Trong văn cảnh đó, đây không phải là một câu hỏi mà là sự khẳng định rằng tiền nhiều không thể giữ được hạnh phúc và tình người, có nhiều tiền mà xử sự với nhau như thế thì tiền nhiều để làm gì !
Sau khi bị “trích xuất” thành một câu hỏi của một người rất nhiều tiền và trở thành đề tài bàn luận trên báo chí và trên mạng xã hội, cho thấy đa phần thích tiền, một phần thích rất nhiều tiền để làm những việc này, việc khác mà đã quên đi cái văn cảnh ban đầu của câu hỏi này.
Cái quan trọng nhất là khi người ta có rất nhiều tiền thì ứng xử với số tiền đó như thế nào để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chính mình, cho những người thân và cho xã hội nữa. Đồng tiền do chính mình làm ra, bằng sức lực, trí tuệ, tài năng kinh doanh của mình nhưng thực chất là của xã hội, do sự đóng góp của nhiều người mới có số tiền đó, không ai một mình mà lại làm ra rất nhiều tiền cả.
Chính vì vậy mà nhiều tỷ phú trên thế giới dùng tiền để đóng góp trở lại cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau. Không ít người để lại toàn bộ di sản của mình cho cộng đồng mà không cho vợ con mình thừa kế hoặc chỉ cho một phần rất nhỏ.
Nếu như quan niệm “đại trượng phu thì để lại tài sản cho vợ con, tay trắng đi tạo lập sản nghiệp mới” là đúng thì chẳng lẽ cái nhà tỷ phú kia không xứng là bậc “đại trượng phu” sao ?
Nhìn chung, các cuộc chia tay có dính đến tiền đều không đẹp đẽ và không cao thượng gì khi người ta so đo tính toán và kể công, phủ nhận vai trò quyết định của người làm ra tiền và tự cho mình đã góp phần xứng đáng làm nên số tiền đó. “Cái gì không phải của mình thì đừng đòi nhận nó” – đó không phải là đạo lý đúng đắn sao ?
Ở một khía cạnh khác, trả lời cho câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì ? ”trong bối cảnh những người tham nhũng với mục đích có rất nhiều tiền và họ đã đạt được mục đích đó, giờ phải lâm vòng lao lý, tù tội thì dù họ để lại rất nhiều tiền cho con cháu thì có bao giờ gột rửa được vết nhơ, tránh được sự đàm tiếu, chê bai của thiên hạ. Tiền nhiều để làm gì khi phải chịu nhục nhã đến vậy ?