Hôm nay, ngày 22/01/2025
VĂN ÔN - VÕ LUYỆN - TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO - BÀN TAY THÉP VỚI TRÁI TIM TỪ ÁI

GIỚI THIỆU

LIÊN KẾT WEBSITE

Tin mới đăng

Khóa thi Trung đẳng Vovinam Khánh Hòa Mở rộng 2024 - Passage ouvert de grade des Ceintures Jaunes du Vovinam Khánh Hòa province en 2024.
Kỳ thi thăng cấp Trung đẳng Vovinam Cần Thơ lần 2 mở rộng & Tri ân những người thầy thầm lặng - Vovinam Can Tho organisé le 2ème Passage ouvert de grade des Ceintures jaunes du Deltat du Mékong.Kỳ thi thăng cấp Trung đẳng Vovinam Cần Thơ lần 2 mở rộng & Tri ân những người thầy thầm lặng - Vovinam Can Tho organisé le 2ème Passage ouvert de grade des Ceintures jaunes du Deltat du Mékong.
TRI ÂN 20-11 "THẦY TÔI & NGHIỆP VÕ" - A la gratitude de la Journée des Enseignants Vietnamiens du 20 Novembre "Notre Maître & Sa carrière d'arts martiaux".TRI ÂN 20-11 "THẦY TÔI & NGHIỆP VÕ" - A la gratitude de la Journée des Enseignants Vietnamiens du 20 Novembre "Notre Maître & Sa carrière d'arts martiaux".
''CHÚC MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 73 CỦA THẦY SEN - HAPPY 73th BIRTHDAY TO MASTER SEN - JOYEUX 73ème ANNIVERSAIRE À MAITRE SEN (1951-2024)''.''CHÚC MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 73 CỦA THẦY SEN - HAPPY 73th BIRTHDAY TO MASTER SEN - JOYEUX 73ème ANNIVERSAIRE À MAITRE SEN (1951-2024)''.
Kỳ nghỉ của VS.Lê Văn Hùng tại Bordeaux - Marseille - Paris Pháp 2024 - Vacances de Maître Lê Văn Hùng à Bordeaux - Marseille - Paris - France en 2024 (Part 1).Kỳ nghỉ của VS.Lê Văn Hùng tại Bordeaux - Marseille - Paris Pháp 2024 - Vacances de Maître Lê Văn Hùng à Bordeaux - Marseille - Paris - France en 2024 (Part 1).
Kỳ nghỉ của VS.Lê Văn Hùng tại Bordeaux - Marseille - Paris Pháp 2024 - Vacances de Maître Lê Văn Hùng à Bordeaux - Marseille - Paris - France en 2024 (Part 2).Kỳ nghỉ của VS.Lê Văn Hùng tại Bordeaux - Marseille - Paris Pháp 2024 - Vacances de Maître Lê Văn Hùng à Bordeaux - Marseille - Paris - France en 2024 (Part 2).
Vovinam Marseille tưởng niệm Võ sư Marc Quer vừa qua đời - Le Vovinam Marseille commémore le récent décès de Maître Marc Quer (1965 – 2024).Vovinam Marseille tưởng niệm Võ sư Marc Quer vừa qua đời - Le Vovinam Marseille commémore le récent décès de Maître Marc Quer (1965 – 2024).
Kỷ niệm 14 năm ngày mất Chưởng môn Lê Sáng (2010-2024) - A la 14ème Commémoration du décès de Maitre Patriarche Lê Sáng (2010-2024).Kỷ niệm 14 năm ngày mất Chưởng môn Lê Sáng (2010-2024) - A la 14ème Commémoration du décès de Maitre Patriarche Lê Sáng (2010-2024).
Cáo phó & Phân ưu VS.Nguyễn Văn Ký (1952 - 2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Nguyễn Văn Ký (1952 - 2024).Cáo phó & Phân ưu VS.Nguyễn Văn Ký (1952 - 2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Nguyễn Văn Ký (1952 - 2024).
Cáo phó & Phân ưu VS.Trần Ngọc Trình (1939 - 2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Trần Ngọc Trình (1939 - 2024).Cáo phó & Phân ưu VS.Trần Ngọc Trình (1939 - 2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Trần Ngọc Trình (1939 - 2024).
PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH THÂN PHỤ VS.BÙI ĐẶNG HỒNG NHUNG - SINCÈRES CONDOLÉENCES AVEC LA FAMILLE DU PÈRE DE MAITRESSE NHUNG - VOVINAM BÌNH DƯƠNG..PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH THÂN PHỤ VS.BÙI ĐẶNG HỒNG NHUNG - SINCÈRES CONDOLÉENCES AVEC LA FAMILLE DU PÈRE DE MAITRESSE NHUNG - VOVINAM BÌNH DƯƠNG..
Cáo phó & Phân ưu VS.Trịnh Thế Hùng (1951-2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Trịnh Thế Hùng (1951-2024).Cáo phó & Phân ưu VS.Trịnh Thế Hùng (1951-2024) - Annonce du décès & Condoléances du Maitre Trịnh Thế Hùng (1951-2024).
T/B: Lễ tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc LT64 (1960-2024) - Lễ công bố tân Chánh Chưởng Quản - Lễ thăng đai các Tân Khoa Hồng Đai 2024 - Annonce: La 64 Commémoration du Maitre Fondateur Nguyen Loc.T/B: Lễ tưởng niệm Sáng tổ Nguyễn Lộc LT64 (1960-2024) - Lễ công bố tân Chánh Chưởng Quản - Lễ thăng đai các Tân Khoa Hồng Đai 2024 - Annonce: La 64 Commémoration du Maitre Fondateur Nguyen Loc.
THÔNG BÁO CỦA HĐVSCQ MÔN PHÁI - ANNONCE DU CONSEIL DES MAITRES DE L'ÉCOLE THÔNG BÁO CỦA HĐVSCQ MÔN PHÁI - ANNONCE DU CONSEIL DES MAITRES DE L'ÉCOLE
Võ sư Trần Văn Mỹ - tân Chánh Chưởng quản Hội đồng Võ sư Chưởng quản Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo - Maitre Tran Van My voté le Chef du Conseil des Maitres.Võ sư Trần Văn Mỹ - tân Chánh Chưởng quản Hội đồng Võ sư Chưởng quản Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo - Maitre Tran Van My voté le Chef du Conseil des Maitres.
Liên đoàn Vovinam Cần Thơ tưởng niệm cố võ sư Nguyễn Văn Nhàn - Fédération Vovinam Cần Thơ commémore le Maitre Nguyễn Văn Nhàn.  Liên đoàn Vovinam Cần Thơ tưởng niệm cố võ sư Nguyễn Văn Nhàn - Fédération Vovinam Cần Thơ commémore le Maitre Nguyễn Văn Nhàn.
TRỜI ĐẤT THẦY MẤT THẬT RỒI SAO THẦY - OH DIEU, MAITRE EST VRAIMENT PERDU, MAITRE TRUNG ĐẠO_NGUYỄN VĂN NHÀN !TRỜI ĐẤT THẦY MẤT THẬT RỒI SAO THẦY - OH DIEU, MAITRE EST VRAIMENT PERDU, MAITRE TRUNG ĐẠO_NGUYỄN VĂN NHÀN !
Cáo phó - Phân ưu - Tiểu sử thầy Trung Đạo - Nguyễn Văn Nhàn (13-7-1950 & 25-2-2024).- Annonce du décès - Condoléances - Biographie du Maitre Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn (13-7-1950 & 25-2-2024).Cáo phó - Phân ưu - Tiểu sử thầy Trung Đạo - Nguyễn Văn Nhàn (13-7-1950 & 25-2-2024).- Annonce du décès - Condoléances - Biographie du Maitre Trung Đạo_Nguyễn Văn Nhàn (13-7-1950 & 25-2-2024).
Kỷ niệm 10 năm gắn bó với Vovinam FPT Greenwich Việt Nam (2013 - 2023) - Honorer mon 10ème Anniversaire attachant avec Vovinam FPT Greenwich VietNam (2013 - 2023).Kỷ niệm 10 năm gắn bó với Vovinam FPT Greenwich Việt Nam (2013 - 2023) - Honorer mon 10ème Anniversaire attachant avec Vovinam FPT Greenwich VietNam (2013 - 2023).
Tận tâm tận lực lan tỏa Vovinam - Dédié à la diffusion du Vovinam. Tận tâm tận lực lan tỏa Vovinam - Dédié à la diffusion du Vovinam.
KHAI MẠC GIẢI VÔ ĐỊCH VOVINAM THẾ GIỚI LẦN 7 - 2023 - OUVERTURE DU 7ème CHAMPIONNAT MONDIAL DU VOVINAM EN 2023.KHAI MẠC GIẢI VÔ ĐỊCH VOVINAM THẾ GIỚI LẦN 7 - 2023 - OUVERTURE DU 7ème CHAMPIONNAT MONDIAL DU VOVINAM EN 2023.
GIẢI VÔ ĐỊCH VOVINAM THẾ GIỚI LẦN VII NĂM 2023 - The 7th WVVF World Vovinam Championships 2023.GIẢI VÔ ĐỊCH VOVINAM THẾ GIỚI LẦN VII NĂM 2023 - The 7th WVVF World Vovinam Championships 2023.
TRI ÂN 20-11 "THẦY TÔI & NGHIỆP VÕ" - A la gratitude de la Journée des Enseignants Vietnamiens du 20 Novembre "Notre Maître & Sa carrière d'arts martiaux".TRI ÂN 20-11 "THẦY TÔI & NGHIỆP VÕ" - A la gratitude de la Journée des Enseignants Vietnamiens du 20 Novembre "Notre Maître & Sa carrière d'arts martiaux".
HÀNH TRÌNH 85 NĂM VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO TRỞ THÀNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA - L'ITINÉRAIRE DE 85 ANS DU VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO DEVENU LA PATRIMOINE CULTUREL IMMATÉRIEL NATIONALHÀNH TRÌNH 85 NĂM VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO TRỞ THÀNH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA - L'ITINÉRAIRE DE 85 ANS DU VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO DEVENU LA PATRIMOINE CULTUREL IMMATÉRIEL NATIONAL
Tự hào Vovinam được công nhận Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc Gia - Vovinam est fier d'être reconnu comme Patrimoine Culturel Immatériel National.Tự hào Vovinam được công nhận Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc Gia - Vovinam est fier d'être reconnu comme Patrimoine Culturel Immatériel National.
Vovinam được công nhận Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc Gia - Vovinam est reconnu comme Patrimoine Culturel Immatériel National.Vovinam được công nhận Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc Gia - Vovinam est reconnu comme Patrimoine Culturel Immatériel National.
PHÁT BIỂU CỦA HỘI ĐỒNG VÕ SƯ CHƯỞNG QUẢN NHÂN LỄ KỶ NIỆM 85 NĂM THÀNH LẬP MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO (1938-2023) - Paroles du Conseil des Maîtres lors 85ème Anniversaire de l'École (1938-2023).PHÁT BIỂU CỦA HỘI ĐỒNG VÕ SƯ CHƯỞNG QUẢN NHÂN LỄ KỶ NIỆM 85 NĂM THÀNH LẬP MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO (1938-2023) - Paroles du Conseil des Maîtres lors 85ème Anniversaire de l'École (1938-2023).
 ''CHÚC MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 72 CỦA THẦY SEN - HAPPY 72th BIRTHDAY TO MASTER SEN - JOYEUX 72ème ANNIVERSAIRE À MAITRE SEN !!!''. ''CHÚC MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 72 CỦA THẦY SEN - HAPPY 72th BIRTHDAY TO MASTER SEN - JOYEUX 72ème ANNIVERSAIRE À MAITRE SEN !!!''.
Học võ và dạy võ xưa và nay - Apprendre & Enseigner l'art martial de l'autrefois et de nos jour.Học võ và dạy võ xưa và nay - Apprendre & Enseigner l'art martial de l'autrefois et de nos jour.
Võ và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” - L'art martial & Sa tradition “Respecter son Maître & Respecter sa voie morale”.Võ và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” - L'art martial & Sa tradition “Respecter son Maître & Respecter sa voie morale”.

