Chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) và thế giới (WVVF) - doanh nhân Mai Hữu Tín, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư U&I, trước kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái vovinam và Đại hội VVF nhiệm kỳ mới vào ngày 15-4 tại Bình Dương.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) và thế giới (WVVF) - doanh nhân Mai Hữu Tín, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư U&I, trước ngày kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái vovinam và Đại hội VVF nhiệm kỳ mới vào ngày 15-4 tại Bình Dương.
"Nói đến Việt Nam, thế giới biết đến áo dài, biết đến phở... Còn cái gì nữa? Nếu đi ra thế giới, chỉ có vovinam thôi. Với số lượng môn sinh vovinam đang tập luyện ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đó là sản phẩm văn hóa hết sức đặc biệt khác của người Việt. Và nó càng phát triển thì càng có giá trị cho Việt Nam.
Vì lẽ đó tuy bỏ rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc đầu tư nhưng tôi cảm thấy rất vui bởi tôi coi đó là cách đóng góp cho đất nước".
Với số lượng môn sinh vovinam đang tập luyện ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đó là sản phẩm văn hóa hết sức đặc biệt khác của người Việt. Và nó càng phát triển thì càng có giá trị cho Việt Nam.
Chủ tịch VVF MAI HỮU TÍN
* Vovinam có thành viên mới nào trên thế giới không, thưa ông?
- Đó là Phần Lan. Chúng tôi thường có dịp tiếp xúc với các đại sứ trước khi đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài, nên sẽ gửi gắm các đại sứ tìm cách phát triển vovinam ở đất nước mà họ nhận nhiệm vụ.
Chị Đặng Thị Hải Tâm đi nhận nhiệm vụ đại sứ tại Phần Lan đã rất tích cực giúp chúng tôi về chuyện này. Khi gặp kiều bào Việt Nam tại Phần Lan, chị Tâm đã hỏi thăm ngay là ở đây có ai đã từng tập vovinam không?
Đáng mừng là có bạn Thảo đứng lên cho biết mình từng học vovinam lên cấp HLV ở Nha Trang (Khánh Hòa), thế là chị Tâm khuyến khích có cách nào phát triển vovinam tại Phần Lan hay không, sứ quán có thể hỗ trợ được gì hay không.
Thảo nghe thế thì cảm động, liên lạc về với vovinam ở Nha Trang, với VVF. Chị Tâm cũng báo về và sứ quán cho mượn sân làm sân tập luôn. Nhóm này giờ được mấy chục người rồi, trở thành một tổ chức vovinam ở Phần Lan.
Cách đây hơn một tuần, trước khi đại sứ sang Venezuela làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng gửi gắm tìm cơ hội nào đó để phát triển vovinam. Nam Mỹ là "vùng trắng" của vovinam, chưa có tổ chức nào cả.
Có một giáo sư của một trường đại học khá nổi tiếng tại Venezuela tỏ ra yêu thích vovinam, nên khi được Đại sứ quán Việt Nam tại đây giới thiệu đã chủ động liên lạc với tôi và nói: Chúng tôi có thể xin tài liệu để tự học vovinam hay không?
Thế là chúng tôi gửi tài liệu, video bằng tiếng Anh cho vị giáo sư này. Mày mò tự tập, chỉ một tuần mà họ đã kêu gọi được 50 sinh viên trong trường cùng tập. Họ gửi cho tôi xem video buổi tập và khoe "chúng tôi đã phần nào hiểu được vovinam rồi".
Doanh nhân Mai Hữu Tín - người rất tâm huyết với Vovinam Việt Nam nhiều năm qua - Ảnh: NGUYÊN KHÔI.
* Làm sao ông kết nối được với các đại sứ?
- Các đại sứ sắp đi làm nhiệm vụ thường có lịch làm việc với các địa phương, nắm nhu cầu xem các địa phương cần gì, các ngành cần gì. Bên cạnh đó, trong Bộ Ngoại giao thì có rất nhiều võ sư vovinam.
