"Một cá nhân chẳng là gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực của những tài năng chung quanh, cho dù trong số đó không có ai phi thường nhưng nếu cùng chung sức chung lòng theo đuổi một mục đích thì sẽ thành công..."-"Nếu phô trương mà không làm thì không được việc, nhưng nếu làm mà không có phô trương để gây thanh thế thì không có thế mà làm"-"Phải sống hòa đồng với mọi người, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác, vì người dở nhất cũng có điểm hay, người hay nhất vẫn có điểm sai, trăm điều ghi cũng có một điều sót..."-"Vovinam luôn trung thành với mục tiêu của mình là phục vụ xã hội, đào tạo những con người tốt về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi con người đã có ý thức luôn tự hoàn thiện tất yếu sẽ tránh được những thói hư tật xấu, những sa ngã trong cuộc sống. Xã hội có nhiều con người tốt cũng sẽ tốt, cũng như khi có nhiều điểm sáng thì bóng tối sẽ tự tiêu tan. Bước vào thế kỷ 21, với mong muốn góp phần xây dựng một nền võ đạo chung cho nhân loại, Vovinam sẽ tiến từ Việt Võ Đạo tới Nhân Võ Đạo. Đây là một lý tưởng hoàn toàn mang tinh thần phục vụ, cống hiến cho nhân loại, một nhân tố hòa hợp, gắn bó bằng tâm thức yêu thương, hào hiệp chứ không phải sự chinh phục, áp đặt, đồng hóa. Chân giá trị của "Võ đạo" là tính chất nhân bản: do con người, vì con người, phát triển và phục vụ con người...Vovinam như một biển lớn thu nạp được tất cả mọi mạch nguồn từ các nơi đổ về, bất kể phẩm chất và số lượng của mạch nguồn đó ra sao, sau đó chuyển hóa thành nước biển trong sạch. Trích "Hồi ký Chưởng Môn Lê Sáng".
**********
1. Ý NGHĨA DANH XƯNG "VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO":
- Vovinam là tên gọi "Tây ngữ hóa hay Quốc tế hóa", viết tắt từ 3 chữ “Võ Việt Nam”, do Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912 – 1960) sáng tạo năm 1936, nhằm để phân biệt các võ phái khác ở Việt Nam và để cho người ngoại quốc dễ đọc dễ nhớ.
- Về nội dung Vovinam gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật), Võ đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo).
- Việt Võ Thuật là gốc rễ - cội nguồn (gợi nhớ công ơn khai sáng của Sáng tổ Nguyễn Lộc), còn Việt Võ Đạo là hoa trái của Việt Võ Thuật sau quá trình mấy chục năm phát triển (gợi nhớ công ơn to lớn của Chưởng môn Lê Sáng, cùng quý thầy tiền bối).
- Vì vậy có thể gọi Vovinam hay Việt Võ Đạo đều được. Đầy đủ hơn là Vovinam - Việt Võ Đạo. Hiện tại cách gọi Vovinam là phổ biến nhất.
2. Ý NGHĨA LỐI NGHIÊM LỄ "BÀN TAY THÉP ĐẶT LÊN TRÁI TIM TỪ ÁI":
Các môn đệ thân mến !
Hôm nay, chúng ta đề cập tới ý nghĩa lối nghiêm lễ của Vovinam Việt Võ Đạo. “Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái” được dùng để mở đầu cho mọi sinh hoạt giao tiếp trong các dịp gặp mặt, trước các buổi lễ, trước và sau khi biểu diễn hay giao đấu…
Bàn tay biểu tượng cho sức mạnh là bàn tay thép. Trái tim biểu trưng cho tình thương là trái tim từ ái. Bàn tay thép, do công phu luyện tập mà thành, trái tim từ ái do thấm nhuần tinh thần võ đạo mà có.
Khi đặt tay lên tim nghiêm lễ, người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo luôn phải nhớ rằng: chỉ được dùng võ khi đã đặt vào đó một tình thương, tức là bàn tay thép phải đi đôi với trái tim từ ái; đức dũng phải đi đôi với lòng nhân; võ thuật phải song hành với võ đạo. Người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo chỉ dùng võ để cảnh cáo, cảm hóa, khuyến dụ người chứ không dùng võ để trừng phạt, trả thù người, chớ không với tính cách thuần võ thuật, tàn bạo, áp bức người phải tuân hành ý mình.
Theo “Thư số 2 - Chưởng Môn Lê Sáng”.
* Ngoài ra, khi đặt tay lên tim còn phải nghĩ rằng: chúng ta cùng chung sống trong cộng đồng nhân loại, cùng có trái tim và dòng máu đỏ như nhau; cần yêu thương, che chở, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau; cần luôn khích lệ nhau làm việc lợi ích cho Gia đình, Tổ quốc và Nhân loại.
Bàn tay thép cũng là biểu tượng cho đức dũng, và trái tim từ ái còn là biểu tượng của lòng nhân. Đức dũng phải có lòng nhân đi kèm. Dũng và Nhân cần phải có Trí phối kiểm, điều hòa mới sáng suốt để biểu lộ đúng chỗ, đúng lúc. Người học võ muốn có đầy đủ những đức tính trên phải rèn luyện, học tập và hàm dưỡng về cả Tâm – Trí – Thể, về cả Võ thuật lẫn Võ đạo mới không xuẩn động trong hành xử. Để rồi hoặc là tàn bạo, độc ác hoặc là nhu nhược, yếu hèn; đó là những thói tật cản trở sự thành công và mất đi lòng người tâm phục.