Thống kê

Số lượt truy cập 1.938.868
Tổng số Thành viên 91
Số người đang xem 71
Ý NGHĨA 10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA VIỆT VÕ ĐẠO SINH (6-10) - THE MEANING OF THE 10 FUNDAMENTAL PRINCIPLES (6-10) - LA SIGNIFICATION DES 10 PRINCIPES FONDAMENTAUX (6-10).

Đăng ngày: 14/08/2022 15:54
Ý NGHĨA 10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA VIỆT VÕ ĐẠO SINH (6-10) - THE MEANING OF THE 10 FUNDAMENTAL PRINCIPLES (6-10) - LA SIGNIFICATION DES 10 PRINCIPES FONDAMENTAUX (6-10).
    "Một cá nhân chẳng là gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực của những tài năng chung quanh, cho dù trong số đó không có ai phi thường nhưng nếu cùng chung sức chung lòng theo đuổi một mục đích thì sẽ thành công..."-"Nếu phô trương mà không làm thì không được việc, nhưng nếu làm mà không có phô trương để gây thanh thế thì không có thế mà làm"-"Phải sống hòa đồng với mọi người, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác, vì người dở nhất cũng có điểm hay, người hay nhất vẫn có điểm sai, trăm điều ghi cũng có một điều sót..." - "Vovinam luôn trung thành với mục tiêu của mình là phục vụ xã hội, đào tạo những con người tốt về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi con người đã có ý thức luôn tự hoàn thiện tất yếu sẽ tránh được những thói hư tật xấu, những sa ngã trong cuộc sống. Xã hội có nhiều con người tốt cũng sẽ tốt, cũng như khi có nhiều điểm sáng thì bóng tối sẽ tự tiêu tan. Bước vào thế kỷ 21, với mong muốn góp phần xây dựng một nền võ đạo chung cho nhân loại, Vovinam sẽ tiến từ Việt Võ Đạo tới Nhân Võ Đạo. Đây là một lý tưởng hoàn toàn mang tinh thần phục vụ, cống hiến cho nhân loại, một nhân tố hòa hợp, gắn bó bằng tâm thức yêu thương, hào hiệp chứ không phải sự chinh phục, áp đặt, đồng hóa. Chân giá trị của "Võ đạo" là tính chất nhân bản: do con người, vì con người, phát triển và phục vụ con người... Vovinam như một biển lớn thu nạp được tất cả mọi mạch nguồn từ các nơi đổ về, bất kể phẩm chất và số lượng của mạch nguồn đó ra sao, sau đó chuyển hóa thành nước biển trong sạch. Trích "Hồi ký Chưởng Môn Lê Sáng".


***********

Ý NGHĨA 10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA VIỆT VÕ ĐẠO SINH (CÂU 6 - 10)

* Đây là 10 điều tâm niệm của Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, đã được Chưởng Môn Lê Sáng giảng dạy trong phần lý thuyết thi lên các cấp.

