VOVINAM PHẢI TIẾN THEO THỜI ÐẠI
- Chính vì lẽ đó, Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã di huấn cho các đệ tử kế thừa phải hoàn chỉnh lại tất cả những sáng tạo của Người cho thích hợp với thời đại, với sự tiến triển của nền võ học nhân loại thành những hệ thống về kỹ thuật võ, triết võ, đạo võ. Và suốt từ năm 1960 đến nay, qua bao thăng trầm, suy thịnh, con đường VOVINAM hiện đã thênh thang với một hệ thống giản dị, khoa học và hữu hiệu xứng đáng sánh vai cùng năm châu cả về Thuật lẫn Ðạo trong sứ vụ phục vụ và giúp ích Con Người.
- Hệ thống võ học VOVINAM được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giúp tất cả mọi môn sinh không phân biệt tuổi tác, màu da đều thấu hiểu tường tận và chính xác những kỹ thuật và tư tưởng nhằm thăng hoa con người cả về Thuật lẫn Ðạo.
do vậy, võ thuật và võ đạo VOVINAM được hoàn chỉnh qua hai thời kỳ:
- Thời kỳ sinh tiền Sáng tổ Nguyễn Lộc
- Thời kỳ kế nghiệp của võ sư Chưởng môn Lê Sáng.
THỜI KỲ SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC : ( 1938 - 1960 )
- Hoàn tất công trình sáng tạo VOVINAM vào năm 1938. Sáng Tổ đưa ra biểu diễn lần đầu tiên tại nhà hát lớn Hà Nội vào mùa thu 1939. Sau đó, công khai mở lớp dạy VOVINAM tại trường Sư Phạm ( Ecole Normale ) ở phố Cửa Bắc Hà Nội vào đầu năm 1940.
- Ở thập niên 1940,không khí chống thực dân, giành độc lập rất sôi nổi. Ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người thanh niên đối với lịch sử dân tộc, Sáng tổ VOVINAM nấu nung một tinh thần phục vụ dân tộc và nhân loại trong việc xây dựng tư tưởng võ đạo cho các môn sinh. Muốn đất nước độc lập, muốn dân tộc tự cường, phải có được một hàng ngũ thanh niên khoẻ mạnh về thân chất, có khả năng dụng võ, có tâm hồn yêu nước, giúp ích xã hội, hiến ích cho đời; và phải hướng dẫn để họ tự hình thành nơi mình một ý chí dũng mãnh, một nhận thức sáng suốt, một tấm lòng bao dung, một quyết tâm trong hành dộng... trong tinh thần hào hiệp, dấn thân nhập cuộc vì quê hương, vì dân tộc với nếp sống kiện toàn tâm thân, giúp người tiến bộ và sống cho đại nghĩa. Những suy nghĩ này đã hình thành ý niệm CÁCH MẠNG TÂM THÂN, và là ý niệm khơi nguồn tư tưởng chủ đạo của toàn bộ hệ thống lý thuyết võ đạo của môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO.
- Ở thời kỳ này việc đấu tranh dành độc lập là nhu cầu bức thiết của đất nước. Do đó, kỹ thuật võ phát xuất từ nghiên cứu sáng tạo của Sáng tổ rất đơn giản, hữu hiệu mà dễ tập, dễ áp dụng nhưng rất cương mãnh dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến, tốc thắng với phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và bền bỉ. Chương trình tuy có phân cấp sơ, trung, cao đẳng, nhưng không mấy ai học quá ba năm một phần vì thời cuộc, vì nhu cầu ứng phó cấp thiết; một phần đôi lúc do nhà cầm quyền Pháp cấm cản, hàng ngũ cốt cán phải tập luyện bí mật.
Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài ba tháng với những đòn cận chiến đơn giản. Chương trình huấn luyện cấp tốc thời dó gồm :
Võ Lực :
- 10 thế thủ dục.
- Luyện tấn, mép tay, bắp tay cho rắn chắc.
- Bay người, rạp xuống, trườn mình bằng khuỷu tay và đầu gối.
- Cách nhào lộn, tập ngã không đau.
Võ thuật :
- Các đòn phản thế cơ bản.
- Các thế khoá gỡ.
- Bài song luyện ( đòn thế được ghép theo nhu cầu biểu diễn, nên khoá sau có thể khác khoá trước để thử nghiệm, chứ không theo thứ tự trình độ 1,2,3,4 như hiện nay.