Trước đây có anh Lê Hải Bình - phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới. Giờ thì có anh Đào Quyền Trưởng - phó vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa Bộ Ngoại giao, phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Hà Nội.
Ngoài ra có rất nhiều học trò của anh Lê Hải Bình, các bạn sinh viên Đại học Ngoại giao đều từng học vovinam. Tất cả đều có ý thức phát triển vovinam ra thế giới, nên khi có các đoàn đại sứ sắp đi thì đều thông báo cho tôi biết để gặp gỡ và gửi gắm.
* Vovinam chỉ mới trở lại SEA Games sau 3 kỳ liên tiếp 2015 đến 2019 không được đưa vào chương trình thi đấu. Làm sao để vovinam có thể có mặt ổn định ở sân chơi khu vực?
- Vovinam đã trở lại ở SEA Games 31 tại Việt Nam, SEA Games 32 tại Campuchia và sắp tới sẽ là SEA Games 33 ở Thái Lan. Thông thường, khi đã có mặt ở 3 kỳ tranh tài liên tiếp thì đương nhiên sẽ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.
Nhưng chúng ta không thể dựa vào quy định đó mà chủ quan mà tiếp tục ủng hộ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển mạnh hơn lên.
* Giấc mơ đưa vovinam vào Asiad thì sao, thưa ông?
- Nhìn vào quá khứ, chỉ có nước tổ chức được Asiad mới có thể đưa môn võ của mình vào. Chẳng hạn như Trung Quốc đã làm với wushu, Indonesia với pencak silat, Thái Lan với muay Thái. Chúng ta muốn đưa vovinam vào thì phải tổ chức được Asiad.
Với vai trò của đất nước mình hiện nay, chắc chắn mình phải tổ chức và khi đó, vovinam chắc chắn sẽ vào Asiad.
Mơ ước của Vovinam Việt Nam là có ngày xuất hiện tại Asiad, Olympic - Ảnh: NGUYÊN KHÔI.
* Nguồn tài chính để vovinam phát triển và quảng bá hiện nay ra sao?
- Ở vovinam, số người từng học vovinam và thành công về kinh tế là khá nhiều. Nhưng tôi chưa tiếp cận được họ rộng rãi. Thế thì trước mắt, tôi chỉ tiếp cận những bạn bè xung quanh và được ủng hộ một ít. Nhưng chủ yếu vẫn đến từ quỹ riêng của gia đình tôi.
Dù hoạt động theo kiểu con nhà nghèo nhưng mỗi năm cũng tốn khoảng 10 tỉ đồng cho việc quảng bá vovinam ra thế giới. Nhưng sắp tới sẽ còn lớn hơn nhiều cho mục tiêu đưa vovinam vào Olympic hay Asiad.
Tôi nhận thức rằng mình đang không làm vovinam mà đang làm điều lớn hơn là làm văn hóa Việt Nam. Tôi cảm thấy mình làm chuyện có ích không phải chỉ vì mình là môn đồ của vovinam mà vì mình là người Việt Nam. Động lực đó lớn hơn nhiều lắm!
* Nhưng VVF cũng phải nghĩ cách kiếm tiền?
- Chúng tôi sẽ mở ra chủ đề tận dụng nguồn lực của xã hội để thảo luận tại Đại hội VVF vào ngày 15-4. Cụ thể, chúng tôi sẽ nghiên cứu về việc tạo ra nguồn tài chính cho các hoạt động của vovinam.
Đó là tận dụng hết khả năng người của vovinam cho các mục đích: đào tạo, bảo vệ (nhất là bảo vệ yếu nhân), huấn luyện cao cấp (cho những người có nhiều tiền thích đào tạo một thầy một trò)...