VI. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 6:

- Việt Võ Ðạo sinh chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh.

* Điều tâm niệm số 6 nói về: “Ý hướng học tập và đời sống tinh thần của người Việt Võ Đạo sinh”.

Khi đã có ý thức dụng võ đứng đắn, Việt Võ Ðạo Sinh bắt đầu đi vào chủ trương "Cách Mạng Tâm Thân". Muốn cách mạng tâm thân, phải rèn luyện tâm thân. Muốn rèn luyện tâm thân, phải có ý hướng học tập và trau dồi đời sống tinh thần. Có thế, chúng ta mới có huy vọng vào được bên trong tòa nhà võ đạo, chớ không chỉ quanh quẩn bên ngoài ngưỡng cửa võ thuật.

* Ý hướng học tập của Việt Võ Ðạo Sinh có thể tóm gọn trong 2 chữ: Chuyên cần.

• Chuyên: Tập trung tâm trí vào một việc, một sự nghiệp.

• Cần: Lo và làm hết sức mình, không quản khó nhọc.

Chỉ giản dị có 2 chữ "Chuyên cần", mà theo được đúng, thật khó biết bao !

* Ý hướng học tập của Việt Võ Ðạo Sinh có 5 điểm căn bản:

1. Học cho rộng: Học ở đây thuộc phạm vi võ đạo và võ thuật, cả lý thuyết và thực hành, từ những thế, đòn, miếng tới ý thức hệ Việt Võ Ðạo, từ ý thức hệ Việt Võ Ðạo tới các ý thức võ đạo và võ thuật của các môn võ khác trên thế giới. Chỉ giản dị có bấy nhiêu thôi, cũng đòi hỏi ở chúng ta biết bao nhiêu công phu học hỏi, nghiên cứu, thực tập.

2. Hỏi cho kỷ: Mỗi người đều có óc thiên bẩm, có mức thông minh khác nhau, có chí hướng và nghị lực hơn kém nhau. Nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm: học đều gì chưa biết rõ, thì phải hỏi. Hỏi ở thầy, ở bạn trong cuộc sống. Hỏi một lần chưa hiểu được thấu đáo, sẽ hỏi nữa, hỏi cho kỷ lưỡng, không bỏ cuộc nữa chừng, không tự ái chán nản.

3. Nghĩ cẩn thận: Khi đã hiểu rồi, còn phải suy nghĩ thêm về những điều mình đã học. Suy nghĩ càng thêm cẩn và thận trọng, lúc thi hành càng ít lỗi lầm. Thói quen suy nghĩ sẽ làm ta hiểu nhanh, biết rộng, luôn luôn tìm thêm được những ý nghĩ mới, ý kiến mới, ý niệm mới. Thiên kiêu sáng tạo, phát minh, chính một phần lớn là kết tinh của những công trình suy nghĩ. Môn phái Vovinam sở dĩ hình thành được, mở đầu là công trình suy nghĩ của Cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc. Trong lịch sử, những danh nhân làm nên sự nghiệp lớn là những người có thói quen suy nghĩ, chuyên cần suy nghĩ. Người có thói quen suy nghĩ cẩn thận, kỷ lưỡng, là người không bao giờ mắc phải những lỗi lầm quan trọng do sự vội vàng, cẩu thả tạo nên.

4. Luận cho sáng: Không một sự việc nào trong đời sống không bắt chúng ta phải suy luận. Những luận cứ, nếu càng sáng rõ bao nhiêu, càng dễ tới thành công bấy nhiêu. Muốn luận cho sáng, chúng ta phải hàm dưỡng đầy đủ những công phu quan sát, phân tích, tổng hợp, biện luận, phản luận và kết luận mau lẹ bao nhiêu, trí tuệ chúng ta càng thăng hoa bấy nhiêu, và càng gần với đích thành công bấy nhiêu.

5. Làm hết sức mình: Làm, trong việc học võ là thực tập võ thuật. Làm, trong đời sống là luyện cho chúng ta một thói quen ham hoạt động, ưa chuộng thực tế, không ảo tưởng. Không một ai thành công lớn hay lâu dài trong cuộc sống nếu những người đó chỉ làm hết một nửa sức mình. Muốn làm hết sức mình, phải luôn luôn tự đào luyện cho mình một kỷ luật tinh thần vững chắc, một ý thức về công việc đầy đủ. Lại luôn luôn vừa làm, vừa học, để mỗi ngày có thêm kinh nghiệm quý giá hơn, gặt hái được nhiều thành quả hơn.

Kế đó, đến phần rèn luyện tinh thần.

* Phương pháp rèn luyện tinh thần của Việt Võ Ðạo Sinh có thể thâu gọn vào việc phát triển và rèn luyện những đức tính:

- Ðức tính sống khỏe: Khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn vật chất, để trí óc được luôn luôn thăng bằng. Trí óc thăng bằng là đầu mối của mọi đức tính.

- Ðức tính đức độ: Luôn luôn bao dung, điều hoà khắc chế mình và tha thân (người) để cùng tiến bộ.

- Ðức tính cương trực: Tức đức tính cương quyết và thẳng thắn, một đức tính tối cần cho nhà võ.

- Ðức tính trầm tĩnh: Chìm lắng và bình tĩnh, để tránh những trường hợp xốc nổi, nóng nảy, vội vàng, dễ dàng đưa tới thất bại.

- Ðức tính tháo vát: Rèn luyện thói quen có thể ứng biến với mọi hoàn cảnh, trong mọi trường hợp.

Sau hết, và cũng quan trọng hơn hết, Việt Võ Ðạo Sinh phải trau dồi đạo hạnh.

* Thế nào là "Đạo hạnh"?

Ðạo hạnh chính là 2 tiếng gọi tắt của 5 tiếng "phẩm hạnh Việt Võ Ðạo".

Phẩm hạnh Việt Võ Ðạo vô cùng cần thiết cho sự rèn luyện tâm thân của Việt Võ Ðạo Sinh trong cả đời công cũng như trong đời tư, vừa phù hợp với đạo và võ thuật, vừa thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Chúng ta đều biết giá trị của cuộc sống có 3 thành tố: Âm tố, Dương tố và Ðạo thể.

Âm tố, tượng trưng cho sự mềm, sự tĩnh, sự tối. Dương tố tượng trưng cho sự cứng, sự động, sự sáng. Vòng đạo thể bao người, với những phẩm danh: - Phối hợp - Khắc chế - Ðiều hoà - Bao dung.

Phối hợp, khắc chế, điều hòa, bao dung, những tính mềm (nhu), cứng (cương), tĩnh, động, tối, sáng của tạo vật, chính là những phẩm tính của đạo, của võ đạo, của Việt Võ Ðạo. Ðó là những phẩm hạnh căn bản mà một Việt Võ Ðạo Sinh phải luôn luôn trau dồi, để làm tròn sứ vụ võ đạo của mình. Và, đó cũng là những phẩm hạnh căn bản, đầu mối của mọi đức tính.

Tóm lại, tất cả giải đáp trên được đúc kết lại thành điều tâm niệm thứ 6:

- Việt Võ Ðạo Sinh chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh.

VII. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 7:

- Việt Võ Đạo Sinh sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.

- Ý nghĩa: Nói về tâm nguyện sống của Việt Võ Đạo Sinh. Ðó là sống trong sạch, giản dị trung thực và cao thượng.

