại và vị cao tăng vẫn dặn anh về làm như cũ và 5 ngày sau đi lại.
Anh ta vẫn y lời cao tăng dặn. Năm ngày sau, anh ta ra và đi trên 2 luống trái gai. Anh nhận thấy luống phía Tây trái gai đã bắt đầu nảy mầm. Năm ngày đã lớn thêm được 3 tất hơn nữa đã nở ra hoa vàng. Anh ta đi qua đi lại. Năm tuần trôi qua, anh đã bị gai đâm vào chân trần kiến chân bị chảy máu và anh không đi lên được. Luống ở phía Đông thì lại khác vẫn không có gì thay đổi so với ban đầu.
Anh ta về trình báo lại với vị cao tăng. Vị cao tăng hỏi lại:
"Hai luống phía Đông và phía Tây đều cùng 1 túi hạt giống trái gai. Tại sao khi gieo xuống thì luống phía Đông đi vẫn thoải mái còn luống phía Tây thì lại không đi được".
Lúc này anh ta mới nhận ra rằng : Luống phía Đông đã rắc vôi lại không tưới nước. Vì đoạt mất Duyên nên kết quả không còn tác dụng. Còn luống phía Tây thì thường xuyên được tưới nước. Duyên được thuận lợi nên cây gai mới phát triển tươi tốt được.
Đây là lý: Có Duyên thì Sanh, Không Duyên thì Diệt - Là một phần trong nguyên lý nhân quả mà ít người hiểu được.....!
Hi vọng câu chuyện sẽ cảnh tỉnh chúng ta : Luôn gieo hạt thiện trong tâm thức và hạnh động. Hạnh phúc, may mắn, thành công sẽ luôn theo đuổi bạn dù bạn có đi đến đâu.
King Rich
NHÂN QUẢ BÁO ỨNG
Trong cuộc sống, luôn tồn tại luật Nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai bởi vậy hãy luôn sống tốt và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình bạn nhé !
Có một người phụ nữ khi nướng bánh mì cho gia đình mình luôn làm dư ra một cái để cho người nghèo đói. Bà để ổ bánh mì dư trên thành cửa sổ bên ngoài cho người nghèo nào đó đi qua dễ lấy. Và một người gù lưng đều đặn đến để lấy ổ bánh mì đó.
Thay vì nói lời cám ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời như niệm chú:
– Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !
Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, người gù lưng đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu:
– Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !
Người đàn bà rất bực bội. Bà thầm nghĩ:
– Không một lời cám ơn, ngày nào người gù này cũng đến lấy bánh ta làm rồi lải nhải giai điệu khó chịu ấy ! Hắn ta muốn ám chỉ điều gì ?
Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt. Bà tự nhủ:
– Ta sẽ làm cho hắn mất dạng.
Và bà đã làm gì ? Bà cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà thường làm. Khi bà sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên.
Bà hốt hoảng:
– Ta làm gì thế này ?
Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa và vội làm một cái bánh mì ngon lành khác rồi đem để lên thành cửa sổ.
Như mọi khi, người gù lưng đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm:
– Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người.
Ông ta cầm ổ bánh đi cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người đàn bà đang có một trận chiến giận dữ.
Có một điều mà không ai biết đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi xa tìm việc làm, đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cho con trở về nhà bình an, mạnh giỏi.
Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa…
Anh ta gầy xọp đi, quần áo anh rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:
– Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường. Nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon. Khi đưa bánh cho con, ông ta nói:
– Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi !
Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết !
Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói có ý nghĩa đặc biệt của người gù lưng:
– Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người !
Trong cuộc sống, luôn tồn tại luật Nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai bởi vậy hãy luôn sống tốt và không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm của mình bạn nhé !
Theo Quà tặng cuộc sống
|