Chưởng môn Lê Sáng trong tư thế "Nghiêm lễ" tại Tổ đường Môn phái.
3. Ý NGHĨA CÁC MÀU ĐAI:
* Hiện tại, các màu đai có ý nghĩa như sau:
- Xanh trỏ Âm tố: Tượng trưng cho màu hy vọng và biển cả. Với ý nghĩa "Võ thuật bao la như biển cả", người võ sinh đang nuôi hy vọng tiến sâu vào ngành võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
- Vàng: Tượng trưng cho màu da chủng tộc, màu của vinh quang hiển hách, màu Vương đạo của Á Đông. Với ý nghĩa, võ thuật đã ngấm vào da, người võ sinh đang nuôi hy vọng tiến sâu vào ngành võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
- Đỏ trỏ Dương tố: Tượng Trưng cho màu máu, màu của lửa sống hào hùng kiên quyết. Với ý nghĩa, võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào huyết quản, đang lưu thông trong thân thể người môn sinh.
- Trắng trỏ Đạo thể: Tượng trưng cho màu xương, màu của tinh khiết, thanh cao, huyền nhiệm không hình, không sắc điển trưng cho Xương Tủy. Với ý nghĩa, võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào xương tủy, biến căn cốt con người thâm viễn tuyệt vời, biểu trưng cho tinh hoa môn phái.
* Trong một số giai đoạn lịch sử, màu đai từng có ý nghĩa như sau:
- Xanh: Ban đầu là "màu hy vọng" như hiện nay.
- Χ Đen: Màu của nước, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã chuyển thành bản thể. Ban đầu không có màu đen cho đai. Nhưng từ khi Vovinam chính thức ra với quốc tế, nên các võ sư đã thống nhất cho thêm màu đai đen để có một cấp bậc tương đương với đẳng cấp quốc tế. Nghĩa là môn sinh mang đai đen Vovinam sẽ tương đương đẳng cấp với các môn sinh đai đen của các võ phái khác đã được quốc tế hóa (như đai đen của Karatedo, Taekwondo..). Đến năm 2012, đai đen được thay thế bởi đai vàng trơn do Hội đồng Chưởng quản quyết định đưa màu đai vàng truyền thống trở lại để thay đai đen cho cấp này, trong bối cảnh Vovinam đã phát triển rộng khắp và màu đai truyền thống của Vovinam không còn là điều xa lạ đối với bạn bè 5 châu.
- Vàng: Ban đầu là màu của da, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã bao trùm thân thể cho người môn sinh, bảo vệ vững chắc cho người môn sinh. Khi xưa, Vovinam chỉ dạy cho ngườiViệt, chưa du nhập ra quốc tế, nên màu vàng biểu thị cho màu da của người Việt, là người da vàng. Đến khi Vovinam trở nên quốc tế hóa với các môn sinh da vàng, da trắng, da đen đến từ khắp nơi trên toàn thế giới, có một thời gian ý nghĩa màu đai vàng đã sửa thành "màu của đất". Đến ngày nay thì sửa thành "màu của Vương đạo Á Đông" như trên.
- Đỏ : Ban đầu là màu của máu như hiện nay. Có một thời gian sửa thành màu của lửa, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã bốc cao như lửa.
- Trắng: Ban đầu là màu của xương như hiện nay. Có một thời gian sửa thành màu của sự thanh khiết, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã trở nên cao độ, chân tịnh, thiêng liêng nhất. Màu đai này chỉ dành cho Chưởng Môn môn phái.
4. TIỂU SỬ SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC (1912 – 1960):
- "Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời, nhưng ta đã được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THỰC NGƯỜI. Nhưng ta đã vượt khởi lên trên những tối tâm, tội lỗi của NGƯỜI CHẲNG NGƯỜI. Bao đớn đau tan hồn, nát xác người đã gieo ở ta, ta đã gặt hái những bông hoa cao đẹp nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ" - DI NGÔN CỦA CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC (từ một đêm mưa gió bão bùng của núi rừng Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Yên - Bắc Việt).
- "Venu dans une vie de larmes, j'ai perdu le rire à cause de la vie, mais je suis retourné à l'âme immaculée, généreuse de l'homme, en homme vrai. J'ai surmonté, au-delà de l'obscur, du péché de l'homme, mais non pas l'homme. L'homme a semé en moi toute douleur, âme fondue, corps écrasés, j'ai récolté les plus belles fleurs dans l'amour et la tolérance infinie". Les dernières paroles du Grand Maître Fondateur NGUYỄN LỘC (lors d'une nuit de pluie orageuse pluvieuse sur les forets et montagnes de Tam Ðảo, à la province de Vĩnh Yên - Nord du Vietnam) - Traduction par Lê Văn Hùng.
* http://vovinam.phutho.vn/GIOI-THIEU/2433454/105838/Nguyen-Loc-Nguoi-Startup-tai-ba-Ky-niem-61-nam-ngay-mat-cua-Nguoi-Nguyen-Loc-un-talentueux-createur-A-loccassion-de-61-ans-de-sa-mort-04-04-1960-04-04-2021-Lunnaire.html
5. TIỂU SỬ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (1920 – 2010):
* http://vovinam.phutho.vn/GIOI-THIEU/2433454/105754/Chuong-mon-Le-Sang-Nguoi-ke-nghiep-xuat-sac-cua-Sang-to-Nguyen-Loc-Matre-Patriarche-Le-Sang-Le-brillant-successeur-du-Grand-Matre-Fondateur-Nguyen-Loc.html