* Tâm Nguyện Sống Của Việt Võ Ðạo Sinh:

Khi rèn luyện tinh thần là Việt Võ Ðạo Sinh đã tự tạo cho mình tâm nguyện sống được thể hiện qua 4 đức tính:

- Trong sạch - Giản dị - Trung thực - Cao thượng.

Bốn đức tính trên, không những chỉ phù hợp với Việt Võ Ðạo Sinh, mà rất có thể phù hợp với các tôn giáo và các tổ chức dân sự cũng như quân sự. Tuy nhiên, Việt Võ Ðạo Sinh là những người dũng mãnh, thực tế, nên việc làm thể hiện những đức tính đó có tính cách tích cực, ngang nhiên và linh hoạt. Trong khi các tu sĩ thì thể hiện những đức tính trên theo tinh thần ngược lại, chìm lặng vào nội tâm.

1. Quan niệm về đức trong sạch của Việt Võ Đạo Sinh:

Sống trong sạch của Viêt Võ Đạo Sinh là giử gìn bản thân mình cho trong sạch, không làm những gì trái với lương tâm, đạo đức của con người như: không gian tham, không trộm cắp, không nói nối, không hại những người khác, không cướp của, giết người… Nói chung là không làm những việc xấu xa tội lỗi…

Trong sạch nhưng không tiêu cực, bưng tai bịt mắt trước mọi xấu xa tội lỗi của xã hội, mà trái lại phải lắng nghe, nhìn thẳng vào sự thật của đời sống để tìm hiểu, giải quyết và cải tạo nó theo hướng tốt đẹp.

Với các tu sĩ, thì trong sạch có nghĩa là: mắt không nhìn những gì ô uế, tai không nghe những gì tà mị, không nghĩ những điều vẫn dục, để ngăn chặn những hành động xấu xa ngay từ gốc rễ. Việt Võ Ðạo Sinh không thế. Vì sống trong lòng xã hội phải hoà hợp với mọi người, mọi giới, chúng ta không thể bưng tai bịt mắt trước những tội lỗi, xấu xa của xã hội, mà trái lại, phải lắng tai, phải nhìn thẳng vào mọi sự việc để giải quyết và cải thiện nó. Miễn là chúng ta không bao giờ để cho những tội lỗi, xấu xa đó làm xao xuyến, vẩn đục tâm hồn mà phát động ra những lỗi lầm, tội lỗi.

2. Nếp sống giản dị của Việt Võ Đạo Sinh:

Sống giản dị là không đua đòi, sống phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của bản thân và xã hội. Có điều kiện thì hưởng những tiện nghi tốt đẹp, không có điều kiện thì không đòi hỏi, hạch sách gây phiền toái khó chịu cho mọi người.

- Thí dụ như ta sanh ra trong gia đình nghèo, thì chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật của hoàn cảnh gia đình, chúng ta đừng đua đòi theo chúng bạn, Bạn có gì chúng ta phải có được cái đó, mà khả năng gia đình chúng ta không đủ cung cấp, mà chúng ta đòi hỏi quá đáng sẽ làm phiền lòng cha mẹ. Có những trường hợp cha mẹ vì quá nuông chiều thương con mà đi làm cực khổ cho con được sung sướng, hoặc làm những chuyện phi pháp để rồi hối hận cũng đã muộn màng.

- Với các tu sĩ thì giản dị có nghĩa là: ăn, ở, trang phục đều đơn sơ, đạm bạc. Mặc dầu khi có đủ điều kiện để hưởng ứng những tiện nghi, hoa mỹ, cũng không dùng tới. Trái lại, giản dị đối với Việt Võ Ðạo Sinh là những người bình thường, nên cũng có những nhu cầu thông thường và muốn được thỏa mãn, song không hạch sách, đòi hỏi, gây phiền toái, khó chịu mọi người. Ðức tính giản dị làm cho Việt Võ Ðạo Sinh luôn luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh và dễ dàng được thiện cảm của mọi người.

Chúng ta cũng phải cần phân biệt giản dị khác với lập dị. Một người có nhà cao cửa rộng, chăn ấm, nệm êm, nhưng vì muốn được khen là giản dị, lại vác chiếu xuống nằm ở một hóc bếp thì đó chỉ là lập dị. Cũng như một thiếu niên, nhờ sinh trong một gia đình khá giả, cha mẹ may mặc cho những hàng đắt tiền, quý giá lại bỏ đó đòi may những hàng vải xấu thô kệch thì cũng chỉ là lập dị. Hoàn cảnh cho phép thì ta cứ dùng, chỉ khi nào hoàn cảnh không có mà cầu kỳ, đòi hỏi này kia nọ khác thì mới là thiếu giản dị.

3. Quan niệm trung thực của Việt Võ Đạo Sinh:

Việt Võ Đạo Sinh sống thủy chung, thành thật với mọi người, nhưng Việt Võ Đạo sinh cũng cần phải tìm hiểu sự gian trá của người để tránh khỏi bị người lường gạt để tự thắng mình (không nhiểm gian trá, phương hại đến đạo hạnh). Trong trường hợp cần thiết, Việt Võ Đạo Sinh phải chứng tỏ cho đối phương của mình biết rằng, thủ đoạn gian trá không thể thành công.

Trung thực với môn phái, với người trên, và với cả mọi nguời nữa. Nhưng trung thực không có nghĩa là không biết tới sự gian trá, nhưng tự thắng mình để không bị nhiễm tính gian trá, đó mới là phẩm cách xứng đáng của Việt Võ Ðạo Sinh. Ðối với người ngoài, trung thực cũng không có nghĩa là ngây thơ, đần độn, để hứng chịu tất cả mọi âm mưu lừa đảo và khuynh đảo. Trong những trường hợp cần thiết, người trung thực phải chứng tỏ cho kẻ gian trá hiểu rằng lối sống và những thủ đoạn gian trá của họ không thể thành công. Ðó là đức tính trung thực của Việt Võ Ðạo Sinh.

4. Thế nào là cao thượng ? Thái độ bất chợt nhường nhịn tha thứ cho người, có phải là cao thượng không ?

Cao thượng là vượt hẳn lên trên những cái tầm thường, nhỏ nhen về phẩm chất tinh thần, là công phu hàm dưỡng lâu dài. Thái độ bất chợt nhường nhịn tha thứ cho người chỉ là tính khí bốc đồng, không định hướng chứ không phải là cao thượng.

Cao thượng không phải là một đức tính thường lệ, chiếu lệ, mà cao thượng là một đức tính ứng dụng trong những truờng hợp đặc biệt.

Ví dụ: Khi giao đấu, ai cũng biết rõ anh A là người có bản lãnh võ thuật hơn anh B. Nhưng anh A không chịu ra đòn, và cứ nhường nhịn mãi, tới lúc bị anh B đánh ngã. Trong thâm tâm anh A muốn chứng tỏ mình là một cao thượng, nên đã áp dụng đức tính này trong một trường hợp thông thường. Tất nhiên, mọi người xung quanh chẳng những có thể cho rằng anh A kém tài, mà còn có thể ngộ nhận rằng anh ta là người gàn dở, thiếu tinh thần thể thao.

Ngược lại nếu anh A là người có tư thù với anh B, nhưng tới lúc có thể trả thù được, anh A không làm, vì anh B đã thành thực hối lỗi. Ðây là một trường hợp đặc biệt, nên ai cũng thấy rõ rằng anh A là người cao thượng.

Tuy nhiên, việc rèn luyện đức tính cao thượng đã khó, mà việc hành xử sao cho đứng đắn, càng khó hơn. Ðức tính cao thượng không phải là thái độ bất chợt, một nghĩa cử xuông, mà là một công phu hàm dưỡng từng ngày.