Các HLV của vovinam sắp tới không chỉ biết riêng về võ thuật - võ đạo mà còn giỏi về dinh dưỡng để có thể làm PT (huấn luyện viên cá nhân). Doanh nghiệp xã hội vovinam sẽ làm chuyện chính là bố trí công việc cho các HLV. Như vậy sẽ có lại nguồn thu cho VVF hoạt động.
húng tôi tin rằng xã hội có nhu cầu cho những khả năng như vậy. Nếu chúng ta đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội thì sẽ có nguồn thu.
* Kỷ niệm 85 năm thành lập, ông có đặt mục tiêu gì cụ thể cho vovinam không?
- Ở đường dài, chúng tôi luôn muốn vovinam vào Olympic. Nhưng muốn vào Olympic thì phải vào Asiad trước. Sau Đại hội VVF, tháng 11 chúng tôi sẽ tổ chức Giải vovinam thế giới 2023 và Đại hội WVVF tại TP.HCM.
Đây là đại hội quan trọng bởi trong đó, lãnh đạo các tổ chức vovinam trên toàn cầu sẽ điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu các hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic. Đây là bước đi đầu tiên để khẳng định vovinam đáp ứng được các bước chuẩn Olympic.
Thứ hai, mặc dù đã phát triển vovinam ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, phủ kín 5 châu lục nhưng chúng tôi không muốn ngừng lại mà còn muốn phát triển rộng rãi hơn nữa. Mình phải gieo mầm văn hóa Việt Nam trước đã.
Do đó, chúng tôi sẽ thành lập một đội võ sư lưu động nhiều quốc tịch, giỏi ngoại ngữ để luân chuyển, xoay vòng đào tạo trên toàn cầu. Trong nước, VVF kiên quyết thực hiện hai việc:
1- Phủ kín vovinam ở 63 tỉnh thành so với con số hơn 44 hiện tại. Vovinam có hết cả nước, nhưng chúng tôi chưa tổ chức được các liên đoàn hoặc hội vovinam chính thức, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi có hội chính thức, vovinam sẽ phát triển bài bản hơn.
2- Mở học viện vovinam toàn cầu. Nhiệm kỳ vừa rồi, chúng tôi đã tích cực làm việc với UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM và nhận được sự hỗ trợ rất tốt. Chúng tôi không xin tiền để mở học viện.
Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM (Phú Thọ) có một khu đất dành cho hoạt động võ thuật, và chúng tôi xin được phép sử dụng khu đất đó để xây học viện. Toàn bộ chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD chúng tôi sẽ tự lo.
Đã đến lúc vovinam phải có mái nhà chung đủ lớn và đủ tầm cho tất cả môn sinh trên toàn thế giới. Nếu hoàn tất các thủ tục, Học viện vovinam toàn cầu (cao 9 tầng, được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000m2) sẽ hoàn tất trong 3 năm.
Vovinam đã phát triển ở hơn 70 quốc gia và trên khắp các châu lục - Ảnh: NGUYÊN KHÔI.
* Việc đưa vovinam đưa vào trường học phát triển như thế nào, thưa ông?
- Rất tốt và ngày càng mạnh mẽ hơn. Vừa rồi chúng tôi đã thành lập Liên đoàn vovinam FPT. Tổ chức giáo dục FPT chính là liên đoàn hiện có nhiều môn sinh vovinam nhất Việt Nam với 130.000 người.
Một trong những quy định tại đây là phải học vovinam và con số này sẽ còn tăng nữa khi mỗi năm đều có các em mới nhập học.
Với các tỉnh thành, vovinam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp là với Vụ Giáo dục thể chất để thay đổi các chương trình huấn luyện của vovinam trở thành bài tập thể thao nhẹ nhàng (võ nhạc) nhằm giúp các em vui và thoải mái khi học. Chúng tôi vẫn duy trì các giải đấu cho các cấp học, thậm chí còn lấn sâu hơn để phát triển ra quốc tế nữa.
Campuchia vô địch giải vovinam tiền SEA Games 32 hồi cuối tháng 3 vừa qua với 10 HCV, hơn 2 HCV so với Việt Nam. Chính phủ Campuchia xem phát triển vovinam như là môn chính nên đầu tư rất lớn. Đây là điều đáng mừng.