- 21 đòn chân cũng đã dạy, song ít người được tập đầy đủ và chỉ ghép vào các bài song luyện chớ không biểu diễn riêng lẽ, đa dạng như bây giờ. Khi tập cũng như biểu diễn đều mặc quần đùi, mình trần.
- Ðã dạy những thế kiếm, gậy ( côn ) và mã tấu cơ bản cho các lớp võ đại chúng hàng ngày tại sân bãi cỏ Việt Nam học xá ( lúc bấy giờ gọi là Ðông Dương học xá ).
- Năm 1960, ngày 04/04/ âm lịch, Sáng Tổ tạ thế. Ðến thời điểm này, VOVINAM đã tạo đươc tiếng vang, môn sinh đã đông hơn. Các môn đệ theo tập Sáng Tổ vẫn tiếp tục theo võ sư Lê Sáng tập lên cao. Võ sư Lê Sáng là con chim đầu đàn, là một thành viên sống trong gia đình Sáng Tổ, cận kề Sáng Tổ qua cả ba thời kỳ Sáng Tổ trực tiếp hường dẫn :
- 1940 - 1945 Hà Nội.
- 1946 - 1948 các tỉnh Bắc Việt.
- 1954 - 1960 Miền Nam .
THỜI KẾ NGHIỆP CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG : ( Từ 1960 đến nay )
Theo di huấn của sáng tổ, căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Sáng Tổ giảng dạy, Võ Sư Chưởng môn Lê Sáng đã hình thành :
- Hệ thống hoá kỹ thuật võ học.
- Hệ thống lý thuyết võ đạo.
- Ðường hướng, tôn chỉ và mục đích môn phái.
- Ðồng thời, võ sư Lê Sáng quy tụ lớp môn đệ đã theo tập Sáng tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành lớp võ sư cốt cán chung tay phát triễn môn phái. Ngoài ra, võ sư Lê Sáng còn liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cục Quyền Thuật Việt Nam ( là Tổng Cuộc duy nhất lúc bấy giờ ). Trong 3 nhiệm kỳ ( 1958 - 1968 ), cùng chức vụ Tổng Thủ Quỹ Ủy Hội Olymbic Việt Nam ( 1960 - 1972 ).
Giữa năm 1957, Sáng tổ Nguyễn Lộc nằm bệnh phải nghỉ dạy, Võ Sư Lê Sáng tạm thời thay thế mở tiếp 3 võ đường tại ba địa điểm:
- Ðường Sư Vạn Hạnh , gần chùa Ấn Quang.
- Ðường Trần Khánh Dư - Tân Ðịnh.
- Ðường Trần Hưng Ðạo.
- Năm 1960, Sáng Tổ tạ thế và sau chính biến 11 - 11 - 60, chế độ Ngô Ðình Diệm cấm tất cả các hoạt động võ thuật, do đó, võ sư Lê Sáng tạm nghỉ dạy võ lên Buôn Ma Thuột và Quãng Ðức làm đồn điền.
- Năm 1964, Võ sư Lê Sáng trở về mở trung tâm Huấn luyện Vovinam tại số 61 đường Vĩnh Viễn Sài Gòn, quy tụ một số võ sư trẻ tập ở giai đoạn 1955 cùng một số thân hữu của các võ sư đó thành lập Ban Chấp Hành Môn Phái với hai cơ cấu :
- Tổng Cục Huấn Luyện
- Tổng Ðoàn Thanh Niên.
- Và từ đó, danh xưng VOVINAM được nối thêm là VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO.
Tổng Cục Huấn Luyện chuyên trách đào tạo võ sư huấn luyện viên cốt cán, và võ sư Lê Sáng là Chưởng môn kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Ðoàn Thanh Niên đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ và cứu tế xã hội do võ sư Trần Huy Phong đảm nhiệm.
- Ðiều lệ nội quy được soạn thảo ấn định mọi giềng mối, kỷ cương, luật lệ thi cử, phân công nhiệm rõ ràng với kỳ hiệu, phù hiệu như hiện nay. Từ đó môn sinh được mang võ phục màu xanh với hệ thống đai đẳng:
- Xanh ( Sơ đẳng : Ba cấp ).
- Vàng ( Trung đẳng : Ba cấp ).
- Ðỏ ( Cao đẳng : Bảy cấp ).
- Trắng ( Thượng đẳng: Dành riêng Chưởng Môn ).