Tóm lại, 4 đức tính đã được tóm tắt trong điều tâm niệm thứ 7 của Việt Võ Ðạo Sinh: Sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.

VIII. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 8:

- Việt Võ Đạo Sinh kiện toàn ý chí đanh thép, thắng phục cường quyền và bạo lực (trước 2009).

- Việt Võ Đạo Sinh kiện toàn ý chí đanh thép, nổ lực tự thân cầu tiến (sau 2009).

* Ý nghĩa: rèn luyện cho bản thân một ý chí đanh thép, bằng cách luôn luôn đương đầu với mọi gian nguy, thử thách và thắng phục cường quyền, bạo lực.

1. Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt Võ Đạo sinh phải làm như thế nào ?

Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt Võ Đạo sinh phải: Nghiên cứu kỹ lưỡng công việc trước khi nhận lời hay quyết định làm một công việc gì. Phải nhìn thấy được khả năng của mình, và đoán biết được kết quả của sự việc mình muốn làm, số lượng thành công là bao nhiêu phần trăm ? Khi đã bắt tay vào việc làm rồi, phải lập kế hoạch và trù liệu những việc thuận lợi hay bất lợi sẽ xảy ra... phải có những dự trù để điền khuyết vào những thiếu sót…

Khi đã bắt tay vào việc làm thì phải tin tưởng vào chính ta, chính khả năng của mình, hãy luôn giữ vững mục đích, đừng bao giờ lung lay trước những dèm pha hay đả phá của những kẻ đối nghịch với mục đích phá hoại... đã bắt tay vào làm việc là phải làm hết sức mình, làm một cách hăng say, nhiệt tình và cương quyết để đạt đến thành công. Muốn như vậy thì người việt Võ Đạo sinh phải kiện toàn cho mình một ý chí vững mạnh và đanh thép.

2. Ý Chí Của Việt Võ Ðạo Sinh:

Khi đã có tâm nguyện sống, Việt Võ Ðạo Sinh còn phải rèn luyện ý chí, Người xưa thường phân ý chí ra là 3 loại, với lối diễn tả gợi hình:

a. Loại ý chí lau sậy: Tức là loại ý chí dễ ngả nghiêng, hay thay đổi, gió chiều nào ngã theo chiều ấy, dễ bẻ, dễ gãy, không có chủ định gì cả. Người có ý chí nầy thường hay bị lung lay, không bao giờ nhất định vào một việc gì cả, cứ thích nghe theo hoặc chay theo người khác. Người có ý chí này thường là người không quyết tâm và không bao giờ trung thành, thường hay thay đổi và thấy ai mạnh thì chạy theo.

Người Việt Võ Đạo Sinh không nên trui rèn ý chí này và cũng không nên sử dụng những người có ý chí này, vì khi chúng ta gặp nguy nan hoặc nghèo khổ, nhưng người này sẽ bỏ chúng ta một cách không thương tiếc để chạy theo những người khác mạnh hơn, hoặc giàu có hơn ta…

b. Loại ý chí gỗ mục, củi cùng: Khá hơn một chút, vì có đôi chút công dụng trước khi bị mục hẳn hay cùn hẳn. Nhưng khi đã mục hẳn, cùn hẳn rồi thì lúc đó còn là những vật đáng bỏ và chờ đợi sự mai một. Người có ý chí này chỉ làm việc ngắn hạn không tồn tại lâu dài, có khi làm việc theo ý thích , tùy hứng, vui chơi… không bền bỉ.

Người có ý chì này cũng rất khó đạt thành công, vì không có độ bền,một chút nguy nan đã chùng bước, không theo đuổi đến mục đích cuối cùng và thường hay bỏ cuộc giữa chừng, nếu hợp tác làm việc với những người có loại ý chí này rất dễ đem lại thất bại…

c. Loại ý chí đanh thép: Tức loại ý chí vững vàng nhất. Thép là vật liệu phổ thông, nên ai nấy đều hiểu rõ công dụng của nó là vững vàng, chắc chắn. Ý chí của những người đại trượng phu, những bậc anh hùng: để lâu ngày có thể bị rỉ sét, nhưng không thể bẻ gẫy được. Đây là ý chí vững chắc không có gì lay chuyển nổi ý định của người này, khi họ quyết tâm làm thì phải làm cho bằng được và phải đạt đến thành công, dù trước mặt là bao gian lao hiểm trở có khi phải hy sinh đến tính mạng, nhưng họ cũng cố vượt qua bằng mọi cách không bao giờ sờn chí trước nguy nan.

Là Việt Võ Ðạo Sinh, tất nhiên chúng ta phải tự rèn dũa, tôi luyện lấy một ý chí đanh thép. Hơn thế nữa, chúng ta phải kiện toàn ý chí đanh thép ấy, để ý chí chúng ta luôn luôn ngời sáng không bị rỉ sét.

Nếu chúng ta đã quyết tâm làm, thì trở ngại nào cũng phải hoàn thành và khó khăn nào cũng phãi vượt qua, không bao giờ sờn chí trước những nguy nan, là người Việt võ Đạo Sinh chúng ta không bao giờ sợ những cường quyền và bạo lực, phải tin tưởng tuyệt đối là “Chính nghĩa” sẽ thắng và gian tà sẽ bị tiêu diệt, nếu phải hy sinh mạng sống, ta cũng sẽ luôn luôn sẳn sàng hy sinh vì chính nghĩa để lưu danh muôn đời.

Trong thực tế, muốn kiện toàn ý chí đanh thép, Việt Võ Ðạo Sinh phải:

Trước khi quyết định, cần thâu lượm, cân nhắc kỹ càng các sự kiện và dữ kiện.

Khi bắt tay vào việc rồi, thì không đắn đo nữa, phải thực hiện kỳ được, với tất cả sở năng, mau lẹ và kiên quyết.

Ðã có ý chí là phải hành động. Hành động là đá thử vàng, để tìm hiểu xem ý chí đó có thật là đanh thép không. Trong đời sống, chúng ta đã gặp biết bao nhiêu người thích nói mạnh, khoe giỏi, nhưng vừa chạm phải những khó khăn của thực tế liền lùi bước lẫn tránh ngay. Ðó là trường hợp của những anh hùng rơm, ngọn lửa ấy chỉ bốc cháy rất mau, thật lớn, nhưng đã sớm tàn lụi ngay.

Do đó, ý chí đanh thép còn cần phải băng qua một cuộc thí nghiệm nữa, mới có thể chứng tỏ nghị lực và hành động của người có nó. Ý chí đanh thép phải đụng chạm với những khó khăn trở ngại của thực tế mới chứng tỏ được sự rắn chắc và bền bỉ. Còn khó khăn, trở ngại nào đáng giá cho bằng những khó khăn, trở ngại khi phải đương đầu với cường quyền, bạo lực?

Như Hưng Ðạo Ðại Vương đứng trước thế ào ạt, dũng mãnh của cường địch, thấy quân mình ít, thế yếu, mà vội đầu hàng thì làm sao mấy lần đại thắng quân Mông Cổ, hầu biểu dương ý chí đanh thép, cương quyết.

Nếu Trần Bình Trọng chịu khuất phục, đầu hàng ngay sau khi bị bắt, và chỉ nói câu "Ninh vi Nam quỷ, vô vi Bắc Vương" (thà làm quỷ nước Nam, không làm vương đất Bắc) ở hậu tuyến, thì ông còn làm gì được kể là người có ý chí đanh thép.

