TIỄN BIỆT VÕ SƯ - NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN VĂN THÔNG
NGƯỜI GHI LẠI MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ MÔN PHÁI VOVINAM BẰNG HÌNH ẢNH
Ông Nguyễn Văn Thông - một võ sư tiền bối của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, người đã ghi lại một giai đoạn lịch sử môn phái bằng hình ảnh - vừa từ giã cõi trần vào tối ngày 7-9-2019.
Ảnh tư liệu: Võ sư - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông.
Võ sư Nguyễn Văn Thông sinh ngày 28-10-1925 (Ất Sửu) tại tỉnh Thái Bình, pháp danh Minh Thiện. Ông từng kể lại: “Tôi theo tập Vovinam với Sáng tổ Nguyễn Lộc từ năm 1952 ở phố Hàng Bông, chung lớp với VS Nguyễn Văn Hách”. Từ khi vào Saigon giữa năm 1954, ông tiếp tục làm công chức cũng như sinh hoạt cùng môn phái và từng đảm nhận các chức vụ:
Ủy viên Tài chánh Ban chấp hành môn phái Vovinam từ năm 1964.
Trong phong trào “Học đường mới” ông làm Quản đốc võ đường Trung học công lập Chu Văn An, Sài Gòn (1966-1968), võ đường Trung học tư thục Hưng Đạo, Sài Gòn (1968-1975).
Tổng đoàn trưởng Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo (1973 - 1975).
Tính tình điềm đạm nhưng cương nghị cũng như nhiều năm gắn bó cùng môn phái, võ sư Nguyễn Văn Thông đã có mặt ở hầu hết các sinh hoạt của Vovinam Việt Võ Đạo tại Saigon. Bên cạnh sự khéo léo xoay sở tài chánh cho môn phái hoạt động, bằng tài năng của mình trên lĩnh vực nhiếp ảnh, ông đã ghi lại lịch sử Vovinam giai đoạn 1954-1975 bằng hình ảnh mà khởi đầu là bức ảnh chụp Sáng tổ Nguyễn Lộc cùng một số môn đệ tham quan Sở thú Saigon lúc mới vào vùng đất Saigon cho đến những bức ảnh Lễ tưởng niệm tổ chức hoành tráng ở sân vận động Hoa Lư hồi giữa thập niên 1960… Bộ ảnh của ông vừa có giá trị về mặt mỹ thuật vừa có giá trị về mặt lịch sử và được đăng trên các đặc san của môn phái. Rất tiếc, vì tình hình thời cuộc, bộ ảnh của ông đã bị thất lạc rất nhiều.
Từ trái – Trần Đức Hợp, Nguyễn Văn Thông, Phan Dương Bình, Sáng tổ Nguyễn Lộc, Bùi Thiện Nghĩa.., tại Sở Thú Sài Gòn 1955. Đây là một số võ sư tập luyện ở miền Bắc từ 1949 đến 1954.
Trong Vovinam còn có một võ sư trùng tên, trùng họ là võ sư Nguyễn Văn Thông (học trò VS. Trần Huy Phong ở Trường trung học tư thục Saint Thomas năm 1962), từng là HLV trưởng Vovinam Trường trung học công lập Chu Văn An; vì thế trong môn phái thường gọi nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông là ông Thông “ảnh” để tiện phân biệt.
Bên cạnh đó, ông cũng là người đã bấm máy ghi lại thời khắc Hòa thượng Thích Quảng Đức làm ngọn đuốc sống gây chấn động năm 1963 tại Saigon (ảnh bên dưới).
Bức ảnh: Hòa thượng Thích Quản Đức "Vị pháp thiêu thân" năm 1963.
Võ sư Nguyễn Văn Thông có 8 người con: 3 trai, 5 gái; hiền thê của ông là bà Lê Thị Dậu (1921-2006) - cô ruột của võ sư Lê Trọng Hiệp.
Những năm gần đây, võ sư Nguyễn Văn Thông vẫn thường xuyên tập thể dục hoặc đạp xe vào sáng sớm để rèn sức khỏe. Còn nhớ hồi năm 2016, trong một lần đạp xe từ nhà ở đường Điện Biên Phủ (Quận 3) đến Tổ đường (31 đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TPHCM), võ sư Nguyễn Văn Thông đã “khoe” cùng chúng tôi trước lúc tạm biệt: “Đây là chiếc xe đạp mà tôi mua hồi năm 1956 và đến nay còn đạp ngon lành”.
Dù vậy, theo quy luật thời gian, tuổi cao, sức yếu, ông qua đời lúc 19 giờ ngày 7-9-2019 (9 tháng 8 năm Kỷ Hợi) tại nhà riêng, số 6B đường số 1, Cư xá Đô Thành, Quận 3, TP.HCM, thượng thọ 95 tuổi. Sáng 12-9 (14 tháng 8 năm Kỷ Hợi), linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Tập Phúc Hội, huyện Hóc Môn, TPHCM.
Sự ra đi của ông đã lưu lại nhiều niềm thương tiếc trong hàng ngũ võ sư, huấn luyện viên môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Nhiều tổ chức, môn sinh trong, ngoài nước đã đến viếng tang hoặc gửi vòng hoa chia buồn.
Đôi dòng tiễn biệt, nguyện cầu anh linh võ sư Minh Thiện - Nguyễn Văn Thông sớm về cõi Niết bàn.
THIỆN TÂM
(BHL Vovinam Trung học Chu Văn An 1966-1968)