- Trong thời kỳ đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Quyền Thuật Việt Nam, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng phải khảo sát võ thuật để cấp giấy chứng nhận cho các võ sư. Trong nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về các môn võ cổ truyền, ông đã rút ra được những tinh tuý và tìm cách bổ túc, cùng chỉnh lại phần phân thế thất truyền của những bài võ xưa mà lập ra một hệ thống mới một phát triển thành ba cho VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO sau này.
Các kỹ thuật và các bài bản mới.
- 30 thế chiến lược ( với nguyên tắc lấy công làm thủ ).
- 28 thế vật căn bản với 3 bài song đấu vật.
- Song luyện dao găm.
- Các bài quyền và khí giới : Thập Tự Quyền, Long Hổ Quyền, Việt Võ Ðạo quyền, Xà Quyền, Hạc Quyền, Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm pháp, Tứ Tượng côn pháp, Nhật Nguyệt đại đao pháp, bài Mộc Bản, Bài Súng gắn lưỡi lê, song đấu búa rìu, Song Ðấu Mã Tấu.
- Phân thế hai bài võ cổ truyền : Lão Mai và Ngọc Trản.
- Thực hiện di huấn của sáng tổ, võ sư Chưởng môn Lê Sáng đã hệ thống hoá kỹ thuật võ học và lý thuyết võ đạo để VOVINAM tiến kịp theo thời đại. Thành quả đó có sự phụ giúp đáng kể của hai môn đệ xuất sắc : Cố võ sư Trần Huy Phong ( 1938 - 1997 ) và võ sư Nguyễn Văn Thư. Cố võ sư Trần Huy Phong phụ trách ngoại vụ kế hoạch phát triển, võ sư Nguyển Văn Thư phụ trách nội vụ, củng cố nội bộ, khởi thảo quy lệ Môn phái, bút pháp mạch lạc, chặt chẽ.
- Khi viết đến điều 96 : Tôn chỉ và Mục đích minh định nơi chương hai không được thay đổi. Mọi người đều đã đồng ý nhưng võ sư Nguyễn Văn Thư xin ghi thêm : và các điều khoản qui định nơi chương này cũng không được thay đổi. Thời đó, Tổng Cục Huấn Luyện thường xuyên tổ chức các lớp đặc huấn trau dồi kiến thức tổng quát cho các Huấn luyện viên cao cấp và võ sư Chuẩn Hồng Ðai có đủ khả năng quản trị điều hành võ đường đều do võ sư Nguyễn Văn Thư phụ trách.
Nhưng phải đến năm 1966, khi VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO được đưa vào giảng dạy ở học đường ( công đầu là của võ sư Phùng Mạnh Chử tự Mạnh Hoàng 1938 - 1967 ), chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn thành với hệ thống bài bản rõ ràng từ Nhập Môn tới Chuẩn Hồng Ðai. Hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp đai.
- Thời đó, võ sư Chưởng môn Lê Sáng ngày dạy võ 10 tiếng, đêm về viết nhanh các bài giảng về 10 điều tâm niệm, ý nghĩa màu đai v.v.. để các võ sư và huấn luyện viên đồng bộ giảng huấn giống nhau. Sau đó, mới in thành tác phẩm. Các tác phẩm của võ sư chưởng môn Lê Sáng :
- Ý nghĩa màu đai.
- 10 điều tâm niệm.
- Tìm hiểu võ thuật - võ đạo.
- 12 phương châm tu dưỡng hành xử.
- Tác phong của Việt Võ Ðạo Sinh.
- Ý thức hệ võ đạo về nếp sống và tình cảm Việt Võ Ðạo.
- Chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân.
- Vũ Trụ Quan, Nhân sinh quan v.v...
- Từ tháng 5 năm 1975 cho tới năm 1988, Võ sư Chưởng môn bị kẹt trong vòng lao lý, hoạt động VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO có tính tự phát. Khi Người trở về lãnh đạo Môn phái vẫn giữ đúng Tôn chỉ và Mục đích đã đươc xác lập trong quy lệ Môn Phái năm 1964. Ý niệm Cách Mạng Tâm Thân của Sáng Tổ được võ sư chưởng Môn viết thành sách, cùng toàn bộ tư tưởng võ đạo VOVINAM được san định lại cho phù hợp với thời đại, được tiếp tục dùng làm tài liệu giảng huấn, thi lý thuyết võ đạo ở kỳ thi thăng đai các cấp.