Nếu Nguyễn Cao, Phó Nguyên súy nghĩa quân Cần Vương Bãi Sậy mà đầu hàng Thống Sứ Bihourd để ra làm quan với Pháp, thì ông đâu còn là người có ý chí kháng Pháp đanh thép.

Cường quyền, bạo lực là những thử thách lớn nhất và hữu hiệu nhất của ý chí đanh thép. Cho nên có ý chí đanh thép thôi, chưa đủ, còn cần phải kiện toàn nó, và để nó không bao giờ bị khuất phục trước cường quyền, bạo lực.

IX. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 9:

- Việt Võ Đạo sinh Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.

* Ý nghĩa của điều tâm niệm số 9:

- Nói về nếp suy cảm, nghị lực và tính thực thế của Việt Võ Ðạo Sinh, đó là phải sáng suốt khi nhận định, bền gan khi tranh đấu và tháo vát khi hành động.

A. Nếp suy cảm, nghị lực, và tính thực tế của Việt Võ Ðạo Sinh

* Ðiều tâm niệm thứ 9 bao gồm 3 mục tiêu: - Nếp suy cảm - Nghị lực - Tính thực tế.

1. Ý thức hệ Việt Võ Ðạo công nhận mọi sự việc trên đời đều có 2 mặt tương phản, và 2 giá trị đối lập đó luôn luôn ở tình trạng thôi thúc nhau để sinh hóa, nhưng đồng thời cũng thừa nhận một thực thể thứ 3 giữ vai trò phối hợp, khắc chế, điều hoà, bao dung cả 2 phản tố để tồn tại.

Với ý thức hệ đó, Việt Võ Ðạo Sinh không có thành kiến qui định vĩnh viễn những gì là hoàn toàn tốt, những gì là hoàn toàn xấu, và luôn luôn đứng trên cương vị bao dung, hoán cải. Một sự việc xét theo khía cạnh này có thể là khiếm khuyết, song luận theo khía cạnh kia lại là ưu điểm.

Vì vậy, Việt Võ Ðạo Sinh cần sáng suốt nhận định để phân biệt và giải tỏa được mọi khúc mắc, để biết rõ bề mặt và bề trái của sự việc, hầu xử sự cho hợp thời, đúng lúc. Có kẻ bề ngoài coi thật ôn hòa, khả ái nhưng bên trong lại đầy thủ đoạn, biếm nhẽ. Có người bên ngoài thật ngang ngược, thô bạo nhưng bên trong lại vô cùng thuần hậu, hiền lương.

Hơn nữa, "gần mực thì đen gần đèn thì rạng", Việt Ðạo Sinh phải sáng suốt nhận định để lánh xấu, gần tốt, phân biệt được người thực, kẻ giả, người hiền, kẻ ác. Lầm thù thành bạn đã là một lầm lỗi đáng kể, thiệt hại tới bản thân, nhưng lầm bạn ra thù thật là một lỗi lầm quan trọng, mang hận suốt đời không bao tha thứ được. Vì ở đời người dễ đâu mỗi lúc kiếm được người tri kỷ.

2. Câu chuyện Câu Tiễn nước Việt muốn phục thù Ngô, đã chịu bao thảm nhục: chăn ngựa, nếm phân, rồi nằm gai nếm mật, luyện quân, cải cách nội trị trong suốt mấy chục năm đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Và Bình Ðịnh Vương Lê Lợi, trong 10 năm kháng Minh, biết bao nhiêu lần gặp thảm cảnh quân sĩ tan nát, phải trốn chạy thảm nhục. Nhưng Bình Ðịnh Vương cũng như vua Việt Câu Tiễn, không một chút nản lòng. Phần nhiều những người có nghiệp lớn, đều có nghị lực, bền vững, sâu xa và chí khí lớn rộng như vậy. Thất bại không hề ngã lòng. Sức mạnh không thể khuất phục. Họ lần lược giải quyết những khó khăn, bằng cách bền bỉ và dẻo dai, đương đầu với những khó khăn. Họ là những người có nghị lực sung mãn. Chúng ta gọi họ là những người bền gan tranh đấu, cũng như quần chúng thường gọi là những người to gan, lớn mật.

* Việt Võ Ðạo Sinh chúng ta phải kế tục những ảnh hưởng đó: "bền gan tranh đấu".

Có bao nhiêu trường hợp "tranh đấu", đòi hỏi chúng ta phải "bền gan" !

Mạnh Tử đưa ra ba trường hợp tranh đấu lớn trong đời sống. Ba trường hợp điển hình cho sự tranh đấu, mà nếu viên mãn được, đó là mẫu người đại trượng phu, lý tưởng…

- Trường hợp trước uy vũ: Uy quyền và bạo lực, không thể làm khuất phục được (uy vũ bất năng khuất).

- Trường hợp trước sự nghèo đói: Trước sự nghèo đói của bản thân, chí khí vẫn không dời đổi, không ai có thể mua chuộc được (bần tiện bất năng di).

- Trường hợp trước sự giàu sang: Giàu sang dễ làm hỏng con người, bị chìm ngợp trong những phương tiện hưởng lạc dồi dào, cũng là một trường hợp thử thách lớn. Khi giàu sang, vẫn không kiêu sa dâm dật, tự chế phục mình mà không dời bỏ chí khí (phú quý bất năng dâm).

Ba trường hợp thử thách trên, cũng chính là ba trường hợp mà chúng ta thường gặp, thường nghe, thường thấy. Việt Võ Ðạo Sinh xử sự rất hợp với mẫu người đại trượng phu.

Kết hợp với đoạn trên, chúng ta có 2 phần đầu của điều tâm niệm thứ 9: "Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu".

3. Việt Võ Ðạo Sinh phải thực tế trong hành động.

* Có 3 loại hành động:

- Loại hành động "tếu": Phát sinh từ một thái độ lạc quan quá trớn, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn một màu hồng, việc gì cũng dễ dàng, thành công tựa như một đồ vật để trong túi áo, muốn lấy ra lúc nào thì lấy. Người hành động tếu là người không bao giờ giốc hết tâm trí và khả năng vào một việc gì, và cốt làm chiếu lệ với một thái độ tếu. Lúc gặp khó khăn trở ngại lớn, cách giải quyết hay hơn hết là bỏ chạy, rồi đổ vây lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, và coi như việc đó đã giải quyết xong.

- Loại hành động "dựa dẫm": Khác với hành động trên phát sinh từ một thái độ lạc quan quá trớn, những người có thái độ hành động dựa dẫm, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn những khó khăn, trở ngại, không thể vượt nổi. Quan niệm ấy phát sinh từ thái độ bi quan quá lố mà ra. Do đó, nảy sinh óc thụ động, làm việc với thái độ ỷ lại, dựa dẫm, máy móc, chiếu lệ. Lúc gặp khó khăn, trở ngại lớn, chưa đối đã nghĩ tới thất bại, có tâm lý chủ bại, thụ động trước hoàn cảnh, rồi đổ vấy cho số mạng, định mạng. Ngược lại, lúc gặp hoàn cảnh thuận tiện, cũng không dám đích thân bắt lấy cơ hội, tự lực giải quyết. Hành động dựa dẫm hoàn toàn có tính cách cầu an, thụ động.

Tất nhiên cả 2 loại hành động này không hợp với tinh thần Việt Võ Ðạo, chúng ta gạt bỏ.