Thái Lan cũng chú trọng phát triển vovinam. Các võ sĩ muay Thái sang học vovinam đều rất thích. Vừa rồi họ cũng có HCV đầu tiên ở giải vovinam tiền SEA Games 32. Đây là bước đệm rất tốt để Thái Lan đưa vovinam vào tổ chức ở SEA Games 33.
Trải qua chặng đường lịch sử, Vovinam đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, phủ khắp 5 châu. Trong đó, số lượng võ sinh tập luyện trên thế giới đã hơn 1 triệu người.
Tại lễ kỷ niệm có sự hiện diện của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Võ Việt vươn mình ra thế giới
Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng lập một môn võ Việt từ võ vật dân tộc dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển với tên gọi Vovinam.
Đến chưởng môn Lê Sáng, ông cùng các võ sư tìm tòi nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện. Điều đó đã xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt này phát triển.
Kế thừa những thành quả đó, cố võ sư chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu cùng các võ sư đã đưa Vovinam lan tỏa đến bạn bè quốc tế khắp 5 châu.
Tiết mục biểu diễn đòn chân sở trường của Vovinam - Ảnh: N.K.
Năm 2008, Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) được thành lập đã tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu. Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng.
Sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp vắng mặt, Vovinam đã trở lại ở SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia sắp tới.
Tháng 6 tới, Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký công nhận Vovinam là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng điều vui hơn là Giải Vovinam vô địch thế giới 2023 sẽ quay trở lại với Việt Nam vào tháng 11 sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009.
Đại hội WVVF nhiệm kỳ mới được tổ chức trong thời gian này sẽ điều chỉnh lại toàn bộ tài liệu hoạt động, điều lệ, các văn bản hoạt động của các ủy ban theo chuẩn Olympic nhằm có thể đưa võ Việt vào Olympic.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng lẵng hoa kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái Vovinam - Ảnh: N.K.
Bảo đảm sự ra đời của Học viện Vovinam toàn cầu
Trước lễ kỷ niệm, Đại hội đại biểu VVF nhiệm kỳ IV (2023 - 2028) đã được tổ chức với sự tham dự của 67 đại biểu từ các ban ngành, tỉnh, thành khắp cả nước. Doanh nhân Mai Hữu Tín (chủ tịch U&I Group) đã tái đắc cử vị trí chủ tịch VVF.
Trong số các mục tiêu mà nhiệm kỳ mới VVF hướng đến, xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu là quan trọng nhất nhằm giúp cho tất cả môn sinh trên toàn thế giới có thể về đây tập luyện, dâng hương, tưởng niệm các thầy. Học viện sẽ được xây dựng tại TP.HCM với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Mai Hữu Tín chia sẻ: "Gia đình tôi đã thành lập quỹ từ thiện xã hội nhiều năm nay, cam kết dành phần lớn lợi nhuận trong kinh doanh cho quỹ, trong đó có phần bảo trợ cho Vovinam. Tôi xin phép chia sẻ điều này ở thời điểm hôm nay, để chứng minh rằng Liên đoàn Vovinam có đủ nguồn lực để triển khai Học viện Vovinam toàn cầu tại TP.HCM".
Các môn sinh Vovinam biểu diễn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: N.K.
Tiết mục biểu diễn đẹp mắt của Vovinam trong ngày kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái - Ảnh: N.K.
Doanh nhân Mai Hữu Tín - chủ tịch VVF - phát biểu tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái Vovinam - Ảnh: N.K.
Vovinam và tinh thần ủng hộ môn võ của người Việt
TTO - Sáng 27-3-2021, hơn 1.500 em học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng môn Vovinam Việt Võ Đạo do Nestlé MILO tổ chức tại nhà thi đấu TDTT Phú Thọ đã phần nào phản ánh xu hướng tập luyện môn võ này có phần gia tăng trong thời gian qua.