- Ý chỉ sáng Tổ để lại : VOVINAM phải tiến theo thời đại, có phù hợp với thời đại mới có thể phát triển. Thời bình phải đề cao tinh thần xây dựng, kiện toàn con người, nhẹ bớt tính chiến đấu chế phục người. Ðể cập nhật hóa, kỷ thuật của Vovinam Việt Võ Ðạo phải nhu nhuyển, uyển chuyển, thiên về dưỡng sinh. Hiện nay, Vovinam Việt Võ Ðạo có thêm một số bài quyền và binh khí được sắp xếp gắn bó chặt chẻ với nhau theo trình tự : Một phát triển ba, nghĩa là: Từ đòn cơ bản (1) ghép lại thành bài đơn luyện (2) và bài song luyện (3). Với hệ thống này, người tập sẽ dễ luyện, dễ nhớ, ôn đi, ôn lại nhuần nhuyễn.
- Võ sư Chưởng môn Lê Sáng đã hướng dẫn các Võ Sư viết luận án theo phương thức này. Các bài quyền theo hệ thống này gồm có:
- Nhập Môn Quyền ( ghép 4 lối chém, đấm, gạt, cùi chỏ và đá ).
- Tứ Trụ Quyền ( ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 1 ).
- Ngũ Môn quyền ( ghép 10 thế chiến lược tứ 11 đến 20 ).
- Viên Phương Quyền ( ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 2 ).
- Thập Thế Bát Thức quyền ( ghép 10 thế chiến lược từ 21 đến 30 ).
- 4 bài Nhu Khí Công Quyền ( những bài quyền dưỡng sinh ).
- 4 bài Liên Hoàn đối luyện ( song luyện không té ngã dành cho người lớn tuổi ).
- Trấn Môn quyền.
- Việt Ðiểu Kiếm.
- Tiên Long Song Gươm Pháp.
- Mã Tấu Pháp.
- Các bài tự vệ Nữ - Nam, Tứ Ðấu tay không và khí giới đã có từ thời Sáng Tổ, đến nay được tiếp nối kế thừa rất đa dạng, phong phú.
Mọi cơ cấu tổ chức, phân công phân nhiệm, võ phục, kỳ hiệu, phù hiệu, danh xưng vẫn được áp dụng theo bản qui lệ Môn Phái viết năm 1964. Riêng có thêm phù hiệu Tổ Ðường : Mũi tên chỉ lên trời với 4 vòng xanh, vàng, đỏ , trắng, bọc giữa vòng âm dương và bản đồ Việt Nam. Ngoài ra, do nhu cầu phát triển quốc tế, khi giá trị đai vàng chưa phổ biến tại các địa phương mới phát triển quốc tế, các võ sư có thể dùng đai đen thay thế để việc giảng dạy được thuận lợi. Khi mọi người đã biết giá trị đai vàng thì các môn sinh trung đẳng sẽ mang lại đai vàng theo hệ thống môn phái.
- Vovinam Việt Võ Ðạo đã có mặt tại các nước trên thế giời từ năm 1974 do Giáo Sư Phan Hoàng - người đã thành danh với mấy bằng tiến sĩ hạng ưu ở hải ngoại - có công phổ biến đầu tiên. Khi giáo sư về Việt Nam, đến thăm VSCM Lê Sáng được VSCM giao trọng trách thành lập liên đoàn Vovinam Việt Võ Ðạo tại pháp với một Ban Ðiều hành gồm có 5 võ sư nổi tiếng là : Lão Võ Sư Nguyễn Dân Phú, Võ Sư Hoàng Nam, Võ Sư Bùi Văn Thịnh, Võ Sư Nguyễn Trung Hoà, Võ Sư Phạm Xuân Tòng và Giáo Sư Phan Hoàng làm Chủ Tịch.
Thêm vào đó, những du học sinh là môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo đi du học trước và sau năm 1975, sau khi tốt nghiệp cũng mở phòng dạy Vovinam nhưng chỉ là phong trào tự phát, chứ không do Môn Phái cắt cử . Do vậy, sự giảng dạy không thống nhất và đồng nhất. Khả năng võ thuật của các đương sự cũng bị hạn chế. Khi các lớp tập lên cao, tất nhiên các vị đó sẽ phải trở về Tổ Ðường rèn luyện bồi dưỡng thêm, lúc đó mới được VSCM giao phó trách nhiệm chính thức.