- Loại hành động "tháo vát": Không hành động tếu, không hành động dựa dẫm, tất nhiêm chỉ còn một con đường hành động thứ 3 nữa, phù hợp với tinh thần Việt Võ Ðạo Sinh là hành động tháo vát. Hành động tháo vát là loại hành động chủ động, thông minh, nhiều sáng kiến, thích ứng một cách hợp tình, đại lý với mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Người có hành động tháo vát luôn luôn yêu người, kết hợp với người nhưng không dựa dẫm vào người. Là người luôn luôn ứng phó mau lẹ với mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh, nhưng không vướng phải những lầm lỗi qua trọng như hãnh tiến, bừa bãi, kiêu binh, khinh địch.

B. Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu và tháo vát hành động.

1. Tại sao cần phải sáng suốt nhận định ?

Việt Võ Đạo Sinh cần sáng suốt nhận định để phân biệt phải trái, đúng sai, tình lý, bề mặt, bề trái, các khúc mắc của sự việc, ngõ hầu sử sự cho hợp thời, đúng lúc, tránh được hậu quả tai hại.

Khi chúng ta nghe báo cáo về một sự việc gì, chúng ta cần phải kiểm chứng lại sự việc đó có đúng không? Phải có bằng chứng cụ thể mới nhận định và phán quyết, đôi khi vẫn có những sai lầm, vì có nhiều người cứ nghe tin đồn, rồi truyền miệng nhau nghe, nhiều người nói sẽ dễ bị lung lay xiu lòng, tưởng đó là thật, nhưng thật ra không phải vậy ! Thí dụ câu chuyện bên Trung Quôc: có người trùng tên giết người, người mẹ nghe tin đồn con mình giết người chẳng hạn, lúc đầu không tin con mình làm chuyện đó, nhưng nghe báo cáo nhiều lần qua nhiều người.., người mẹ cũng đâm ra nghi ngờ và tưởng thật, bỏ công việc để chạy đi xem con mình ra sao ?

Như tình trạng môn phái hiện tại:  Thực hư, hư thực rất khó xác định, cho nên chúng ta cần phải kiểm chứng tất cả những nguồn tin và sự việc, để khỏi bị sai lầm trong những phán xét.

2. Bền gan tranh đấu:

Bền gan tranh đấu là tạo cho mình một ý chí vững bền và luyện cho bản thân có một nghị lực sung mãn, khi gặp thất bại không nản lòng, gặp cường quyền và bạo lực không chịu khuất phục, khi gặp trở ngại phải tìm phương cách giải quyết các khó khăn một cách bền bỉ, dẻo dai. Có kiên trì trong cộng việc, theo đuổi lâu dài thì ta mới có cợ hội đạt đến thành công.

Mạnh tử đã đưa ra ba trường hợp tranh đấu lớn trong đời sống:

- “Uy Vũ bất năng khuất - Bần tiện bất năng di - Phú qúy bất năng dâm”.

Trên con đường phát triển Việt Võ Đạo không có trơn tru như ta tưởng, mà trước mặt chúng ta nhiều hố hầm chông gai và cạm bẫy, một chút sơ xẩy là ta sẽ bị rớt xuống vực sâu. Cho nên, chúng ta phải tạo cho mình một ý chí kiên cường, vững định, đừng nản chí trước những thất bại đổ vỡ, đừng bỏ cuộc giữa chừng mà hãy lấy thất bại đó làm kinh nghiệm để bước tiến lên, có kiên gan, có trì chí thì mới có thành công và san bằng được thất bại. Nếu một chút thất bại mà sinh nản lòng, chùng bước, thì suốt cuộc đời chúng ta không thể đạt đến thành công.

3. Tháo vát hành động:

Hành động tháo vát là hành động chủ động, thông minh, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh, hợp tình, hợp lý với mọi trường hợp. Người tháo vát hành động là yêu người, thương người, hợp tác với người không ỷ lại, dựa dẩm vào người, luôn luôn ứng phó với nghịch cảnh, nhưng không gian trá, kêu căng, khinh địch, lạc quan hoặc bi quan quá trớn.

Khi đã nhận làm một việc gì thì chúng ta phải đặt kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.., suy xét đường đi đích tới cẩn thận, phải nghĩ đến những kết quả, dự trù những thất bại hoặc là bị hư hại để kịp thời cứu chữa…

Tóm lại 3 mục tiêu trên được đúc kết thành điều tâm niệm thứ 9 :

- Việt Võ Ðạo Sinh sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.

X. Ý NGHĨA ĐIỀU TÂM NIỆM SỐ 10:

- VIỆT VÕ ÐẠO SINH: Tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.

A. Ý nghĩa điều tâm niệm thứ mười ?

Ðiều thứ mười nói về đức sống và tinh thần cầu tiến của Việt Võ Đạo Sinh. Ðối với bản thân, Việt Võ Đạo Sinh phải tự tin, tự thắng, luôn luôn tự kiểm để tiến bộ. Ðối với người, phải khiêm cung và độ lượng.

B. Ðức sống và tinh thần cầu tiến của Việt Võ Ðạo Sinh.

Sau những giải đáp về nếp suy cảm, nghị lực và hành động, Việt Võ Ðạo Sinh phải tự kiện toàn bằng 4 đức tính: Tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng.

1. Tự tin:

Tin ở năng lực, phẩm chất đạo đức và ý chí của bản thân, biết phát huy cái tốt đẹp của bản thân để tiến bộ.

Tin ở mình. Tuy nhiên, khi nói tin ở mình, cũng không có nghĩa là tin ở những"tính xấu" của mình, vì những tính xấu không có gì đáng đặt vấn đề tự tin hay không tự tin.

Phải tin ở mình, tức phải tin những gì tốt đẹp nhất mà mình có, như ý chí, đạo đức, danh dự, niềm tin, khả năng võ thuật.

Vào thực tế, tại sao đức tính đầu tiên của Việt Võ Ðạo Sinh phải là đức tính tự tin ? Chính vì phân biệt giữa người trưởng thành và người chưa trưởng thành, phân biệt giữa người có tư cách, có khả năng thực sự với kẻ thô lậu, huyênh hoang là đức tính tự tin.

Mình có tin ở mình, thì người mới tin được mình. Không có đức tính tự tin, không thể thành công.

• Thí dụ ta muốn làm một điều gì, thì ta phải tin vào khả năng của ta sẽ làm được và cố gắng tiến hành, đừng vì lời dèm pha hay chê bai của người khác mà bỏ cuộc.

Tự tin theo nghĩa rộng, còn có một ý nghĩa tích cực nữa, là phát huy phần tốt đẹp trong con người của mình, để mỗi lúc một thăng hoa hơn, làm việc có hiệu quả hơn.

2. Tự thắng:

Thắng mình. Tất nhiên, không phải là thắng những gì tốt đẹp của mình: mà là thắng những thói hư tật xấu, những vị kỷ, yếu đuối trong con người của mình.

Thói hư, tật xấu trong con người chúng ta có rất nhiều, tùy thuộc ở tham vọng, dục vọng của mọi người. Những thói hư tật xấu ấy, nhiều đến nỗi tiền nhân chúng ta phải lập luận: "Sống mỗi người một nết, chết một người một tật".

Tuy nhiên, về mặt tích cực, không ai trong chúng ta không ao ước: mỗi ngày tự chế ngự được nhiều tính xấu hơn, tự tăng tiến được nhiều tính tốt hơn. Chính cố gắng để ngày một tốt hơn là cách tự thắng tích cực hơn cả, vì nó làm mới, làm đẹp, làm tiến bộ con người.

Tự thắng những gì là hư, xấu trong con người của mình, nhất định sự nghiệp của mỗi chúng ta sẽ bớt đi một số trở ngại, khó khăn do chính chúng ta tạo ra.

3. Khiêm cung:

Tức khiêm nhường, cung kính với người trên, hay người cao tuổi hơn mình. Ðức tính khiêm cung sẽ làm chúng ta mỗi ngày được nhiều người cảm mến hơn.

* Khiêm nhường: Tránh huyênh hoang, tự đắc, khoe khoang với mọi người, đừng bao giờ tỏ vẻ ta đây hơn người, đừng bao giờ chứng tỏ ta tài cán hơn người, rồi tự mình làm nổi bật và phê bình, chê bai chỉ trích để dìm người khác xuống. Nếu biết khiêm nhường, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự thì ta sẽ làm cho mọi người có cảm tình với ta hơn và dễ dàng thành công trong cuộc sống.

* Cung Kính: Đối với người lớn tuổi hơn ta, lúc nào ta cũng phải lễ phép và kính trọng, ta có tôn trọng người, thì người sẽ tôn trọng ta. Sự lễ phép còn gây cho ta một tác phong đạc đức của người võ sĩ đạo, khiến người đối diện có cảm tình với ta hơn.

4. Ðộ lượng:

Tức đức độ, rộng lượng với người dưới, hay người nhỏ tuổi hơn mình.

Ðức tính độ lượng sẽ làm cho chúng ta mỗi ngày thêm gần thân với lớp người trẻ hơn. Chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm hơn với người dưới và nhỏ tuổi hơn ta, khi ta thành thật chia sẻ tình cảm và những thắc mắc của họ trong đời sống, bằng lòng độ lượng. Ðó cũng là một trong những bí quyết thành công.

Tóm lại, khi đối xử với mình và với người, Việt Võ Ðạo Sinh phải luôn luôn nhớ tới 4 đức tính đã được đúc kết thành đoạn đầu của điều tâm niệm thứ 10: "Tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng".

Tu dưỡng được 4 đức tính tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng rồi, Việt Võ Ðạo Sinh khả dĩ mang được "đạo" vào "đời", hay nói khác đi, đã có thể hành xử được sứ vụ Việt Võ Ðạo trong sinh hoạt thường nhật qua những các xử kỷ tiếp vật.

Tuy nhiên đường đi còn dài, trong công cuộc tu dưỡng 10 điều tâm niệm trên, sẽ có lúc cá tính chúng ta như một con ngựa bất kham, không chịu đi đúng đường, chúng ta gặp sai lầm. Rồi sau đó, chúng ta mang mặc cảm tội lỗi, thiếu tin tưởng ngay chính với bản thân. Cũng như một người đi đôi giầy mới trên con đường bùn lầy, mới đầu còn gượng nhẹ, sau giẫm cả đôi giầy xuống bùn vì nghĩ rằng: "đằng nào cũng đã bẩn rồi".

Tinh thần ấy, chẳng những không phù hợp, mà còn phản bội cả tinh thần Việt Võ Ðạo, phá tan tất cả nhũng gì tốt đẹp nhất mà mỗi chúng ta đã dầy công tu dưỡng và xây dựng nên. Chúng ta phải còn can đảm nhìn lại bước đường đã qua để tự tu tỉnh. Lỗi lầm nào trong quá khứ cũng có thể tha thứ được, nếu hiện tại của chúng ta trong sạch và cao thượng. Chúng ta, cũng không nhìn lại bước đường đã qua bằng cặp mắt kiêu ngạo, tự đắc, tự mãn, hoặc than vãn, thương tiếc, mà nhìn lại với mục đích: "luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ".

Ðó chính là điều kiện căn bản để thực hiện cuộc cách mạng tâm thân, được coi như một công trình tư dưỡng không ngừng của mỗi Việt Võ Ðạo Sinh, để diệt trừ những cái xấu, tệ, tiêu cực, hầu phát huy không ngừng những cái tốt, hay, đẹp về cả 2 phương diện tinh thần và vật chất.

Vì vậy, khuyến điều chót của Việt Võ Ðạo Sinh chính là phần cuối điều tâm niệm thứ mười: "luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ".

Việt Võ Đạo Sinh nhìn lại bước đường đã qua, bằng thái độ luôn luôn tự kiểm những ưu khuyết điểm, hầu rút ra các bài học kinh nghiệm để tiến bộ, chứ không phải nhìn lại những bước đã qua bằng đôi mắt kiêu ngạo, tự đắc, tự mãn trước thành công hoặc than vãn, trách móc trước những thất bại, đổ vỡ…

Tựu trung, đường hướng xử kỷ, đối nhân và phản tỉnh của Việt Võ Ðạo Sinh đúc kết trong điều tâm niệm thứ 10:

- Việt Võ Ðạo Sinh phải tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.

*****

"Theo tư liệu Môn phái".



| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào
Ý KIẾN CỦA BẠN  
  Hãy đăng nhập để thảo luận
  Tin cùng loại cũ hơn
Ngày hội các CLB FPT Greenwich HCM - Orientation of Greenwich University Clubs.
FPT GREENWICH HCM THI HỌC KỲ SUMMER PART 1 - 2022 - EXAMEN DE LA 1ème PÉRIODE D'ÉTÉ EN 2022.
Trong giờ học Vovinam FPT Greenwich TPHCM - Vovinam FPT University of Greenwich HCM in a lesson 20/4/2022.
FPT GREENWICH HCM THI HỌC KỲ SPRING PART 2 - 2022 - EXAMEN DE LA 2ème PÉRIODE DE PRINTEMPS EN 2022.
FPT GREENWICH HCM THI HỌC KỲ SPRING PART 1 - 2022 - EXAMEN DE LA 1ème PÉRIODE DE PRINTEMPS EN 2022.
VOVINAM FPT GREENWICH HCM KẾT THÚC KHÓA HỌC ONLINE - HỌC KỲ FALL PART 2 - 2021 (VOVINAM FPT GREENWICH HCM TERMINÉ LES COURS EN LIGNE TRISMETRE D'AUTOMNE, PART 2 - 2021).
VOVINAM FPT GREENWICH HCM KẾT THÚC KHÓA HỌC ONLINE - HỌC KỲ FALL PART 1 - 2021 ( (VOVINAM FPT GREENWICH HCM TERMINÉ LES COURS EN LIGNE TRISMETRE D'AUTOMNE, PART 1 - 2021).
VOVINAM FPT GREENWICH HCM KẾT THÚC KHÓA HỌC ONLINE HỌC KỲ SUMMER PART 2 - 2021 (VOVINAM FPT GREENWICH HCM TERMINÉ LES COURS EN LIGNE TRISMETRE D'ÉTÉ, PART 2 - 2021).
VOVINAM FPT GREENWICH HCM KẾT THÚC KHÓA HỌC ONLINE HỌC KỲ SUMMER PART 1 - 2021 (VOVINAM FPT GREENWICH HCM TERMINE LES COURS EN LIGNE TRISMETRE D'ÉTÉ, PART 1 - 2021).
FPT GREENWICH HCM THI HỌC KỲ SPRING PART 2 - 2021 - EXAMEN DE LA 2ème PÉRIODE DE PRINTEMPS EN 2021.

VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO

Câu Lạc Bộ Nhà Tập Luyện TDTT Phú Thọ

Địa chỉ : 219 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11, TP.HCM

 Tel : 0913.833.760 -Không biết ngượng- Email BBT : vvnphutho@gmail.com

Website: www.vovinam.divivu.com Hoặc: http://vovinam.phutho.vn